• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Đàn Quyên nhìn sơn hào hải vị đầy bàn trước mặt mà ăn chẳng biết ngon.

Tiệc là tiệc mừng. Có tin tức truyền ra, hoàng đế có ý cất nhắc ông ta làm thứ sử Dự Châu, đồng liêu quen hay không quen đều tụ tập lại, ăn mừng cho ông ta. Đang trong bữa tiệc thì có người nhà đến truyền lời nhắn, nói Đạo Nhất tới cửa bái phỏng, làm Đàn Quyên đứng ngồi không yên.

Chức vị của người phương Nam trong triều cũng chẳng quá hiển hách, cộng thêm đám người Tạ Tiện mới chiêu hàng, ông ta cũng xem như người đứng đầu, dẫu vậy, trên chốn quan trường Lạc Dương vẫn có phần bị xa lánh, hai năm nay như đi trên băng mỏng, bo bo giữ mình, cuối cùng cũng được hoàng đế coi trong chút ít.

Nam Bắc phân chia đã trăm năm, ngăn cách quá sâu, muốn xóa nhòa trong chốc lát đâu dễ dàng như vậy? Dẫu lập được một đống chiến công, chung quy vẫn thấp hơn Phàn Đăng một bậc.

Ông ta giơ chén tai lên mà cõi lòng ngổn ngang, lần lượt kính rượu mọi người trong tiếng ồn ào. Hoa đèn thưa thớt, tửu hứng đương nồng, sáo trúc réo rắt, tầm mắt Đàn Quyên lướt qua từng vị khách, có Tạ Tiện, có cả Lưu Ứng Viên, đều ngồi xa xa, trên mặt là nụ cười dè dặt. Đàn Quyên nâng chén với Tạ Tiện, Tạ Tiện vội vàng đứng dậy đáp lễ – khi còn ở Kiến Khang, Tạ Tiện sao lại chẳng dưới một người trên vạn người? Sau thoáng vui mừng, Đàn Quyên lại có phần cảm khái.

“Bài này không hay, đổi bài khác đi.” Tiếng dây đàn hỗn loạn keng keng chan chát chấn động màng nhĩ Đàn Quyên đến phát đau, ông ta quay đầu ra sau bình phong bảo nhạc kĩ.

Nhạc kĩ thấy ông ta không vui, nơm nớp đáp dạ, đổi một từ khúc khác tấu nhạc, Đàn Quyên vẫn lắc đầu bảo không hay, đang nói chuyện thì thấy rèm châu rung lên, một thanh niên bận quân trang đi vào, chính là Tiết Hoàn rất được thánh sủng gần đây – bên ngoài gió tuyết giao thoa, trên người hắn lại khô ráo sạch sẽ, gò má ưng ửng, đại khái là vừa từ bữa tiệc khác sang.

“Khách quý khách quý.” Tiết Hoàn mới thi lễ xong với Đàn Quyên, còn chưa kịp nói gì đã bị mọi người kéo vào bàn, liên tiếp mấy chén rượu kính tới, hắn tuy chỉ là một võ tán quan ngũ phẩm nhưng cũng được mọi người a dua nịnh hót chẳng kém gì Đàn Quyên. Lấy lệ mấy chén, hắn đi đến trước mặt Đàn Quyên, cười hỏi: “Nghe nói thái thú có chuyện vui rồi?”

Tiết Hoàn là người của Phàn Đăng, Đàn Quyên rất cảnh giác với hắn, chỉ khoát tay nói: “Vẫn chưa chắc chắn, không nói trước được.”

Tiết Hoàn khẽ nhướng mày, kính Đàn Quyên một chén. Trong hơi thở của hắn còn vương mùi rượu phảng phất, song ánh mắt vẫn lanh lợi, “Thái thú, nghe nói Vương Huyền Hạc chiêu mộ bộ hạ cũ của Vương Phu khi xưa ở Dự Châu, định một lần nữa xây dựng thủy quân tại Giang Nam Giang Bắc, Dự Châu đang là đất thị phi lắm đấy.”

