Tôi sững người mất mấy giây, sau đó nhíu chặt lông mày. Tôi đưa tay gạt nước mắt cho bà, cảm thấy mình đã hiểu phần nào câu chuyện rồi.
Mấy năm trước tôi từng xem một bộ phim Mỹ nói về tên sát nhân chuyên giết người mà gã nghĩ đã khinh thường gã, mấy tháng trước tôi tình cờ xem thêm bộ phim Ấn Độ về một mẹ chồng suốt ngày nghi ngờ con dâu âm mưu đầu độc mình và mấy tuần trước tôi vừa xem cảnh Quan Âm Thị Kính đêm hôm cầm dao xén râu cho chồng.
Không cần động não cũng nhận ra, tình tiết bi kịch của cả ba tác phẩm bị đẩy lên cao trào đều do nhân vật mắc chứng vọng tưởng bị hại.
Tôi vỗ về, cố gắng trấn an bà, thầm nghĩ đây hẳn là sự ‘lẩm cẩm’ mà Sarah đã nói.
“Bà chờ chút để con gọi điều dưỡng.”
“Không!” Bà nội tôi gần như gào lên, khua tay loạn xạ “Không! Không được gọi!!”
Móng tay bà bấu chặt vào thịt tôi, làm tôi đau đến hít hà. Tôi vội vàng hứa sẽ không gọi điều dưỡng nữa để bà yên tâm. Phải mất một lúc, bà mới thả cánh tay tôi ra. Trên bắp tay khá vạm vỡ mà tôi vẫn tự hào giờ đây in hằn năm lỗ trũng xanh tím.
Cuối cùng, tôi vẫn đỡ bà xuống hoa viên viện dưỡng lão đi dạo. Không khí thoáng đãng bên ngoài làm bà tôi bình tĩnh hơn nhiều, lời nói của bà cũng dần trở nên có trật tự.
“Con trông không giống bố Sanh lắm.” Bà nội chăm chú nhìn tôi bằng đôi mắt nhoèn đục. “Nhưng lại có rất nhiều nét hao hao ông trẻ con.”
Nói đến đây bà bỗng ngẩn người, giọng nức nở “Âu cũng là số phận, ôi chao.”
Bà bắt đầu kể cho tôi nghe hiểu biết sơ lược của bà về Thánh Địa Vùi Thây.
Về sau khi đã có niềm tin và bắt đầu tìm hiểu, tôi mới biết Thánh Địa Vùi Thây là cái tên mà tôi không thể tìm được trong bất kỳ quyển sách in nào, hoặc kể cả khi tôi cố tra trên mạng, kết quả trả về cũng luôn bằng không.
Khoảng thời gian mới chập chững tôi đã hiểu lầm ‘chúng’ là truyền thuyết bị lãng quên trong dòng lịch sử, nhưng chỉ đến khi tiếp xúc với những người trong ‘nghề’ tôi mới hiểu mọi việc không đơn giản như vậy.
Quay về cuộc trò chuyện của tôi và bà, tất nhiên lúc bấy giờ tôi chẳng hề có niềm tin vào những gì mà bà kể với tôi.
Vẫn nghe nói con người ta càng về già càng giống trẻ con, ngay bây giờ trong mắt tôi bà nội chẳng khác mấy một đứa nhỏ đang nhìn đời bằng lăng kính viễn siêu hiện thực.
Tuy rằng khá có logic.
“Sau khi chú út chết, thằng Sanh ở nhà một thời gian ngắn để lo hậu sự rồi bỏ đi. Suốt nhiều năm trời nó chỉ gửi tiền bạc về chứ không mảy may nhớ đến gia đình, rất giống phong cách của chú út hồi còn sống.”
Bà lấy vạt áo chấm nước mắt.
“Sau năm 71 nó chỉ về nhà đúng hai lần. Một là khi làm đám cưới với mẹ con, một là trước khi mất tích.”
Tình cảnh khá tương tự lời mẹ tôi than vãn những hôm hai mẹ con ngồi nhậu. Cưới nhau được mười năm, gặp được ba lần. Một là khi cưới, một khi đẻ tôi, lần cuối khi ly hôn.
Kỷ niệm của tôi với bố còn tệ hơn. Không tính hồi tôi mới sinh thì lần duy nhất tôi được gặp bố rơi vào đúng ngày sinh nhật chín tuổi. Lúc mới biết bố trở về, tôi còn cảm thấy vô cùng đặc biệt, vô cùng háo hức. Nhưng đến khi nhận được món quà không thể tưởng nổi từ bố thì mọi niềm vui liền bị đốt sạch, ấn tượng hãi hùng về ngày hôm ấy đã khắc sâu trong tôi đến tận giờ và có lẽ sẽ kéo dài mãi mãi về sau.
“Bố con…ông ấy có bị điên không?” Tôi thử hỏi điều mà tôi đã luôn canh cánh trong lòng.
Bà tôi nghe vậy bực tức đấm ngực ho khù khụ. Cơn ho vừa dứt liền chỉ mặt tôi quát.
“Việt! Con đang nói cái gì thế! Hành vi của thằng Sanh dù khác thường nhưng đều có tính toán cả. Ai cho con nghĩ về bố mình như vậy!”
“Từ lúc ông ấy làm con bỏng nặng, con vẫn nghĩ ông ấy bị điên.” Tôi vừa vỗ lưng cho bà, vừa càu nhàu “Chứ chẳng lẽ nghĩ ông ấy cố tình giết con?”
Bà nội ngẩn người, có vẻ bà bị sốc trước thông tin tôi vừa nói. Tôi có hơi hối hận, tôi hoàn toàn không ngờ mẹ lại giấu bà nguyên do chính dẫn đến quyết định ly hôn chóng vánh của mẹ với bố tôi.
“Chuyện như thế nào?” Bà nội túm lấy vai tôi siết chặt.