Từ vùng mỏ ô nhiễm, Tiểu Hồ và Cụ Cố Tổ bắt chuyến tàu đêm sang thành phố lân cận rồi hướng về miền đông Bắc Thần quốc bằng phi thuyền, sau lại tiếp tục đi tàu. Tất cả chỉ mất nửa ngày. Nhưng nửa ngày là không đủ cho Tiểu Hồ thích nghi thời tiết lạnh ẩm ở miền đông bắc, trong khi làn da của cô gái mới quen cái bức bối ngột ngạt của Tây Vực Châu. Và lúc nàng đang tỉnh táo để chuẩn bị một chuyến hành trình dài thì miền đông bắc nước này đang say ngủ. Lệch múi giờ thực sự là vấn đề. Cụ Cố Tổ chẳng coi mấy thứ đó vào đâu. Sáng ngụm rượu nhỏ, chiều ngụm rượu to, khỏi cần ăn uống là lão già lăn ra ngáy, thời tiết hay lệch múi giờ cứ thế trôi vào tiếng khò khò. Tiểu Hồ để ý từ ngày khởi hành, cụ cố hiếm khi đụng vào thức ăn, chẳng rõ vì kén chọn hay không cần. Dù sao người già cũng gần tương tự lũ mèo.
Trì Chú thành – thành phố nơi hai người đặt chân tới có lối sinh hoạt kiểu bà già: đêm xuống là tắt đèn đi ngủ và cáu kỉnh nếu bị làm phiền. Như bà cô soát vé sân ga là ví dụ. Bà cô mập ù, ngáp ngắn ngáp dài vì làm ca đêm, đặc biệt khó chịu khi Tiểu Hồ xuất hiện giữa buổi khuya khoắt. Các bà cô luôn ghét mấy nàng trẻ đẹp như Tiểu Hồ.
- Về khách sạn? Không biết, ra ngoài kia mà hỏi! – Bà soát vé gắt gỏng khi Tiểu Hồ hỏi có phi thuyền chở về khách sạn hay không – Bộ không đọc biển chỉ dẫn hả? Đây là trạm soát vé, không trả lời chuyện linh tinh! Người đâu vô ý thức! Chữ cũng không chịu đọc!
Sa sả một chặp, bà soát vé dòm dòm Tiểu Hồ lượt nữa, cặp mắt tô lông mày quá đà chăm chú đâu đó phía dưới rồi buông lời đủ cho cô gái nghe thấy. “Quân lố lăng mất nết!” – bà cô lầm bầm. Tiểu Hồ ngơ ngác, sau cảm giác như là ám chỉ chiếc quần bó của mình. “Vấn đề gì?” – Cô gái tự hỏi. Nàng chẳng tìm được thứ nào vừa tiện di chuyển vừa tiện chiến đấu như quần bó. Vả lại thứ quần này luôn xếp đầu bảng những trang phục khuyên dùng dành cho nữ chiến binh, ít nhất là trên dưới mười tạp chí uy tín bình chọn. Tiểu Hồ bất mãn, tủ đồ của nàng có thừa mọi thứ để nặn ra một đứa con gái mất nết lố lăng nhưng tuyệt đối không phải cái quần này. Bất chợt Cụ Cố Tổ vỗ vai nàng:
- Khỏi về khách sạn. Cứ nghỉ ở đây, đằng nào chúng ta cũng đi sớm. Đừng lằng nhằng với mấy mụ béo.
Cụ cố nói nghiêm túc, không đùa cợt, xem chừng đã gặp vô khối rắc rối với mấy mụ béo trong quãng đời dài đằng đẵng. Người già ít khi sai, Tiểu Hồ cũng thôi cự cãi. Cô gái bực bội co kéo, chỉnh nắn cái quần che đi mấy cái “lố lăng mất nết” vốn ngốn rất nhiều thời gian luyện tập, kiêng khem khổ sở – những thứ mà đám người thích ăn thả phanh như bà soát vé chẳng bao giờ hiểu. “Biết vậy mặc quần ngắn khoe đùi luôn!” – Cô nàng hậm hực.
Hai người tới khách sạn con nhộng cạnh phòng chờ, thử thách thân thể trong những căn phòng nhỏ xíu xếp chồng lên nhau và san sát như kho lưu trữ tử thi, đệm cứng ngắc còn chăn mỏng lạnh toát. Trừ phi kẹt tiền hoặc bản tính kẹt sỉ thì chẳng ai muốn lưu lại khách sạn con nhộng, và cũng chẳng nhà ga Bắc Thần nào muốn đầu tư cho một thứ ít lời lãi. Có lẽ Tiểu Hồ và cụ cố là những vị khách duy nhất đang lưu trú. “Tường không cách âm! Vui chưa?!” – Tiểu Hồ gục đầu chán nản. Nàng có thể nghe rõ ràng tiếng sột soạt, tiếng ho hắng khạc đờm, tiếng tu rượu ừng ực dỗ giấc ngủ từ phòng kế bên của Cụ Cố Tổ, trong khi đồng hồ sinh học chưa cho phép nàng chợp mắt.
