Khổng Văn nhận lại cái ly, ý cười nhợt nhạt.
Nghiêm Miểu khinh thường liếc nhìn Khổng Văn, chỉ biết ra vẻ, ả đàn bà đạo đức giả!
Khổng Văn không để ý đến bà, vừa rút một miếng khăn giấy giúp lão gia lau đi vệt sữa vô tình lưu lại bên miệng, đúng lúc Nghiêm Thành mang theo Nghiêm Nham cùng Hứa Du Nhiên lại đây.
Khi Nghiêm Miểu vào cửa gây động tĩnh lớn như vậy, thật ra Nghiêm Nham đã sớm thấy chỉ là lười đến, thẳng đến khi Nghiêm Thành đi tới mới dắt Hứa Du Nhiên đi về phía bên kia.
Nghiêm Thành vừa đi vừa nói: "Ba biết con không thích bà ấy, nhưng dù sao bà ấy cũng là cô của con, là con gái ông nội con, vẫn phải đối mặt nhau, không thì ông nội con cũng sẽ không vui. Dù sao cả hai cũng không gặp mặt thường xuyên. Một năm chỉ gặp nhau được vài lần vậy thôi, không thể cho qua được sao?"
Nghiêm Nham nói: "Con tất nhiên là không sao, chỉ sợ chút nữa bà ta sẽ thốt ra mấy lời không nên nói."
Nghiêm Thành thở dài: "Bà ấy là cô út của con, con là đàn ông, nhường bà ấy một chút là được."
Nghiêm Nham cười lạnh một tiếng nói: "Toàn thế giới đều phải nhường bà ta, mẹ con cũng nhẫn nhịn bà ta ngần ấy năm, cũng không thấy nhường thì có ích lợi gì, ngược lại còn sắp bị bà ta đè đầu cưỡi cổ rồi."
Nghiêm Thành nghe con trai nhắc tới vợ mình, lại thở dài: "Là ba có lỗi với mẹ con, nếu người khác dám khinh nhờn bà ấy, ba quyết sẽ không cho phép, chỉ là cô út con......, haiz, ba không rõ, vì sao đứa em gái khi còn nhỏ đáng yêu như vậy càng lớn lại càng trở nên xấu tính."
Nghiêm Nham nói: "Được rồi, mẹ con cũng không trách ba, bà ấy biết ba kẹt ở giữa cũng không dễ chịu."
Nghiêm Thành gật đầu nói: "Mẹ con luôn nghĩ cho ba, là ba có lỗi với bà ấy."
Nghiêm Nham nói: "Một lát nữa nếu bà ta dám nói lời gì khó nghe với Du Nhiên, ba cũng đừng trách con trở mặt với bà ta."
Nghiêm Thành nói: "Con......"
Nghiêm Nham quay đầu nhìn ông một cái, trầm giọng: "Vợ mình mình bảo vệ, chẳng ai giúp thay được."
Nghiêm Thành chấn động, quay đầu lại nhìn thoáng qua vẻ mặt nghiêm túc của con trai cùng khóe môi không dấu vết mà hơi nhếch lên của Hứa Du Nhiên, lại một lần nữa nghĩ chính mình có phải đã làm sai rồi không.
