Cuộc đảo chính Hồi Hột đã thành công tốt đẹp, nên dĩ nhiên Diệp Cáp Nhã rất hài lòng về Tô Nhĩ Mạn. Vị Duy Tề Nhĩ của Đại Thực cũng liên tiếp mời rượu vị quốc sư này, đồng thời trong ánh mắt hiện lên đầy sự tán dương với Tô Nhĩ Mạn. Còn bản thân Tô Nhĩ Mạn cũng rất lấy làm hãnh diện về sự sủng ái đó. Ông ta đang nhớ lại lời hứa của Calipha với ông ta. Lạp Hy Đức đã hứa sẽ phong cho Tô Nhĩ Mạn làm Tổng đốc của Bố Cáp Lạp, đồng thời chấp thuận ban cho gia tộc của ông ta một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Bố Cáp Lạp. Điều này thật sự có ý nghĩa rất lớn đối với gia tộc của Tô Nhĩ Mạn, bởi vì như vậy rốt cuộc sau nhiều năm chờ đợi cuối cùng bọn họ cũng có thể có bước đi đầu tiên trong sự nghiệp phục quốc của mình. Vậy là một trăm năm sau khi đế quốc A Bạt Tư sụp đổ thì đến ngày hôm nay, giấc mơ về vương triều Tô Nhĩ Mạn dần dần đã trở thành hiện thực rồi.
Mặc dù trong lòng Tô Nhĩ Mạn đang rất khao khát được Diệp Cáp Nhã tuyên bố điều này, nhưng Tô Nhĩ Mạn biết rằng, trong lúc này ông ta tuyết đối không được để cho Hiệt Kiền Già Tư nghi ngờ điều gì cả. Ông ta thấy Diệp Cáp Nhã quá chú ý đến mình nên vội ho lên một tiếng nói: “ Duy Tề Nhĩ điện hạ, hiện tại Đại Đường đã phong tỏa hoàn toàn việc mua bán với Đại Thực, cho nên Hồi Hột rất thiếu thốn các loại vật tư, không biết A Bạt Tư đế quốc…”
Lời nói của Tô Nhĩ Mạn đã thu hút ánh mắt của mọi người xung quanh. Hồi Hột từ khi lập quốc đã là một nước du mục, cho nên nông nghiệp và thủ công nghiệp không được chú trọng, luôn tụt hậu ở phía sau. Suốt một trăm năm qua, Hồi Hột vẫn dựa vào việc Đại Đường bán giá ưu đãi, thậm chí là cung cấp vô điều kiện các mặt hàng như lương thực, gang sắt, lá trà và các loại vật tư khác. Trên thực tế thì các thương nhân Túc Đặc cũng có thể vận chuyển nhiều loại vật tư từ phương tây qua cho Hồi Hột. Nhưng không hề có chuyện ưu đãi hay miễn phí như Đại Đường. Bọn họ bắt người Hồi Hột phải dùng dê bò của mình để đổi lấy hàng hóa, nhưng dĩ nhiên là các hàng hóa này có giá rất cao. Cho nên đối với nhiều quý tộc Hồi Hột, việc Đại Đường không buôn bán, giao dịch với Hồi Hột chẳng khác nào bọn họ bị cắt đi một bữa trưa miễn phí. Tất cả đều không muốn mất đi một thói quen “ tiết kiệm-hiệu quả này” Cho nên tất cả đều hướng ánh mắt về phía Diệp Cáp Nhã, hy vọng Đại Thực cũng có thể khẳng khái như Đại Đường trước đây.