“Vương Huyền Hạc?” Đàn Quyên cười, “Người này xem như bị thịt số một Kiến Khang, không đáng lo.”

“Thái thú nói chí phải,” Tiết Hoàn nói, “Đợi ý chỉ thăng chức thứ sử đến, tôi sẽ đến nhà thái thú ăn mừng.”

Đàn Quyên nghiền ngẫm câu nói nghe như lời lơ đễnh này, nhìn Tiết Hoàn mấy phần dò xét, “Bệ hạ…”

Ông ta vừa mở miệng thì phát hiện trên tiệc yên ắng dị thường, thấy mọi người đều ngừng đũa, tựa cột trầm ngâm, tiếng cổ cầm thành chuỗi vọng ra từ sau bình phong, “Đây là…” Đàn Quyên cũng không khỏi nghi hoặc quay đầu nhìn.

Tiếng đàn ấy trong vắt, không hề có cảm giác ồn ào, lúc thì tí tách róc rách như suối chảy bắn tung giọt ngọc, lúc thì rì rào xôn xao như gió lay rừng tùng, thong dong tuôn vào phòng. Tiếng đàn dừng lại, còn dư âm rung dây đàn, tưởng chừng như nắng sớm xua tan sương mù, thỏa thuê vung vãi trên chồi non phong lan mới nhú. Chợt nghe một tiếng ù ù ảm đạm, ra hiệu đã đến cuối khúc, lại là u lan nhỏ lệ rơi sương, lá tùng đứt cuống lìa cành.

“Đây là Nam khúc,” Tạ Tiện thổn thức nói, “Bia đá khắc bản khuyết. Nhạc kĩ trên phố mà cũng có kĩ nghệ bậc này.”

Đàn Quyên nghe mà lòng cũng rầu rầu, toan bảo người dọn bình phong đi để nghe kĩ lại lần nữa thì có người bước ra từ sau bình phong.

Áo huyền giày cỏ, bước đi để lại hai hàng dấu chân ẩm ướt, chàng nghèo túng hơn tất cả quan viên lớn nhỏ ngồi đây, song bình thản đúng mực, ngẩng mặt lên là mày kiếm mắt phượng, anh tuấn kì khôi. “A di đà phật,” Chàng cúi chào mọi người, “Tùy tay gảy bừa, chẳng biết có làm bẩn tai các vị hay không?”

Sau bình phong không phải nhạc kĩ mà là hòa thượng, khách khứa trên tiệc đều kinh ngạc không thốt nổi nên lời. Mặt Đàn Quyên đỏ rực lên – ông ta cố ý lưu luyến bên ngoài là để tị hiềm, nào ngờ oan gia ngõ hẹp, cũng chẳng biết chàng cố ý hay vô tình – kìm nén nỗi lúng túng, Đàn Quyên tiến lên đỡ tay Đạo Nhất, “Thì ra là cậu.”

“Là Đạo Nhất hòa thượng.” Mọi người tức thì tỉnh táo lại, người nhận ra, người không nhận ra, kẻ ngưỡng mộ, kẻ thấy phản cảm, đều tập trung dõi mắt về phía chàng. Lò than hun hơi rượu mịt mờ, đám ca kĩ trang điểm lòe loẹt đưa mắt hóng hớt, bị quát khẽ một tiếng, đều không cam lòng đứng lên, cùng lui ra ngoài.

Hai năm nay, danh tiếng của Đạo Nhất đã lan đến Lạc Dương, có người nhận lỗi nói: “Nơi này chén đĩa bừa bãi, để thầy cười chê rồi.”

Đàn Quyên tị hiềm chẳng xong, cười bất đắc dĩ, “Tiệc tan rồi, cậu và ta tìm chỗ thanh tịnh nói chuyện đi.”