Ông vốn dĩ vẫn luôn cho rằng, gia hòa vạn sự hưng*, Nghiêm Miểu được cha và hai anh em mình chiều chuộng đến lớn, con bé bướng bỉnh, bọn họ cũng đều biết. Khi còn nhỏ nghĩ rằng con bé vẫn còn trẻ không hiểu chuyện, trưởng thành rồi lại nghĩ em nó là con gái nên bướng chút cũng không có gì đáng trách. Nhưng theo số người trong nhà ngày một đông, tuổi tác bọn họ cũng ngày càng lớn, ông mới phát giác, cũng không phải tất cả mọi người đều có nghĩa vụ phải nhường nhịn em gái vô điều kiện, như Khổng Văn vợ mình, cũng như con trai và cháu gái. Sau đó Nghiêm Miểu gả đi, tuy rằng không vừa lòng với quyết định chọn ý trung nhân của con bé, nhưng ông vẫn âm thầm thở phào. Sau khi Nghiêm Miểu kết hôn rất ít về nhà, mỗi lần về đều không cho vợ mình một sắc mặt tốt, ông cũng nghĩ dù sao em gái cũng không thường xuyên về, chịu được vài ba ngày là ổn thôi, ông biết vợ mình chịu uất ức, mỗi lần em gái đi rồi, ông đều cố gắng bồi thường an ủi vợ, nhưng chính bản thân ông cũng biết có một số việc bồi thường cũng vô dụng, thật ra ba cũng đã sau lưng nhắc nhở ông, bảo ông hãy bảo vệ cho Khổng Văn nhiều hơn, nhưng ông vẫn không thể ủng hộ vợ mình đối chọi gay gắt với em gái mình được, chỉ có thể nói với vợ là không cần quá nhường nhịn em gái, nhưng lần nào Khổng Văn cũng trả lời: Không sao, bà ấy biết ông khó xử, cũng không phải ấm ức to lớn gì, lão gia cũng bảo vệ bà, dù sao cô em chồng cũng không thường xuyên ở nhà.
(*gia hòa vạn sự hưng: Gia đình có hòa thuận thì mọi hành động, việc làm, sự việc diễn ra sẽ đều thuận buồm xuôi gió và tất nhiên kết quả thu được tất yếu sẽ là sự thịnh vượng)N
Nhưng ngày hôm nay, ông đột nhiên nghĩ đến, thật ra có phải trong lòng Khổng Văn vẫn luôn chờ mong chồng mình có thể lên tiếng bảo vệ mình?
Rốt cuộc thì mình bảo vệ cô ấy với ba bảo vệ là không giống nhau.
Từ xa xa ông nhìn Khổng Văn đang tươi cười lấy khăn giấy giúp ba lau đi vệt sữa sát khóe miệng, trong lòng thầm nghĩ, không nên lại để cô ấy chịu ấm ức nữa, con trai nói đúng, vợ mình thì mình lo.
Chuyện liên quan trưởng bối nhà họ Nghiêm, Hứa Du Nhiên không thể xen vào, tuy rằng y rất phản đối việc Nghiêm Nham gọi mình là "vợ", nhưng coi như cậu ấy có tâm, hơn nữa cũng là một từ hai nghĩa nên y liền không so đo, còn cảm thấy có chút cảm động. Y trong lúc vô thức ngước mắt lên, thấy được Bạch Nhất Hàm đứng ở cách đó không xa đang mỉm cười với mình, trong lòng y ấm áp, cũng hướng cậu cười gật đầu.
Lão gia mới vừa uống chút sữa bò ngọt, tâm tình cũng tốt hơn nhiều, mỉm cười vẫy tay gọi Hứa Du Nhiên đi tới, nói với y: "Du Nhiên, con vẫn chưa gặp Nghiêm Miểu, bà ấy là con gái út của ông, con cứ theo Nghiêm Nham gọi cô út."
Hứa Du Nhiên gật đầu với Nghiêm Miểu, mở miệng nói: "Cô út."
Nghiêm Miểu đảo mắt qua, làm bộ không nghe thấy, Hạ Nguyên từ lúc bọn họ lại đây, ánh mắt liền có chút lập loè, đứng một bên không dám hó hé một tiếng, dù lão gia không có giới thiệu gã cũng chỉ cảm thấy may mắn.
Sắc mặt Nghiêm Nham lập tức tối xầm lại, không nóng không lạnh nói: "Chẳng lẽ cô út bị lãng tai?"
Nghiêm lão gia tử trầm giọng nói: "Miểu Miểu, Du Nhiên đang gọi con."
Nghiêm Miểu không còn cách nào, chỉ đành hầm hừ trả lời ừ một tiếng.
Nghiêm lão gia lúc này mới tiếp tục giới thiệu: "Còn vị bên cạnh kia, là dượng út của các con."
Hứa Du Nhiên thật sâu nhìn thoáng qua Hạ Nguyên, gằn từng chữ một: "Dượng út."