Diệp Cáp Nhã âm thầm cười lạnh trong lòng. Rồi ông ta bưng bát cốc rượu đứng lên, cười nói đầy vẻ hào sảng với các quý tộc Hồi Hột: “ Mọi người đều biết, A Bạt Tư đế quốc chúng ta theo tín ngưỡng Đạo Hồi. Trong giáo nghĩa của chúng ta đã tuyên bố rõ, đối với anh em huynh đệ thì thời thời khắc khắc phải quan tâm, đối với những người cần lao nghèo khó phải vô tư giúp đỡ, còn đối với những kẻ lười biếng thì phải cho chúng nhận sự trừng phát. Hồi Hột dĩ nhiên là huynh đệ của Đại Thực chúng ta, nhưng mọi người là những người cần lao hay là những kẻ lười biếng. Điều này do chính các vị quyết định. Chỉ cần các vị cho Calipha thấy được một mặt cần lao của các vị thì Hồi Hột sẽ có lương thực, sẽ có lá trà, sẽ có y phục vải vóc, sẽ có khôi giáp. Nói tóm lại là Hồi Hột muốn gì cũng đều được đáp ứng. Các vị hiểu ý của ta chứ.”
Diệp Cáp Nhã lưu lại ở Hàn Nhĩ Đóa Bát Lý trong ba ngày, sau đó ông ta lập tức xuôi nam đi Đại Đường. Sau khi vị Duy Tề Nhĩ này đi khỏi, Hàn Nhĩ Đóa Bát Lý lại trở về với sự bình lặng vốn có. Hiệt Kiền Già Tư không làm được như hy vọng của Diệp Cáp Nhã là cố gắng trở thành một con người cần lao, chịu khó. Diệp Cáp Nhã đi rồi, vị Khả Hãn này “ đóng đô” trong tẩm cung mười mấy ngày, không thèm ra ngoài cũng không thèm quan tâm chính sự. Trong tẩm cung, Hiệt Kiền Già Tư cùng với một trăm mỹ nhân kia uống rượu ca hát thâu đêm suốt sáng, tất cả chính vụ đều giao cho tướng quốc Giang Mộ Hạ Đạt Kiền. Đây cũng là một đặc điểm của Hiệt Kiền Già Tư, một khi ông ta đã hứng thú với cái gì là phải làm tận cùng mới thôi, và đối với nữ nhân thì phương châm đó cũng không ngoại lệ.
Vào một buổi sớm nọ, Tô Nhĩ Mạn cũng giống như những ngày khác, chuẩn bị đi tới thăm viếng các chùa chiền của Ma Ni Giáo. Tâm tình của ông ta không được tốt cho lắm. Vào một buổi tối Diệp Cáp Nhã đã triệu kiến riêng Tô Nhĩ Mạn, vị Duy Tề Nhĩ của Đại Thực đã nói rõ cho ông ta biết, trước những công lao mà ông ta vừa lập được, Calipha bệ hạ chắc chắn sẽ phong ông ta làm Tổng đốc Bố Cáp Lạp, nhưng còn việc gia tộc của Tô Nhĩ Mạn muốn nhận được môt khu vực đất đai rộng lớn ở Bố Cáp Lạp thì mấy cái công lao kia vẫn chưa đủ. Ông ta phải khiến cho Hồi Hột chăm chỉ, chịu khó hơn, phải cố gắng đi tấn công Đại Đường, làm suy yếu sự thống trị của Đại Đường ở Tây Vực, thậm chí nếu như có thể thì tốt nhất Hồi Hột phải tấn công thẳng vào nội địa Đại Đường. Nếu Tô Nhĩ Mạn làm được như thế thì gia tộc của ông ta mới có thể nhận được một diện tích đất đai rộng lớn và cả nô lệ nữa.
Nguyên nhân khiên Tô Nhĩ Mạn phiền lòng không phải là bởi vì ông ta không thể thuyết phục được Hiệt Kiền Già Tư tấn công Đại Đường. Bản thân Hiệt Kiền Già Tư cũng chính là người có tư tưởng phản Đường mạnh mẽ. Mà điểm mấu chốt khiến Hồi Hột không thể tấn công Đại Đường là vì đám người Hiệt Kiết Tư kia cứ như một thanh chủy thủ sắc bén, lúc nào cũng lơ lửng ở phía sau lưng Hồi Hột. Lại còn cả cái đám người phản bội “ thân Đường” kia nữa, lúc nào cũng phải kiềm chế chúng. Bao nhiêu mối lo như vậy thì làm sao bọn họ có thể đem binh tấn công Đại Đường được chứ.
