Ăn miếng trả miếng - Chuẩn bị kỹ lưỡng trước rồi mới ra tay
Kim Tam năm mươi tuổi.
Ở độ tuổi này, ông ấy không còn phải đi tuần tra nữa, mà thay phiên trực gác với hai cảnh sát già bằng tuổi.
Chiều hôm đó, sau khi đến đồn đổi ca trực, ông ấy vừa bật đài radio thì có người bước vào.
"Cảnh sát trưởng, tôi đến để rút lại hồ sơ vụ án."
"Có mang biên nhận theo không?"
Ông ấy vừa chỉnh tần số, vừa nhận lấy biên nhận, liếc qua ngày tháng trên đó rồi tìm túi giấy kraft tương ứng trong thùng hồ sơ.
Lời khai và vật chứng đều đầy đủ. Hai bên đối chiếu biên nhận xong, người báo án ký tên xác nhận; vật chứng được trả lại, lời khai ghi vào hồ sơ, coi như xong việc.
Từ đầu đến cuối Kim Tam không thèm nhìn kỹ thêm lần nào. Những vụ án nằm trong thùng hồ sơ của phòng trực gác này có gì to tát đâu, toàn là những vụ vặt vãnh.
Giải quyết công việc xong, ông ấy lại chỉnh đài radio.
Người đến nhận vật chứng cũng chẳng ở lại giây nào, đi nhanh đến nỗi suýt vấp ngã ở bậc cửa.
Tiếng động này làm Kim Tam ngẩng đầu nhìn thoáng qua. Vóc dáng người đó nhỏ bé, tuổi không lớn, trông bóng lưng có vẻ chỉ chừng mười hai, mười ba tuổi, là một cô nhóc…
Khoan đã?
Có gì đó không đúng.
Ông ấy định gọi lại để hỏi một câu nên vội vàng đứng dậy đuổi theo. Nhưng ngay lúc Kim Tam mở cửa ra, một cơn gió lạnh mang theo tuyết bay lùa vào khiến ông ấy ho sặc sụa, vừa che miệng ho vừa giơ tay lên vẫy gọi.
Thế nhưng cô gái đã hoà vào màn tuyết mịt mờ, bóng dáng nhỏ bé lờ mờ tựa hạt đậu đen.
Kim Tam không muốn tốn sức hét lớn, đành bỏ qua.
Ông ấy quay lại xem hồ sơ vụ án đó, là vụ nữ sinh tố cáo bị người khác phỉ báng.
Ông ấy hơi ấn tượng về vụ này, cố nhớ lại thêm, cuối cùng cũng nhớ ra là vụ nào, thế là yên tâm bỏ qua.
Ngay từ đầu Kim Tam đã nghĩ đây là trò đùa dai của đám học sinh, cô bé nhỏ tuổi không sợ mất danh dự mà dám đến kiện cáo, đúng là liều lĩnh! Còn giờ thì sao? Chắc cũng tự hiểu ra rồi chứ gì?
Ông ấy gập hồ sơ lại bỏ sang một bên. Ba chữ "Bạch Oánh Oánh" ký ở phần người tố cáo có hơi quen mắt, nhưng Kim Tam không để ý lắm.
Ông ấy suốt ngày chỉ lo nghĩ xem lão Tưởng sẽ xử lý đám cảnh sát tay sai như bọn họ thế nào, làm gì có thời gian để dây dưa mấy chuyện tầm phào. Thậm chí khi đọc báo hay nghe đài, ông ấy cũng chỉ chăm chăm vào các tin tức quốc gia, chính trị, còn những tin thời sự xã hội thì luôn bỏ qua.
...
Ban đêm, tại nhà họ Bạch ở ngõ Thủ Phách.
Dưới ánh đèn dầu, Bạch Tố Khoan và ông Đinh Nhị đang cẩn thận kiểm tra vật chứng.
Vật chứng này có rất nhiều sơ hở, liên trên liên dưới còn chưa bị tách ra mà giao nguyên vẹn cho người bị phạt.
Nếu việc xác thực con dấu và biên bản phạt đạt độ chính xác tuyệt đối, chỉ với sơ hở này thôi cũng đủ để lật đổ Vương Lâm.
Tiếc là công nghệ hiện nay chưa phát triển đến mức đó.
Các phương pháp giám định con dấu hiện giờ chỉ đủ để phát hiện những dấu giả làm quá thô sơ, chứ với những dấu được làm kỹ càng thì rất khó mà phân biệt thật giả.
Nếu cố gắng làm giả con dấu thật tinh vi thì rất khó giám định thật giả.
Điểm duy nhất có giá trị của tờ giấy phạt này là mã số trên đó.
Chỉ cần kiểm tra sổ biên nhận của đồn cảnh sát, chắc chắn sẽ phát hiện ra tờ bị thiếu.
Nhưng với bản tính gian trá của Vương Lâm, có lẽ ông ta đã sớm tìm ra cách lấp li3m lỗ hổng này từ lâu rồi.
Giá như lúc đó Vương Hủy và Mễ Cấn Liên tự cho là thông minh, để lại dấu vân tay ở cột "dấu tay của người bị phạt" thì tốt biết bao.
