Phương Lam chỉ dám nắm nhẹ tay của Chiêm Đài.
Ánh mắt cậu vẫn hơi ngơ ngơ ngẩn ngẩn, dường như không phân biệt được mình đang ở trên thuyền hay trên bờ.
Cậu bước đi chệnh choạng, nhưng lại theo sau Phương Lam một cách hết sức ngoan ngoãn, như một chú cún con lạc đường.
Cô không nói ra được cảm xúc của mình lúc này.
Lòng cô đầy ắp nỗi sợ hãi như thể sắp mất mạng đến nơi, và xen lẫn một thoáng cảm khái khi được người khác toàn tâm toàn ý dựa vào như này.
Mỗi bước đi chẳng khác gì đang giẫm trên lưỡi dao, cô căng thẳng đến độ dường như có thể nghe thấy nhịp tim đập thình thịch của mình, lại rất sợ tình thế sẽ thay đổi ở ngay giây tiếp theo, mà cô sẽ không bảo vệ được Chiêm Đài đang tạm thời mất đi ý thức.
May thay trên suốt quãng đường đi ra khỏi sân vận động, cậu rất nghe lời, cuối cùng chỉ bị kinh sợ chứ không gặp phải nguy hiểm gì.
Bên ngoài sân vận động, khán giả đến xem vẫn tụm năm tụm ba với nhau, đám tài xế taxi dù đang tụ tập ở lối ra, mềm giọng chèo kéo khách.
Tuy lòng bàn tay đã ướt nhẹp mồ hôi, song Phương Lam vẫn không dám buông tay Chiêm Đài ra, cứ nắm chặt tay cậu đi về phía trước.
Đây là lần đầu tiên gặp phải tình huống như vậy, nên cô rất thấp thỏm và hoang mang.
Cô không chắc liệu Chiêm Đài có thể dần dần tỉnh táo trở lại sau khi rời khỏi sân vận động hay không, hoặc cần phải rời khỏi sân bao xa, có cần phải làm cách gì khác nữa không.
Nhất thời không có cách gì hay, lại sợ kích động đến cậu thì gay go, cô chỉ có thể đi về phía trước như thế này.
Tuy nhiên, Phương Lam vừa đi vừa cảm thấy có điều khác thường.
Khi hai người còn ở trong sân, Chiêm Đài đi đứng hơi loạng choạng, toàn phải nhờ cô dắt mỗi lần lên, xuống bậc và lại càng không biết rẽ ngoặt, giống như một đứa trẻ lơ ngơ vậy.
Nhưng trên đoạn đường vừa rồi, cậu vẫn bước vững vàng lúc lên xuống bậc và băng qua đường mà không cần cô phải bận tâm.
Ngoại trừ việc vẫn cúi đầu yên lặng ra, rõ ràng là cậu rất bình thường.
Không việc gì mà vẫn nắm tay cô, đây rành rành là muốn sàm sỡ cô phải không?
Phương Lam cả giận, hất mạnh tay Chiêm Đài ra, quay đầu lại hỏi: “Cậu tỉnh táo lại rồi sao không nói?”
Chiêm Đài tiện thể thu lại bàn tay vừa bị cô hất ra, khẽ miết đầu ngón tay vào nhau đầy lưu luyến, như thể vẫn cảm nhận được hơi ấm của cô.
Cậu ho nhẹ một tiếng, đoạn ngẩng mặt nhìn cô với ánh mắt chứa chan nụ cười: “À, đầu tôi vẫn choáng, đi đứng không vững rồi ngã thì làm thế nào? Chắc chắn là để cô đỡ vẫn tốt hơn.”
Ngữ nghĩa rõ ràng, còn rất logic, làm gì có dấu hiệu không tỉnh táo ở đây?
Phương Lam muốn tẩn cho cậu một trận.
Có điều, lồng ngực phập phồng hồi lâu, hai tay đã siết thành nắm đấm, nhưng cô ngẫm một lúc lại dằn cơn tức xuống.
Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt.
Bây giờ cô là người đi nhờ vả, còn cậu là người cô cần sự giúp đỡ.
Phương Lam kìm nén sự tức giận: “Cậu tỉnh khi nào?”
Nét cười trong mắt Chiêm Đài càng đậm hơn: “Được một lúc rồi.
Sau khi ra khỏi sân vận động, mắt tôi mới từ từ nhìn thấy ánh sáng, thấy từng dãy đèn đường.
Đoạn, tôi ngẩng đầu lên liền bắt gặp bóng lưng của cô.”
Tâm trạng của cậu bỗng chùng xuống: “Tôi rong ruổi muôn phương đã nhiều năm, nhưng chưa gặp yêu quái như thế này bao giờ, nó giống như từ trên trời rơi xuống khắp mọi nơi, chỉ trong thời gian một bài hát đã có thể làm rối loạn tâm trí tôi, khiến tôi không phân biệt được là mình đang ở đâu.”
Phương Lam dửng dưng nói: “Không phải là cậu không biết cậu đang ở đâu, mà là lúc đó cậu đang ở trên một chiếc thuyền.”
Chiêm Đài thôi cười, nhíu mày hỏi: “Ý cô là gì?”
Phương Lam nói: “Cậu từng nghe nói về thuyền vương chưa?”
“Tại Phúc Kiến có phong tục tổ chức nghi lễ tiễn thuyền vương rất trọng thể vài năm một lần.
Phong tục này đã tồn tại hơn 500 năm.”
“Một con thuyền làm bằng gỗ sam cắm đầy cờ và hình nhân, được tiễn ra biển từ đất liền.
