- Chiếc Hummel H2 là anh đặt phải không ạ?
Tôi sực nhớ ra:
- À… đúng, đúng, tí nữa thì quên béng mất.
Bên kia toát mồ hôi hột, tùy tiện quên một cái xe giá 2 triệu đã trả tiền thì giàu đến mức nào? Đầu dây bên kia cười lấy lòng:
- Trong thời kỳ đặc biệt này công ty chúng tôi có một chính sách là trước khi xe đến, hỏi lại quý khách, xin hỏi quý khách vẫn lấy xe chứ ạ?
Cái chiêu này cao nha, gần đây người có tiền đều kiếm miếng đất trống xây cung điện hết rồi, loại có tiền thật sự đều chuồn ra nước ngoài cả, công ty buôn xe chơi vụ này có kiểu kiếm được ít tiền tí nhưng tạo ấn tượng tốt, còn phải lo sau này tiền không chảy vào cuồn cuộn sao? Mà người giàu ai cũng sĩ diện, ai lại nỡ nói tôi đi chạy nạn đây, không lấy xe nữa.
Tôi dám.
Tôi dùng cái giọng dễ ghét hầm hừ:
- Cái xe đó không phải tuần trước phải giao rồi sao?
- Thật xin lỗi quý khách, vì quý khách yêu cầu quá cao, một số linh kiện phải nhập từ Mỹ về nên đã chậm trễ, hiện đã lắp đặt xong, 3 ngày sau có thể giao hàng. Xin chúc mừng quý khách, tôi chưa hề thấy chiếc xe nào ở thành phố ta sang như vậy.
- Thế à? Qua mấy ngày nữa tôi phải ra nước ngoài tạm lánh một thời gian, chiếc xe đó không lấy nữa.
Bên kia im re mất một lúc, có lẽ chưa bao giờ gặp phải loại khách như thế, hồi lâu mới tiếp:
- Lợi dụng thời gian này ra nước ngoài thư giãn cũng rất tốt, trong mấy ngày này quý khách có cần xe dùng tạm không ạ, tôi xin đề nghị loại Jeep mới, chúng tôi có sẵn hàng, chỉ đến chiều là quý khách nhận được, loại xe này có tính năng việt dã rất tốt, có thể đưa quý khách qua sông qua núi….
- Chạy trốn khắp nơi – tôi tiếp vào.
Bên kia im bặt, hồi lâu mới rụt rè:
- Xin hỏi quý khách làm việc trong lĩnh vực nào để chúng tôi có thể đề nghị loại xe thích hợp..
- Xuất nhập khẩu.
- Mặt hàng gì ạ?
- Vũ khí và ma túy…
- Aaa… quý khách đùa vui quá, chúng tôi sẽ chuyển tiền trả lại quý khách ngay ạ, xin tạm biệt.
Cái tay này thật không biết đùa, tôi đang định hỏi có xe cá mập second hand không, hội 300 sắp đến, cũng phải có cái xe đi lại, xe của cậu Triệu mấy hôm nay bận quá, không mượn được, thêm vào đó dù giờ là mùa hè, nhưng hết tháng 8 là vào thu, quần áo rét cho 300 và 54 hảo hán là một khoản rất nhức đầu. 5 triệu kia cứ ngồi ăn không kiểu gì cũng hết, may mà có khoản 3 triệu này bù vào, tuy làm thế có lỗi với Hạng Vũ nhưng khoản này là chuyển mục đích sử dụng, không tính là tham ô được. Nếu may mắn sau này mọi chuyện ổn lại tôi sẽ bù vào ( nếu mà may mắn).
Tôi đến phố Phú Thái, trước ra sao thì giờ vẫn vậy, đám người nghèo không sợ chết khiến nơi này vẫn nhiệt náo vô cùng. Tôi lang thang một lúc , rồi chọn một cửa hàng hạng trung tiến vào, chủ hàng là một bà chị cỡ 40 tuổi, vú xệ đến rốn. Tôi hỏi xem có quần áo may sẵn số lượng lớn không, bà chị cứ tưởng tôi mua đồng phục cho học sinh, lôi ra mấy bộ đồ thể thao cực kỳ kém chất lượng. Tôi lại bảo là mua quần áo công tác cho công nhân, nếu giá cả Ok thì quần áo mùa đông cũng mua tại chỗ này luôn, bà chị mắt sáng như sao, hết sờ lại bóp tôi, lôi ra một loạt quần áo lao động kaki, không quá đắt thì quá dày, thấy tôi có vẻ không vừa ý, định đi, bà chị bèn thì thầm với một giọng hết sức thần bí:
- Có một phê hàng, chất lượng hết ý, giá cả phải chăng, có điều không đẹp lắm, chú lấy không?