Ngần đó vẫn chưa hết khó chịu. Cứ mươi mười phút, ánh đèn từ bên ngoài lại rọi vào nhà ga. Cửa phòng con nhộng không kín, tia sáng cứ thế luồn lách qua khe hở rồi mặc nhiên sục sạo. Tiểu Hồ bực dọc. Quyền riêng tư của nàng đang bị xâm hại. Nhưng kể cả khi nàng được phép bày tỏ điều này thì quân đội Bắc Thần quốc cũng chẳng quan tâm. Bắc Thần đang xung đột với Diệp quốc, quân đội tuần tra ngày đêm nhất là những vùng biên như Trì Chú thành. Bọn họ sẽ rọi đèn nữa, rọi mãi, rọi tới khi kẻ nào đấy phát điên, gây chuyện ngu ngốc để ăn trọn hàng tá đạn súng máy. Lúc ấy, kẻ chết mới được hưởng sự tử tế của Bắc Thần.
- Sao vậy, nhóc con? Hờ hờ hờ! – Cụ Cố Tổ nghe được Tiểu Hồ hục hặc liền cười mỉa – Ta tưởng mày kiên nhẫn lắm, sao giờ nhăn nhó suốt thế? Chẹp chẹp! Chiến tranh mà, thời nào cũng vậy, làm quen đi. Mặt trận thực sự không phải nơi ác liệt nhất mà nằm ở chỗ yên bình nhất. Mày không chịu đựng được ở đây thì tính vào rừng thế nào? Đừng đùa với rừng già Bắc Thần. Tin ta đi, nhóc con, Thôn Cơ đang ở đâu đó giữa vùng chiến sự, mày cần chuẩn bị tinh thần. Nghỉ ngơi và đừng xị mặt. Rượu không? Cho dễ ngủ?
Ông già gõ đáy chai vào tường ngăn dội tiếng “cộp cộp” khô khốc. Cụ cố không trêu tức mà nói sự thật. Từ lúc rời Tây Vực Châu, Tiểu Hồ luôn ở trạng thái khó ở và dễ bốc hỏa chỉ vì dăm ba thứ vụn vặt. Nhưng chiến tranh không phải nguyên nhân bởi lẽ cơ thể nàng còn nguyên mùi khói lửa Tuyệt Tưởng Thành, chút bất tiện ở đây chỉ là chuyện vặt. Cơ mà vặt vãnh sẽ trở thành vấn đề nếu cái tôi và sự hiếu thắng không được thỏa mãn – chuyện dễ thấy ở người trẻ như Tiểu Hồ.
- Mày vẫn cú chuyện cũ hả, nhãi con? – Cụ cố lên tiếng, lúc này đã vắt chân nằm khểnh – Thế giới phép thuật là vậy, không phải mấy thứ lãng mạn mà con người chúng bay tô vẽ. Chẹp chẹp! Lục Triều có quyết định của riêng mình, thằng nhóc đó cần làm điều tốt nhất để bảo vệ đền Mộc Thần. Lục Triều có thể đấu tay đôi với hàng nghìn chiến binh, nhưng không thể tay đôi với hàng triệu hoặc hàng chục triệu binh lính Bắc Thần. Tin không, nếu phải dùng một trăm cái cẩu để bốc ngôi đền khỏi lòng đất, người Bắc Thần sẽ lập tức điều động một vạn cái cẩu tới. Quy luật “gấp một trăm lần” của người Bắc Thần đó! Hờ hờ!
Tiểu Hồ cựa mình. Ngọn lửa của cái tôi và sự hiếu thắng bên trong nàng âm ỉ mấy ngày nay được thể cháy to, lưỡi nóng liếm vào lý trí. Thế giới có nghề cứu hỏa còn cụ cố hành nghề đốt nhà. Cô gái cất lời:
- Ngài nghĩ ông gác đền chấp nhận thỉnh cầu của Hiệp Dung không? Tiếp tay cho một gã vô đạo đức như thế?
- Đó là chuyện của thằng nhóc Lục Triều. Nó già khú đế rồi còn đợi người khác chỉ bảo đúng sai? Mà ta cũng đếch quan tâm. Sửa chữa A Sạ Kiếm cũng hay, mà cái đền bị móc lên thì càng vui. – Cụ cố vỗ đùi phanh phách – Mày không biết đâu, nhãi con, tác hại của sống lâu là buồn chán.
- Nhưng...
- Mày giết người bao giờ chưa? – Cụ Cố Tổ cắt ngang.
- Có. – Tiểu Hồ trả lời không do dự – Nhưng đây là vấn đề khác!
Cụ cố thở phì phì, lè nhè:
- Thế thì đừng nói chuyện đạo đức. Tay không sạch thì đừng nói chuyện vệ sinh.
Nói rồi cụ cố thở pho pho, chẳng mấy chốc đã ngáy phò phò. Tiểu Hồ tức điên, răng trên gặm môi dưới lằn lên những lốt đỏ. Cơ mà ánh đèn sục sạo thêm một lần nữa nhắc nhở nàng rằng cụ cố lại nói đúng. Tây Vực Châu đã lùi về phía sau, cách đây hàng ngàn dặm và thu mình trong màn khói bụi – nó không muốn cũng không cần Tiểu Hồ quan tâm, còn con đường vào rừng rậm lại ở ngay phía trước. Rừng núi chừa lối sống cho người cẩn trọng và ăn thịt kẻ lơ mơ đầu óc. Tuy biết là thế nhưng tâm trí Tiểu Hồ vẫn hãm trong khói mù. Khói của hiếu thắng, của cái tiếc nuối khi không tặng Hiệp Dung một quả đấm tối đa vận tốc, của nỗi bức xúc vì một tạo vật trái đạo đức có khả năng sắp tái sinh. Tiểu Hồ còn trẻ, nàng thích mọi chuyện rành mạch hoặc kết quả rõ ràng. Thế nên đoạn kết lửng lơ ở Tây Vực Châu làm nàng đứng ngồi không yên.
