• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Trong ngõ Lưu Hải, phố Đức Thắng Môn, đồn cảnh sát số 7 thuộc phân cục Nội Ngũ, tiếng phát thanh xen lẫn với âm thanh rè rè do nhiễu điện.

Cảnh sát già Kim Tam không hề thấy khó chịu, gần như dán sát tai vào chiếc radio.

Dạo này tình hình ngày càng căng thẳng, thành phố Thiên Tân lại xử lý thêm vài cảnh sát ngụy. Trên radio nói rằng cả cục trưởng và phó cục trưởng đều bị cách chức, tài sản bị tịch thu vì là "tài sản phản quốc", gia đình già trẻ người thì bị bắt giam, người thì bỏ trốn.

Kim Tam nín thở nghe, trong lòng thấp thỏm không yên. Tôn Đại đang sắp xếp hồ sơ bên cạnh cũng nghiêng tai lắng nghe, cảm giác như một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Chỉ cần chữ “nguỵ” trên đầu bọn họ chưa được xác định rõ ràng thì ngày nào họ cũng không thể sống yên ổn.

Lúc này, một cảnh sát trưởng từ bên trong bước ra gọi: “Lão Kim, đồn trưởng gọi ông đấy, nhanh lên.”

“Gì đấy?”

Kim Tam chưa nhúc nhích, định nghe nốt bản tin rồi mới qua đó.

Đồn trưởng là cháu ruột ông ấy, một chàng trai nghèo đầy nhiệt huyết, vì nhiệt huyết mà đập xe của đội quân cảnh Nhật nên bị giam trong ngục một tháng. Nhờ ngồi tù một tháng, khi ra ngoài cậu ta từ một cảnh sát bình thường được Chính phủ Quốc dân thăng chức cho lên làm đồn trưởng của đồn cảnh sát số 7 này.

Quả là may mắn, chỉ vì cậu ta chọn đúng thời điểm. Tháng bảy đập xe, tháng tám quân Nhật đầu hàng. Vừa được thả ra tù, cậu ta lập tức trở thành anh hùng kháng Nhật. Chính phủ Quốc dân cần dựng nên một tấm gương cảnh sát và cậu ta là người đầu tiên bắt kịp đợt này. Mỗi ngày hết đợt khen thưởng của phân cục lại đến tổng cục tuyên dương, rồi đến chính phủ cũng khen thưởng.

Vì thế mà cậu ta bận rộn chẳng còn thời gian làm việc, tám giờ tối mới quay lại giải quyết đống công việc còn tồn đọng, phê duyệt các lệnh công vụ tồn đọng cả tháng trời.

Kim Tam nghe bản tin “xử lý cảnh sát ngụy” xong còn tranh thủ nghe thêm tin về “xét xử Hán gian văn hoá” rồi mới đứng dậy.

Bên kia, cháu ông ấy là Kim Lai đã mất kiên nhẫn, cao giọng nói: “Nghe phát thanh nghe phát thanh, nếu bên trên muốn xử lý thì nghe bao nhiêu phát thanh cũng chẳng trốn được!”

Kim Lai chẳng cần nhìn ra ngoài cũng đoán được chú Ba đang bận nghe đài. Đó là bệnh chung của người dân Bắc Bình bây giờ - nghe đài, đọc báo!

Nhất là đám cảnh sát ngụy này, động vào đài radio là vặn mãi không thôi!

Cậu ta quẹt diêm châm điếu thuốc, bực dọc lầm bầm: “Suốt ngày như vậy, ai nấy đều ôm cái đài không rời…”

“Đến rồi đây!”

Kim Tam vừa kêu vừa bước vào, nghĩ thầm thằng nhóc nhà cậu may mắn nên đương nhiên không phải lo lắng chuyện bị gắn mác “cảnh sát ngụy”, nhưng chú Ba của cậu thì sợ lắm.

Vừa bước vào, ông ấy cau có nói: “Có chuyện gì đấy?”

Kim Lai phẩy tay bảo cảnh sát trưởng ra ngoài.

Sau khi cửa đóng lại, cậu ta nói: “Chú Ba à, chuyện gì được nữa, chú đấy!”

“Sao thế?”

Kim Tam không hiểu ra sao.

Cánh tay trái của cháu trai ông ấy đeo băng gạc từ ngày ra khỏi tù, đeo mãi đến tận hôm nay, trông như chỉ cần cái danh anh hùng chưa mất thì cả đời này cậu ta không định tháo nó xuống.

Có người nói đó là do cậu ta bị đánh trong tù, không chỉ có vết thương ngoài da mà còn phải chịu tra tấn bức cung, thậm chí còn phải ngồi ghế điện giật, ghế hùm*, rưới nước ớt, nhưng chỉ có người ngoài tin, các cảnh sát làm việc cùng, bao gồm cả chú Ba của cậu ta chẳng ai tin hết.

