Không ngờ Nhị Hồ khịt mũi, ra vẻ xem thường, nói: “Có thể chờ cho mọi người ngủ rồi mới đi”.
Tôi hỏi: “Đi đâu? Cô ấy đi đâu?”.
Nhị Hồ nói: “Sang Trung tâm huấn luyện”.
Tôi nói: “Sang Trung tâm huấn luyện làm gì?”.
Nhị Hồ nói: “Anh không biết à?”.
Tôi hỏi có chuyện gì, Nhị Hồ nói có chuyện với cậu Vương, Chủ nhiệm trung tâm. Tôi hỏi hai người có chuyện gì, Nhị Hồ định nói nhưng rồi thôi.
Tôi nói: “Có chuyện gì, nói xem nào”.
Nhị Hồ nói: “Chưa ai nói với anh à?”.
Tôi nói: “Có người nói tôi còn hỏi anh làm gì”.
Nhị Hồ nói: “Vậy anh đi hỏi người khác, tôi không tiện nói”.
Tôi bực lên: “Tôi đang hỏi anh, anh không nói thì ai nói”.
Nhị Hồ nói: “Còn chuyện gì nữa, hay lắm!” Ngừng lại giây lát, anh nói tiếp: “Nghe người ta nói, tối nào cô ta cũng sang Trung tâm huấn luyện, đến sáng mới về”.
Từ Cục Giải mã sang Trung tâm huấn luyện phải qua hai quả đồi, đi đường cái cũng phải bảy, tám dặm, đi tắt cũng phải bốn, năm dặm, đi chừng một tiếng đồng hồ. Theo quy định, người của Cục Giải mã có thể ra vào Trung tâm huấn luyện nhưng người của Trung tâm huấn luyện không được ra vào Cục Giải mã. Tức là, hai người có muốn làm chuyện gì cũng chỉ có thể Y Y đến tìm anh kia. Nhưng tôi vẫn không tin, một đằng cậu Vương đã có vợ con, cậu ta không dám; thứ hai, Y Y lại trẻ đẹp, làm gì có chuyện mê cậu ta?
Khẩu thiệt vô bằng, phỏng đoán không có căn cứ, phải bắt tận tay, tốt nhất gọi cậu Vương đến hỏi thẳng.
Vương tuy là cán bộ cấp phòng, là cấp dưới, tôi tuy danh nghĩa là Phó thủ trưởng đơn vị, trên thực tế cũng là cấp dưới, không quản lí việc trong cơ quan. Nếu muốn hỏi cậu Vương phải là bà La, Thủ trưởng đơn vị. Bà La nghe tôi nói còn kinh ngạc hơn cả tôi, lập tức gọi điện mời cậu Vương lên văn phòng. Không ngờ, cái đồ thối tha ấy vừa nghe bà La hỏi, không quanh co chối cãi, hai năm rõ mười nhận ngay lập tức.
Đúng là hai người có chuyện với nhau, chuyện xảy ra trong thời gian tôi đi Liên Xô. Cái cậu Vương ấy thật táo bạo, dám chơi gái! Mà không phải là những cô gái bình thường, đây lại là bảo bối do tôi đưa về, dám làm chuyện động trời. Bà La tức giận lắm, không bằng lòng với việc của cậu ta, ngay hôm ấy triệu tập cuộc họp lãnh đạo, bàn cách xử lí vấn đề. Bà báo cáo ngay sự việc lên Tổng cục, Tổng cục yêu cầu lãnh đạo đơn vị có ý kiến xử lí trước, sau đấy báo cáo lên. Thái độ của bà La rất nghiêm khắc, nghiêm khắc và hành động ngay, không giải thích, không nể nang. “Thật là không còn trời đất gì nữa, một người đã có gia đình, một cán bộ quản lí có gần hai mươi năm tuổi Đảng, vậy mà dám làm chuyện hủ hóa trụy lạc, quả là không xem ai ra gì!”. Bà La rất phẫn nộ.
Ông Chung, Phó thủ trưởng phụ trách hành chính, hỏi Chủ nhiệm chính trị, những trường hợp tương tự trước đây xử lí thế nào? Bà La nói: “Trước kia mặc kệ trước kia, khuyết điểm của anh này rất nghiêm trọng, không phải là trộm gà bắt chó, mà là ăn trộm một báu vật, là một đồng chí chuyên gia làm việc lớn cho tổ chức, tính chất rất nghiêm trọng, xử lí không tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực thi nhiệm vụ của chúng ta”.
Ông Chung nói: “Vậy thì ‘ba khai’, khai trừ chức vụ, khai trừ Đảng tịch, khai trừ công tác, cho về nhà”.