Phi thuyền quân đội di chuyển qua nơi khác, ánh đèn loa lóa bỏ đi không một lời xin lỗi, để lại Tiểu Hồ với căn phòng chật hẹp lạnh ngắt. Khó mà ngủ được khi cái lạnh bò lân rân dưới lưng, chưa tới nỗi bức xúc nhưng thừa nỗi khó chịu. Cái đệm đã trở thành hòn đá chứ không còn là chính nó – một thứ có thể nằm và ủ ấm. Cô gái liền trở dậy, ngón tay day day thái dương. Nàng cần tìm hoặc làm cái gì đó để giết thời gian. Đồng hồ sinh học không cho nàng ngủ và cũng chỉ có ma mới ngủ được khi ngay bên kia bức tường là Cụ Cố Tổ. “Khò, chẹp chẹp! Khò! Chẹp chẹp! Khò! Grừ! Khò” – Cụ cố vừa ngủ vừa nghiến răng.
Không để cái lưng thêm khổ, Tiểu Hồ rời phòng con nhộng rồi sang phòng chờ nhà ga, chọn cho mình một chỗ ngồi trên hàng ghế nhựa và trông ra sân ga qua một lớp cửa kính ám bụi. Nhà chờ không bóng người, Tiểu Hồ lọt thỏm giữa hàng ghế. Cô gái tìm ảnh phản chiếu của mình trên cửa kính nhưng chỉ thấy bụi bẩn đóng chạc. Đêm tối, đèn điện lại lờ mờ, con người không tìm được chân diện của mình. Tiểu Hồ chợt nhớ từ ngày đại thánh sứ Tây Minh qua đời, nàng chưa một lần tự ngắm mình trong gương. “Có xấu hơn không? Bị mọc mụn không? Lâu lắm rồi chưa kẻ mắt, cũng chẳng diện quần áo nữa!” – Cô gái thở dài.
Ngồi mãi mà chẳng buồn ngủ, Tiểu Hồ lục ba lô. Bàn tay nàng tìm được dăm món giết thời gian. Một quyển sổ dày ghi đủ những thứ về Bát Biến – món quà từ Lục Triều. Thừa biết cô gái lấn cấn không thôi chuyện về Hiệp Dung nên người gác đền tặng quyển sổ như một cách xoa dịu. Nhưng giờ Tiểu Hồ không có hứng với chữ nghĩa, bèn chuyển qua món khác. Bản đồ, điện thoại, máy chiếu ba chiều, cẩm nang địa lý... bất cứ cái gì cũng có thể kéo hoàng hôn đến nhanh hơn, nhưng không cái nào phù hợp với tâm trạng Tiểu Hồ. Khó mà kiếm được một thứ vừa làm dịu mát tâm trạng bốc hỏa vừa không khuấy tung không gian tĩnh lặng này.
Ngần ngừ mãi, nàng nhấc điện thoại gọi Liệt Trúc. Tính theo múi giờ bên Phi Thiên, Liệt Trúc vừa tan trường. Tiểu Hồ không chắc con bé sẽ nghe máy. Ngày nàng rời khỏi Phi Thiên thành, Liệt Trúc khá lạnh nhạt. Trẻ con muốn mọi thứ vận hành theo sự ích kỷ của chúng và không cần lời giải thích cho bất kỳ sự không thỏa mãn nào. Ở một khía cạnh nào đó, lũ trẻ là biểu trưng của sự ác độc mang tính loài người – chúng độc ác và ích kỷ ngay từ khi mới sinh ra. Nhưng Tiểu Hồ không nhọc công giải thích, nàng chỉ muốn gọi điện hỏi thăm con bé.
Mọi chuyện diễn ra như Tiểu Hồ nghĩ, đứa nhỏ không bắt máy. Nàng mường tượng cảnh con bé nằm trên giường và nhìn điện thoại nháy đèn liên hồi, nửa muốn trả lời nửa không sau lại úp mặt xuống gối cùng tai nghe nhạc. Liệt Trúc không muốn người lớn nghĩ rằng mình mềm yếu, hoặc đơn giản là nó quyết không chịu thua thi gan. Tiểu Hồ thở dài rồi cất lời:
- Đang làm gì thế, em gái? Ngủ hả? Ăn chưa? Đừng ăn nhiều trứng quá, nó sẽ làm em phát phì, khó tập luyện lắm. Ở trường thế nào? Học hành vẫn tốt chứ? Đừng lười biếng, chị vẫn theo dõi sổ điểm từ nhà trường đấy! Đừng chơi với bọn lêu lổng và tuyệt đối tránh xa những thứ mà chúng đưa cho em. Có lẽ em nghĩ chị lắm lời, nhưng... cứ tưởng tượng chúng đưa cho em chất kích thích, những thứ hủy hoại đám người thèm khát vị trí thánh sứ hoặc hộ vệ thánh sứ ở mỗi kỳ thi tuyển. Cha đã từng cho em thấy hậu quả những vụ đó, nên hãy cẩn trọng, Liệt Trúc. Còn gì nữa... à, hãy nghe lời Mộng Dụ, chị ấy rất tốt dù rằng có lúc hay quên đường hoặc đãng trí, chuyện bình thường ở mấy cô ngực to. Chúng ta, những cô gái ngực vừa sẽ chẳng bao giờ hiểu họ, nhỉ? Nhưng hãy nghe lời Mộng Dụ, cả ngài Bất Vọng nữa. Nghe lời người lớn là cái gì đó rất khó chịu, nhưng em phải biết nghe khi cần thiết. Vậy nhé... chị ở đây vẫn bình thường, không có gì nguy hiểm, chỉ như đi du lịch, đừng lo lắng cho chị. Vậy... khỏe nhé, Liệt Trúc, chúng ta là chị em, là gia đình, chúng ta không phải lũ nhện. Nhớ nhé?! Yêu em rất nhiều!