Hạ Nguyên lung tung đáp: "Ch, chào cậu.."
Nghiêm Nham nắm chặt tay Hứa Du Nhiên, ngón cái khẽ xoa mu bàn tay của y, Hứa Du Nhiên cười khẽ với anh.
Nghiêm Miểu thấy cha mình một mặt che chở Hứa Du Nhiên, lửa giận vừa rồi còn chưa tiêu tan, cơn giận mới lại trồi lên, cười lạnh một tiếng nói: "Cháu dâu quả nhiên lớn lên không tồi, dung mạo lẫn tướng tá không thua kém gì phụ nữ, Nghiêm Nham thật có mắt nhìn mà."
Sắc mặt Nghiêm lão gia lập tức trầm xuống, gằn giọng nói: "Miểu Miểu, đây lời mà mà một trưởng bối nên nói sao hả?"
Nghiêm Miểu không phục: "Sao ba không đi mà hỏi xem Nghiêm Nham có coi con là cô nó không? Con tới lâu vậy rồi mà nó cũng không chào hỏi con một tiếng. Bộ xem con chết rồi à?"
Sắc mặt Nghiêm Nham chỉ có thể dùng từ u ám để hình dung, anh lạnh lùng nói: "Tai cô út không tốt thì thôi, cả mắt cũng không thấy đường sao? Ngay cả nam hay nữ cũng không phân biệt được? Du Nhiên là nam, cô gọi một tiếng cháu dâu này là đang gọi ai? Làm trưởng bối, cũng nên có chút bộ dáng của trưởng bối mới tốt, nếu không cũng chớ trách chúng tôi không đủ tôn kính bà."
Nghiêm Miểu cả giận nói: "Ba thấy rồi đó, cháu trai ngoan của ba nói gì con kìa? Nó có đem người cô này để vào mắt sao? Con không gọi cậu ta là cháu dâu, chẳng lẽ muốn gọi là cháu rể?"
Nghiêm Nham lạnh lùng nói: "Bà đúng là không phân rõ nam nữ, hai người chúng tôi đều là đàn ông, nữ từ đâu mà ra?"
Nghiêm Miểu chán ghét nói: "Cậu mở miệng thật không biết xấu hổ, đường chính đạo không chịu đi, còn học người ta cưới một người vợ nam về, cậu có nghĩ cho thể diện gia tộc không?"
Nghiêm Nham vốn trước nay luôn trầm mặc, lại không chịu bỏ qua mà nói: "Ở trong mắt bà, cái gì là chính đạo? Tôi và Du Nhiên một lòng với nhau, đến bất cứ đâu cũng có thể duỗi thẳng lưng mà đi. Kết hôn là vì đã tìm được người bạn gắn bó với mình trọn đời, chứ không phải để tìm cái thể diện hoàng nhoáng! Huống chi thể diện gia tộc là phải dùng thực lực để có được, chứ không phải dùng những trò liên hôn giả dối để đạt tới."
Nghiêm Miểu cười lạnh nói: "Duỗi thẳng lưng? Làm sao cậu biết khách khứa ở đây không có người nào đang cười nhạo cậu? Ấy thế mà cậu còn mặt mũi để phát thiệp mời, thật xấu hổ......"
Nghiêm lão gia trầm giọng quát: "Đủ rồi! Nghiêm Miểu, con có biết hôm nay là lễ gì không? Con có biết thân phận của mình không vậy hả? Thân là con gái Nghiêm gia, đây là giáo dưỡng của con sao?"
Nghiêm Thành thấy lão gia thực sự tức giận, vội cầm ly nước đưa cho cụ, nhẹ giọng nói: "Ba đừng nóng giận, đừng tức giận làm hại thân thể."
Ông ngẩng đầu có chút nghiêm khắc nói với em gái: "Miểu Miểu, ba đã nhiều lần nói rằng hôn sự của Nghiêm Nham đã được ba chấp thuận, em còn định ở tiện đính hôn của Nghiêm Nham chọc cho ba tức giận sao?"
Nghiêm Miểu vừa thấy lão gia tức giận cũng hoảng sợ, nhưng anh hai thì bà chẳng sợ, bà tiến lên giúp lão gia vỗ lưng, không phục lầu bầu: "Quả nhiên xuất giá, mấy người đều hết thương tôi rồi, tôi cũng chỉ nói những gì mình nghĩ thôi."
Lão gia nói: "Thiệp mời đính hôn là ba phát ra, ngày tổ chức hôn lễ cũng là ba giúp mấy đứa nó chọn, con còn định nói gì nữa?"
Nghiêm Miểu có kiêu ngạo cỡ nào cũng không dám tranh cãi với lão gia, chỉ đành uất hận trừng mắt liếc sắc mặt không vui không buồn của Khổng Văn, sau đó xoay đầu đi chỗ khác không nói nữa. Hừ, thấy tôi bị ba răn dạy cô đắc ý lắm chứ gì? Về phần Hứa Du Nhiên, bà cho rằng y còn chưa đủ tư cách để bà phải nhìn.
Thấy bầu không khí căng thẳng giữa hai cha con, Nghiêm Thành vừa định theo thói quen đi hoà giải thì nhìn thấy ánh mắt của bà ta, trong lòng cũng một trận bực mình, xoay người ôm lấy bả vai vợ, quyết định không nói gì.
Nghiêm Miểu vừa thấy người anh luôn làm người hòa giải cũng không nói gì thì càng thêm phẫn nộ ủy khuất, tức giận đến dậm chân, càng không chịu lên tiếng.
Khổng Văn nhẹ giọng nói với lão gia: "Ba mệt chưa ạ? Để con đỡ ba lên lầu nghỉ ngơi một lát."
Nghiêm Thành thấy con trai mình mảy may không nhượng bộ, Nghiêm Miểu từ nhỏ đến lớn không biết chữ nhường là gì. Ông sợ hai người này lại đối chọi gay gắt, lão gia nếu còn ở lại đây sẽ bị chọc tức nữa, vội phụ họa: "Đúng đó ba, đêm nay ba cũng mệt lắm rồi, lên lầu nghỉ một lát đi, ba thấy đói chưa? Để con kêu phòng bếp làm chút đồ ăn đưa lên."
Lão gia nhìn ông một cái nói: "Chờ con nhớ, ba cũng chết đói rồi, Tiểu Văn đã sớm nghĩ tới, cho ba uống sữa bò nóng, ba đầy bụng no luôn rồi."
Nghiêm Thành duỗi tay dìu cụ lên, nghe vậy vội cười nói: "Là lỗi của con, không chu đáo bằng Tiểu Văn, để chúng con đỡ ba đi nghỉ ngơi một lát."
Lão gia "Hừ" một tiếng nói: "Cũng không trách con, một người đàn ông cẩu thả, sao mà chu đáo như Tiểu Văn được? Con cứ ở đây đi, ba tự lên lầu được rồi, ba chưa có già đến mức leo cầu thang cũng cần người đỡ đâu."
Khổng Văn nói: "Ba, đúng lúc con cũng có chút đau đầu, để con đỡ ba lên lầu, con cũng tiện thể nghỉ một chút." Bà quay đầu lại dặn dò chồng mình: "A Thành, anh nói với phòng bếp một tiếng, nấu chút cháo nóng, lát nữa đưa cho ba ăn, dùng gạo em đã ngâm sẵn trước đó."
Nghiêm Thành gật đầu đáp: "Anh biết rồi, em yên tâm đi."
Khổng Văn lúc này mới đỡ lão gia xoay người đi về phía cầu thang.
Nghiêm Miểu nhìn cảnh tượng cả gia đình ấm áp, giống như chỉ bài trừ mỗi mình bà ra ngoài, rõ ràng trước đó ba với anh hai là thương bà nhất, hiện tại tất cả lại bày vẻ mặt ôn hòa với Khổng Văn!
Bà không phải người có thể chịu khinh bỉ, nhịn không được hừ lạnh một tiếng, nhỏ giọng nói: "Bộ dáng giả nhân giả nghĩa, thật ghê tởm!"