Tôi nói công nhân của tôi là ở nơi hoang vắng xây xưởng, không quan tâm đẹp hay không. Bà chị lén lén lút lút mang ra một bộ quần áo, tôi dở ra coi, đúng là trong xấu tệ, xám xịt, tôi tríu mày nói:
- Đẹp xấu gì nói sau, bộ này sao trông quen quen thế nào ấy.
- Chú thêm hai cái sọc lên vai, một hàng số trước ngực là biết ngay.
Bố khỉ, nhận ra rồi, là quần áo của tù cải tạo lao động. Thấy tôi có vẻ dao đông, bà chị thêm đường thêm muối nói:
- Cho công nhân mặc mà, không cần quá tốt, vả lại mặc thế này, hội khác không dám gây sự với chú….. một bộ có 20, thêm giày và đồ lót chị chỉ tính chú 50, thấy thế nào?
- Mặc thế này ra đường không sợ công an coi là tù trốn trại sao?
- Yên tâm, đây chỉ là bán thành phẩm thôi, đầy đủ là trên cổ áo có hoa văn, vả lại chú có thể thêm Logo sau lưng nữa là OK.
- Thêu hàng chữ “Tinh trung báo quốc” được không?- tốt nhất là lấy lòng đám Nhạc gia quân đó.
- Không vấn đề, không ngờ công ti chú cũng có văn hóa gớm.
- Rẻ chút đi, lấy 1000 bộ, ngày mai cần, tiền mặt trả ngay.
Bà chủ cố nhịn sự sung sướng, nghiêm mặt nói:
- Chú nói thế thì khó làm ăn lắm, quần áo của chị là phải thu vải dày làm đấy, chỉ riêng tiền công cũng không chỉ có giá đó đâu…
Tôi cười, cũng đúng thế:
- Thế thì không phải nói nhiều nữa, đây là 2000 đặt cọc, ngày mai lấy hàng 1000 bộ, đừng quên thêu chữ nhé.
Bà chủ đếm tiền rồi nói:
- Hàng giá 50000 mà chú đặt cọc 2000 sợ là hơi ít.
- Không đồng ý thì thôi, thằng em còn không vừa ý lắm đây, vừa mới đông đất lôi một đám mặc đồ này đi kiếm ăn, người ta không biết lại nghĩ nhà tù bị sập rồi cũng nên…. À đúng rồi, ông anh có phải làm cán bộ trong trại không?
Bà chủ nhanh nhẹn tránh khỏi cái tay tôi thò ra lấy lại tiền:
- Được rồi, 2000 cũng được, ông xã chị đang ngồi trong trại.
Trước khi tôi đi, bà chủ quăng ra một tờ giấy, chỉ sang đối diện nói:
- Tặng chú một lần tư vấn tâm lý miễn phí, đây là đặc sắc của cửa hàng.
Tôi nhìn sang, không biết từ lúc nào bên đó mở một phòng tư vấn, tôi dở khóc dở cười đi sang, lập tức hiểu ngay, bà chủ thế là biến tướng chi trì ông tình nhân già, một lão trạc 50, để râu dê ngồi đó, mắt sáng rực nhìn qua bên này, động chút là nháy nhó với bà chủ. Thấy tôi đi vào thì nghiêm mặt nói:
- Anh có vấn đề gì về tâm lý.
- Không có gì, chỉ thấy tiền không đủ tiêu thôi.
- Đấy là vấn đề tâm lý hết sức nghiêm trọng, có người lương tháng mấy chục nghìn mà không vui vẻ, có người chỉ kiêm được tháng vài trăm….
- Đừng liên thuyên nữa..