Tiểu Hồ tắt máy, lòng khấp khởi hy vọng những lời nhắn nhủ từ tâm can sẽ lay động Liệt Trúc. Nhưng chung quy con bé im lặng. Nó muốn thi gan và muốn là kẻ chiến thắng. Tiểu Hồ phải bỏ dở công việc, quay về Phi Thiên rồi vỗ về an ủi xin lỗi – đó là mục tiêu của con bé. Tiểu Hồ vừa bật cười vừa rối trí vì chẳng biết đối phó ra sao với đứa nhỏ. Nàng hung dữ và thừa cách đối phó người ngoài nhưng chẳng bao giờ nghĩ ra giải pháp với người thân thiết. Nàng yêu gia đình, đó là lý do.
Nhắc chuyện người thân, tâm trí Tiểu Hồ hiện lên nhiều người cùng đủ loại cảm xúc. Mơ hồ về người cha nuôi nghiêm khắc, tiếc nuối cho ngài đại thánh sứ, vui vẻ vì công chúa Lục Châu, sau cùng là nhớ nhung một gã trai. Dạo gần đây, nỗi nhớ chẳng ngày nào bỏ quên nàng. Nó ghé thăm thường xuyên và không dưới hai lần một ngày, mà luôn xuất hiện đột ngột hoặc theo cách ít ngờ tới. Vài ngọn lá bay bay, vài cơn gió thoảng, hoặc đơn giản là khi tâm trí đang rảnh rang thì nhắm mắt đưa chân theo một lối oằn tà vằn nào đó: chỉ như thế cũng khiến Tiểu Hồ nhung nhớ. Giờ này hắn làm gì? Ở đâu? Đang chạy trốn hay yên thân tại nơi bí mật? – Tiểu Hồ thắc mắc mãi cho tới khi đầu nàng gục xuống rồi thiu thiu ngủ. Trong giấc ngủ, nàng lại thấy vài hình ảnh ở đất thánh Hỗn Nguyên.
- Này, cô gái, muộn rồi, chúng ta có việc!
Cái vỗ vai cùng giọng nói làm Tiểu Hồ tỉnh giấc, nửa mê nửa tỉnh. Nàng nhớ mình vừa cùng Vô Phong sắm sửa vài đồ đạc, ăn uống ở một nhà hàng sang trọng rồi cười đùa trên những thảm cỏ nhân tạo chìa ra từ mái nhà cao tầng. Sau đấy vì quá mệt, Tiểu Hồ ngủ gục trên đùi tên tóc đỏ; có lẽ hắn đang gọi nàng để quay về. Nhưng đó chỉ là giấc mơ, mà giấc mơ luôn kết nối một cách hoàn hảo với thế giới thực. Quả là có người vỗ vai Tiểu Hồ cơ mà là một bàn tay khác, một người khác với vóc dáng cao lớn, gò má đầy tàn nhang cùng mái tóc vàng úa. Cô gái thọc tay vào túi áo định rút kiếm nhưng người đó xua tay:
- Bình tĩnh! Em quên tôi sao? Chúng ta từng gặp nhau ở Tây Vực “Chau”!
Nghe giọng nói lơ lớ, Tiểu Hồ ngờ ngợ, sau nói:
- Anh chàng người Băng Thổ! Tên... xin lỗi, tôi không nhớ tên anh... nhưng tại sao anh ở đây?
- Tôi tên Ly Đốc, người phục vụ Cụ Cố Tổ. Em vô tâm quá! – Gã nọ cười – Chuyến đi sắp tới chẳng tốt lành tí nào nên cụ cố gọi tôi trợ giúp. Năm giờ sáng rồi, tàu sắp đến, ta nên đi ngay.
Tiểu Hồ dụi mắt, tay xách ba lô tất tả chạy theo gã cao lớn người Băng Thổ. Nàng hỏi gấp:
- Tại sao cụ cố gọi anh? Chúng tôi đang có việc riêng, tại sao anh đến?
- Cụ cố yêu cầu thì tôi phải đáp ứng. – Ly Đốc nói – Tôi không biết hai người tìm kiếm cái gì trong rừng nhưng đó là khu vực chiến sự. Chẳng tốt lành tí nào! Bắc Thần và Diệp quốc đấu pháo nhau, lính đánh thuê tự do đi lại, bọn thổ phỉ cướp bóc mới nổi lên, lũ săn tiền thưởng, bọn thu thập tin tức... Chúng ta không cần quan tâm thú hoang vì bọn chúng chạy hết rồi, cả khu rừng chỉ toàn người là người thôi. Nhưng yên tâm, tôi đã lo liệu kha khá. Ít nhất là chúng ta sẽ an toàn nếu đám người – mà chúng ta lỡ chạm mặt – còn biết phải trái, tin vui là theo tôi điều tra, ở đó không có người rừng.
Gã người Băng Thổ cười tếu táo. Tiểu Hồ chẳng có lý do để nghi ngờ gã. Nếu không nhờ Ly Đốc, nàng và cụ cố chưa biết chừng nào mới rời khỏi Tây Vực Châu. Vả lại nàng cũng an tâm hơn khi được một Thập Kiếm hỗ trợ. Nàng từng gặp Tòa Mỗ – một thành viên Thập Kiếm, và dù rất ghét thói phô trương trịch thượng của ông ta nhưng nàng thừa nhận Thập Kiếm rất khác, hoàn toàn khác so với chiến binh thông thường.
