Vương Vân cũng là một kẻ tham sống sợ chết, dọc đường không ngừng lải nhải khuyên can Triệu Cấu rằng địch mạnh ta yếu nên không thể lấy cứng chọi cứng, tốt nhất là điện hạ nên đáp ứng hết những yêu cầu do bọn chúng đặt ra, nếu không sẽ khó mà rút lui toàn thân, muốn quay lại kinh thành sẽ chẳng dễ dàng nữa. Triệu Cấu lặng yên không đáp, cuối cùng nghe tới mức bực bội, lạnh lùng liếc hắn một cái, khiến Vương Vân sợ hãi im bặt.
Đi tới Từ Châu, bất ngờ trông thấy một người mặc quan phục dẫn đầu một đoàn tướng sĩ chặn đường nghênh đón. Triệu Cấu dừng ngựa, hỏi: "Ngươi là kẻ nào? Vì sao lại chặn đường tại chốn này?"
Người đó ngẩng đầu, ánh mắt sáng rỡ có thần, khí khái hiên ngang, như mang phong độ của một vị đại tướng quân, chắp tay với Triệu Cấu: "Ti chức là Thủ thần Từ Châu Tông Trạch. Lần trước Túc vương đi sứ trại Kim đã bị bắt giữ, tới nay vẫn chưa quay về. Mà nay quân địch đã áp đảo như vậy, mối đe dọa đã lớn tới mức không thể hóa giải bằng nghị hòa nữa rồi. Tướng giặc kiên quyết đòi điện hạ đi sứ, thực chất là đang đặt mưu dụ điện hạ vào trại chứ không phải để thương nghị. Xin điện hạ cân nhắc kĩ càng, đừng tiếp tục hành trình nữa. Báo quốc có rất nhiều con đường, điện hạ thân là hoàng tử cao quý, xin đừng vì cảm xúc nhất thời mà rơi vào miệng cọp của quân Kim."
Những đạo lí mà ông ta nói Triệu Cấu dĩ nhiên cũng hiểu rất rõ, biết rằng Oát Ly Bất lần này chắc chắn sẽ không buông tha cho y. Lần này đi sứ sớm đã coi nhẹ sinh tử, chỉ cầu có thể giằng co, giúp đại Tống có thêm một chút thời gian chuẩn bị mà thôi. Thế nhưng khi nghe Tông Trạch nói "Báo quốc có rất nhiều con đường, đừng vì cảm xúc nhất thời mà rơi vào miệng cọp của quân Kim", y lại không tránh khỏi cảm thấy sóng lòng xao động, lưỡng lự cân nhắc, suy nghĩ xem có nên nghe theo kiến nghị của ông, không tiếp tục cuộc hành trình.
Vương Vân thấy y bắt đầu do dự thì lập tức khuyên ngăn: "Điện hạ và thần phụng mệnh hoàng thượng mà sang trại Kim nghị hòa, nếu không đi nữa mà quay ngược trở về kinh thành thì chẳng phải chính là kháng chỉ? Xin điện hạ đừng bận tâm tới lời lẽ xằng bậy của những kẻ này, vẫn nên mau chóng khởi hành thôi."
Triệu Cấu suy nghĩ trong giây lát rồi nói với Tông Trạch: "Đa tạ ý tốt của đại nhân, song Triệu Cấu đã đồng ý với hoàng thượng việc đi sứ hòa nghị, không nên nhục mệnh. Xin đại nhân hạ lệnh cho mọi người lui đi, để chúng tôi đi qua."
Tông Trạch thấy y không nghe theo thì cũng không khuyên nữa, quay đầu về phía sau ra hiệu bằng ánh mắt, các tướng sĩ dưới trướng lập tức hiệp lực ngăn cản, con đường càng bị vây chặt chẽ hơn. Dân chúng xung quanh nghe nói Khang vương phải đi sứ lần nữa cũng lũ lượt chạy đến, vây lấy y hò hét khuyên can ở lại. Việc Triệu Cấu lần đi sứ trước dằn mặt tướng địch đã lan truyền đi khắp nơi, vô cùng được lòng dân chúng. Bách tính cũng vô cùng cảm phục khí khái và lòng dũng cảm của y, bởi thế chạy tới chặn đường níu kéo, không muốn y đi nộp mạng.
Vương Vân phẫn nộ hét: "Điêu dân to gan, dám ngăn cản Khang vương xuất sứ hòa nghị, nếu còn muốn sống thì mau tránh ra!"
Ánh mắt quần chúng đổ dồn về Vương Vân, ngay lập tức có người nhận ra hắn, hô hoán với mọi người: "Hắn chính là kẻ lần trước đã khuyên đại nhân dỡ nhà của chúng ta!"
Hóa ra Vương Vân lần trước đi sứ Kim lúc ngang qua Từ Châu đã từng khuyên Tông Trạch dỡ hết nhà của nhân dân trong thành xuống cho quang đãng, bởi thế dân chúng khắp nơi oán thán không ngừng. Mọi người vốn đã hận hắn thấu xương, nay lại thấy hắn xúi giục Khang vương đi nghị hòa, hận cũ thù mới chất chồng lên nhau, bèn hết người này tới người khác xông lên lôi hắn xuống ngựa, anh một quyền tôi một cước bắt đầu đánh.