“Tôi ở tạm trên chùa Vĩnh Ninh, phải về bây giờ,” So với mọi người co quắp bứt rứt, thái độ của Đạo Nhất tự nhiên, tạ lỗi với mọi người, nói: “Là tôi đường đột. Vừa rồi đi ngang qua, nghe thấy nhạc khúc trên lầu tuyệt diệu, bèn lên xem thử. Những năm gần đây Bắc khúc pha trộn Hồ phong, dùng nhiều nhạc khí Tây Vực, thường tạo ra âm thanh sát phạt, reo hò huyên náo, không giống Nam khúc êm ái thanh lệ, kì thực nghe hơi mệt tai.”

Chàng nói đến Nam thanh Bắc điệu, cuộc chuyện trò trở nên hài hòa hơn nhiều. Mọi người rất thán phục, “Thì ra Đạo Nhất hòa thượng không chỉ tinh thông Phật pháp mà còn am hiểu nhạc lí?”

Có người nhường ghế, Đạo Nhất khước từ mấy câu rồi cũng ngồi xuống, cười bảo: “Người thời nay ưa thanh sắc, không ham nghĩa lí, tuy tôi đã xuất gia nhưng cũng không ngoại lệ.” Chàng đưa mắt nhìn, thấy Tạ Tiện bên cạnh đăm chiêu, Đạo Nhất mỉm cười, hạ giọng nói: “Vừa rồi Tạ lục sự nghe rất chăm chú – Trước thềm sáo trúc dầu huyên náo, chẳng bằng Nam hồ vẳng tiếng thương?”

Mỏi mắt mòn trông về núi cũ, lén rỏ lệ chung chốn tha hương.1

1 Đây là bốn câu thơ của Thạch Giới thời Tống.

Tạ Tiện bỗng nghĩ đến câu này, mồ hôi lạnh túa ra ròng ròng, sao dám tiếp lời, đành cười gượng, nói: “Khúc này… nhẹ nhàng du dương, như gió mát tấp mặt, quả nhiên không tầm thường.” Đám người Đàn Quyên, Lưu Ứng Viên trên tiệc như bị khúc nhạc làm xúc động, ai nấy trầm ngâm không nói, trong lòng vừa bi thương vừa sợ hãi, bèn làm như không biết.

Quả nhiên là có lòng khó lường – ánh mắt Tiết Hoàn vụt chớp, lấp lóe ý cười tỏ tường. Ban nãy hắn dựa vào lan can phòng bên ngắm tuyết, trông thấy Đạo Nhất tới nên mới đi qua xem xem thế nào. Đứng một bên theo dõi hồi lâu, khóe miệng hắn nhếch lên, nói: “Đạo Nhất sư phụ tư thái ngút trời, sao cũng bằng lòng làm tai mắt gần xa cho người ta?”

Vừa có người đến mời rượu, ngón tay Đạo Nhất vân vê chén tai, lạnh nhạt liếc Tiết Hoàn, “Tôi không biết múa kiếm, chỉ có thể đánh đàn đãi khách mà thôi.”

Chàng đang châm chọc hắn múa kiếm ở ngự tiền để đổi lấy chức quan, Tiết Hoàn chỉ bật cười lớn. Trên tiệc có ngự sử Lương Khánh Chi, mượn cơ hội này chế nhạo: “Đàn đánh được chắc rượu cũng uống được chứ?”

“Bệ hạ không cấm tăng ni uống rượu, đương nhiên uống được.”

“Gái cũng chơi được chứ?”

“Lương ngự sử giỏi chơi gái, tôi không giỏi món này.”

Lương Khánh Chi cười ha hả, “Đánh đàn, uống rượu, chơi gái cũng chưa chắc không thể, thế thì ta cũng muốn làm hòa thượng – đây chẳng phải là mượn cái danh phóng khoáng để thỏa sức buông tuồng ư?”

Đạo Nhất thuận miệng đáp: “Khắc kỉ tại tâm, không do ngoại sắc, ngoại sắc không vấy vào tâm cảnh, chẳng phải như thế ư? Ngự sử nên thanh tẩy tâm đi.”

Lương Khánh Chi cả giận, đập bàn đứng dậy, cười khẩy: “Người phương Nam các ngươi mồm mép lanh lợi lắm, đáng tiếc tướng ít binh nghèo, không kham nổi một kích. Nam khúc có êm ái cũng chỉ là tiếng vong quốc sến súa mà thôi!”

