Tôi đã nghĩ, nếu chuyện chỉ có vậy, tấm giấy thông hành đặc biệt này có thể giúp tôi xoay chuyển tình thế. Nhưng cái đồ chết tiệt ấy có thêm cái đuôi “La Tam Nhĩ”, tất nhiên lúc ấy lại được nhắc đến. Nợ mới cộng nợ cũ, tuyệt vọng nghĩ mình không còn có ngày ngóc nổi đầu, vậy là ông ta nhằm lúc vắng người, nhảy từ tầng ba nhà giam ra ngoài.
Coi như ông ta tốt số, không chết. Nhưng cũng gần như chết. Tôi đến bệnh viện thăm ông, thấy một người chỉ còn cái miệng là hoạt động được, còn nửa cơ thể đã tàn phế, chân gãy nát, đại tiện, tiểu tiện không còn tự chủ, chắc hẳn thần kinh cột sống bị tổn thương.
Tôi ngồi bên giường bệnh ông ta nửa tiếng đồng hồ, nói với ông hai việc: Thứ nhất, tôi bảo, lẽ ra tôi thay đổi số phận của ông, nhưng bây giờ thì không thể, vì ông bị thương quá nặng, không có cách nào làm việc cho chúng tôi, ít nhất trong thời gian này; thứ hai, tôi hỏi ông, trong số những người ông quen hoặc biết, có ai có cái lỗ tai cực thính như ông không?
Ông chỉ lặng lẽ nghe tôi nói, nằm bất động, không nói gì, như người chết. Cho đến khi tôi chào ông chuẩn bị ra về, bỗng ông gọi “Thủ trưởng”, rồi nói với tôi thế này:
“Qua bên kia sông Hoàng Phố, đến nhà máy lọc dầu, ở đấy có một nhánh của sông Hoàng Phố, đi xuôi theo nhánh sông ấy chừng năm dặm, có một làng gọi là Lục Gia Yến, ở đấy có người anh cần”. Tôi hỏi người ấy tên gì, là nam hay nữ? Ông nói, nam, tên gì ông không biết, rồi ông giải thích: “Điều ấy không cần thiết, anh cứ hỏi bất cứ ai trong làng, họ đều biết anh ta”.