Hiểu rõ được điều đó, cậu vừa cảm thấy ấm ức vừa sực tỉnh, muốn thanh minh cho bản thân, nhưng lại nghĩ hai người tiếp xúc đã nhiều ngày như vậy, nếu cô không nhìn ra được cậu là hạng người nào, thì cậu có giải thích nữa cũng được ích gì?
Chiếm Đài cảm thấy buồn bực, nên lời nói cũng mang theo sự lạnh lùng và tự giễu: “Nếu cô đã coi thường những đồng đạo của tôi như thế, thì cần gì phải đi điều tra mấy vụ yêu ma quỷ quái này, lại còn cứ phải tiếp xúc với đám cặn bã như bọn tôi.”
Tuy đã nói ra nhưng cậu lại mong cô mở miệng phủ nhận, song đợi hồi lâu mà không thấy cô đáp lời.
Lúc sắp mở cửa tầng ngầm ra lần nữa, rốt cuộc cô cũng nhẹ nhàng buông một câu.
Âm thanh đột ngột vang lên khiến Chiêm Đài không nghe rõ, cậu bèn quay đầu lại định hỏi cô, nhưng cuối cùng lại thôi.
Cả hai chật vật băng qua căn phòng dưới tầng hầm, cố gắng phân biệt đủ loại khuôn mặt.
Việc tìm người trong không gian nhỏ hẹp và bầu không khí oi bức chẳng khác gì mò kim dưới đáy biển.
Chiêm đài vốn đã chuẩn bị cho một buổi tối bận rộn, nào ngờ sau hơn mười phút, Phương Lam níu cánh tay cậu, rồi chỉ vào bục DJ giữa căn phòng.
Chiêm Đài nhìn theo ánh mắt cô thì thấy một chàng trai cao lớn đeo tai nghe màu tím, mắt to mày rậm, cực kỳ đẹp trai đang đứng trên cái bục hình ngũ giác.
Đó chẳng phải là Ngô Du đã mất tích hơn một tháng nay sao?
Vụ mất tích li kỳ của một nam sinh Đại học gây xôn xao dư luận khép lại một cách dở khóc dở cười như vậy.
Bố của Ngô Du vừa khóc vừa chạy đến.
Khi đó, cậu ta đang bị khiển trách bởi các cảnh sát đến hiện trường trước, thì bị cắt ngang bởi tiếng gọi đau xót và cái ôm của ông.
Tính ra, hai bố con họ đã không gặp nhau gần một năm.
Ngô Du với mái tóc nhuộm vàng, đeo một loạt khuyên tai, mặc kiểu DJ đầy nổi loạn, cũng không cầm lòng được mà ôm lấy người cha hai bên tóc mai đã bạc trắng, với đôi mắt đỏ hoe.
Chiêm Đài khoanh tay nhìn họ một lúc lâu.
Cậu không có cha mẹ, những người được gọi là người thân của cậu đã khuất núi từ lâu.
Nhìn cảnh cả nhà đoàn tụ thế này, cậu vừa cảm thấy thỏa mãn lại xót xa thương mình.
Ông Ngô là người để ý đến cậu đầu tiên.
Ông rưng rưng nước mắt nắm tay con trai mình đi tới, rồi quỳ phịch xuống đất.
Chiêm Đài sợ hết hồn, vừa đỡ ông Ngô đứng lên vừa luôn miệng nói những lời khiêm tốn: “Không phải công của tôi hết đâu, còn có cô pháp sư đã từng tiếp xúc với bác lần trước nữa kìa.”
Cậu vừa định kéo Phương Lam đến bên cạnh, nhưng nhìn khắp một lượt lại không thấy cô đâu.
Tất cả tiền thù lao ở Trùng Khánh lần trước đều thuộc về cô.
Còn tiền thưởng ở Trường Sa lần này, cô lại chẳng lấy một đồng nào.
Chiêm Đài cười khổ khi nhận tiền hậu tạ của ông Ngô.
Hai thành phố, hai vụ án, song cậu thậm chí vẫn chưa có số điện thoại của cô.
Trời đất bao la, không biết lần sau gặp lại là khi nào.
Chiêm Đài nhìn tháp cổng bắc, nhớ lại cảnh ba người bước vào thành Phương Hoàng trong ráng chiều ngày hôm qua.
Cậu trầm lặng giây lát, sau đó quay sang hỏi Hồ Dị đang rụt rè đứng bên cạnh: “Em về bằng cách nào?”
Có lẽ hồ li cũng đoán được là cậu không vui, sợ phiền hà đến cậu, bèn vội vàng đáp: “Đợi đến lúc trời tối, em biến về hình dạng ban đầu rồi chạy về ạ.”
Thế cũng tốt.
Dù sao cô ấy đã chạy từ Trường Sa về núi Thiên Sơn bằng cách này, quen rồi nên cũng an toàn.
Chiêm Đài gật đầu, khẽ xoa mái tóc mềm mại của Hồ Dị: “Đi đường cẩn thận nhé!”
Hồ li nhỏ ngoan ngoãn gật đầu, giơ bàn tay mũm mĩm lên vẫy cậu, rồi quay người rời đi.
“Hồ Dị!” Chiêm Đài bỗng cất tiếng gọi.
Hồ Dị ngoảnh đầu lại.
Cậu đang đứng bên bờ sông ngược sáng, khuôn mặt rạng rỡ thường ngày khuất trong bóng tối, dáng người gầy gò càng thêm vẻ cô liêu.
Cậu nhẹ giọng nói: “Em có thể giúp anh một việc được không?”
***
Thị trường âm nhạc trong nước trầm lắng đã hai, ba năm nay.