- Nhân tiện, em đã nghe về thành viên mới của Thập Kiếm chưa? Chà, em sẽ bất ngờ đấy! – Ly Đốc tiếp lời – Chiến Tử, hộ vệ của công chúa Lục Châu đã gia nhập Thập Kiếm. Em cũng là hộ vệ của công chúa nên quen anh ta, đúng không? Chà, tôi rất muốn thử sức với anh chàng đó, em sắp xếp được không?
- Tôi không giúp được. – Tiểu Hồ trả lời – Chiến Tử không thách đấu, anh ta chiến đấu.
- Vậy chán nhỉ? – Ly Đốc vòng tay ôm đầu vẻ thất vọng – Em biết đấy, chúng ta là chiến binh mà, không thể ngồi yên một chỗ được! Chỉ những công việc khó, những chuyện thách thức mới làm chúng ta thấy mình có giá trị. Tưởng tượng một ngày kia, thế giới này hòa bình và chẳng cần chiến binh nữa xem? Chán chết!
- Anh thích chiến tranh?
- Một phần nào đó! – Ly Đốc cười – Con người nhớ những cuộc chiến tranh chứ chẳng quan tâm những phát minh. Mấy ai nhớ người thợ rèn kết hợp kiếm với máy móc? Mấy ai hay bác sĩ đầu tiên phẫu thuật cấy ghép bộ phận cơ sinh học? Và tôi dám cá không ai biết người phát minh kim loại co dãn khiến thế giới này thay đổi hoàn toàn...
- Người đó là Cùng Tháp, kỹ sư người Hảo Vọng quốc, một đất nước nằm tại cực nam lục địa Thượng Cổ. – Tiểu Hồ đáp lời – Bốn trăm năm trước, ông ấy phát minh kim loại co dãn, chính phủ sở tại trả ông ấy một thùng vàng. Cùng Tháp chết trong nợ nần túng thiếu, nhưng con cái ông ấy giờ là quý tộc.
Bộ mặt gã trai thừ ra như có vật nặng treo dưới cằm. Rõ ràng màn diễn thuyết của gã bị cắt ngang theo cách không dễ chịu, hệt một trang sách bị xé đúng vào đoạn quan trọng nhất. Nhưng giấy rách có thể dán. Ly Đốc vá víu lại bài diễn thuyết:
- Suy cho cùng là ít người để tâm chuyện như vậy! Nhưng em phải đồng ý với tôi rằng chúng ta biết chiến tranh nhiều hơn! Thời Đại Thủy Triều, Chiến Tranh Tài Nguyên, thời đại pháp sư du đãng, kỷ nguyên kiếm sĩ lang thang, Trận Sông Đỏ... đám con trẻ có thể kể vanh vách người ta chặt đầu nhau thế nào. Vậy tại sao một kiếm sĩ như tôi phải chán ghét chiến tranh? Tại sao phải chán ghét cái nơi mà mình được quyền chứng tỏ mình? Nếu không còn chiến đấu hay chiến tranh, người như tôi hay như em thất nghiệp mất!
- Đừng nghĩ ai cũng như anh! – Tiểu Hồ xẵng giọng – Anh là Thập Kiếm nhưng anh biết gì về chiến tranh?
- Ồ, ồ, tôi biết nhiều hơn em tưởng đấy! Bởi vì tôi là người Băng Thổ. Lịch sử phương bắc xây nên từ Biệt Liên Đại Đế, vó ngựa, sắt và máu. Em nghĩ tôi không biết?
- Tôi không quan tâm. Mà sao anh xưng “em” nhiều thế? – Tiểu Hồ hất hàm – Ai là “em” của anh? Chú ý ngôn ngữ!
- Vì tôi lớn tuổi hơn em... – Ly Đốc cúi người –...và vì em là cô bé nấm lùn. Vậy đủ chưa?
Gã nọ nhìn Tiểu Hồ bằng đôi mắt xanh lục đầy sự tự mãn. Nó không đáng ghét hay mang tính hăm dọa, chỉ là cái tự mãn của một gã đàn ông có năng lực và có tự tin vào điều mà mình đang nói. Ít nhất là nó không làm Tiểu Hồ khó chịu như lúc gặp tên đầu sói Hiệp Dung. Nhưng thấy Ly Đốc nhìn quá lâu, cô gái liền xua tay tỏ ý không muốn những suy nghĩ bên trong cái nhìn của gã trai biến đổi cả chất và lượng. Phụ nữ vốn nhạy cảm.
Hai người trở lại khách sạn con nhộng rồi lôi Cụ Cố Tổ sặc mùi rượu lên chuyến tàu điện tới vùng ngoại vi cách Trì Chú thành khoảng năm mươi cây số. Tàu vắng người, các toa hầu hết trống rỗng, khác hẳn cảnh tượng “gà qué quang quác, heo ụt ịt từ sáng đến trưa và người người cãi lộn giành chỗ ngồi” – Ly Đốc chia sẻ một ít trải nghiệm quá khứ với Tiểu Hồ rồi dài người tận hưởng sự rộng rãi. Có thể giải thích là mới năm giờ sáng nên ít người đi, nhưng thời gian không phải vấn đề, vấn đề là vùng ngoại vi cận kề khu vực chiến sự nên cấm dân thường. Chuyến tàu đi vùng ngoại vi giờ chẳng khác tàu chở ma.
