Ánh Dương ngồi ở ghế lái dán mắt vào cổng của căn nhà phía trước lên tiếng:
“Chúng ta đã mượn hết lượt xe của nhân viên làm tại Thịnh Phát rồi đó, tôi nghĩ vấn đề không phải nằm ở chúng ta đi xe sang hay xe thường tới đây mà họ không chịu gặp”.
Những ngày qua Phạm Hưng và Ánh Dương đều tới để thỏa thuận đền bù với hộ dân duy nhất ở đây. Mỗi ngày bọn họ chạy một chiếc xe khác nhau mượn của nhân viên, từ xe sang xuống xe thường nhưng vẫn chưa gặp được chủ nhà. Liên hệ với ban quản lý dân cư ở đây họ nói chủ nhà đã thay đổi số điện thoại nên không thể liên lạc được.
Phạm Hưng ngồi ở băng ghế sau, hai chân của anh bắt chéo, lưng dựa vào ghế rồi giang hai tay như một ông chủ:
“Vậy theo cô vấn đề nằm ở đâu?”
“Có thể chủ nhà bị vấn đề thần kinh, chúng ta nên nhờ chính quyền can thiệp cưỡng chế”, Ánh Dương suy đoán.
Phạm Hưng lập tức bỏ chân xuống ngồi thẳng người nghiêm túc phản bác lại lời Ánh Dương vừa nói:
“Tổng Giám đốc mà biết tôi nhờ chính quyền can thiệp là ổng cạo đầu tôi đó. Khi giải phóng mặt bằng đó là phương án tối kị, chỉ trường hợp dân không chịu đàm phán chúng ta mới sử dụng tới nó. Trong trường hợp này là do chúng ta không gặp được chủ nhà chứ không phải họ không chịu đàm phán, cô hiểu không? Còn nếu chúng ta không có cách nào liên lạc với chủ nhà thì chúng ta phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, sáu tháng sau chúng ta mới có thể nhờ chính quyền can thiệp, mà sáu tháng cô biết tập đoàn sẽ bị tổn thất bao nhiêu không?”
Ánh Dương gật đầu rồi chỉ vào tập hồ sơ trên đùi Phạm Hưng:
“Vấn đề của ông tôi luôn hiểu, còn vấn đề của tôi cuối tuần này là hết hạn nộp báo cáo thực tập rồi, ông muốn tôi chết chung với ông sao?”
Phạm Hưng bất đắc dĩ cầm tập hồ sơ dưới đùi mình lên xem. Anh lật qua trang thứ nhất, trang thứ hai cho đến khi lật hết tập tài liệu anh thở một cách khó khăn. Anh kìm nén cảm xúc của mình lên tiếng:
“Các mục cô trình bày sạch đẹp, gọn gàng, súc tích”.
Ánh Dương nở nụ cười tà:
“Cảm ơn anh đã quá khen”.
Phạm Hưng đập mạnh tay vào tập hồ sơ:
“Đệch. Cô chơi tôi đấy à? Cô bảo tôi sửa tài liệu giúp cô, có cái con mẹ gì ở đây mà sửa?”
Anh lật từng trang xem, vừa xem anh vừa đọc to:
“Phần một giới thiệu về đơn vị thực tập và công trình. Một lớn giới thiệu về công ty. Tại sao cô lại bỏ trống? Lĩnh vực hoạt động thế nào? Nguồn vốn ra sao? Chức năng nhiệm vụ thế nào? Bộ máy quản lí ra sao? Không lẽ những cái đơn giản đó cô cũng không biết?”
Phạm Hưng tiếp tục lật tập hồ sơ, giọng của anh phát ra càng lớn:
“Rồi phần giới thiệu về công trình cô đăng ký thực tập cô phải nêu lên đặc điểm, yêu cầu kỹ thuật của công trình là gì chứ, sao cô không ghi cái gì vào đây?”, anh lật trang tiếp theo, giọng của anh phát ra gần như khóc: “Ối giời ơi cái mục nhật ký công trình rồi còn phần hai thi công các hạng mục công trình, cô có viết cái con mẹ gì đâu mà bảo tôi chỉnh mới chả sửa?”
