Cũng không phải chết trong phòng bệnh mà chết trong nhà vệ sinh.
Về sau tôi xem xét cái nhà vệ sinh ấy, trong đó có hai bồn cầu, dùng ván ngăn đôi, cửa hai chiều, có thể kéo ra hoặc đẩy vào. Nhưng một bên đã tạm dừng sử dụng, trên cửa dán một tờ giấy ghi rõ: “Tắc cống, cấm sử dụng”. Nghe nói, bên này là xí bệt, đành riêng cho bệnh nhân, còn bên kia là bồn xổm bình thường. Lại nghe nói, cánh cửa của hai ngăn vệ sinh đã hỏng từ lâu, cửa chỉ mở chứ không thể đóng, nhưng không ai ngó ngàng sửa chữa, hơn một tháng trước, vì cấp trên thông báo sẽ đi kiểm tra mới có người đến thay bản lề cửa. Bây giờ thì cửa mở ra đóng vào đều đã ổn, nhưng vì cái bản lề còn mới, khi kéo cửa ra, để bước vào, tay không giữ cửa, thể nào cửa cũng tự động khép lại, đập vào mông, khiến người vào giật mình đánh thót.
Nơi tôi nói đây không phải là bệnh viện 701, mà là bệnh viện Nhân dân huyện. Bệnh viện 701 không có khoa sản, những bệnh phụ khoa hoặc sinh nở đều phải lên bệnh viện của huyện. Bởi vậy, cơ quan chúng tôi có quan hệ hữu hảo với bệnh viện này, mục đích là để hân viên của chúng tôi được ưu tiên. Hôm ấy Y Y lên bệnh viện huyện để nạo thai, cơ quan bố trí một người có quan hệ tốt với bệnh viện cùng đi với Y Y, cho nên mọi sự ưu đãi không cần phải nói, đến là có người đón, ưu tiên dùng phòng tiểu phẫu tốt nhất, bác sĩ có kinh nghiệm, nên mọi việc rất thành công. Xử lý xong, họ còn bố trí cô nằm phòng riêng, pha nước đường cho cô uống. Tất cả những điều đó không thì có gì đáng phàn nàn. Có thể trước khi cô đi, Thượng đế cố tình để cô hưởng chút tốt đẹp của trần gian.
Nghỉ được chừng mười lăm phút, cô không còn đau bụng, người cũng đã cảm thấy khỏe. Lúc ấy khoảng 11 giờ, Y Y thấy đã muộn, bảo Quốc Khánh thu xếp đồ dùng, chuẩn bị ra về, còn cô đi vệ sinh. Cô đi, hồi lâu không thấy quay về, mọi người lấy làm lạ vội chạy đi tìm thì thấy cô nửa nằm nửa ngồi trong nhà vệ sinh, hôn mê bất tỉnh. Lúc đầu họ cho rằng chỉ là hôn mê bình thường, nhưng mạch mỗi lúc một yếu, có thể thấy đây không phải hôn mê bình thường. Sự thật thì đến lúc ấy không còn cứu chữa được nữa.
Cô bị xuất huyết não!
Lúc ngã, cô đập đầu vào khớp nối ống nước ở góc tường phía sau, dẫn đến xuất huyết não.
Bác sĩ nói, chấn thương này chỉ trừ các bệnh viện lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, có bác sĩ kịp thời mổ sọ não thì mới có thể cứu nổi, còn ở đây người và thiết bị đều không có. Mọi người nhìn sắc mặt Y Y mỗi lúc một tím tái, mạch yếu dần, toàn thân bất động, mỗi lúc một lạnh... Ai cũng nghĩ đến biện pháp sơ cứu tạm thời nhằm ngăn chặn tình trạng đó, tay chân bối rối, nhưng rồi cũng không thể làm gì hơn. Đấy là bệnh của bệnh viện lớn, người ở đây dù có chẩn đoán chính xác cũng không thể làm gì được. Sự thật thì, vết thương gây chảy máu sọ não về sau cũng mới xác định. Chuyện cũng thật lạ, vết thương gây chết người nhưng phía sau đầu Y Y vẫn nguyên vẹn, sọ không bị vỡ, chỉ xây xước tí chút, bị bầm máu, hơn nữa tóc lại che khuất, không chú ý cũng khó phát hiện. Vết thương khiến mọi người phải suy nghĩ, phải chăng da đầu Y Y được bọc bằng thép, nhưng não làm bằng đậu phụ.
Một thiên sứ có những cống hiến to lớn cho việc phá khóa mật mã của 701 đã đi xa chúng tôi!