Nhưng ma thì không có tiếng bước chân. Thi thoảng Tiểu Hồ thấy vài hành khách đi ngang qua chỗ mình, hoặc vừa mới lên hoặc chuẩn bị xuống bến. Họ đều vận quân phục, số khác khoác đồng phục quân đánh thuê, có người mặc thường phục chẳng rõ thuộc phe nào. Tất cả đều mang vũ khí, thậm chí chẳng ngại ngần phô trương điều đó. Những kẻ đi qua đều tò mò về nhóm Tiểu Hồ, họ không thấy sự ăn nhập nào giữa một cô gái phương tây, một gã to lớn phương bắc và một ông già khú đế đương ngáy khò khò. Tiểu Hồ đáp lại bằng ánh mắt chẳng mấy thân thiện. Ly Đốc cười:
- Ở đây ai cũng thích nhìn kẻ khác, kệ đi. Giờ chúng ta phải thay đổi một chút, cứ mặc mấy thứ này là bọn họ tự khắc bỏ qua... – Ly Đốc lôi ra những chiếc áo bọc trong túi ni-lông –...ngoài chiến trường nó cũng hữu dụng lắm. Nhưng đừng quá phụ thuộc. Em biết đấy, đạn có đầu nhưng không có mắt, kiếm có lưỡi nhưng không có tai.
Tiểu Hồ bóc túi ni-lông, trải ra một áo khoác mỏng màu trắng, bên vai thêu chữ thập đỏ cùng ba tòa thành không trung. Nó là đồng phục của đội hỗ trợ nhân đạo từ Đại Hội Đồng. Với đồng phục này, nhóm Tiểu Hồ có thể tự do đi lại giữa chiến trường, trừ phi gặp lũ thổ phỉ hay bọn mù văn hóa chẳng hiểu rằng đội hỗ trợ nhân đạo Đại Hội Đồng hưởng quyền bất khả xâm phạm. Tiểu Hồ không biết Ly Đốc đào thứ này từ đâu ra nhưng cũng không truy vấn. Cụ Cố Tổ hay đám phục vụ ông già luôn hiệu quả một cách kỳ quặc lẫn khó hiểu.
Qua bốn mươi phút, tàu cập bến vùng ngoại vi. Nơi đó là một vùng đất pha trộn giữa rừng xanh và những quả núi. Có điều người Bắc Thần lẫn dân bản địa không gọi “quả núi”, bản thân Tiểu Hồ cũng thấy chúng không giống thế. “Cột núi” xem chừng là cái tên thích hợp vì chúng vươn lên khỏi rừng, dựng đứng, vách trơn nhẵn, nằm san sát nhau tựa tường thành. Người ta kể rằng vào thời phi cơ giới, một vị hoàng đế Bắc Thần đã ra lệnh cải tạo khu vực, san phẳng mọi chướng ngại chắn hướng đông bắc rồi đẽo gọt toàn bộ núi đá, biến chúng thành một bức tường phòng thủ trải dài từ hướng đông nam mờ mịt lên tận mạn bắc mù sương, ước chừng hàng trăm cây số. Người ta cũng kể rằng khi vùng đất xa xôi phía đông bắc chưa có tên và còn chia năm xẻ bảy bởi những dòng họ hùng mạnh, họ – tổ tiên người Diệp quốc sau này – thường xuyên tấn công vào Bắc Thần quốc, ngay tại bức tường thành tự nhiên đó. Họ thất bại vô số, những lần vượt qua chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng mỗi lần như thế là chiến thắng kéo dài cả trăm năm, còn người Bắc Thần vất vả tìm lại độc lập. Không ai nhớ vị hoàng đế năm xưa đặt danh xưng gì bởi mọi tài liệu đã biến mất sau thời đại phi cơ giới, giờ người ta gọi tường thành là Thiên Lý Huyệt Thi.
- Dưới chân tường thành đầy xương người, cũng phải thôi, họ đánh nhau lâu mà! – Ly Đốc giải thích tên gọi tường thành cho Tiểu Hồ – Ngày xưa lấy đâu ra máy xúc? Nên cứ để quạ và thú hoang no căng bụng, đất sẽ nuốt những thứ còn lại. Em thấy đất đai xanh tốt chứ? Nhiều dinh dưỡng mà!
Lúc này nhóm Tiểu Hồ đã rời bến tàu và xếp hàng chờ thông quan. Tiểu Hồ nhóng mắt lên cao, thấy nhiều ngôi nhà mái cong nằm lẫn giữa cây cối trên con đường mòn ngoằn ngoèo quanh các cột núi. Thời hiện đại, Thiên Lý Huyệt Thi không còn giá trị quân sự nên người dân lập vài thị trấn nhỏ trên tường thành. Giờ đây quân đội Bắc Thần trưng dụng chúng để đồn trú và đặt pháo ở cao điểm. Quốc kỳ màu cam với nữ thần thân rắn cắm khắp cột núi, rủ xuống dưới cơn mưa phùn buổi sớm. Thi thoảng tiếng pháo nổ đùng làm Tiểu Hồ giật mình tưởng có chiến sự, nhưng đó chỉ là bắn thử nhằm đo khoảng cách tác xạ. Chưa có cuộc chiến chính thức nào tại Thiên Lý Huyệt Thi nhưng bom đạn đã mở đường cho chiến trường.
