Đi cả mấy ngày rồi mới về công ty, trừ con xe 13 đang nằm ở góc tây bắc ra thì thứ gì cũng khiến tôi cảm thấy thân thuộc.
Khỏi phải nhắc cu Sáu, trong thời gian tôi đi vắng, nó đêm đêm cần mẫn thay tôi gánh ca. Thấy tôi về cu cậu vẫn tíu tít líu lo trên anh hai dưới anh hai các kiểu loạn xạ.
Còn lão Ngô đương nhiên không dễ nói chuyện như vậy.
Tôi mới ló mặt trong công ty là ông ta lập tức gọi tôi vào văn phòng, chỉ mũi tôi mà mắng trên trời dưới đất nửa tiếng đồng hồ.
Chửi căng vậy thôi nhưng ông ta không hề nhắc chữ nào kiểu như đuổi việc các loại. Chẳng phải ổng thương tiếc gì tôi cả, mà vì ông ta không có cách nào đuổi tôi cả.
Ông ta đã từng là tài xế thứ tư của tuyến 13, ổng dư biết đâu nặng đâu nhẹ trong chuyện này.
"Làm phù rể. Đừng có điêu. Cậu coi người ngợm của mình đi, Ai mà thèm cho cậu vô hình. "
Tôi một mực cúi đầu nhìn mấy vết bẩn lốm đốm trên quần với giày của mình.
Dưới quê công nhận nhiều bùn sình, ở thôn Đường Oa Tử mấy ngày, đêm nào cũng hết lăn rồi lộn, trốn chỗ này nấp chỗ kia, khó mà tránh biến thành hình dạng như giờ.
Lão Ngô "dạy dỗ" suốt nửa tiếng nhưng coi bộ vẫn còn chưa đã ghiền, muốn tiếp tục "ca" thêm.
Tôi vốn tính về xong nghỉ ngơi một tí, tối sẽ tìm cơ hội bày Hồng Môn yến ngả bài với lão Ngô.
※Dịch giả chú thích: Hồng Môn yến là một sự kiện lịch sử liên quan đến một bữa tiệc giữa Lưu Bang và Hạng Vũ ở Hồng Môn. Trong bữa tiệc này, hai phe Lưu Bang, Hạng Vũ đều tính kế muốn ám sát lẫn nhau. Về sau nhắc đến Hồng Môn yến, người ta liên tưởng đến những hình ảnh tưởng chừng vui vẻ nhưng thực chất có ẩn giấu đao kiếm nguy hiểm đằng sau.
Nhưng theo cái đà ông ta càng nói càng dai như này, tôi thực sự nhịn hết nổi.
"Lão Ngô, ông đủ chưa? Mấy ngày nay tôi cũng mệt lắm rồi. Ông không thấy tôi thảm thế nào sao?"
"Cái đó đáng đời cậu. Làm như tôi bảo cậu đi không bằng."
Tôi cười lạnh:
"Không phải ông bảo tôi đi, mà là ông bảo tôi tới."
Lời này của tôi mang ý tứ chính lão Ngô ông kéo tôi vô mớ lằng nhằng của tuyến xe 13, giờ còn trách ai. Lão Ngô đương nhiên hiểu ngay, nhất thời im bặt, nhìn tôi chằm chằm.
"Lão Ngô, mấy anh em hồi đó cùng ông đi thăm động yêu quái giờ thế nào rồi, còn liên lạc không?"
Lão Ngô trợn tròn mắt:
"Cậu có ý gì?"
"Người khác tôi không biết chứ Quan Quân dạo này sống khỏe re đó!"
Hai chữ Quan Quân ra miệng liền đóng băng lão Ngô. Ông ta sững ra một lúc lâu rồi tụt hẳn người vào ghế dựa.
"Làm sao cậu biết Quan Quân?"
Tôi thấy đã đạt được mục đích kích thích lão Ngô bèn đáp lại gọn lỏn:
"Tôi còn biết nhiều kìa. Hôm nào thằng em này mua ít rượu thịt rồi hai anh em ta cũng nói chuyện sau nhé."