So với cảnh tượng sôi động phải đặt trước nửa năm mới thuê được của những địa điểm tổ chức hấp dẫn vài năm trước, thì sân vận động của các thành phố lớn đã có thể nói là ‘tiêu điều’.
Trong hoàn cảnh đó, người vẫn có thể duy trì hàng chục, thậm chí hàng trăm live show lưu diễn khắp cả nước, chỉ có ‘Ca thần’* trong tứ đại thiên vương.
*Ca thần là danh hiệu của ca sĩ/diễn viên Hồng Kông, Trương Học Hữu nhờ giọng hát đẹp và truyền cảm.
Phương Lam thả bước đi dọc theo bức tường bao màu trắng của sân vận Hạ Môn.
Dưới cái nắng chói chang giữa mùa hè, từng luồng hơi nóng bốc lên trên nền bê tông.
Sân vận động được xây dựng ven hồ, không có bóng râm.
Trên trán và hai má Phương Lam đã vã mồ hôi hột, nhưng dường như cô không hề có cảm giác gì, vẫn thong thả dạo bước.
Còn một lúc lâu nữa nhạc hội mới bắt đầu, những chủ sạp hàng chăm chỉ đã dựng quầy bên đường, đa phần bán những mặt hàng như poster, áo phông, gậy phát sáng dành cho buổi biểu diễn.
Ngoài ra, còn có vài ba chủ sạp hàng đầu óc linh hoạt, bày bán đồ ăn vặt và xúc xích ở ngã tư, tỏa ra mùi thơm hấp dẫn.
Đám phe vé núp dưới bóng cây thấy Phương Làm liền nhao nhao đứng lên, nhiệt tình hỏi: “Mua vé không em? Thừa vé không em?”
Phương Lam lạnh lùng lắc đầu.
Một số người hâm mộ từ nơi khác đến, trông cách ăn mặc vẫn là học sinh, sinh viên.
Họ vui vẻ chạy ngang qua cô và hát: “Tình sâu như biển, vững bền như núi, yêu đến muôn đời*…”
*Bài hát ‘Mỗi ngày yên em nhiều hơn’ của Trương Học Hữu.
Phương Lam thoáng thất thần, tuy đang đứng dưới ánh mặt trời gay gắt nhưng lại rét run cả người.
Phải mất 2 giây, cô mới hoàn hồn và đi tiếp về phía trước.
Cô đi thắng đến đường Hồ Tân Bắc, cuối cùng cũng tìm thấy cửa hàng tiện lợi mà A Linh đã kể.
Trên cánh cửa cũ kỹ có dán tấm poster khổ rộng của Trương Học Hữu, ở góc dưới bên phải có viết ‘quả cau’, ‘nước đá’, ‘có vé’ để dụ người ta tiêu tiền.
Phương Lam chạm vào tay nắm cửa lạnh buốt như chạm vào mảnh băng.
Cô nhíu mày, hít sâu một hơi rồi đẩy cửa ra.
Chiếc chuông gió treo trên cửa kêu leng keng, người vốn đang ngồi sau quầy xem tivi liền ngẩng đầu lên, bỗng há hốc mồm như gặp phải ma khi thấy Phương Lam.
“Là cô à?” Người nọ nói với giọng khàn khàn, như thể đã từng bị tổn thương dây thanh quản vì hít nhiều khói.
Phương Lam nhấp môi, lạnh lùng đáp: “Là tôi đây.”
“3 tháng trước, một cậu thanh niên tên là Trương Đại Xuyên đã từng đến cửa hàng này của anh để mua một chai nước, trước khi vào xem buổi biểu diễn trong sân vận động Hạ Môn.”
“Lúc 7 giờ 30 phút tối hôm đó, anh ta làm thủ tục ở cổng soát vé rồi ngồi ở ghế số 2, hàng 28, lô 112 trên khán đài, ngay cạnh một cặp đôi.
Buổi biểu diễn kết thúc lúc 10 giờ 30 phút, đôi bạn trẻ ngồi bên cạnh anh ta đã ra về trước để kịp bắt tàu điện ngầm.
Lúc rời đi, họ còn nhớ rất rõ là anh ta cầm cây gậy phát sáng màu tím, đội mũ lưỡi trai và ngồi ngay ngắn ở chỗ của mình.”
“Ca thần hiếm khi tổ chức live show, sân vận động 30.000 chỗ ngồi đã chật kín.
Khi kết thúc buổi biểu diễn, khán giả ùn ùn ra về, hàng chục nhân viên an ninh phải tăng ca để duy trì trật tự, cho đến khi tất cả người hâm mộ rời khỏi sân vận động an toàn.”
“Thế nhưng, lại không có Trương Đại Xuyên trong số đó.
Anh ta chưa từng xuất hiện trong bất cứ camera giám sát ở cổng ra nào.”
“Anh ta đã mất tích.” Phương Lam nói.
Cô đưa tay ra, cầm một tấm vé vào cửa đã ố vàng, giọng nói khẽ run lên: “11 năm trước, Châu Kiệt Luân phát hành album mới, đồng thời tổ chức chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới.
Một nam sinh tên Điền Hữu Lương và các bạn cùng phòng ký túc xá của cậu ta đến sân vận động Hạ Môn xem biểu diễn.
Tối hôm đó, họ chưa ăn cơm, nên trước khi vào sân, họ đã bảo nhau đến cửa hàng này mua bốn cái bánh mì và mấy gói khoai tây chiên.”
“Điền Hữu Lương vốn dĩ đã rời đi, nhưng không hiểu tại sao lại quay lại cửa hàng của anh.
Vài phút sau, cậu ta và các bạn cùng phòng đi vào sân.
Bọn họ ngồi cạnh nhau, và chỗ của cậu ta là ghế số 1, dãy 28, lô 112.”.