Khi thủy triều xuống, người ta sẽ châm lửa, cả con thuyền bốc cháy rừng rực, cho đến khi từng đợt sóng đưa xác con thuyền vào biển khơi mênh mông.”
“Ánh tà dương như máu, ánh lửa cũng như máu, trải dài trên mặt biển màu đen.
Tiếng gỗ cháy lép bép liên tục vang lên.
Người trên bờ quỳ xuống dưới ánh chiều tàn, cầu xin thuyền vương đang được thủy triều đưa đi, có thể mang theo bệnh tật và tai họa.”
“Đó chính là nghi lễ tiễn thuyền vương, một phong tục đặc trưng của người dân Hạ Môn.”
Phương Lam tiếp tục dẫn dắt câu chuyện: “Sân vận động Hạ Môn đối diện với hồ Vân Đang.
Còn hồ Vân Đang vốn không phải là hồ trong đất liền.
Trước khi cải tạo đất lấp biển, hồ đổ thẳng ra biển và từng được sử dụng như một bến cảng trước năm thành lập nước Trung Hoa.”
Chiêm Đài sực tỉnh, sau đó mím chặt môi.
Cậu đã dần hiểu được ý của Phương Lam.
Cậu đứng trên khán đài cao, gió biển mang theo vị mặn thốc vào mặt, thổi vù vù bên tai.
Trong chớp mắt, cậu như đang ở trên một con thuyền khổng lồ.
Con thuyền đó đang quay mặt về phía hồ Vân Đang, chòng chành lắc lư như sắp sửa giương buồm ra khơi.
Trước khi được cải tạo, hồ Vân Đang từng nói liền với biển, con thuyền lớn tiến vào hồ Vân Đang là để ra biển.
Song điều đó thì có liên quan gì đến thuyền vương?
Phương Lam hít sâu một hơi, đoạn hỏi: “Cậu có nhớ khuôn mặt bị thương của Điền Hữu Lương và cả giọng nói khàn đặc của cậu ta không?”
Chiêm Đài đã từng xem bức ảnh hồi mới vào Đại học của Điền Hữu Lương, một chàng trai môi hồng răng trắng, phong lưu phóng khoáng.
Nhưng sau 11 năm mất tích, da hắn trở nên sẫm màu, khuôn mặt đầy những vết sẹo bỏng đã lâu, ngay cả giọng nói cũng khàn khàn như thể đã từng gặp phải hỏa hoạn.
Phương Lam nói tiếp: “Điểm mấu chốt trong hai vụ mất tích của Điền Hữu Lương và Trương Đại Xuyên là họ đã rời khỏi sân vận động trước hàng nghìn con mắt như thế nào.”
“Nếu cả hai người này vẫn chưa rời khỏi đó thì sao? Nếu họ vẫn luôn ngồi yên ổn trên chiếc ghế đó, như đang ngồi trên mũi con thuyền lớn, cho đến khi mũi thuyền chầm chậm đi từ hồ Vân Đang ra biển, với ngọn lửa cháy phừng phừng thì sao?”
Chiêm Đài bỗng hít vào một hơi.
Điền Hữu Lương rời khỏi sân thể dục bằng cách nào? Hắn ngồi thuyền.
Mà, thuyền ở đâu?
Sân vận động nhìn thẳng ra hồ Vân Đang chính là một con thuyền buồm.
Giọng nói của Chiêm Đài có phần kích động: “Theo như lời cô nói thì nghi lễ tiễn thuyền vương của người dân Phúc Kiến là một kiểu cúng tế.
Họ đóng thuyền gỗ rồi cắm cờ và hình nhân lên thuyền, sau đó châm lửa đốt, lấy danh nghĩa tiễn biệt những tai họa và bệnh tật về biển cả, để cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.”
Phương Lam gật đầu: “Có thể hiểu như vậy.”
Chiêm Đài đột nhiên vỗ tay đánh bốp, nói: “Cô nói đúng, Điền Hữu Lương và Trương Đại Xuyên chưa từng rời khỏi ghế.
Họ biến mất là vì đã được chuyển từ chỗ ngồi trên sân vận động lên cột buồm của thuyền diêm vương.”
“Hai người đó xuất hiện ở sân vận động không phải một sự trùng hợp, mà là một loạt những sự sắp đặt đã được lên kế hoạch từ trước, hòng lấy đi tính mệnh của họ.”
“Hai buổi nhạc hội đều rất đông khán giả, khán giả chính là dương khí.
Từ xưa tới nay, việc cúng tế không gì khác ngoài mượn sức mạnh của thần tiên, dương khí để dùng.”
“Sức mạnh của thần tiên tất nhiên là long mạch đế sư.
Và, bất kể hung thủ của vụ án này là ai thì hắn cũng đã mượn sức mạnh dương khí của 30.000 khán giả đến nghe ca nhạc hôm đó.”
“Người ấy mượn sức mạnh của dương khí, lấy thuyền vương là ‘mắt trận’.
Khi buổi nhạc hội diễn ra vô cùng sôi động, dương khí thịnh nhất, người ấy liền vung gậy làm phép xuyên thủng hai cõi âm dương, biến sân vận động bê tông cốt thép thành con thuyền diêm vương chỉ có bóng chứ không có hình.”
“Âm dương khác biệt, buổi biển diễn trên dương thế vẫn tiếp tục, còn thuyền diêm vương của âm phủ đã dong buồm đi mất.”
Chiêm Đài quay sang nhìn Phương Lam, trong lòng đã có nhận định: “Hai vụ án chính là hai lễ tế do con người tạo ra.”
“Dưới hình thức tiễn thuyền vương, dùng dương khí dồi dào làm sức mạnh, lấy Điền Hữu Lương và Trương Đại Xuyên làm lễ vật cúng tế.”.