Dứt lời tôi liền xoay người ra khỏi văn phòng, không chờ cho lão Ngô phản ứng.
Tới lúc rồi. Mấy ngày này phải làm ra ngô ra khoai với ông ta. Dùng bí mật của Lưu Vân Ba đổi lấy phương pháp thoát ly tuyến xe trời đánh kia!
Đêm hôm đó, cu Sáu thấy tôi mới về vẫn còn mệt mỏi nên nó bảo để nó tiếp tục lái cho. Tôi sao có thể gật đầu cho được. Đòn bánh tét này đã lăn liên tục một tuần rồi. Tôi còn đang định để nó nghỉ ngơi dài hạn mấy ngày đây.
Lê lết ở thôn Đường Oa Tử lâu như thế tôi biết không ít thôn dân.
Hầu như mấy người lên xe tối nay tôi đều quen. Một số trong họ nhận ra tôi còn vẫy tay chào hỏi.
Đêm nay đi đi về về đều khá thuận lợi. Hơn 1 giờ sáng tôi đánh xe về đến bến.
Ngẩng đầu nhìn vầng trăng treo cao sáng vằng vặc trên đầu, tôi không cảm thấy buồn ngủ mà ngược lại có chút đói bụng, muốn kiếm gì đó lấp đầy khoảng trống trong dạ dày.
Công ty tôi không nằm trong khu trung tâm phồn hoa của thành phố nên giờ này hàng quán nào cũng đóng cửa cả rồi. Tôi gọi một chiếc taxi, trèo lên xe nói bác tài chở đến chỗ nào có hàng quán gần nhất. Bác tài suy nghĩ nửa buổi rồi quyết định chạy đến phố ăn uống nổi tiếng trên đường Nam Kinh.
Phố ăn uống Nam Kinh cách công ty tôi khoảng 50 phút đi xe. Dọc đường tôi nghiêng đầu ngắm đường xá vắng tanh không bóng người bên ngoài cửa sổ xe. Lúc chạy ngang Đại Đông Môn, tôi phát hiện có quán ăn còn sáng đèn nằm trong một con hẻm nhỏ, bèn kêu bác tài dừng xe. Đợi tài xế ngừng chân ga thì đã vượt qua ngõ hẻm đó một khúc rồi.
"Bác tài, dừng ở đây được rồi. Tôi thấy hẻm đằng sau có quán ăn."
Bác tài xế vừa thối tiền cho tôi vừa thò đầu ngó quanh quất, nói:
"Quanh đây làm gì có quán ăn nào cà? Đêm nào tui cũng chạy nhưng chưa bao giờ thấy."
"Tôi thấy có ở trong con hẻm kia kìa. Có lẽ bình thường bác không chú ý thôi."
Bác tài thối tiền xong vẫn mang vẻ mặt nghi ngờ bảo không có đâu.
Tôi xuống xe đi bộ ngược lại khoảng 50 mét liền tới đầu hẻm có quán ăn đang sáng đèn đó.
Ngõ hẻm này bị kẹp giữa hai khu phố, hàng quán hai bên đều đã sập cửa khóa kín rồi.
Có mỗi một nhà cuối hẻm vẫn bật sáng bảng hiệu đèn LED: Tiệm mỳ Đại Đông Môn.
Mặt tiền quán không rộng lắm, tường tiếc cũng khá cũ kỹ, có lẽ chỗ này chủ yếu mở bán cho dân cư trong khu phố quanh đây.
Tôi đẩy cửa bước vào cửa hàng, hoàn toàn choáng ngợp vì khung cảnh trước mắt. Bên trong trang hoàng theo phong cách hoài cổ. Trần nhà treo loại quạt trần to thời xưa, đang chầm chậm đảo cánh. bốn phía cũng đặt các loại vật dụng không biết bao nhiêu năm về trước.
Tôi kiếm đại một vị trí ngồi xuống. Một ông chú cỡ lục tuần mặc áo ngắn tay có vẻ là chủ quán đi ra từ nhà bếp phía sau.
Ông chú nở nụ cười cầm thực đơn đến chỗ tôi.