Lão râu dê chộp ngay lấy cái bảng tư vấn tâm lý, khi tôi đang tưởng lão sắp bụp tôi thì lão lại xoay nó lại, lộ ra một cái bát quái to đùng:
- Không hứng thú tư vấn tâm lý thì tôi xem tử vi cho cậu vậy…
Quần áo đã xong, tiếp đến là lều trại, 1000 bộ quần áo chẳng qua chục thùng, dễ giải quyết, còn lều trại thì hơi khó ăn nói với Bánh Bao. Thế là tôi đành nói với ông chủ hàng rằng khi nào tôi đến lấy hàng mới được đóng cửa, ban đâu lão ta còn không thèm để ý, sau tôi nói là không vấn đề đằng nào tôi cũng biết kho hàng của lão ở đâu mới chịu thua. Làm người phải kiên trì tí, không đạt mục đích không chịu thôi, không phá Lâu lan không về nhà, Hung Nô chưa diệt không lấy vợ…. nói túm lại người đời gọi đó là phong cách lưu manh.
Vấn đề lớn cuối cùng: địa điểm, chỗ đó phải ở ngoại thành, nhưng không được quá hẻo lánh, để còn có chỗ mà mua lương thực và đồ dùng sinh hoạt, không được quá xa vì Sáu Lưu đưa người đến lúc gần sáng, tôi phải đưa đám đó chạy bộ đến nơi trước khi trời sáng. Tôi không nghi ngờ khả năng hành quân của Nhạc gia quân tí nào nhưng lại không tin bản thân tí nào, gần đây, trừ trên giường ra chẳng lúc nào tôi tiến hành hoạt động thể dục cả..
Mấy hôm nay Bánh Bao đi làm bình thường, sau động đất, chẳng mấy gia đình nấu cơm nữa, vì thế hàng ăn đắt hàng dễ sợ. Cơm trưa biến thành Sư Sư nấu, mọi người cứ nghĩ con bé biết nấu ăn, sai bét. Ngày xưa cô nàng nhúm ít hạt sen quẳng vào nồi nước, chờ người làm nấu nướng xong xuối bưng lên cho Tống Huy Tông, có thể nói là canh hạt sen tự tay Sư Sư nấu. Con bé thiếu lý luận nấu ăn thành hệ thống, ví như cơm rang trứng không hề biết là phải nấu cơm trước rồi mới rang, con gái ưa sạch sẽ thế mà xào rau không thèm rửa, được cái xào như thế dầu mỡ không bắn tùm lum, sau này tôi mới biết mấy hàng ăn đều làm thế cả.
Đúng lúc Sư Sư đang bê một đĩa su hào cắt hết sức trừu tượng định bỏ vào chảo xào thì may quá, Bánh Bao về, đi theo nàng là một vị ông cụ đeo kính, mặc đồ Trung Sơn, tôi móc ví ra nói:
- Tuần này là cụ thu tiền nước ạ?
Bánh Bao gạt Sư Sư sang một bên, tiếp thu việc nấu nướng, miệng nói:
- Đây là thầy giáo chủ nhiệm của em hồi tiểu học, giờ là hiệu trưởng trường tiểu học Dục Tài, thầy Trương. Lúc nãy gặp trên đường, em đưa về đây.
Tôi có nghe nói đến thầy TRương, nghe nói là một thầy giáo hết sức thân thiện, hòa ái, về sau Bánh Bao có thể đọc trộm Thiên Long Bát Bộ trong giờ tiếng Anh cũng là nhờ công lao của thầy chủ nhiệm, à không thầy hiệu trưởng Trương.
Tôi lung túng chào thầy hiệu trưởng, thầy cười khổ:
- Đừng gọi tôi là hiệu trưởng nữa, không còn làm nữa rồi.
Tôi kỳ quái nói:
- Tiểu học Dục Tài, chưa nghe nói đến bao giờ?
- Là cái trường làng thôi, sau khi nghỉ hưu thầy đến làm hiệu trưởng miễn phí.
Tôi thuận mồm nói:
- Thế thì thầy nhân tiện nghỉ ngơi, bao giờ mọi chuyện xong lại về là vua trẻ con tiếp.
Thầy rầu rĩ nói:
- Hết rồi, trường đóng cửa rồi, phòng học sắp sập hết cả.
- Thầy nói sao cơ ạ?
- Trường của thầy là ở thôn Hào đấy.- Thầy Trương chỉ nói đúng một câu. Lần này đông đất, tâm chấn là ở thôn Hào.
Tôi và thầy nói chuyện hồi lâu mới biết thật ra trường là do mấy thôn xung quanh góp tiền xây, gọi là trường nhưng chỉ có mấy cái nhà cấp bốn, có 6 thầy giáo nhưng học sinh thì hơn 400 mạng. Xây ở thôn Hào vì ở đó là chính giữa, thôn nào cũng gần, gọi là gần nhưng thôn xa nhất cũng đến gần 10 cây, thôn Hào đất rộng, trẻ trong thôn đến trường cũng phải đi khá lâu. Khu đất xây trường là đất hoang, không ai ở, cũng không trồng trọt gì.
Tôi hỏi:
- Trường giờ ra sao rồi?
- May mà không em nào bị sao, nhưng nhà cửa đều gần sập hết rồi.
- Ngày trước xây trường hết bao nhiêu.
- Mấy năm trước, cũng trăm mấy ngàn rồi
Tôi sáng mắt hỏi:
- Nếu giờ có người lấy miếng đất ấy dùng có được không ạ?
Thầy Trương nâng kính, nói buồn tênh:
- Ai dùng miếng đất ấy làm gì, hồi trước giờ đều bỏ hoang, có ai thèm đâu.
- Em lấy, em lấy.
- Cậu….?
- Là đứa bạn em, nó định dùng chỗ đất đó.
Thầy Trương nhìn tôi chằm chằm, hỏi:
- Dùng làm gì?
Trước ánh mắt tra hỏi sáng quắc của thầy, tôi không khỏi líu lưỡi, luống cuống, may mà nhanh trí buột ra một câu:
- Xây trường học.
Nghe đến trường học là thầy Trương mắt sáng rực như mèo Garfield nghe nói đến xúc xích.
- Là thế này ạ, đứa bạn em định xây một trường văn võ ( loại trường vừa dạy văn hóa vừa dạy võ) , chuyên nhận trẻ lớn ấy.
Thầy Trương xì hơi:
- Thế cậu đến nói với thôn trưởng ấy.
Tôi tóm lấy thầy Trương đang định đứng dậy nói:
- Lúc trước họ xây trường không phải tiêu hết trăm nấy ngàn sao? Giờ em cho mỗi thôn 100000, riêng thôn Hào 200000, có được không ạ?
Thầy Trương cúi đầu nghĩ hồi lâu rồi nói:
- 100000 đủ để mỗi thôn xây một phòng học và mời thầy giáo rồi, có điều thầy không được ở với bọn trẻ nữa.
Tôi cảm thấy mình thật xấu xa, khác nào cường hào ác bá cướp một cô gái đã đính hôn, vấn đề là giờ không đủ tiền nha, các thôn góp tiền xây trường có 15 thôn, mỗi thôn 100000 tôi đã hết toi triệu rưỡi, thêm tiền cho thôn Hào, tiền lều trại, quần áo, dụng cụ, lương thực, 5 triệu của tôi đi hết 7,80% rồi. Nhưng nếu không có miếng đất đó thì tiền tiêu còn kinh hơn. Thầy Trương nghĩ đến cuối cùng, quyết định nói:
- Nếu bạn cậu có ý như thế, tôi sẽ giúp nói với các thôn, dẫu sao cũng vì các em học sinh mà.
- Nếu vậy em đi cùng với thầy, đại biểu đứa bạn em..
Thầy Trương nắm tay tôi, nói yếu ớt:
- Dẫu sao thì cũng thay tôi cảm ơn bạn của cậu, điều quan trọng nhất là lũ trẻ được đi học.
Tôi thật muốn tát cho mình một phát, nói:
- Cũng là điều kiện hạn chế, nếu không nhất định phải xây cho lũ trẻ một ngôi trường thật to.
- Đúng rồi, trường của bạn cậu định đặt tên là gì?
- Theo thầy thì tên gì thích hợp ạ?
Trong khi tôi nghĩ thầy sẽ đưa ra một cái tên nho nhã đầy ý nghĩa thì thầy TRương buông ra một cái tên: Trường văn võ Dục Tài.