Nhị Hồ nói: “Như thế nặng quá, để cho cậu ta con đường sau cùng”.
Bà La hỏi con đường sau cùng nào? Nhị Hồ nói để lại công chức cho cậu ta. Lúc đầu bà La không đồng ý, nhưng rồi cũng nhượng bộ, không đuổi việc, đưa đi chăn lợn ở nông trường Linh Sơn phía bên kia núi. Bà hỏi ý kiến tôi, tôi đồng ý, nhưng đề nghị chỉ xử lí cậu Vương chứ đừng lôi Y Y vào cuộc. Nhị Hồ lập tức phụ họa: “Đúng, phải giữ danh dự cho cô ấy, nếu không sẽ ảnh hưởng đến công việc chung”.
Bà La cũng đồng ý, chỉ thị cho Chủ nhiệm chính trị làm văn bản, kí ngay và gửi lên Tổng cục, tranh thủ sớm có quyết định để cậu Vương kia sớm cút khỏi đây, đi về nông trường.
Quyết định kỉ luật rất nhanh chóng được phê chuẩn, văn bản có tiêu đề chữ đỏ đưa xuống các phòng. Lời lẽ trong văn bản rất mơ hồ, chỉ nói cậu Vương “phẩm chất đạo đức không lành mạnh, ảnh hưởng xấu”, còn không nói gì cụ thể.
Y Y không hiểu, ngay buổi sáng có văn bản kỉ luật cô chạy sang phòng làm việc của tôi, hỏi: “Tại sao lại kỉ luật cậu Vương như thế?”. Tôi chưa biết phải giải thích cho sự bực tức của cô thế nào thì bất ngờ cô tìm đến, lại còn làm ra vẻ, khiến tôi bực mình, quát to: “Cô còn mặt mũi nào đến tìm tôi nữa!”.
Y Y nói: “Em làm sao?”.
Tôi mắng: “Cô tự biết lấy!”.
Y Y nói: “Em không biết!”. Giọng cô còn cao hơn tôi. “Trên văn bản không nói rõ anh ấy tại sao bị kỉ luật, chỉ nói đạo đức phẩm chất xấu, ảnh hưởng xấu đến công việc chung, như thế là thế nào? Em không biết, nếu là chuyện em với anh ấy, thì em nói thẳng, chuyện ấy không liên quan gì đến anh ấy, là em cần anh ấy, nếu kỉ luật thì kỉ luật em đây này, đừng có kỉ luật anh ấy”.
Tôi nói: “Cô nghĩ rằng chúng tôi nghe lời cô đấy à?”.
Y Y nói: “Không phải nghe lời em, mà nghe sự thật, kỉ luật ai đó phải căn cứ vào sự thật, sự thật là thế!”.
Tôi nói: “Sự thật là chúng tôi mất hai hổ chín bò để đưa được cô về đây, đưa cô về không phải để gây chuyện mà để mong cô gánh vác công việc, tạo lập sự nghiệp”.
Y Y bĩu môi: “Em đã nói với anh rồi, em là người xấu...”
Tôi mắng: “Cô là con ngốc à? Anh ta đã có vợ, cô đến với anh ta có ích lợi gì?”.
Y Y cười nhạt: “Ích lợi gì à? Ích lợi của đàn ông”.
Tôi nói: “Thiếu gì đàn ông, chả nhẽ cô không tìm được ai khác?”.
Y Y hỏi lại: “Chả nhẽ em không tìm à? Em tìm anh, anh đâu có cần em?”.
Tôi bực mình, không nói được gì, chỉ hét lên, đuổi cô về.
Y Y cúi đầu: “Đấy là việc riêng của em, nhưng... đó là sự thật, em... không chối...”.
Tôi nói: “Cô không chấp nhận không được”.
Mặt cô rất khó coi, nhưng vẫn nói khẽ: “Em cảm thấy các anh... không nên kỉ luật anh ấy”.
Tôi hỏi: “Tại sao?”.
Y Y nói: “Quá đáng”.
Tôi cười nhạt: “Hừm? Cô còn định bao che cho anh ta, xem ra cô đã yêu mê mệt anh ta mất rồi!”.
Y Y im lặng hồi lâu, nói: “Em biết, bây giờ em nói gì cũng không có tác dụng, anh sẽ không tin, nhưng, anh xem em như bạn có được không? Em xin anh, đừng kỉ luật anh ấy”.
Tôi cười: “Để hai người lại tiếp tục à?”.
Y Y nói: “Không, nếu vì thế mà xin anh, chẳng hóa ra làm trò cười sao?”.
Tôi nói: “Cô không thấy mình đang làm trò cười à?”.
