“Tại sao?”.
Ông Bí thư không hiểu, hỏi tôi.
Tôi nói với ông, sau khi chúng tôi vào phòng, tôi cố tình tỏ ra kiêu căng không nói gì, thật ra đấy là phép thử tâm lí. Có thể anh ta không biết, thấy tôi không nói gì, ra vẻ khinh người, trên mặt anh ta luôn nở nụ cười ân cần nhưng nhạt nhẽo, rất thận trọng với tôi, thấy tôi định hút thuốc, anh vội đứng dậy đánh diêm, còn chủ động pha trà. Tôi nghĩ, anh này thích hợp với việc săn sóc người khác, không thích hợp với công việc giải mã lặng lẽ. Androv nói, phá khóa mật mã là làm bạn với người chết. Cho nên, khỏi cần nghe lời nói, xem sắc mặt, càng không cần anh cẩn thận chăm chút, mà cần anh lắng nghe nhịp tim người chết.
Đúng vậy, phá khóa mật mã tức là nghe nhịp tim người chết.
Người chết làm gì còn nhịp tim? Đấy là chuyện ngược đời, bản thân việc phá khóa mật mã cũng là chuyện ngược đời lớn. Tại sao công việc phá khóa mật mã lại là nghề tàn bạo và hoang đường nhất thế giới? Là bởi trong tình huống bình thường, mọi mật mã đều có thời gian bảo hiểm nhất định, không thể phá nổi, không phá nổi là chuyện bình thường, phá nổi mới là chuyện không bình thường. Thiên cơ bất khả phá, nhưng nghề của anh lại là phá, cho nên số phận của anh tàn khốc đến khó tin. Điều này ý nói, những người phá khóa mật mã của chúng ta phải chuẩn bị tốt tâm lí, tuyệt đối trầm lắng - trầm lắng tuyệt đối trước sự tàn khốc không thể tin nổi. Nếu phải đối diện với sự cố tình ngạo mạn, anh bị lạc hướng, quên mất thân phận mình, chỉ chăm chăm lấy lòng người khác, đón ý người khác, thì nội tâm những người như vậy nhu nhược biết chừng nào, tôi làm sao nhìn thấy tương lai sáng sủa? Phải biết rằng, chúng tôi cần chút nguyên bản ánh sáng giống như sợi tơ nhện, hơn nữa trong gió bão, chúng tôi phải im lặng như người chết, không kinh hãi bối rối, dù thế nào cũng không hoang mang, như vậy ngày lại ngày, đêm lại đêm mới có thể may mắn “vô tình bắt gặp”.
Tất nhiên, kĩ thuật mật mã chính là một bộ môn của khoa học toán học, năng lực toán học giỏi và sâu sắc là tất yếu nhưng tố chất tâm lí tốt lại rất quan trọng, hai cái đó giống như đôi cánh, thiếu cái nào cũng không được. Theo một ý nghĩa nào đó, tôi không dám khẳng định mình phán đoán chuẩn xác trình độ toán học của họ cao hay thấp, khoa học và hợp lí, hay hạn hẹp và ngang ngược. Nhưng tôi dám khẳng định trực giác của mình không sai về tố chất tâm lí của họ. Ít nhất cũng không phải là chuyện xấu. Cho nên, tôi cố chấp theo cách của mình để chọn người, trước tiên từ mười hai người chọn ra sáu, sau đấy thi viết.
Nội dung thi viết tôi lấy ra từ tài liệu của Hải Ba, là hai đề toán cao cấp diễn biến từ hai bộ mật mã trung cấp đã được giải mã, tất nhiên chúng không phải là mật mã, nhưng có thể phản ánh tài năng toán học gần với mật mã của một người. Trước mắt, đấy là phương thức hữu hiệu duy nhất để tôi chọn người. Tôi quyết định lấy ra một đề để làm bài thi, thời gian làm bài là hai tiếng rưỡi, hình thức làm bài tự do, có thể tham khảo sách vở, nhưng tuyệt đối độc lập làm bài. Để tỏ rõ thành ý của mình, bữa trưa của những người tham gia thi và giám khảo do tôi cung cấp với tiêu chuẩn hai đồng mỗi suất, ngoài ra còn bồi dưỡng cho mỗi thí sinh và giám khảo ba đồng. Tôi trao cho ông Bí thư một trăm đồng để đến cửa hàng lương thực thực phẩm mua mười cân gạo và mười cân thịt lợn. Tôi phát hiện ông Bí thư ngạc nhiên nhìn tập tiền dày cộp và hai tờ phiếu lương thực, thực phẩm thật giả khó phân biệt. Vào những năm ấy, chuyện ăn uống của bất cứ ai đều có vấn đề.
Kỉ luật thi rất nghiêm, kết quả rất khá, trong đó có một người nổi bật, đáng tiếc hai người được ông Bí thư giới thiệu đều nộp giấy trắng. Buổi chiều, tôi báo tên ba người còn lại với ông Bí thư, yêu cầu được gặp họ. Ông Bí thư bố trí để tôi gặp họ ngay trong văn phòng của ông, tôi đưa cho họ một đề khác, yêu cầu họ tiếp tục làm bài độc lập. Lần này tôi cố tình không chú ý coi thi, mục đích là để thử đạo đức của họ, trong điều kiện không có gì gò bó liệu họ có tuân thủ kỉ luật thi hay không. Khỏi phải nói, nếu bình thường, tôi sẽ chọn một trong số ba người này. Tôi có cảm giác rõ ràng, ông Bí thư có phần thất vọng vì kết quả tuyển chọn của tôi, có thể vì mấy người ông giới thiệu tôi không chọn được ai. Nhưng không có cách nào khác, rau tươi hoặc củ cải mỗi người một ý, tôi chọn món ăn theo khẩu vị, giống như buổi tối ông chiêu đãi tôi, ông mời tôi uống rượu nhưng tôi đều từ chối.