Cái chết của Y Y khiến tôi bàng hoàng, đau khổ, tiếc nuối. Tôi nhiều lần suy nghĩ, nếu cái chết của cô là do sai lầm của ai đó, dù thế nào đi nữa, nhất định tôi sẽ xé người ấy ra thành từng mảnh, giẫm đạp cho máu thịt nát nhừ. Nhưng dường như không có người nào cả. Sự thật thì sáng hôm ấy những người đã gặp cô, chào hỏi nói chuyện với cô, tất cả đều rất ân cần, họ coi cô như một vị thủ trưởng lớn, rất nhiệt tình chu đáo, cẩn thận làm thủ thuật, sau khi xảy ra tai nạn cũng cấp cứu kịp thời, còn sự bất lực về mặt kĩ thuật cấp cứu cũng khó có thể trách ai. Nếu muốn tìm một người để oán trách chỉ có thể là lãnh đạo bệnh viện, trách họ không kịp thời sửa chữa nhà vệ sinh. Cứ thử nghĩ xem tại sao Y Y lại ngất trong nhà vệ sinh? Vì trước đây cô vẫn thường bị ngất lại vừa nạo thai, người rất yếu, ngồi xổm là một thử thách đối với cô, lúc đứng dậy, chóng mặt choáng váng, người ngã vật ra. Chuyện là vậy, không thể sai nổi.
Cái chết của Y Y đã để lại khó khăn và sức ép không thể tưởng tượng nổi đối với công việc phá khóa mật mã. Từ ngày công khai quan hệ với Quốc Khánh, mọi người thích gọi cô là Thiên sứ, nhưng sau lưng thường gọi là Thiên sứ có vấn đề. Nói thật, trong công việc phá khóa mật mã, cô không có vấn đề gì, đúng là thiên sứ, một thiên sứ rất hiểu bí mật của mật mã. Theo tôi, nếu so tất cả những người đã tham gia phá khóa mật mã của 701 thì không ai bằng Y Y. Đấy là tôi nói về năng lực, năng lực và tài phá khóa mật mã. Còn về cống hiến, sau này có người còn hơn cô. Cô là người mới vào nghề trong một thời gian rất ngắn, hơn hai năm, chưa đầy ba năm. Nhưng từ một góc độ nào đó, cống hiến của cô là to lớn nhất, bởi sự xuất hiện của cô, biểu hiện thần kì của cô đã để lại dấu ấn rực rỡ, khiến những người phá khóa mật mã sau đấy của 701 đều không dám tự cao tự đại, không dám làm qua quít, chỉ biết nghiến răng lại mà vật lộn với công việc. Cô như một chùm sáng thần bí, mạnh mẽ, loé sáng rồi vụt tắt, nhưng để lại trong đầu óc, trong câu giai thoại, trong kí ức mọi người những chuyện sống động, lan truyền rộng rãi, trở thành ngọn cờ đầu, cổ vũ người đi sau phấn đấu đi sâu vào tận cùng đen tối.
Phá khóa mật mã đúng là cuộc vật lộn trong đêm tối, là nghe nhịp tim trên xác chết.
Người chết không thể sống lại. Nhưng cái chết của Y Y khiến hôn nhân của Quốc Khánh với vợ trước của anh sống lại. Nói đến đây, thù hận của tôi cũng sống lại, tôi không muốn nói nhiều đến hai người này, nhất là vợ Quốc Khánh, một kẻ chẳng ra gì! Cái đồ trời đánh! Tôi cứ muốn xé nát chị ta ra từng mảnh!
Nói với anh, chính chị ta đã đẩy Y Y đến chỗ chết!
Tôi không muốn nói về chị ta, chỉ muốn để chuyện nói lại với anh, sự thật là thế này. Vì lúc ấy không ai nghĩ cái chết của Y Y lại có hung thủ, mọi người cho rằng đấy là một sự vô tình, không ai nghĩ phải làm một cuộc điều tra. Vậy là cái đồ đàn bà trời đánh thánh vật kia lại nhẹ nhàng thoát tội, sống hạnh phúc với cuộc đời gương vỡ lại lành. Chuyện là thế này. Trước đấy một năm - lại một năm - đến mùa thu năm thứ ba, không biết vì duyên cớ gì, trong khu tập thể lan truyền tin đồn nghe mà rợn người, họ bảo Y Y bị vợ Quốc Khánh giết chết, có người nói chị ta lợi dụng công việc của mình, lén tiêm cho Y Y một mũi thuốc độc, có người nói chị ta nấp trong nhà vệ sinh và dùng băng y tế thắt cổ Y Y, cũng có người nói chị ta dùng gậy gỗ đánh chết Y Y. Tóm lại, có đến dăm bảy cách hành hung li kì cổ quái, nghe thật rắc rối và buồn cười. Tôi có nghe những chuyện ấy và cho rằng đó chỉ là chuyện vớ vẩn, vì quan hệ giữa vợ Quốc Khánh và Y Y không ai không biết, rồi chuyện chị ta căm thù Y Y thì ai cũng có thể thấy, thật ra chỉ là mọi người mượn cơ sự rồi bịa chuyện.