Y Y nói: “Em muốn cầu xin để được yên lòng. Em biết lời lẽ bản kỉ luật của các anh mơ hồ là để bảo vệ em, nhưng như vậy lòng em không yên chút nào, em trở thành người gây ra tôi lỗi mà không dám nhận, lại còn ung dung thoát tội, điều ấy em không chịu nổi”.
Tôi nói dứt khoát: “Không chịu nổi cũng phải chịu, anh ta phải bị kỉ luật”.
“Nhưng...”.
“Không nhưng gì hết, chuyện này không nói nữa, cô có thể đi được rồi”.
Y Y uể oải không chịu đi, cứ ngồi trơ ra, bỗng bất ngờ kêu lên: “Anh Thiên, em hận anh!”.
Tôi nói: “Tôi biết, cô muốn tôi cứu người trong cô, nhưng tôi không đồng ý. Tôi thà cứu một con chó còn hơn cứu một kẻ như vậy, anh ta không đáng là chó, không đáng là lợn!”.
Cô nhìn tôi hồi lâu, bỗng bật khóc, vừa khóc vừa rủa tôi: “Anh là đồ vô lương tâm, không dám đối mặt cả với người mà anh thích... Toàn là chuyện anh gây nên... anh là kẻ gây nên tội lỗi, làm hại em bây giờ người không ra người, ma không ra ma... Em hận anh, anh Thiên!”.
Tôi đứng bật dậy, quát to: “Đủ rồi đấy!”.
Y Y run lên. Tôi dịu giọng: “Cô về đi!”.
Đi được vài bước, cô đứng lại, lau nước mắt, hỏi tôi: “Anh có biết bây giờ anh ấy ở đâu không?”.
“Còn muốn đi thăm à?”.
“Anh ấy cứ vậy bỏ đi, chắc giận em lắm”.
“Còn mong anh ta yêu cô nữa hay sao?”.
Mặt cô tái nhợt, cười đau khổ: “Hừm, yêu... yêu ở đâu... yêu trở thành hận... em không muốn người khác thấy em là con người không tình nghĩa... Anh ấy đi, chắc chắn sẽ nghĩ em... bán rẻ anh ấy. Xin anh cho em biết, anh ấy đang ở đâu?”.
Tôi rất bực mình: “Anh ta đang ở chỗ anh ta cần ở!”. Tôi quay đi, không nói với cô ta nữa. Cô vẫn đứng ngây ra, nhìn tôi giận dữ, mắt đẫm lệ, bỏ đi.
Y Y đi rồi, cậu Phí đưa cho tôi một lá thư, bảo thư của Vương lúc bị dẫn đến nông trường nhờ cậu Viên, trưởng phòng Bảo vệ chuyển cho tôi. Nghe nói thư của Vương, lòng tôi bỗng nhói đau, vội xua tay bảo cậu Phí đi ra, tôi bóc thư. Anh đoán xem, cậu ta viết gì? Thư của cậu ta thế này:
Anh Thiên, tôi biết anh rất căm giận tôi, vì tôi đã đụng vào người phụ nữ của anh. Nhưng anh có biết không? Tôi càng căm giận anh hơn, vì tôi chỉ thay anh làm đồ chơi cho cô ấy; vì tôi phải trả giá cho việc đã yêu một người phụ nữ mà lẽ ra không nên yêu; còn anh, cuối cùng anh cũng phải trả giá vì không yêu một người phụ nữ mà anh nên yêu!
Tôi tức giận, nghiến răng xé vụn bức thư, vứt vào sọt rác.
Tôi mong chuyện của cậu Vương đến đây là kết thúc, những gì cần nói tôi đã nói, lại còn đã nói rất gay gắt, cũng nghĩ Y Y sẽ không đến tìm tôi để cầu xin cho Vương, nhưng không ngờ cô vẫn chưa chịu thôi, cô giở ngón sở trường, bỏ việc để ép tôi.
Tối hôm ấy tôi vừa về đến nhà, cô ta đã gõ cửa và đứng nghiêm chỉnh, lên tiếng: “Anh Thiên, mở cửa, em không đến nói chuyện yêu đương với anh đâu, chỉ bàn công chuyện thôi”. Tôi mở cửa. Cô vào, không nhìn quanh, cứ vậy ngồi phịch xuống sofa. Tôi thấy cô vừa khóc xong, tâm trạng đang rất kích động, có vẻ bùng nổ bất cứ lúc nào. Tôi có gắng làm dịu tình hình, nói: “Tôi lấy cho cô cốc nước”.
Y Y lạnh lùng: “Khỏi cần. Anh ngồi xuống đây, em nói với anh vài việc, nói xong em sẽ đi ngay”.