*Ghế hùm: hình phạt tra tấn thời xưa, người ngồi trên chiếc ghế dài, duỗi thẳng chân ra, trói chặt đầu gối với ghế, rồi đệm dần gạch dưới gót chân, đệm càng cao thì càng đau.

Chẳng qua là cứng đầu, không kiềm chế được tính tình mà xúc phạm người Nhật thôi, kẻ ngốc tới vậy sao có thể bị tra tấn bằng cực hình như đặc vụ của Cục Điều tra Thống kê* được chứ? Ngay cả khi bắt được Đới Lạp hay Mao Nhân Phụng cũng chỉ đến thế là cùng.

*Tên là Cục Điều tra Thống kê nhưng bản chất thực của nó là hoạt động mật vụ, tổ chức tình báo.

Đới Lạp là một tướng lĩnh Trung Hoa Dân Quốc đầu thế kỷ 20. Ông là một trong những thủ hạ th ân cận nhất và là người đứng đầu hệ thống tình báo quân đội của lãnh tụ Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch.

Mao Nhân Phụng là một vị tướng và điệp viên của Trung Hoa Dân Quốc, người đứng đầu Cục Điều tra Thống kê từ năm 1946 cho đến khi qua đời, kế nhiệm Đới Lạp.

Hừ, phóng đại quá chừng!

...

Kim Lai đẩy một tờ biên nhận và ghi chép công việc của cảnh sát qua.

“Chú xem đi, người ký tên: Bạch Oánh Oánh! Ngày 13 tháng 12 năm Dân quốc thứ 34!”

Cậu ta gõ mạnh ngón tay vào giấy: “Chú nói cho cháu nghe, tháng mười một người này đã ngồi tù rồi, sao cô ta có thể xuất hiện ở đồn chúng ta vào tháng mười hai được.”

Kim Tam ngây người: “Sao chú biết cô ta đã ngồi tù hồi tháng mười một chứ?”

Kim Lai hết chỗ nói: “Chú Ba lại không biết người này?”

Kim Tam không hiểu: “Không biết, sao vậy?”

“Dạo trước ngày nào cô ta cũng lên báo, lên radio, chú không biết cô ta á?”

Kim Tam ngơ ngác.

Kim Lai tức giận vì chú mình không biết phấn đấu, cậu ta cũng biết rõ rằng mặc dù chú Ba suốt ngày ôm cái đài, nhưng ngoài chương trình phát thanh trừ gian diệt phản ra thì ông ấy không nghe gì khác.

"Chú Ba, lỗi không làm tròn nhiệm vụ lớn lắm đấy, chú đã để cô ta lấy cái gì đi? Vật chứng!"

Cậu ta chỉ vào hai chữ “vật chứng” trên bản ghi chép công việc, tức mà không biết trút vào đâu.

Kim Tam hoàn toàn sững sờ, ngạc nhiên thốt lên: "Có ai đó giả mạo tên tuổi à?"

Người cháu không buồn nói cho ông ấy hiểu ra nữa, thu dọn mấy tờ giấy bỏ vào ngăn kéo rồi khóa lại.

Cậu ta dặn dò: "Giữ kín! Tuyệt đối phải giữ kín chuyện này!"

Cậu ta gõ mạnh lên bàn, nhấn từng chữ: "Tuyệt đối không được nói với ai! Nếu không, thất trách là chuyện nhỏ, nhà họ Mễ sẽ coi chúng ta như đồng lõa!"

Kim Tam hoảng sợ, giọng không tự chủ mà hạ xuống rất thấp, hỏi: "Nhà họ Mễ? Là cái vị họ Mễ ở vị trí cao nhất đó sao?"

Ông ấy đang ám chỉ cục trưởng Cục Cảnh sát Mễ Bá Ông.

Người cháu định nói thêm thì chuông điện thoại chợt reo lên, người của phân cục gọi đến giục Kim Lai đi nơi nào đó tham dự hội nghị biểu dương, Kim Lai đành bỏ mặc chú Ba mình, bảo ông ấy về tự suy ngẫm.

...

Đêm tuyết ở Bắc Bình, đất trời trắng xóa, xa xa là tháp canh của Chính Dương Môn mờ ảo đứng sừng sững, gần đó là ngõ Thủ Phách vắng vẻ. Dưới căn hầm tối tăm của nhà họ Bạch thoảng mùi đất ẩm ướt.

Ông Đinh Nhị xách ngọn đèn dầu, đổ một ít nước vào miệng Vương Nhị mặt rỗ.