Tiểu Hồ ngoảnh đầu nhìn quanh, nhận ra từng mét vuông nơi đây chẳng còn mấy dân thường do hầu hết đã sơ tán, nhường vùng đất cho chiến tranh, khí tài quân sự và những kẻ biết sử dụng vũ khí. Ngoài quân đội chính quy Bắc Thần còn có lực lượng đánh thuê với áo khoác xanh dài quá thắt lưng. Ngó lên ve áo đám này, nàng nhận ra phần nhiều bọn họ đeo huy hiệu hình quan tài đóng dấu chữ thập – biểu tượng của Siêu Sinh Giáo Đoàn. Hồi chiến tranh Tuyệt Tưởng Thành, nàng tiếp xúc với họ đôi ba lần, cảm giác họ giống thầy tu hơn là chiến binh. Nhưng đánh thuê là đánh thuê và đám thấy tu này biết cách giết người – Tiểu Hồ khẳng định điều đó.
Nhóm Tiểu Hồ không mất nhiều thời gian. Chỉ một mảnh giấy từ tay Ly Đốc, lính Bắc Thần không hỏi han cũng chẳng truy xét, chỉ nhìn ba người một chút rồi cho thông quan. Cũng giống lính Tây Vực Châu, binh lính ở đây đều sốt xình xịch khi bắt gặp Cụ Cố Tổ. Tiểu Hồ không chắc là mảnh giấy hay chính cụ cố làm mọi việc đơn giản hơn.
Rời khỏi cửa kiểm soát, ba người rảo bước trên đường mòn hằn sâu vệt lốp xe cơ giới và quánh bùn bởi trận mưa đêm hôm trước, sau đó tiến vào Thiên Lý Huyệt Thi. Năm xưa, người Bắc Thần đã xây dựng nhiều đoạn thành nhỏ liên kết các cột núi đồng thời sử dụng nó như lối đi lại. Chúng thấp hơn những cột núi nhưng đủ cao để người đi trên đó trông ra vùng đất đông bắc xơ xác vì đạn pháo từ hai bên nã xuống. Xa xa, qua dòng sông ẩn hiện giữa làn sương mù là lãnh thổ Diệp quốc. Ngày trước người Bắc Thần có thể qua sông, tiến sang bên kia khoảng vài trăm mét cũng không vấn đề. Người Diệp quốc cũng vậy, thậm chí tự do vào thị trấn cột núi mà không cần xuất trình giấy phép. Giờ mọi chuyện đã khác, cảnh tượng đó không còn và chẳng rõ bao nhiêu năm nữa mới tái hiện.
Mang danh hỗ trợ nhân đạo, nhóm Tiểu Hồ đi theo một toán lính người Bắc Thần quốc. Họ mặc áo rằn ri xanh nâu, vai mang súng và kiếm, lưng gùi ba lô lẫn quân trang, vai trái gắn huy hiệu quốc kỳ Bắc Thần. Tiểu Hồ không thể nhìn rõ gương mặt từng người phần vì ánh đèn bên trong tường thành tù mù, phần vì khói thuốc súng đã bám chạc khuôn mặt họ, hằn những mảng đen bóng. Họ đi chậm, chừng như muốn kéo dài thời gian để hớp không khí trong lành trước khi quay lại chiến trường đầy mùi bom đạn. Tiểu Hồ theo chân họ băng qua những lối đi rộng đượm mùi cổ xưa, những lối đi hẹp chăng đầy dây điện thời hiện đại, những bậc đá xước xát qua hàng trăm cuộc chiến. Hơn sáu giờ sáng nhưng trời chưa hửng, mưa phùn chưa dứt. Tiểu Hồ chợt nghe ai đó trong toán quân cất tiếng hát. Lính thích hát – như thể một định lý. Chẳng có lời giải thích chính xác nào cho việc này.
Hạ dài lê thê, đông trường tái tê
Xuân giăng nẻo mê, thu chắn lối rẽ
Mẹ ơi con về
Ngày đi cắt tóc, tay nải vai áo
Ngày đi cắp giáo, vì mộng đế vương
Mẹ ơi con về
Mẹ ơi con về...
Thẻ đeo chân chiêu, thân bọc trong chiếu
Bạc nén treo tay, rọi ánh tà chiều
Mẹ ơi con về
Nhưng...
Mẹ ơi, xin đừng gọi tên
Vì Ngáo Ộp đến
Từ rừng sâu thẳm
Nơi không miếu đền
Mẹ ơi, xin đừng gọi con
Vì Ngáo Ộp đón
Linh hồn con đi
Xuống nơi tăm tối
Không có đất chôn
Mẹ ơi con về, nhưng đừng gọi tên
Mẹ ơi con về, xin đừng gọi tên...
Mải nghe bài hát, Tiểu Hồ không nhận ra toán lính đã xuống tầng dưới. Thay vì đi tiếp lên phía bắc, họ dừng chân ở cánh cổng dẫn ra chiến địa hướng đông bắc. Nhóm Tiểu Hồ sẽ bắt đầu từ đó, lần tìm giữa khu rừng nham nhở có thể hứng chịu đạn pháo hoặc bom trải thảm bất cứ lúc nào. Cụ Cố Tổ ngáp dài ơ hờ trong khi hai người trẻ tuổi thở không ra hơi. Chiến tranh có thể lấy mạng bất cứ ai, không kể người thường hay Thập Kiếm. Ly Đốc thì thầm:
- Rốt cục thì em muốn tìm cái gì ngoài đó, Tiểu Hồ?
Tiểu Hồ không trả lời nhưng tâm trí nhớ lại đền thờ Mộc Thần tăm tối. Khi đó nàng cùng Lục Triều mang thức ăn cho Cụ Cố Tổ...