Bây giờ kỹ thuật nhận dạng dấu vân tay rất phát triển, chắc chắn có thể dùng làm chứng cứ buộc tội.
Bạch Tố Khoan nói: "Xem ra chỉ có thể tìm cách để dấu vân tay của Vương Hủy hoặc Mễ Cấn Liên xuất hiện trên tờ giấy này thôi."
Ông Đinh Nhị băn khoăn: "Việc này nói thì dễ, làm mới khó."
"Cách nào cũng do con người nghĩ ra. Nhưng hiện giờ chúng ta cần chuẩn bị vài tờ giả dự phòng trước."
Ông Đinh Nhị hiểu ý của cô, nhưng chợt nghĩ ra điều gì, bèn hỏi: "Cứ công khai mang tờ giấy phạt này về đây vậy à? Tôi cảm thấy không yên tâm lắm, lỡ tên cảnh sát già đó nhận ra điều gì thì sao?"
"Không sao đâu." Bạch Tố Khoan đáp chắc nịch: "Đây là hành vi thiếu trách nhiệm do làm việc qua loa của ông ta. Cả ông ta và cấp trên của ông ta đều có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm, nếu sau đó có nhận ra vấn đề, ông ta cũng sẽ che giấu không nói gì."
Cô nói xong rồi cất tờ giấy phạt đi, nói: "Ngày mai tôi sẽ bắt đầu làm đồ giả, ông hãy theo dõi nhất cử nhất động của tên Vương Nhị mặt rỗ và Nhiếp Văn Lộng."
...
Đêm tuyết, rạng sáng bốn giờ rưỡi, phố Hà Công Phủ.
Cánh cổng nặng nề của một ngôi nhà bật mở, người kéo xe thuê theo tháng cố gắng kéo xe ra trong cơn bão tuyết, căng thêm mái che.
Một người phụ nữ và một cô gái mặc áo bành tô có phần cổ làm bằng lông rái cá bước ra khỏi cửa, vừa đi vừa trách móc lẫn nhau.
Họ chuẩn bị đi Thiên Tân thăm họ hàng, phải kịp chuyến tàu lúc năm giờ, nhưng người quen dậy muộn thì làm sao có thể dậy sớm được, nên lề mề mãi đến giờ này.
Vì sợ lỡ tàu, người phụ nữ vừa lên xe đã hối thúc người kéo xe chạy nhanh.
Tuyết rơi dày phủ trắng cả con phố. Xa xa có vài cây hòe trơ trụi đứng im, tuyết và băng đọng trên cành.
Người kéo xe cắm cúi chạy, nhưng khi đi ngang qua cổng lớn nhà họ Mễ bánh xe bỗng khựng lại, mắc phải vật gì đó làm cả xe lật nhào.
Người phụ nữ và cô gái ngã nhào ra khỏi mái che xe như nhân bánh rơi ra khỏi vỏ sủi cảo.
"Á..."
Ban đầu cô gái còn chưa kịp phản ứng nên không la hét gì, nhưng khi chạm đất cô ta chợt hét lên thảng thốt - bởi vì cô ta ngã đè lên một khuôn mặt người.
Ban đầu khuôn mặt ấy bị phủ đầy tuyết, nhưng cô ta va vào làm tuyết rơi xuống, lộ ra một khuôn mặt chết cứng trợn trừng hai mắt.
Ngay sau đó, người phụ nữ cũng hét lên: "Chết... chết người rồi!"
Tiếng thét sắc bén xé toạc màn đêm, ánh đèn từ những ngôi nhà ở hai bên đường dần dần sáng lên.
Tiếng mở cửa kẽo kẹt hòa lẫn tiếng chó sủa vang lên, đám đông nhanh chóng tụ lại, tuyết phủ trắng mặt đất như tấm thảm thoắt cái đã đầy dấu chân lộn xộn.
Có người nhìn thoáng qua đã nhận ra người chết là con nghiện thuốc phiện Nhiếp Văn Lộng.
Tiếng bàn tán rì rầm không ngớt, bảo rằng nhà họ Mễ năm nay thật là xui xẻo, mới dính vào một vụ án mạng chưa đầy nửa tháng, giờ lại có người chết ngay trước cửa...
Trước đó khi Bạch Ninh thị chết ở nhà họ Mễ, vợ chồng họ Mễ và con cái đều dọn đi nơi khác, bây giờ trong nhà chỉ có vài người hầu trông coi.
Lúc này, người hầu trực ca đêm vừa cài khuy áo khoác vừa chen vào đám đông. Khi nhìn thấy người chết, hắn kinh hãi tái mặt, nhanh chân chạy vào gọi điện thoại. Đầu tiên là gọi cho ông chủ, sau đó mới gọi cho đồn cảnh sát.
Cảnh sát đến hiện trường, phong tỏa khu vực.
Nhưng nhà họ Mễ cảm thấy thật xui xẻo, chỉ cử quản gia Ngụy Tam đến dàn xếp, yêu cầu cảnh sát mang thi thể đi.