Tôi ngồi xuống nghe cô nói. Việc thứ nhất, cô nói, cho dù cô ta làm điều gì sai trái cũng mong tôi tha thứ; thứ hai, cô mong chúng tôi xét lại, kỉ luật cậu Vương nhẹ thôi, đừng nặng tay như thế, đừng đưa cậu ta đi nông trường lao động. Cô giải thích: “Sở dĩ em có yêu cầu như vậy không phải là vì yêu anh ấy, mà cảm thấy các anh kỉ luật anh ấy như thế là không công bằng, coi như anh ấy chịu tội thay em, điều này em không đành lòng. Em không muốn mắc nợ tình cảm của ai, càng không muốn để mọi người coi em là con người bạc tình bạc nghĩa”.
Tôi nói: “Không thể được, đã quyết định kỉ luật và thông báo cho mọi người biết rồi”.
Y Y nói: “Tội nhân lên đoạn đầu đài rồi vẫn còn có thể xoay chuyển cơ mà”.
Tôi nói: “Chỉ trừ cô, không ai đồng tình với chuyện anh ta làm, kể cả tôi”.
Y Y nhìn tôi, bỗng hạ giọng: “Nếu anh còn mong em phá khóa mật mã Quang phục, thì em cũng mong các anh tôn trọng ý kiến của em, hãy cho anh ấy một cơ hội”.
Tôi hỏi: “Có phải cô nói, nếu không nghe theo cô, cô sẽ không tham gia phá khóa mật mã?”.
Y Y nói: “Em không phá nổi”.
Tôi bực tức đứng dậy, chỉ thẳng vào mặt cô, nghiêm giọng trách cứ: “Cô Y Y, cô đừng chơi trò chữ nghĩa với tôi, tôi có thể nói thật cho cô biết, xử lí kỉ luật cậu Vương là vì chuyện của cô. Sở dĩ không xử lí cô là xét đến việc cô tham gia phá khóa mật mãQuang phục, nếu vì thế mà cô không làm, cũng được, ngày mai tôi gọi điện cho ông Thiết, để Tổng cục gửi thêm một văn bản kỉ luật giống như thế, chỉ cần đổi tên thành Hoàng Y Y, sau đấy đưa cô đi chăn lợn với anh ta”. Tôi càng nói càng điên tiết, tức giận vò nát văn bản ném vào mặt Y Y. “Cô là ai, một thời gian dài chưa làm được việc gì mà đòi làm cha người khác. Tôi chưa từng gặp ai như cô, cô cút đi!”.
Cô ta vẫn không đi, cũng không nhận lỗi, chỉ ngồi im lặng. Tôi bỏ ra ngoài đi một vòng rồi quay lại, cô vẫn không đi, thậm chí tư thế ngồi vẫn y nguyên. Tôi vẫn chưa nguôi giận, thấy cô ta, lại lên giọng mắng mỏ: “Bảo cô cút đi mà vẫn còn ngồi đấy à? Định ăn vạ hay sao?”.
Bỗng hai hàng nước mắt của cô ta rơi xuống, nhưng giọng nói không có gì là đang khóc, rất bình thường: “Thật ra là em sai, là em... chủ động, anh hãy nói với tổ chức đừng có kỉ luật anh ấy, em van anh!”.
Nhìn hai hàng nước mắt của cô lăn xuống, cơn tức giận của tôi bắt đầu lui, khẽ hỏi: “Cô định cứu anh ta thật à?”.
Y Y gật đầu: “Anh ấy không có lỗi”.
Tôi nói: “Lúc này nói không có lỗi cũng đã muộn, nếu muốn cứu anh ấy chỉ còn có cách”.
Y Y hỏi ngay: “Cách nào?”.
Tôi chơi trò đánh đố: “Còn xem cô thế nào đã”.
Y Y rất thông minh, lập tức giải đáp ngay câu đố của tôi: “Xem em có thể phá được khóa mật mã Quang phục hay không à?”.
Tôi nói: “Đúng vậy, chỉ cần trong một thời gian ngắn có thể phá được khóa mật mã Quang phục, cô sẽ là anh hùng nổi tiếng, sau đấy cô muốn anh ta thế nào cũng được, điều ấy thì tôi có thể bảo đảm”.
Y Y hỏi: “Một thời gian ngắn là bao lâu?”.
Tôi nói: “Cố gắng càng nhanh càng tốt”.
Y Y nói: “Một năm được không?”.
Tôi nói: “Được!”.
Y Y nói dứt khoát với tôi: “Được, anh hãy nhớ lời mình, cho em một năm”.
Nói xong, cô hiên ngang bỏ đi.
_________________