Đi công tác một giọt rượu cũng không uống, đó là thói quen từ nhiều năm nay của tôi.
Gọi là mở tiệc nhưng chẳng qua chỉ là thêm mấy người cùng tôi ăn cơm, tất cả đều là lãnh đạo trong Viện. Nhiều người, nhiều chuyện, bữa ăn kéo dài vô ích. Ăn xong, chúng tôi ra khỏi nhà ăn, đi qua sảnh lớn, bỗng tôi chú ý, trong phòng khách có mấy người ngồi ở sofa, trong đó có một phụ nữ nhìn tôi chằm chằm, cái nhìn mạnh dạn và nồng nhiệt, giống như người phụ nữ trong văn chương. Cô này chừng 30 tuổi, có thể hơn, tô son đỏ chót, mặc cái áo kiểu Lê-nin kẻ đen trắng, tóc buộc khăn tay trắng, trông giống kiểu Tây, mốt và sắc thái giống những nhân vật nữ điệp viên trên màn ảnh. Tôi thoáng thấy cô ta cười với tôi, tôi không dám tin đấy là sự thật, thà đó là ảo giác còn hơn. Nhưng dù là ảo giác, nhưng tôi cũng cảm thấy người nóng bừng như lửa đốt, không dám nhìn cô ta.
Chuyện khó tin bắt đầu từ đây. Một lúc sau, tôi chia tay với ông Bí thư và những người khác, lúc quay về, thấy cô gái kia đứng trước cửa phòng tôi, nhìn tôi, trên khuôn mặt vẫn là nụ cười quyến rũ vừa rồi. Bỗng tôi không biết thực hư thế nào, để che đậy lúng túng, tôi nói, pha chút trách cứ:
“Cô đang làm gì ở đây?”.
Cô ta nói ngay: “Em tìm anh”. Giọng nói và nụ cười đều rất ngọt ngào.
“Tìm tôi có việc gì?”. Tôi hỏi.
“Anh đang tuyển người, em đến tìm hiểu, có được không?”. Cô ta rất thẳng thắn.
“Cô đang làm việc gì?”. Tôi hỏi.
Cô nghiêng đầu, rất ngây thơ: “Anh đoán xem?”.
Tôi trả lời rất thô bạo: “Tôi không đoán”.
Cô ta hơi bối rối, nhưng rất nhanh chóng nở nụ cười, nói: “Xem ra anh hay cáu kỉnh đấy nhỉ, cứ như em là phần tử Quốc Dân Đảng còn sót lại vậy”. Cô ta cười ha hả, nói tiếp: “Em không phải gián điệp Quốc Dân Đảng đâu, em là một trí thức yêu nước, từ Mĩ về trả ơn các giáo sư trong nước, Thủ tướng Chu Ân Lại đã có lần tiếp em”.
Tôi nghe mà, cứ ngẩn ra, chẳng còn biết ra sao.
Cô vỗ vai tôi, rất cởi mở yêu cầu: “Mở cửa, mời em vào phòng đi!”.
Tay tôi đã cho vào túi lấy chìa khóa, nhưng rồi buông xuống, tự hỏi, mình chưa biết gì về cô ta, mạo muội mời vào phòng liệu có thích hợp không? Đáp án là phủ nhận. Tôi mời cô xuống phòng khách ở sảnh lớn. Hình như cô không muốn để tôi tiếp ở phòng khách, lúc đi xuống, cô đưa tôi sang nhà chuyên gia, bảo ở bên ấy có quán cà phê dành cho khách nước ngoài.
Tôi nói: “Tôi không phải là khách nước ngoài”.
Cô điềm nhiên trả lời: “Chúng ta giả làm khách nước ngoài”. Rồi cứ thế xổ ra một tràng tiếng nước ngoài, không biết tiếng nước nào.
Tôi đang do dự thì cô lấy ra một tờ mười đồng, nói: “Tiểu thư mời tiên sinh, liệu có từ chối nữa không?”.
Tôi nghĩ bụng, người này hình như không chân thật, giống như nhân vật trong tiểu thuyết, nói năng thao thao bất tuyệt, gây phiền cho người khác. Cuối cùng tôi cũng đi với cô ta. Dọc đường, tôi tự nhủ, con người cô này có cái gì đó như thật như ảo, tốt nhất tránh xa, có cơ hội thì rút lui. Chừng như cô ta thấy rõ suy nghĩ của tôi cô nói với tôi như động viên, an ủi:
“Đừng nhìn tôi bằng con mắt già nua cũ kĩ như vậy, nhìn như vậy anh sẽ thấy tôi như một quái vật, thật ra tôi không quái, chỉ là cá biệt thôi. Ở đây họ đều giống nhau, trăm người như một, chỉ có tôi là không giống ai, cho nên cũng đáng để anh làm quen chứ”.
Trong bóng tối, tôi cảm thấy giọng nói của cô ta hình như cố tình làm điệu, thỉnh thoảng kèm vài tiếng nước ngoài, khiến tôi nổi da gà. Tôi nghi hoặc, đây là nhân vật nào?