*
* *
Sau cuộc gặp chóng vánh với Hiệp Dung, người gác đền cùng Tiểu Hồ trở lại ngôi đền. Hai người rảo chân, không dám phí sức lực trò chuyện, chỉ muốn mau mau chóng chóng đến nơi trước khi cụ cố phát khùng. Tiểu Hồ dám chắc “đói” là lý do dễ khiến lão già khú đế nổi cơn điên nhất.
Nhưng mọi chuyện trái với suy đoán của nàng. Khi tới nơi, cô gái nhận ra cụ cố ngồi giữa trận đồ Bát Biến, tay chống cằm còn ánh mắt đăm chiêu trên mặt đất. Không biết vì lửa hay cái gì mà trận đồ cháy gần hết, chỉ để lại một đồ hình gồm ba vạch thẳng liền mạch, không đứt đoạn. Tiểu Hồ lẩm nhẩm, nhớ rằng ba vạch này tượng trưng cho “Trời” trong Bát Biến. Người gác đền lên tiếng:
- Ngài đã xong?
- Đã xong. – Cụ Cố Tổ xác nhận – Đúng là Thôn Cơ đang che giấu cái gì đó. Con ranh xóa sạch mọi dấu vết phép thuật làm ta không bói được, trận đồ loạn xị hết! Ta không biết nó từng làm cái gì ở đây, nhưng ta thử bói xem nó đến “vì mục đích gì?” thì được một biến thể. Thôn Cơ có thể xóa dấu vết phép thuật nhưng không thể xóa tâm địa của mình.
Lục Triều nhìn đồ hình “Trời”, nói:
- Chỉ còn một cửa, vậy là tự thân nó ghép lại thành một biến thể. Biến thể đó gọi là “Kiền”, thứ cơ bản nhất trong sáu mươi tư(64) biến thể. “Kiền” là trời, là vua, là đứng đầu. Vậy... Thôn Cơ tìm kiếm cái gì?
Cụ Cố Tổ mở bộ bài một trăm linh tám lá, rít một hơi tẩu thuốc rồi nhả khói xanh tạo thành bản đồ Tâm Mộng. Lão gọi Tiểu Hồ đến xáo bài đoạn trả lời:
- “Kiền” là đạo, là khởi đầu, là cái rốn sinh ra muôn loài, nhưng cũng hàm nghĩa về một đỉnh cao nằm ngoài bàn tay con người. Mày nói rằng hai mươi năm nay, Thôn Cơ thường xuyên đến đây cùng một bà già phỏng?
- Thưa, đúng thế. – Người gác đền đáp – Nhưng ý ngài là gì?
Tiểu Hồ xáo bài đủ chín lần. Cụ cố bốc ra từng bộ chín lá, đập tay xuống đất, các lá bài bay lên vẽ bản đồ sao trên bản đồ Tâm Mộng. Những vì sao sáng nhất chỉ về vùng biên giới giữa Bắc Thần quốc và Diệp quốc. Đó sẽ là điểm đến kế tiếp của Tiểu Hồ và cụ cố.
- Vậy sau hai mươi năm, con mụ già đó vẫn chưa chết hả? – Cụ cố tiếp lời – Con mụ đấy là ai mà khiến Thôn Cơ nhọc công vậy? Đừng quên Thôn Cơ là người thế nào. Tin ta đi, Mắt Xanh, con ranh ấy bẩn tính hơn ta nhiều!
- Ngài ám chỉ điều gì? – Lục Triều nghi hoặc.
Cụ cố chép miệng:
- Kéo dài sự sống, có thể là bất tử. Con ranh ngu ngốc! Mộc Thần cho chúng ta cuộc sống dài lâu chứ không có nghĩa là cho chúng ta bất tử. Nếu muốn bất tử, nó có thể hỏi ta, sao lại hỏi Mộc Thần?! Chẹp chẹp! Mà thôi, tìm nó trước! Đi thôi, con nhãi tóc vàng! – Lão già quay sang Tiểu Hồ – Chúng ta đến biên giới, nhớ mang theo tiền và cẩn thận Ngáo Ộp. Cái con khỉ, tại sao lại là ở đó? Ở đó có Ngáo Ộp! Con ranh Thôn Cơ không biết sợ à?
*
* *
Ban đầu Tiểu Hồ nghĩ cụ cố hù dọa mình cho vui, dạo này ông già thích trêu chọc Tiểu Hồ làm thú tiêu khiển. Nhưng sự thật là cụ cố không dọa ai. Dường như có những truyền thuyết không phải do con người sáng tác.
- Ở đây có Ngáo Ộp không? – Tiểu Hồ hỏi khẽ.
Ly Đốc ngoảnh đầu nhìn các binh lính Bắc Thần. Họ nhìn lại gã bằng gương mặt sạm đen cùng đôi mắt trắng dã trơ trơ vì nhiều đêm không ngủ, hoặc là không dám ngủ. Gã phương bắc bật cười:
- Ma quỷ hay Ngáo Ộp cũng phải sợ bom đạn. Chúng ta nên sợ người chứ không cần sợ thần thánh ma quỷ.
Cánh cửa dẫn ra chiến địa bật mở, he hé một cái khe vừa đủ cho toán lính cùng nhóm Tiểu Hồ bước qua. Vùng chiến sự chào đón họ bằng sương mờ lẫn mưa phùn. Nó ôm ấp con người một cách thịnh tình, chừng như muốn họ ở lại với mình và không bao giờ cho họ trở về.