Tôi cứ đảo đôi mắt tò mò nhìn khắp quán rồi hỏi:
"Tiệm nhà chú cố ý trang trí kiểu hoài cổ như này à?"
Ông chú này chỉ nheo mắt nhìn tôi cười cười, không trả lời. Tôi tiếp tục:
"Thật chứ, trang trí y như kiểu hồi cháu còn bé vậy. Tiệm của chú tuy nhỏ một chút nhưng ý tưởng rất sáng tạo."
Ông chú trung niên gật đầu khẽ đáp:
"Hẳn là vậy, hẳn là vậy."
Nói xong ông chú đưa thực đơn ra, tôi vừa chạm vào liền ngẩn ra:
"Hơ! Đến thực đơn cũng in theo phong cách tám chín năm trước. Cả loại giấy này nữa, hiện tại rất ít thấy nha."
Ông chú vô cùng kiên nhẫn, mỉm cười gật đầu rồi nói:
"Cháu xem xem, muốn ăn cái gì thì gọi."
Tôi nhìn qua một lượt rồi chọn một tô mỳ.
Mặc dù chỉ gọi một tô mỳ nhưng ông chú này vẫn cầm bút chì ghi lên giấy vô cùng nghiêm túc. Ghi xong ông ta xoay người đi vào phòng bếp.
Không gian trong quán chỉ để vừa đủ sáu cái bàn nhỏ. Mỗi bàn đều đặt một phích nước và một ca nhôm lớn.
Loại phích nước có vỏ bằng kim loại thế này bây giờ ít ai dùng, hình như tôi cũng chỉ thấy kiểu dáng này ở dưới quê hồi còn nhỏ.
Còn cái ca nhôm tráng men ngoại trừ màu sắc khác biệt một chút, còn lại thì giống y đúc mấy cái ca hồi nhỏ tôi dùng để uống trà uống nước.
Có thể thấy được những vật dụng khi còn bé khiến tôi vui vẻ vô cùng. Không ngờ một quán ăn bé xíu không hề bắt mắt lại còn nằm trong xó xỉnh thế này lại chứa đựng một không gian bên trong tuyệt như vậy.
Tôi rót đầy nước vào ca nhôm, vừa uống vừa chờ đợi món mỳ của mình.
Mấy phút sau ông chú liền bưng mỳ ra từ phòng bếp.
Lúc này tôi đã đói muốn chết rồi, thấy mỳ được mang ra liền há to miệng ăn lấy ăn để.
Món mỳ nhìn bề ngoài rất bình thường nhưng không ngờ ngon không tưởng tượng được. Nước mỳ thơm ngọt vừa miệng, đậm đà vị xương hầm , sợi mỳ dai dai trơn tuột, ăn tới đâu biết tới đó. Tôi bật ngón cái nói với chủ quán:
"Số dzách chú ạ! Tay nghề của chú quá đỉnh!"
Ông chú nhìn tôi ăn đến ngon lành, ông ấy ngồi luôn xuống ghế đối diện tôi.
"Cháu đang làm nghề gì?"
Tôi vừa nhai ngồm ngoàm vừa trả lời:
"Cháu làm tài xế xe buýt ở bến Trường Tân."
"Ồ, lái xe to hả. Sao muộn vậy mới ăn tối?"
Tôi húp nước đánh rột một cái, cười trả lời:
"Cháu lái tuyến cuối ngày số 13 đi xưởng giấy, quay về bến cũng một giờ sáng mất tiêu, đói quá."
Ông chú nghe tôi kể chạy tuyến cuối ngày, ông ấy hơi sững ra một chút.
"Chú này, quanh đây toàn khu dân cư, chắc đa phần khách của chú đều là người quen hả? Quán chú tận trong hang cùng ngõ hẻm thế này, có người ngoài đến ăn không?"
Ông chú gật đầu đáp:
"Ừ, làm ăn cũng được, đều là khách quen cả. Trước khi cháu vào, mới có mấy người vừa đi ra."
"Vừa đi? Hẻm này bé xíu, lúc cháu tới có thấy ai đâu nhỉ."