Còn một nguyên nhân trọng yếu khác khiến cho Hồi Hột càng lúc càng bạc nhược đó là việc Tô Nhĩ Mạn đã nhìn lầm người. Ban đầu ông ta cứ nghĩ rằng sau khi Hiệt Kiền Già Tư lên trị vì thì vị tân Khả Hãn này sẽ sẵn sàng xuất quân, chuẩn bị cùng Đại Đường quyết chiến. Nhưng Tô Nhĩ Mạn lại không lường được cái thói tham tửu sắc của Hiệt Kiền Già Tư. Mang tiếng là Khả Hãn mà cả ngày cùng nữ nhân uống rượu mua vui, bỏ mặc tất cả. Mấy lần Tô Nhĩ Mạn đã đề nghị là cần phải tiến lên phía bắc để dẹp ngay bọn người Hiệt Kiết Tư, nhưng vị Khả Hãn này lại mượn cớ cần phải bồi dưỡng và nâng cao thực lực Hồi Hột mà cứ trì hoãn, chậm chạp không chịu xuất binh. Hiệt Kiền Già Tư đã hoàn toàn quên mất lời thề vào năm đầu tiên ông ta đăng vị, đó là đầu mùa xuân sang năm sẽ đem quân truy quét, giết sạch bọn người Hiệt Kiết Tư không còn một mảnh giáp. Vậy mà ngoại trừ việc khống chế tất cả quân quyền trong tay ra, còn lại tất cả chính vụ đều vứt cho tướng quốc Giang Mộ Hạ Đạt Hãn giải quyết, còn bản thân Hiệt Kiền Già Tư thì chẳng quan tâm đến việc gì cả.
Tình trạng này cứ thế tiếp diễn trong triều đình Hồi Hột. Mắt thấy Hiệt Kiền Già Tư ngày càng sa vào tửu sắc, vậy thì bao giờ mới có thể đứng lên trở thành con người cần lao chăm chỉ đây? Đến bao giờ gia tộc của mình mới nhận được đất đai ở Bố Cáp Lạp đây? Tô Nhĩ Mạn nhìn thực tế mà vô cùng lo lắng
Vừa mới đặt chân ra con đường cái, Tô Nhĩ Mạn đã chạm mặt ngay với một người đang vội vã hớt hải chạy đến chỗ ông ta. Tô Nhĩ Mạn lập tức nhận ra người này. Hắn tên gọi là Kha Đặc, là một trong ba đại thương nhân Túc Đặc có ảnh hưởng lớn nhất với kinh tế Hồi Hột. Gia tộc của Kha Đặc ở Bố Cáp Lạp cũng là một gia tộc đầy danh vọng. Vì có nhân duyên đồng hương là Bố Cáp Lạp nên quan hệ của Tô Nhĩ Mạn và Kha Đặc cũng rất tốt. Giờ phút này, ông ta thấy sắc mặt của Kha Đặc đầy vẻ kinh hoàng như vậy nên trong lòng cũng không khỏi kinh ngạc.
Kha Đặc chắc chắn là ông chủ của cái thương đội một ngàn thớt lạc đà mà đã bị Thi Dương “ làm thịt” ở sa mạc kia. Trong tay ông ta tổng cộng có hai mươi thương đội, các thương đội này thường xuyên tới lui giữa Bố Cáp Lạp và Hồi Hột để buôn bán giao dịch. Một trong số các thương đội của ông ta làm nhiệm vụ vận chuyển gang, sắt từ Bố Cáp Lạp đến Hồi Hột, lẽ ra thương đội này phải tới Hàn Nhĩ Đóa Bát Lý từ hai mươi ngày trước rồi, nhưng mấy ngày gần đây mà vẫn không thấy tăm hơi đâu cả, nên trong lòng Kha Đặc nóng như lửa đốt, bởi cái thương đội đó đã ngốn mất một nửa vốn liếng của ông ta rồi. Đến tận khuya ngày hôm qua ông ta mới nhân được thông tin xác thực, có người đi dọc theo sa mạc đã phát hiện ra thi thể của các tùy tùng đi theo áp tải cho thương đội đó.