Phàm là người thăng quan tiến chức đến một mức độ nhất định nào đó khó tránh khỏi sẽ bắt đầu học đòi sưu tầm văn vở hay đồ vật nào đấy. Nguồn gốc của chiếc ly đồng đó khá phức tạp, nhưng mà cũng đúng thôi, một món đồ cổ đã được truyền từ đời này qua đời khác, nguồn gốc của nó tự nhiên sẽ không đơn giản rồi. Trăm năm trước thuộc về người họ Lý, trăm năm sau họ Trương là chuyện bình thường.
Giám đốc Tần cũng mới có được nó chưa lâu, thích đến nỗi không nỡ buông tay, nhặt được bảo bối đương nhiên là muốn rêu rao khắp nơi, phô trương thanh thế rồi.
Trịnh Hữu Tài với tư cách là một nhà đầu tư, lại còn sẵn sàng trao lại cổ vật cho quốc gia, lại còn chăm làm từ thiện nên Giám đốc Tần cũng bán cho ông vài phần thể diện.
Tuy nhiên ông ta vẫn lịch sự từ chối: “Hiện tại thì không được, tôi còn phải gửi nó đến Bắc Kinh để nhờ thẩm định nữa.”
Đưa đến Bắc Kinh đương nhiên là vì không tin tưởng trình độ của người ở đây, dù sao Bắc Kinh cũng là nơi có thẩm quyền nhất.
Trịnh Hữu Tài thở dài báo lại cho Đường Đường.
Đường Đường vậy mà lại an ủi ngược lại ông: “Có thế mà ông cũng không hiểu à, ông muốn chen một chân vào, là tôi thì tôi cũng không muốn đâu. Nếu chúng ta nói đó là hàng chính phẩm thì mọi người đều vui vẻ, nhưng nếu như chỉ là hàng thứ phẩm còn không phải sẽ đắc tội hết những người đó hay sao.”
Trịnh Hữu Tài vỗ đầu: “Ôi, sao cô không nói sớm!?”
Chuyện về chiếc ly đồng tạm thời gác lại, nhưng luận văn về kỹ thuật phục chế tranh cổ lại nhấc lên một trận phong ba bão táp.
Bởi vì Giáo sư Viên đã dựa vào quan hệ của mình để liên hệ với mấy trung tâm sách báo trọng điểm, biên tập viên bên họ vô cùng coi trọng
bài luận văn này, và bọn họ còn cho rằng bài luận văn này là thành quả nghiên cứu khoa học của Giáo sư Viên nên sau khi xem xét kỹ càng thì quyết định sẽ đăng bài luận văn rộng rãi. Đến cả việc mang nó đi bình xét đề tài cấp quốc gia cũng nhờ có tài liệu cụ thể, chặt chẽ nên cả quá trình rất thuận buồm xuôi gió.
Một khi anh ta lọt vào danh sách bình xét cho các đề tài cấp quốc gia rồi thì địa vị của anh ta ở Học viện này sẽ không chỉ dừng tại đây nữa.
Toàn bộ quá trình này Đường Đường đều không hề hay biết, khi đi họp hội nghị bình xét ở Hải Nam thì anh ta chỉ dẫn theo mình Viên Xuân và nghiên cứu sinh dưới trướng của mình theo.
Đường Đường lúc này vẫn đang làm tốt nhiệm vụ của một sinh viên, cô cũng không để ý đến mấy chuyện bình xét gì gì đó, tận cho đến khi Vạn Hà lo lắng tới phòng thí nghiệm tìm.
“Tại sao cậu vẫn còn ở đây, cậu không đi Hải Nam à?” Đường Đường buồn bực hỏi: “Mình đi Hải Nam làm gì?”
Vạn Hà sốt sắng: “Bài luận văn của cậu bị đem đi bình xét! Vậy mà cậu lại không đi, điều đó có nghĩa là gì?”
Giáo viên hướng dẫn của Vạn Hà – Giáo sư Tô Chấn Hoa là “Định hải thần châm*” của khoa Văn học, không chỉ có thành tích xuất sắc trong giảng dạy và nghiên cứu mà ông còn được mời tham gia tuyển chọn các đề tài cấp quốc gia.
*Định hải thần châm hay còn gọi là gậy như ý của Tôn Ngộ Không.