Bây giờ tên lưu manh này chưa thể chết được, theo kế hoạch của cô cả, gã sẽ là quân bài then chốt để lật đổ kẻ thù.

Vì vậy cứ cách một ngày ông Đinh Nhị lại xuống hầm một lần, cho gã một cái bánh ngô.

Không khí dưới hầm ngột ngạt, ngọn lửa đèn dầu chập chờn giống như bóng ma lởn vởn trong bóng tối, Vương Nhị mặt rỗ ủ dột cầu xin thả mình ra.

Ông Đinh Nhị không thèm để ý, chỉ cất bát nước rồi trèo lên miệng hầm, đậy kín lại.

Sau khi ông ấy trở về phòng phía Bắc, cửa lớn vang lên tiếng động, ông ấy biết có thể tối nay cô cả sẽ đến nên cố ý không cài then cửa.

Bạch Tố Khoan bước vào.

Cô mặc áo khoác lông, chân đi giày cao gót pha lê, mang cho ông Đinh Nhị một chiếc quần bông ấm.

Ông Đinh Nhị nhìn thấy dáng vẻ ấy, nói: "Xem ra hôm nay cô đi tìm người họ Hồ rồi, mọi chuyện thuận lợi chứ?"

"Hiện tại vẫn khó nói." Bạch Tố Khoan đáp: "Hôm nay tôi chỉ k1ch thích nhà họ Hồ một chút, tiếp theo kế hoạch có thành công hay không còn phải xem phản ứng của họ. Từ ngày mai ông phải theo dõi họ thật sát sao."

Ông Đinh Nhị đáp lời.

Sau đó hai người chia nhau hành động, ông Đinh Nhị chịu trách nhiệm theo dõi và canh giữ hầm, còn Bạch Tố Khoan sẽ cố gắng để dấu vân tay của Vương Hủy xuất hiện trên vật chứng.

...

Sau trận tuyết trời lại quang đãng, trường nữ sinh Thanh Tâm đang trong giờ học.

Bên cạnh lan can gạch được chạm khắc hoa văn ở trước dãy phòng học, Bạch Tố Khoan đang trò chuyện với giám thị Chu của trường.

Ăn mặc quá lộng lẫy không phù hợp với môi trường học đường, vì vậy trước khi đến đây cô đã bán chiếc áo lông chồn cho cửa hàng quần áo người Nga ở ngõ Đông Giao Dân Hạng. Lúc này cô chỉ mặc áo khoác dạ mới mua, dưới vạt áo khoác lộ ra mấy tấc đường viền của chiếc sườn xám màu xanh ngọc.

Trên tay bà Chu là bản sơ yếu lý lịch mà bà ấy vừa xem qua.

Kể từ khi Bắc Bình được giải phóng, giáo dục cũng như các lĩnh vực xã hội khác đều đang trong quá trình sàng lọc và thanh trừng. Những giáo viên từng tham gia hoạt động với chính quyền Nhật và tay sai đều bị Bộ Giáo dục cách chức và sa thải. Đồng thời, hiện giờ các trường học đã hủy bỏ giáo trình của Nhật và khôi phục chương trình ngữ văn trước thời kỳ bị chiếm đóng. Nhất thời Bắc Bình thiếu giáo viên trầm trọng, các thông báo tuyển dụng giáo viên xuất hiện dày đặc trên báo chí.

Có thể nói, Bạch Tố Khoan đến rất đúng lúc.

Bà Chu lịch sự nói rằng sẽ có phản hồi trong vòng khoảng ba ngày.

Nhưng khi cô rời đi, nhân viên trực cổng nói: "Đừng đợi ba ngày thật, lỡ mất thời gian đấy."

Thấy Bạch Tố Khoan có vẻ không hiểu, ông ấy tốt bụng nhắc nhở rằng hiệu trưởng rất hiếm khi tuyển dụng giáo viên nữ ở độ tuổi kết hôn và sinh con.

"Hỏi các trường khác đi, ở đây không có cơ hội đâu!"

Bạch Tố Khoan đã hiểu rõ, nhưng cô không thể lùi bước. Cô phải tìm mọi cách, không thể lãng phí một giây nào trên con đường báo thù. Vì vậy đầu óc phải nhạy bén, tâm trí phải sáng suốt, nhất định phải thực hiện được "gặp núi thì mở đường, gặp nước thì nhanh chóng bắc cầu"!

Quay đầu nhìn tòa nhà dạy học kiểu Tây Âu cổ điển của trường nữ sinh đang chìm trong ánh chiều tà, đôi mắt cô ánh lên vẻ trầm tư, như đang đăm chiêu suy tư điều gì đó.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK