Tiếng gầm của động cơ xe phân khối lớn phá tan màn đêm như bầy dã thú đói khát. Ba chiếc xe máy phân khối lớn lao tới phía cô. Những kẻ ngồi trên xe mặc áo khoác da đinh tán hầm hố, mũ bảo hiểm che kín mặt. Mỗi chiếc xe một hướng áp sát cô từ ba phía. Khiến xe cô loạng choạng đổ xuống, toàn thân đau đớn. Cô vội tìm cách tự dựng xe đứng dậy.
Thuần thục như đã tập luyện cả nhiều lần, ba chiếc xe lái vòng quanh cô thành một đường tròn khép kín. Không có lối thoát. Ba động cơ phân khối lớn gộp lại phát ra âm thanh làm đau màng nhĩ. Bụi đường cuộn lên thành cơn lốc xoáy khổng lồ nuốt chửng cô. Cô như con cá bị ném lên bờ, thở thoi thóp.
Mũ bảo hiểm che hết mặt chúng. Nhưng cô nhớ rõ gương mặt sau lớp kính đen kia trông như thế nào. Làm sao cô quên mặt những kẻ đã đưa cô xuống địa ngục? Những gương mặt cuối cùng cô trông thấy trước khi chết là của chúng. Chúng sung sướng khi thấy cô chảy máu. Cười hả hê nghe cô van xin. Đánh cược xem cô trụ được mấy ngày.
Cô không trụ nổi nửa tháng. Thế là cái gã đi xe Brixton kia cáu kỉnh. Vì cô chết sớm một ngày khiến hắn mất chiếc xe côn yêu quý – món đồ cho trò cá cược.
Phượng rút chân ra khỏi chiếc xe máy đang đổ kềnh. Cô đứng thẳng, ánh mắt lạnh toát. Cô không buồn dựng lại xe của mình. Không cần thiết. Cô biết chuyện này sẽ dẫn tới đâu.
Ba gã đàn ông đồng loạt dừng xe. Thanh âm biến mất. Biến nơi này thành cánh đồng câm lặng. Cô gái ở tâm vòng tròn đứng thẳng như ở pháp trường. Không hoảng hốt, không sợ sệt.
Gã đi xe Brixton dựng xe, đi tới trước mặt cô. Hai kẻ còn lại giữ nguyên vị trí. Hắn nói:
“Nguyễn Thị Mỹ Phượng?”
“Các người giữ anh Lợi ở đâu?”
Hắn ngạc nhiên.
“Cô em biết rồi?”
Ôi, cô mới ngây thơ làm sao. Một con người nhỏ bé làm sao thắng được quyết định của vận mệnh. Ngay cả khi có anh giúp đỡ, thì mọi thứ vẫn quay về đúng hướng đi ban đầu.
Kiếp trước, khi cô là nhạc công tại Panarea, Đạt nhiều lần quấy rối và đeo bám cô. Một lần, hắn bỏ thuốc vào đồ uống của cô. Âm mưu gì thì chẳng cần thông minh cũng biết. May sao anh Lợi phát hiện ra và dằn mặt Đạt.
Kiếp này, cô chưa từng bước chân vào Panarea, không hề quen biết anh Lợi. Nhưng khi Đạt tấn công cô ở quãng đường vắng, anh Lợi của kiếp này kịp thời giải cứu cô – chính thức đắc tội với Đạt.
Có hàng tá cửa hàng tiện lợi trong khu dân cư. Anh Lợi có thể đi mua bất cứ giờ nào khác. Tại sao lại chính xác thời điểm, chính xác con phố đó? Thời gian vừa khít, không trễ một giây. Như thể vận mệnh tội nghiệp của họ bị trói buộc lấy nhau. Và Hoàng Anh, Đạt, Tiến Phước đã được định để hành hạ cô. Trốn cũng không thoát.
Đúng là trò đùa của số phận.
Gã đi xe Brixton nói:
“Tên bartender đó đánh vỡ chai rượu đắt tiền của anh Đạt. Bảo đền thì nó không có tiền. Bảo xin lỗi thì ngang ngược không chịu. May sao có cô em gái biết điều. Cô em tới nhận lỗi với anh Đạt. Anh Đạt xót người đẹp lắm, biết đâu lại tha cho.”
Kiếp trước cũng vậy. Chúng lấy anh Lợi để uy hiếp cô đi theo. Mười bốn ngày sau cô chết.
Phượng cắn răng, cố để mình không run lên. Cô quẫy lần cuối.
“Không đi.”
“Hử? Không đi. Cô em không đi bọn anh đập gãy tay nó!”
Phượng lặp lại.
“Không đi.”
Đi là chết. Kiếp trước cô nghĩ chúng chỉ muốn dọa nạt một chút. Muốn đánh cô cho đánh. Muốn quỳ cô sẽ quỳ. Cô không thể để anh Lợi xảy ra chuyện được.
Vì thế cô liều đi theo chúng. Vì thế chúng bắt giữ cô dễ dàng. Vì thế sau khi tin thảm án tràn ngập các trang báo, người ta bảo cô tự nguyện giải trí cho đám thiếu gia.
Phượng cố gắng động não nhanh nhất có thể.
Chúng có cả thảy năm người. Chỉ có ba kẻ xuất hiện. Nghĩa là Đạt và tên còn lại hẳn đang ở chỗ anh Lợi. Chúng không đi ô tô, nếu cô phản kháng thì việc di chuyển cô tới địa điểm khác không hề dễ dàng.
Lần này cô quyết không đi. Đã gần khuya nhưng trên đường vẫn có người qua lại. Cô không tin chúng có thể lôi xềnh xệch cô đi giữa phố.
Hai tên ngồi trên xe máy cười vang. Nhìn cô giãy dụa như con mèo trong lò mổ. Gã lái Brixton cười cợt.
“Nghe nói em ghê gớm lắm. Quả đúng thật!”
Nói xong hắn rút điện thoại ra, gọi video với ai đó. Kết nối thành công, hắn chìa màn hình cho cô xem.
Vô cùng rõ ràng và trực diện. Hiện trên màn hình điện thoại là cổng nhà cô ở Bắc Ninh. Giọng cười cợt phát ra ở đầu bên kia. Hắn giơ tay chữ V trước màn hình, lắc qua lắc lại.
“Cô em, mẹ em ở nhà một mình à? Cửa nẻo không khóa thế này trộm vào thì làm sao?”
Cô giật lấy điện thoại nhưng hắn giơ tay lên khiến cô bắt hụt. Phượng gào lên.
“Lũ khốn nạn!”
Hắn nói giọng ngon ngọt.
“Nào, mèo nhỏ! Không muốn mẹ xảy ra chuyện gì thì mau thu móng vuốt đi. Ái chà, có tác dụng thật! Anh còn tưởng phải bắt thằng kia vào tận trong nhà chào mẹ em một tiếng thì em nó mới tin cơ.”
Hai tên còn lại cười ngặt nghẽo. Không có thứ gì có thể dập tắt lửa giận trong cô. Quả nhiên, mọi chuyện chỉ tồi tệ hơn. Anh Lợi chưa đủ, chúng vươn tay tới cả mẹ cô rồi.
Hắn vuốt má Phượng.
“Ngoan thế này thì anh mới yêu chứ! Bây giờ theo anh được chưa?”
Cô lùi lại một bước tránh bàn tay ghê tởm của hắn.
“Bảo tên kia cút đi.”
“Chỉ cần em đi theo anh thì nó sẽ tự động về.”
Phượng rút điện thoại trong túi ra. Tên kia nhanh như cắt giật điện thoại trong tay cô.
“Muốn gọi điện cầu cứu ai? Nói thật nhé, giờ có gọi trời trời cũng chẳng thưa đâu.”
Không ai cứu cô. Cô biết chứ!
“Làm sao tôi tin các anh được? Tôi phải gọi điện xác nhận với mẹ trước đã.”
Nghe cô nói có lý, hắn trả điện thoại vào tay Phượng. Hắn nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại, đề phòng cô giở trò.
Cô không tìm liên hệ trong danh bạ mà lưu loát bấm một dãy số.
“Số của mẹ mà không lưu à?”
“Số điện thoại nhà thuộc lòng, cần gì phải lưu.”
Hắn nhún vai kiểu “OK, tùy em”. Cuộc gọi đầu tiên mãi không kết nối. Cuộc thứ hai cô giữ máy được bảy giây thì ngắt. Cô lườm gã, gào lên.
“Các anh làm gì mẹ tôi.”
Hắn vội thanh minh.
“Này cô em, bọn anh chưa làm gì hết trơn! Chắc muộn nên mẹ em ngủ rồi thôi.”
“Trên video đèn trong nhà vẫn sáng. Mẹ tôi ngủ rất muộn.”