Câu này triệt để đắc tội người phương Nam trên tiệc, đám Tạ Tiện vừa hổ thẹn vừa phẫn nộ, không hẹn mà cùng trừng Lương Khánh Chi.

Đạo Nhất cười đáp: “Ngự sử nếu biết miệng lưỡi mình không khéo, sao không ngậm miệng ngay từ đầu, tránh cho tạo khẩu nghiệp?”

Miệng lưỡi hai người sắc như đao kiếm, không ai chịu nhường ai, đến người bàng quan cũng chen miệng vào, anh một câu tôi một câu, chỉ có Tiết Hoàn đứng một bên tủm tỉm quan chiến từ đầu tới cuối, người khác muốn kéo hắn vào ầm ĩ cùng, hắn lắc đầu nói: “Tôi là kẻ thô lỗ, ăn nói vụng về.” Về sau, Lương Khánh Chi cứng họng, hừ lạnh một tiếng, phất tay áo bỏ đi. Tiết Hoàn thì khách sáo cáo từ với Đàn Quyên, cũng theo mọi người rời đi, bữa tiệc kết thúc trong cáu kỉnh.

Đạo Nhất nói chỉ đi ngang qua mà lại vô tình cố ý gợi lên một trận phong ba như thế, mắt thấy hoa đèn đã nổ mấy lần, bên ngoài óng ánh sắc tuyết, nắng sớm sắp ló rạng, Đàn Quyên đứng lên, có phần rã rời: “Cậu vừa đến, ta đưa cậu đi chùa Vĩnh Ninh.”

Đám người Lương Khánh Chi đều hậm hực bỏ đi, Đạo Nhất lại như chẳng có chuyện gì, khi chỉ còn hai chú cháu, nét sắc nhọn trong mắt chàng đều thu lại, khôi phục vẻ mặt kính cẩn bình tĩnh với Đàn Quyên. Đàn Quyên dẫn đầu, hai người đi xuống phố, chậm rãi cưỡi ngựa về phía chùa Vĩnh Ninh, thỉnh thoảng Đàn Quyên lại liếc sườn mặt lãnh đạm của Đạo Nhất, nhớ lại năm xưa nhà họ Đàn nhất công tam khanh vinh quang hiển hách ở Kiến Khang mà cứ ngỡ nằm mơ.

Ông ta xem thường Đàn Tế cổ hủ, nhưng đối với đứa cháu ruột Đạo Nhất, tuy có ngăn cách nhưng dẫu sao cũng vẫn còn tình thân. “Ta tưởng hai năm nay tính tình cậu ôn hòa hơn rồi,” Đàn Quyên cười khổ, “Hóa ra vẫn bồng bột nóng nảy như vậy.”

Cửa mở kêu tiếng “két”, chấn động làm tuyết rơi rào rào phủ trắng mặt đất. Tăng nhân chùa Vĩnh Ninh nhấc đèn lồng thò đầu ra, thấy là hai người Đàn Quyên bèn chắp tay hành lễ niệm câu phật hiệu, mời Đàn Quyên vào nghỉ tạm. Đàn Quyên từ chối, kéo cương xuống ngựa, nương ánh đèn mờ nhìn Đạo Nhất, lúc này mới thở dài một hơi tự đáy lòng, “Người chết không thể sống lại, cậu và ta hãy cùng nén bi thương – Lạc Dương sài lang rình rập, cậu vẫn nên cẩn thận thì hơn.”

Đạo Nhất gật đầu, hôm nay bị Đàn Quyên cự tuyệt ngoài cửa, chàng cũng chẳng oán trách, “Chính vì Lạc Dương sài lang rình rập, người phương Nam bây giờ đều nơm nớp lo sợ, bo bo giữ mình, chia năm xẻ bảy như vậy, tất cả đều tứ cố vô thân, phỏng có ích gì? Tôi không gảy Nam khúc thì chỉ e đến bản thân họ gì, sinh ra ở đây, họ cũng quên.”