...
Gần đây Vương Lâm đang trên đà thăng tiến, hôm trước vừa mới được thăng chức lên trưởng phân cục, mỗi ngày đều hợp tác với quân đội và Ủy ban trấn áp Hán gian để bắt Hán gian.
Đây là cơ hội béo bở, bọn Hán gian không tiếc chi tiền để giữ mạng mình.
Suốt tám năm kháng chiến, Vương Lâm luôn phải sống trong cảnh nghèo túng tại hậu phương, nay gặp cơ hội phát tài thì làm sao mà không động lòng cho được.
Vì thế ông ta càng tích cực hơn, dẫn đội điều tra lượn lờ không kể ngày đêm.
Hôm nay cũng vì dẫn đội truy bắt Hán gian suốt đêm mà lỡ mất cuộc gọi từ ông Mễ.
Khi ông ta nhận được tin tức thì trời đã sáng, Vương Lâm vội vàng gọi đến đồn cảnh sát để hỏi thăm về tình hình vụ án. Kết quả giám định pháp y đã có, xác định thời gian tử vong của Nhiếp Văn Lộng là bốn ngày trước.
Vương Lâm lấy làm ngạc nhiên. Việc đưa một cái xác đã chết bốn ngày đến trước cửa nhà họ Mễ chắc chắn có ẩn ý sâu xa nào đó.
Vương Lâm đành gác công việc trong tay lại, đích thân đến để đốc thúc vụ án.
Khi cảnh sát đi thu thập lời khai của cư dân quanh hiện trường, một nữ công nhân làm việc tại tiệm bánh bao cho biết, vào khoảng hơn bốn giờ sáng khi bà ấy dậy để nhào bột thì thấy có một người khả nghi lén lút qua lại.
Trong lúc một nhóm cảnh sát khác điều tra các mối quan hệ của người chết khi còn sống, họ phát hiện không liên lạc được với một người bạn thân của Nhiếp Văn Lộng tên là Vương Nhị mặt rỗ. Hơn nữa, hình dáng của người này lại khớp với miêu tả của nữ công nhân.
Nhiếp Văn Lộng và Vương Nhị mặt rỗ?
Nghe đến hai cái tên này, Vương Lâm càng thêm cảnh giác. Đó chính là hai người đã tố cáo mẹ con Bạch Oánh Oánh làm gái, trùng hợp vậy sao?
Đúng lúc ấy, quản gia Ngụy Tam của nhà họ Mễ đến.
Mục đích rất rõ ràng – hy vọng vụ án này sẽ không bị làm lớn chuyện.
Hóa ra, vài ngày trước Vương Nhị mặt rỗ đã gọi cho Ngụy Tam để tống tiền.
Lúc ấy Vương Nhị mặt rỗ viện cớ rằng Nhiếp Văn Lộng không hài lòng với việc chia tiền, cần thêm tiền để đuổi Nhiếp Văn Lộng đi.
Lúc trước người đứng ra xử lý chuyện mẹ con nhà họ Bạch thay nhà họ Mễ chính là Ngụy Tam, cho nên Vương Nhị mặt rỗ là do ông ta tìm. Tiền đã được chuyển từ lâu, không ngờ tên này lại dám đến tống tiền thêm.
Ngụy Tam vốn chẳng kiêng nể bọn lưu manh này, vì vậy ông ta không đợi Vương Nhị mặt rỗ nói hết đã mắng xối xả rồi cúp máy.
Vương Lâm vốn nghi ngờ vụ án này có điều gì mờ ám, nhưng sau khi nghe Ngụy Tam kể lại, ông ta yên tâm hơn.
Có lẽ đây chỉ là mâu thuẫn do chia tiền không đều giữa đám lưu manh, chẳng đáng lo ngại.
Ngụy Tam nói thêm: "Lúc đó tôi cũng chẳng bận tâm, nghĩ thằng cha đó lên cơn nghiện nên sốt ruột. Nhưng bây giờ xảy ra chuyện, tôi nghĩ có lẽ tên họ Nhiếp thực sự có khúc mắc với gã. Dù sao thì, hành vi đưa xác chết đến trước cửa nhà thế này chắc hẳn là vì tống tiền không thành nên thù hận, cố tình làm người ta mắc ói."
Ngụy Tam vội vàng đến đây vì sợ rằng chuyện này có thể khiến những chuyện trước kia bị khui ra.
Vương Lâm hiểu rõ, dặn ông ta nhanh chóng tìm ra Vương Nhị mặt rỗ để tránh chuyện "cũ" bị đào lên.
Còn về vụ án hiện giờ, ông ta gọi điện chỉ đạo cảnh sát kết thúc sớm cho xong việc.
...
Cái chết của Nhiếp Văn Lộng được giải quyết qua loa như vậy, quả thực đúng ý Bạch Tố Khoan.
Vụ án này chỉ là bước đệm của cô nhằm tạo điều kiện cho các hành động trong tương lai, lúc này tuyệt đối không được để kẻ địch cảnh giác.
Chưa bứt dây động rừng, về mặt ngoài thì vẫn gió yên biển lặng.