Tới cuối cùng thì Phạm Hưng không thể giữ bình tĩnh mà ném tập tài liệu ra khỏi xe.
Ánh Dương nhìn tập tài liệu của mình nằm dưới đất, vừa lúc này ngoài trời bắt đầu đổ mưa khá nặng hạt khiến tập tài liệu nhanh chóng nằm trong nước. Cô hét vào mặt Phạm Hưng:
“Anh mới là người chơi tôi. Vừa đặt chân vào Thịnh Phát thực tập, anh đã nắm cổ tôi đi theo anh để thỏa thuận đền bù với dân với lời hứa sẽ vận dụng hết kinh nghiệm trong mười năm qua của anh để giúp tôi báo cáo thực tập và tốt nghiệp loại xuất sắc. Trong tập đoàn Thịnh Phát ngoài anh ra tôi làm gì biết ai mà giới thiệu. Rồi phần công trình đăng ký thực tập hay thi công các hạng mục công trình, suốt ngày tôi làm việc riêng cho anh thì lấy gì để viết vào bảng báo cáo? Không lẽ tôi viết lại quá trình cùng anh thỏa thuận đền bù với dân vào bản báo cáo thực tập của một sinh viên khoa kỹ thuật xây dựng? Ở đây ai mới là người chơi ai hả? Tôi đúng là có điên mới tin lời của anh”.
Ánh Dương nói một hơi như tát nước vào mặt Phạm Hưng, dứt lời cô đẩy cửa bước xuống mặc cho trời đang mưa rất lớn.
Phạm Hưng vội vàng xuống xe kéo Ánh Dương ngồi vào băng ghế sau:
“Xin lỗi cô. Là tôi sai. Do tôi mắc bệnh nghề nghiệp làm việc với cấp dưới chuyên quát tháo quen rồi”.
Ánh Dương chỉ vào tập hồ sơ nằm ngoài trời mưa:
“Giờ anh tính sao?”
Phạm Hưng cười lấy lòng Ánh Dương:
“Hồi sáng cô có đưa cho tôi một tập hồ sơ đang để ở bàn làm việc, khi nào về tôi sẽ sửa”.
Ánh Dương lập tức lấy laptop của mình mở sẵn file báo cáo thực tập đưa cho Phạm Hưng:
“Anh có thể sửa trực tiếp trên máy tính”.
Phạm Hưng không còn cách nào khác là ngoan ngoãn làm theo lời của Ánh Dương. Anh vừa đặt tay lên bàn phím thì điện thoại trong túi quần của anh reo, anh lập tức bắt máy:
“Dạ dạ thưa tổng giám đốc”.
Đầu bên kia vang lên giọng của Hải Nam:
“Mười phút sau họp bạn lãnh đạo chi nhánh Hà Nội tại phòng họp chính”.
“Dạ, dạ vâng thưa Tổng Giám đốc”.
Phạm Hưng còn chưa kịp cất điện thoại thì trước cửa căn nhà bọn họ cần đàm phán xuất hiện một nam thanh niên chạy xe máy đi giao hàng.
Ánh Dương lập tức đẩy cửa đội mưa chạy tới chỗ thanh niên giao hàng.
“Tôi phải về chi nhánh họp gấp, mọi chuyện nhờ cả vào cô đó”, Phạm Hưng nói với theo Ánh Dương sau đó lái xe rời khỏi.
Ánh Dương đứng nép vào mái của ngôi nhà, nhưng mưa lớn vẫn tạt vào người khiến quần áo của cô cũng bị ướt. Cô bắt chuyện với nam nhân viên giao hàng đứng gần đó:
“Chị là bạn của chủ nhà, để chị nhận đồ rồi đem vào cho bạn chị được không?”
Ánh Dương nói bừa vì cô không biết chủ nhà này là ai? Nam hay nữ? Nhưng câu trả lời của nam nhân viên giao hàng lại khiến cho Ánh Dương thất vọng.
“Xin lỗi, chủ nhà dặn tôi phải giao tận tay cho họ ạ!”
Ánh Dương cười gượng:
“Vậy chị đứng đây đợi với em”.
Một lát sau có một người phụ nữ khá trẻ tuổi xuống dưới lấy đồ, nhìn thấy sự có mặt của Ánh Dương cô ta định quay vào nhà thì Ánh Dương vội lên tiếng:
“Xin lỗi, cho em mười phút được không ạ?”
Người phụ nữ nhanh chóng thanh toán tiền cho nam nhân viên giao hàng rồi lấy hàng của mình. Cô xem như không nghe thấy lời Ánh Dương nói.
Lúc cô ta đóng cửa cổng Ánh Dương vội lẻn vào bên trong cửa, cô lay cánh tay của người phụ nữ năn nỉ:
“Em chỉ xin chị mười phút thôi”.
Người phụ nữ hất tay của Ánh Dương ra tức giận lên tiếng: “Cô đang đột nhập trái phép nhà dân đấy”.
Ánh Dương giải thích:
“Mấy ngày nay chúng em tới đây nhưng không gặp được chị. Em có thể vào trong nói chuyện với chị một lát không? Nếu không tiện thì đứng đây nói cũng được ạ!”
Người phụ nữ mất bình tĩnh quát vào mặt Ánh Dương:
“Tôi không có gì để nói với các người cả, cô về nói với anh ta đừng quấy rầy cuộc sống của tôi nữa. Tôi muốn được sống yên ổn”.
Ánh Dương trần tình:
“Thật sự anh ấy không muốn quấy rầy chị, là do sếp của anh ấy chỉ đạo buộc anh ấy phải tuân theo”.
Người phụ nữ bỗng nhiên nở một chàng cười lớn, miệng không ngừng lẩm bẩm:
“Sếp chỉ đạo. Ha ha ha...”
Chàng cười của người phụ nữ khiến khắp người Ánh Dương nổi lên một tầng gai ốc.
Người phụ nữ tức giận ôm đồ nhân viên giao hàng vừa giao rồi chạy vào trong nhà.
Một lát sau Ánh Dương không còn nghe tiếng cười của người phụ nữ thay vào đó là tiếng khóc nỉ non.
Ánh Dương không hiểu tại sao cô chỉ nói do sếp của anh ấy chỉ đạo mà người phụ nữ lại phản ứng mạnh như thế.
Cho tới khi không còn nghe tiếng khóc của người phụ nữ Ánh Dương mới rón rén đi tới ló đầu vào trong xem xét. Tuy nhiên bên trong căn nhà rất tối vì không bật điện khiến cô không nhìn thấy gì.
“Vù, xoảng”.
Một vật thể bay ngang qua đầu Ánh Dương va vào bức tường sau lưng cô rồi rơi xuống đất gây ra tiếng đổ vỡ lớn.
Ánh Dương thở phào nhẹ nhõm vì chỉ thiếu một chút xíu nữa là vật thể bay trúng đầu cô. Cô còn chưa định thần lại thì một vật thể khác bay trúng trán của cô.
Ánh Dương đưa tay lên sờ lên trán mình, máu nhanh chóng chảy xuống làm ướt bàn tay của cô. Ánh Dương choáng váng đầu óc lập tức ngất xỉu.
“Xin lỗi, tôi xin lỗi”.
Người phụ nữ cuống quýt bật điện sáng rồi sơ cứu cho Ánh Dương.
Lúc Ánh Dương tỉnh lại thấy mình đang nằm ngay ngắn trên ghế sô pha ở phòng khách, còn người phụ nữ không ngừng đi qua đi lại với vẻ mặt lo lắng.
Ánh Dương vội ngồi bật dậy hỏi người phụ nữ:
“Chị ơi cho em hỏi mấy giờ rồi ạ?”
Nghe tiếng của Ánh Dương người phụ nữ khựng lại bước chân đi tới ngồi xuống gần Ánh Dương:
“Cả ngày nay cô làm tôi sợ chết khiếp”.
Ánh Dương gượng cười:
“Chắc em bị choáng nên ngất xỉu, xin lỗi đã làm chị sợ”.
Người phụ nữ thở phào nhẹ nhõm:
“Gần bảy giờ tối rồi, cô dậy ăn gì đi rồi tôi gọi taxi đưa cô về”.
Ánh Dương không thể tin là mình đã ngủ nguyên một ngày, nhớ tới mục đích của mình khi đến đây cô cũng không từ chối lời mời ở lại ăn cơm của người phụ nữ.