Đàn Quyên tức thở, trỏ vào chàng nói: “Cậu,” Ông ta “hây dà” một tiếng, ảo não phất tay áo, “Chuyện hôm nay truyền vào tai bệ hạ, ắt sẽ gặp phải tai họa!”

Đạo Nhất lắc đầu, “Tôi nghe nói bệ hạ khoan dung độ lượng, chí hướng cao xa, không đến mức giận cá chém thớt sang thúc phụ đâu.”

“Cậu thì biết cái gì?” Đàn Quyên lo ngay ngáy, không có tâm tư nói nhảm với Đạo Nhất nữa, xoay người lên ngựa, trở về Đàn phủ.

Quả nhiên không đến mấy ngày sau, Lương Khánh Chi dâng tấu hặc đám Đàn Quyên, nói họ bí mật tụ hội vào ban đêm, tình cờ nghe Nam khúc, đám Đàn Quyên, Tạ Tiện đều đau lòng rơi lệ, lời lẽ rất có ý tưởng niệm cố quốc, cảm hoài vương triều Nguyên thị. Hoàng đế nghe vậy giận dữ không nguôi, triệu Tiết Hoàn đến, “Trong tấu chương Lương Khánh Chi nói ngươi cũng có mặt ở đó, có đúng như lời y nói không?”

“Đúng là thần có mặt ở đó,” Tiết Hoàn thoáng suy tư, cân nhắc vẻ mặt hoàng đế, “Bệ hạ còn muốn phái Đàn Quyên làm thứ sử Dự Châu không ạ?”

Hoàng đế vứt tấu chương của Lương Khánh Chi lên bàn, dựa vào long ỷ trầm ngâm hồi lâu, lại mỉm cười lắc đầu, “Lương Khánh Chi nói thế, ta quả thật có phần do dự, nhưng không vứt thể diện đi nuốt lời với Đàn Quyên được – trong triều hẳn có rất nhiều người không muốn Đàn Quyên nhậm chức thứ sử Dự Châu này, hừm, vì y là người phương Nam sao?”

“Chắc vậy ạ,” Tiết Hoàn giả bộ hồ đồ, “Thần cũng không biết.”

Hoàng đế cười lạnh, nói: “Có điều, tên hòa thượng Đạo Nhất này bụng dạ khó lường thật, ta cũng nhìn ra rồi.”

Tiết Hoàn cười đáp: “Sau hôm ấy có không ít danh sĩ Nam Bắc đến chùa Vĩnh Ninh gặp hắn… Làm thần nhớ năm đó, hòa thượng Huyền Tố ở Kiến Khang được người ta tôn thờ rầm rộ như thần linh. Phong cách chuyện phiếm của Nam truyền đang có xu thế tràn lên Bắc, thần nhớ khi còn bé hình như Lạc Dương không nhiều chùa thế này.”

Câu này chọc trúng tâm sự của hoàng đế, y tức thì lạnh mặt, “Thiên hạ thái bình nuôi người rảnh rỗi, bàn suông tán phét hại nước hại dân, nếu không phải người phương Nam suốt ngày chỉ mải thắp hương bái Phật, trận Nam chinh này sao có thể thắng nhanh được đến thế? Sớm muộn gì cũng phải dụng binh với các châu Giang Nam, những người này lại núp cả ngày trong chùa ăn bơ làm biếng, múa mép khua môi, hừ.”

Tiết Hoàn yên lặng nghe hoàng đế phàn nàn.

Hoàng đế chắp tay đi mấy bước sau bàn, hỏi nội thị: “Có phải mồng Mười thái hậu định đi chùa Vĩnh Ninh nghe Đạo Nhất giảng kinh không?” Nội thị đáp phải, hoàng đế dậy lên hứng thú: “Ta cũng đi nghe thử xem hắn yêu ngôn hoặc chúng thế nào – mời cả Thọ Dương công đi.”

Nội thị ngó ánh mắt hoàng đế, khom người nói: “Vâng.”

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK