Tiết tử
Trung Châu lập triều năm thứ hai mươi.
Nhờ trời xanh bảo hộ, hơn hai mươi năm tiên đế Tề Phong Vân và hoàng đế kế nhiệm Tề Mộ Lâm cai trị thiên hạ mưa thuận gió hoà, thiên tai hiếm khi xuất hiện, bá tánh nghỉ ngơi lấy sức, quốc lực khôi phục trong khoảng thời gian ngắn nhất.
Trong triều đình, chính trị thanh minh, quan viên làm trọn phận sự, tuy cũng có quan lại tham ô nhưng chung quy tì vết không thể che được ánh ngọc.
Đương nhiên trong lòng mọi người đều rõ ràng, Trung Châu có thể đạt được thành tựu này ngoại trừ nhờ vào hai đời đế vương chăm lo việc nước còn có một người không thể không nhắc đến. Y chính là thừa tướng hai triều, Quân Tử Uyên.
Chỉ là hiện giờ thừa tướng Quân Tử Uyên được người người nhà nhà mang ra bàn luận không phải bởi vì phong phạm chỉ huy trên chiến trường năm đó cũng không phải phong thái khi chỉ trích Phương Từ tư quỹ trên triều đình mà là chuyện y và nữ nhi Mạt đế tiền triều thương yêu nhất sinh hạ một người con trai, Quân tam công tử.
Nói đến Quân tam công tử càng là truyền kỳ.
Năm đó biết bao đôi mắt nhìn chằm chằm vào một đứa bé mang một nửa huyết mạch tiền triều, ngay cả hoàng đế Tề Phong Vân cũng khó tránh khỏi động tâm tư, ai ngờ chỉ một câu của lão thái y Hoắc Thảo Mộc liền đánh vỡ cố kỵ của mọi người.
Quân tam công tử là một đứa bé vừa câm vừa điếc.
Dư nghiệt tiền triều còn có thể ký thác vọng tưởng vào một đứa bé như vậy sao?
Sở dĩ truyền kỳ trở thành truyền kỳ vì trong thiên hạ không có bao nhiêu trường hợp tưởng chừng như hiển nhiên lại có thể thay đổi. Quân tam công tử Quân Mặc Ninh được cha mẹ che chở dần dần lớn lên, phu thê Quân thừa tướng vì muốn y hòa nhập với mọi người nên năm y vừa bảy tuổi liền đưa đến thư viện lớn nhất đương triều, Lang Hoàn thư viện. Đi học ngày đầu tiên Quân Tam công tử liền oai phong một chân đá tiểu nhi tử Vương Nguyên nhà Binh Bộ thượng thư xuống nước, từ đây mở ra một thế hệ ăn chơi trác táng vô địch thiên hạ.
Năm năm sau, Quân Mặc Ninh mười hai tuổi sớm đã thành đệ nhất bá chủ trong thư viện. Những năm tháng đó đám con cháu quan lại lớn hơn nhiều tuổi so với y đều trở thành Thiên Lôi sai đâu đánh đó. Vương Nguyên năm nào suýt chút nữa chết đuối dưới hồ cũng trở thành đệ nhất tay sai đi theo Quân Mặc Ninh chơi bời lêu lổng.
Cho đến một năm kia, hoàng đế khai quốc Trung Châu Tề Phong Vân băng hà.
Cũng năm đó, Quân Tam công tử lần đầu tiên mở miệng nói chuyện.
Người người đều nói uy nghiêm tiên đế áp chế Quân tam công tử. Tiên đế vừa đi, Quân tam công tử nghiễm nhiên trở thành người vô địch khắp thiên hạ.
Một câu nói đùa vớ vẩn thế nhưng ai ngờ lại ứng nghiệm từng chữ.
Quân tam công tử ở kinh thành càng chơi càng lớn. Rốt cuộc vì muốn xem một màn pháo hoa long trọng vào ngày đông chí năm mười lăm tuổi, Quân tam công tử sai người đến núi Lạc Hà tọa lạc ở ven biển thành đông đốt pháo, chỉ một đốm lửa liền khiến cây cối trên núi hóa thành tro tàn.
Tất cả mọi người ở kinh thành ngày hôm ấy đều thấy được cảnh tượng lửa cháy lớn khuất nửa bầu trời cũng thấy được ánh lửa phản chiếu trong đôi mắt thiếu niên bị treo trên thành lâu. Ngày đó giữa tuyết rơi lả tả, lửa lớn nóng cháy, thiếu niên một thân bạch y, thân hình tiều tụy, biểu cảm thản nhiên thậm chí mang theo ánh mắt thưởng thức quan sát kiệt tác của chính mình.
Sau đó, liền không có sau đó.
Thừa tướng Quân Tử Uyên bước lên đài, một trận roi đánh đến lúc Quân tam công tử chỉ còn thoi thóp, sau đó bị cầm tù không kỳ hạn ở biệt viện Kinh Giao. Công chúa tiền triều Liên Như Nguyệt gánh trách nhiệm quản giáo bất lực tự giam mình trong Phật đường tướng phủ một bước không ra. Bản thân Quân Tử Uyên từ đi toàn bộ chức vụ trong triều bãi quan về nhà, y thu thập đồ đạc đến ở dưới chân núi Lạc Hà ngày ngày rửa sạch tro tàn sau lại trồng đủ loại cây cỏ khôi phục núi Lạc Hà. Mãi cho đến hơn một năm sau cộng với việc Tề Mộ Lâm luôn mời về triều, y mới rời núi.
Từ đó, Quân tam công tử dần dần xa rời tầm mắt thế nhân nhưng câu chuyện của chúng ta chỉ vừa mới bắt đầu.