Tại một khách sạn 5 sao ở Hải Nam, sau khi nhận được bài luận văn về kỹ thuật phục chế thì vô cùng kinh ngạc.
Một vị Giáo sư già của Đại học Cảnh Hoa bên cạnh đã ngoài 70, đầu tóc bạc phơ nhưng thần thái ngời ngời, khí chất phải gọi là hơn hẳn so với biết bao người trẻ tuổi, vừa bước ra khỏi nhà vệ sinh thấy Giáo sư Tô đờ người ra như vậy bèn cất tiếng hỏi: “Sao thế? Luận văn có vấn đề gì à?”
“Không phải thế.”
Giáo sư Tô lật lại trang đề tên: “Lập luận, kỹ thuật và tư liệu đều rất xuất sắc, thế nhưng người tác giả chính lại là Viên Hải Phong, là người của Học viện chúng tôi, học thuật của thì không có gì để bàn cãi, nhưng mà anh ta tuyệt đối không hề am hiểu về phương diện này.”
Văn phong của bài luận văn này đại khai đại hợp* lại khá sắc nét, mạnh mẽ, hoàn toàn không giống với bút tích của Viên Hải Phong.
*Đại khai đại hợp nói về phong cách văn chương, mở đầu và kết đều hoành tráng.
“Đưa tôi xem thử.”
Vị giáo sư già đeo kính lão lên, mày dần dần nhíu chặt, không hiểu sao ông cứ có một cảm giác gì đó rất quen thuộc còn đọng lại.
Lúc này, điện thoại của Giáo sư Tô vang lên, là Vạn Hà – một nghiên cứu sinh được ông đặc biệt tuyển chọn, vài phút sau, ông nặng nề cúp điện thoại.
Bây giờ bày trước mắt ông là một tình thế vô cùng khó xử. Nếu đúng như Vạn Hà nói, Viên Hải Phong đúng thật là đã cướp thành quả nghiên cứu của sinh viên thì ông có thể làm gì?
Dù sao thì Viên Hải Phong cũng là người của Học viện, nếu như vạch trần bộ mặt thật của anh ta thì chắc chắn sẽ là một vụ bê bối lớn, đến lúc đó làm sao anh ta có thể còn chỗ đứng trong cái giới giáo dục và học thuật này nữa?
Nhưng nếu cứ để việc này cứ thế qua đi thì thật quá vô liêm sỉ rồi.
Vị Giáo sư già vẫn nhíu chặt mày, nếp nhăn trên mặt ông như có thể kẹp chết vài con ruồi: “Cậu vừa nói ai cơ? Là ai ăn cắp của ai?”
Giáo sư Tô nói: “Là một sinh viên mới của khoa chúng tôi, em ý họ Đường.”
Giáo sư già lại lật đến trang đề tên, nhìn thấy hai chữ Đường Đường nhỏ bé giống như ruồi bọ ở trên, nước mắt lập tức trào ra.
Về phía Hội đồng tuyển chọn, Chủ tịch Hội đồng trầm ngâm: “Nếu thật là như vậy thì cũng không thể nói là ăn cắp được, một luận văn có nhiều tác giả cũng là chuyện bình thường tôi mà, tỷ lệ đóng góp cũng chỉ là tương đối thôi, có gì đâu.”
Ông ta nghĩ rằng đều đã đến vòng này rồi, nếu như làm to chuyện ra thì ai cũng không yên ổn được, công việc của ông ta cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.
Nhưng khi vị Giáo sư già đứng ra thì cái ý nghĩ chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không của ông ta cũng không thể thực hiện được nữa.
Viên Hải Phong bị gọi vào phòng họp, liếc mắt nhìn Giáo sư Tô nói: “Đây hoàn toàn là lời bịa đặt lung tung. Cô sinh viên đó mới là sinh viên năm hai, mới vào trường được nửa học kỳ, chính tôi là người đã đặc cách cho em ấy tham gia vào quá trình nghiên cứu luận văn lần này, làm sao mà em ấy có thể là tác giả chính được?”
Anh ta phất tay bảo Viên Xuân lấy một tập hồ sơ ra: “Đây là bản sơ thảo và phiên bản đã qua chỉnh sửa của tôi, mọi người có thể đem ra so sánh thử.”