Ông chú thấy tôi ăn như gió cuốn mây trôi, vét sạch sành sanh tô mỳ, liền nhoẻn miệng cười bảo:
"Chưa no hả? Để chú làm thêm cho một tô, nhé!"
"Vâng ạ. Công nhận chú đỉnh thật, không chỉ có đầu óc buôn bán kinh doanh, trang hoàng tiệm, mà cả tay nghề làm mỳ cũng hết sẩy."
Ông chú đứng dậy lượn vào nhà bếp một lúc lại bưng một tô mỳ đầy ắp đi ra.
Tôi tiếp tục tiêu diệt tô thứ hai cũng chỉ trong mấy nốt nhạc.
Tôi chùi miệng nhìn thời gian, thấy 2 giờ rưỡi cha nó rồi tôi lật đật kêu chủ quán tính tiền.
Ông chú cười hì hì bảo:
"Tổng cộng hai hào."
※Dịch giả chú thích: 1 đồng = 10 hào. 1 hào = 10 xu.
Tôi đang loay hoay rút ví thì đơ ra.
"Hai hào?"
Ông chủ không nói gì chỉ gật gật đầu.
"Chú ơi, dựa vào bài bố trong tiệm lẫn tài năng nấu nướng của chú, có tính cháu 20 đồng cũng đáng giá. Chú đừng ghẹo cháu, rốt cục hết bao nhiêu cả thảy thế ạ?"
"Hai hào."
Ông chú lặp lại đồng thời nhìn chằm chặp vào tôi tỏ vẻ không nói đùa.
Tôi vẫn giữ nguyên tư thế mở ví, trong đầu thầm nghĩ, có khi nào do mình đến lần đầu tiên nên chú ấy khuyến mãi giảm giá không?
Tôi lắc nhẹ đầu rồi rút 15 đồng ra đặt lên bàn:
"Cảm ơn chú, cháu xin nhận lòng hiếu khách của chú. Đêm hôm khuya khoắt mở tiệm buôn bán cũng không dễ dàng, chú không cần ưu đãi cho cháu đâu."
Tôi nói xong sợ ông chú này thối một mớ tiền nên ba chân bốn cẳng xoay người ra khỏi quán luôn.
Căng da bụng chùng da mắt. Nãy không buồn ngủ chút nào mà giờ tôi mơ màng như muốn lăn luôn xuống đường nằm ngay cho sướng.
Tôi đứng ven đường chờ mãi mới bắt được một chuyến taxi.
Bác tài thấy tôi cứ ợ hơi liên tục, nhịn không được hỏi:
"Chú em ăn cái gì mà no đến mức này thế?"
Tôi ngả người dựa lưng vào ghế xe, ngáp một cái rồi trả lời:
"Cũng không có gì, chỉ ăn có hai tô mỳ trong tiệm đằng kia thôi."
Bác tài nghe thế nhìn nhìn tôi:
"Quanh đây có hàng ăn à? Chắc là mới mở hả, ở đâu thế? Đêm nào anh cũng chạy, đói bụng có thể vô làm một tô."
Tôi rầm rì trong họng:
"Ngay trong con hẻm nhỏ, chỗ ban nãy em lên xe đấy."
Bác tài cười phá lên.
"Chú em tính nửa đêm kể chuyện ma cho anh nghe hả! Muốn thử xem gan anh to đến đâu phải không! Nhà bà chị anh ở trong khu phố đó, anh đi suốt, làm khỉ gì có tiệm mỳ nào."
Tôi vừa định miêu tả cụ thể hơn vị trí thì cơn ợ hơi lại trào lên.
"Ợ" một tiếng, còn phun ra cả mảnh mỳ sợi.
Tôi mò mò cầm lên tính ném ra ngoài cửa sổ xe, đột nhiên phát hiện một chuyện vô cùng ghê rợn.
Này không phải sợi mỳ!
Thứ mà tôi đang cầm trong tay lại là một con dòi màu trắng vừa thon vừa dài!!!
※Dịch giả nhiều chuyện: đọc xong câu cuối tự dưng nhớ đến Bánh Trôi của Hồ Xuân Hương, khổ cái bánh trôi nó tròn trắng chứ không có thon!