Đúng lúc này số điện thoại kia gọi lại. Phượng vội vàng nghe máy. Vì đứng gần cô nên gã lái Brixton nghe thấy tiếng phụ nữ the thé qua điện thoại. Hắn lẩm bẩm, đe dọa bên tai Phượng: “Đừng giở trò.”
Cô không sợ hãi ánh mắt của hắn, bình tĩnh gọi điện thoại.
“Alo, mẹ ạ. Mẹ sắp đi ngủ chưa?”
“Mẹ đã khóa hết cửa chưa? Cả cửa sổ và cổng nữa.”
“Alo? Alo? Mạng của con bị rớt nên nghe không rõ.”
“Vâng, năm ngày nữa con về nhà.”
“Mùng 1 tháng 7 con gái út bác trưởng thôn đi Ý ạ? Haha, sau này có nhiều tiền con cũng đưa mẹ đi. Đưa mẹ tới chơi đảo Sicily có tài tử Michele Placido mà mẹ thích luôn.”
“Muộn rồi, con cúp máy đây. Mẹ đi ngủ đi nhé. Nhanh lên đấy!”
Dưới ánh mắt chòng chọc mất kiên nhẫn của bọn chúng, Phượng cúp máy. Gã đi Brixton hỏi:
“Cô em, đã hài lòng chưa?”
Phượng gật đầu. Hắn giật điện thoại trong tay cô, ném xuống đất. Chiếc điện thoại cao cấp mà anh tặng va đập mạnh mà không sứt mẻ gì. Màn hình vẫn sáng. Một tên rồ máy phóng xe nghiến lên điện thoại. Màn hình kính nứt toác. Trước khi vỡ vụn, nó hiển thị 11 giờ 40 phút.
Hắn ngạo nghễ ngồi lên xe, ra hiệu cho Phượng lên yên sau.
Cô nhắm mắt, hít một hơi thật sâu. Cô cảm thấy mình giống người nô lệ da đen thế kỷ XVIII. Bước lên chuyến tàu buôn người băng qua đại dương, biết cả đời không thể quay về đất mẹ. Nhưng cô không còn lựa chọn nào khác. Ngoài nhắm mắt đưa chân.
Dù là kiếp trước hay kiếp này, cô đều tự nguyện bước lên chiếc xe ấy.
Ba chiếc moto phân khối lớn dừng trước cửa Club Panarea. Mười hai giờ – thời điểm cánh cửa kết nối giữa trần gian và địa ngục mở ra, đám quỷ sai đi tuần. Mười hai giờ – lúc cuộc sống về đêm nhộn nhịp nhất.
Ba gã đàn ông cao lớn vây quanh cô thành một vòng tròn người, cứ như thể sợ cô tìm cách chạy trốn. Chúng dẫn cô băng qua sàn nhảy chật cứng người. Vài người tò mò đưa mắt nhìn. Có khi họ tưởng cô là tiểu thư nhà nào được vệ sĩ bảo vệ cũng nên.
Bất cứ câu lạc bộ đêm nào, dù mang tiếng sạch sẽ đến đâu cũng có mặt tối. Mặt tối của Panarea là cánh cửa sơn màu đen nằm ở góc khuất bên trái kia.
Bọn chúng ép sát, dồn Phượng về phía cánh cửa. Cổ họng cô như bị bóp nghẹt. Cô không thể thở.
Club Panarea đông kín người. Họ nhảy múa trong tiếng nhạc sập sình, uống rượu, hò reo ầm ĩ. Ánh đèn màu đỏ tía nhuộm nụ cười man dại trên mặt họ. Không ai chú ý tới gương mặt trắng bệch của cô.
Nơi này là ổ quỷ. Và cô đang bị mang đi hiến tế.
Đôi mắt cô đối diện cánh cửa thép màu đen lạnh lẽo. Cánh cửa không có tay cầm, chỉ có thể mở từ bên trong. Tuy nhiên, một khi đã vào thì không thể bước ra. Nó là cánh cửa một chiều xuống địa ngục.
Trí óc của cô đóng băng. Cô không thể nghĩ tới bất cứ điều gì. Ngoài màu đen tăm tối trước mắt.
Cánh cửa mở ra. Trước mặt Phượng là một hành lang dài hun hút không thấy điểm cuối.
Từng tế bào trên cơ thể cô gào lên kêu cứu. Nhưng chẳng ai nghe thấy hết.
Tên đi Brixton mở cửa, hai kẻ đằng sau đẩy cô vào trong. Cửa đóng sầm lại.