Nhưng chiều hôm ấy, Quốc Khánh gặp tôi trong hành lang, thần sắc hốt hoảng giống như gặp ma, khiến tôi nghi ngờ có chuyện gì đó. Về sau tôi bảo Chánh văn phòng gọi Quốc Khánh đến, gọi đến làm gì, thật ra tôi cũng chưa chuẩn bị. Không ngờ, Quốc Khánh vừa bước vào đã khóc rưng rức, trông thật đáng thương.
“Anh Thiên, anh bắt nó đi, chính nó đã làm hại Y Y”.
Về sau, tôi thẩm vấn mụ đàn bà trời đánh - vợ của Quốc Khánh - mới biết, hôm ấy Y Y vào nhà vệ sinh, chị ta đang ngồi trong đó, nghe thấy có người vào liền chủ động đánh tiếng, bên ngoài Y Y cũng lên tiếng. Hai người tuy đã gặp nhau, coi như biết nhau, nhưng không quen tiếng, nhất là chỉ đánh tiếng lại càng không thể phân biệt đấy là ai. Có thể hình dung, nếu lúc ấy Y Y nhận ra chị ta, cô nhất định sẽ bỏ đi. Bỏ đi có nghĩa là tránh được tai họa. Nhưng đấy chỉ là giả thiết, sự thật Y Y không bỏ đi, hai người gặp nhau trong lối đi hẹp... Nghe thấy tiếng mụ đàn bà chó má, lúc ấy chị ta đi xong và ra ngoài, thấy Y Y, trong bụng bỗng nảy ý độc ác, chửi thề một câu. Y Y không chửi lại, chỉ nói chị ăn nói sạch sẽ một chút, rồi cô vào nhà vệ sinh, rõ ràng cô không muốn cãi nhau. Nhưng chị ta vẫn chưa thôi, đứng chặn cửa, tiếp tục nói những lời khó nghe.
Hai người, khách quan mà nói, Y Y là người gây nên sự tan vỡ, chị ta là người bị hại, trong lòng tức giận gặp nhau chửi vài câu cũng có thể hiểu được, cho nên Y Y hết sức kiềm chế không cãi lại, làm ra vẻ bất cần, thậm chí nhắm mắt, mặc cho chị ta nói năng lảm nhảm coi như không nghe thấy. Người bị chửi không nghe, chửi cũng chẳng ích gì, cho nên chị ta định bỏ đi. Cái mụ đàn bà chó chết ấy nói, định cho Y Y vài cái tát, nhưng nghĩ lại không dám, làm như thế đâm to chuyện. Chị ta cũng định bỏ đi, nhưng lúc ra cái cửa hai chiều bật mạnh làm chị ta nghĩ, có thể nhờ cánh cửa này để trả thù Y Y cho hả lòng hả dạ. Vậy là chị ta cố tình kéo cánh cửa mở thật rộng, sau đấy buông tay, cánh cửa bật mạnh. Lúc ấy Y Y đang nhắm mắt nên không kịp tránh, bị cánh cửa đập vào người, cô mất thăng bằng, ngã ra phía sau, đầu đập đúng vào khớp nối ống nước lồi lên, cô kêu thất thanh, ngã vật ra đất...
Cái đồ chó má làm Y Y ngã, cảm thấy đắc thắng, rất hả hê, đâu biết Y Y bị chị ta đẩy vào cõi chết, sinh mệnh bay nhanh về nơi tận cùng đêm tối. Đồng thời, chị ta cũng rơi xuống vực, có điều trong lúc rơi xuống, may mắn vướng vào một cành cây, sống thêm được ba năm. Vì vậy, chị ta phải trả giá bằng cái chết không nhắm mắt, Quốc Khánh bị liên luỵ phải vào tù, đứa con trở thành không cha không mẹ, không nơi nương tựa.
Mọi người đều nói, nếu chị ta không sống thêm ba năm, lúc xảy ra án mạng ra tự thú thì sẽ không bị kết án tử hình, Quốc Khánh càng không bị liên luỵ, và như vậy con chị ta còn có bố chăm sóc, nhưng đấy chỉ là giả thiết, sự thật thì chị ta sống thêm ba năm, sự việc xảy ra rồi, trong con mắt mọi người, Quốc Khánh không ra người cũng không ra ma, tuy có thể loại trừ mối nghi ngờ anh ta là người gây nên tai họa, nhưng không thể loại trừ mối nghi ngờ anh ta bao che cho hung thủ. Điều ấy cũng đủ để anh ta nếm trải mùi vị sau song sắt. Quốc Khánh là kẻ đáng thương.
Khách quan mà nói, vợ anh ta cũng là kẻ đáng thương, nhưng tôi không có cách nào để thương hại cho chị ta.