Vương Vân thảm thiết hô cứu mạng, Triệu Cấu thoạt tiên là kinh ngạc, quay đầu sang nhìn Tông Trạch lại thấy ông một mực khinh bỉ nhìn Vương Vân, thấy vậy chỉ cười lạnh mà không ra tay giúp đỡ. Triệu Cấu thoáng nghĩ ngợi, cảm thấy kẻ này đối với người Kim yếu hèn nhu nhược, không cứu cũng xong, nên cũng im lặng không lên tiếng.
Vì thế Vương Vân bị một đám dân chúng đánh chết ngay tại chỗ.
Sau khi Vương Vân chết, Tông Trạch lần nữa lên tiếng níu kéo. Triệu Cấu bèn gật đầu đồng ý, buổi tối ngày hôm đó tá túc lại Từ Châu.
Ngủ trong quan dịch tới nửa đêm thì bất ngờ bị một loạt tiếng động làm tỉnh giấc, Triệu Cấu vội vã khoác áo đi ra khỏi phòng, chẳng ngờ trông thấy thuộc hạ thân tín và thủ vệ mà Tông Trạch phái đến đang nằm la liệt trên nền đất. Hai lưỡi đao sắc lạnh kề vào cổ, một giọng nói vang lên bên tai y: "Oát Ly Bất nguyên soái lo lắng Khang vương hành trình chậm trễ nên đã đặc biệt phái chúng tôi tới đón ngài đi. Xin Khang vương hãy cùng chúng tôi lên đường."
Triệu Cấu lúc này đã nhìn rõ, bên mình và trong sân viện đứng đầy kỵ binh nước Kim võ trang chỉnh tề.
Sau một khắc trầm mặc, y nói với lính Kinh cạnh bên: "Bỏ đao ra, ta sẽ đi cùng các ngươi."
Quân Kim từ từ bỏ đao xuống. Triệu Cấu bình tĩnh thả bước đi ra khỏi cửa.
Sau khi trói chặt y trên lưng ngựa đã chuẩn bị sẵn, quân Kim bèn lập tức áp giải y về trại Kim.
Lại đi đường một ngày, ngày tiếp theo quân Kim đã dừng lại dựng lều nghỉ ngơi giữa nơi hoang dã. Triệu Cấu cố tình nhắm mắt đi ngủ sớm, đợi đến khi nghe thấy bốn bề yên ắng mới lặng lẽ ngồi dậy. Y lấy con dao găm giấu trong ủng ra, khoét mặt sau lều, chẳng ngờ trông thấy một tên lính người Kim đang ôm đao đứng quay lưng lại lều của y. Y lập tức bịt miệng tên lính Kim bằng tay trái từ phía sau, tay phải lia con dao găm qua cần cổ hắn, máu tươi phun trào, lính Kim chưa kịp rên lên tiếng nào đã ngã gục xuống đất.
Triệu Cấu lập tức tung người nhảy lên chiến mã cạnh bên của lính Kim, cắt đứt dây cương, phi ngựa chạy như bay. Lính Kim phía sau kinh hoàng phát hiện, tức thì bốn phía hỗn loạn, lại có kị binh nhanh chóng đuổi theo.
Triệu Cấu phi nước đại vài dặm trên lưng ngựa, đột nhiên trông thấy phía trước có một con sông chặn đường của mình. Con sông rất rộng, dường như không thể vượt qua. Triệu Cấu nhất thời không suy nghĩ được quá nhiều, thúc mạnh ngựa giục nó nhảy lên. May mắn thay đó là một con ngựa tốt, dẫu rơi xuống nước cũng rất gần bờ, thế nhưng lúc ngã xuống vô tình đụng phải một tảng đá lớn dưới nước khiến chân sau bị gãy, không thể đi tiếp được nữa.
Triệu Cấu nhảy xuống khỏi lưng ngựa, nước sâu tới ngang hông. Y từng bước lội lên bờ, lại tiếp tục chạy về phía trước. Mà lúc này truy binh cũng đã đuổi tới bờ sông, những kẻ tiếp tục cưỡi ngựa vượt sông lần lượt chìm xuống nước, nhất thời chưa thể bắt kịp.
Không biết đã qua bao lâu, Triệu Cấu đã kiệt sức, cuối cùng ngã gục xuống ven lề đường. Một lúc sau liền trông thấy phía trước bụi đất mù mịt do vó ngựa tung lên, có một đám kỵ binh đang chạy về phái y. Y không khỏi cay đắng, xem ra lần này chỉ sợ sẽ thực sự bỏ mạng tại nơi đây.
Khi cả nhóm tiến tới gần, y mới nhìn rõ bọn họ không phải quân lính Kim, mà lại mặc áo giáp người Tống. Kẻ dẫn đầu xuống ngựa hỏi y: "Công tử phải chăng là từ Từ Châu tới?"
Triệu Cấu mặc dù thấy bọn họ là người Tống song cũng không dám tùy tiện tiết lộ thân phận, bèn nói dối: "Tôi là thương nhân đi lại giữa Từ Châu và Tương Châu, giữa đường gặp phải quân Kim cướp bóc, vì vậy mới chạy trốn tới đây."
Người kia thoáng đánh giá y, lại tiếp: "Trang phục của công tử nhìn không giống thương nhân, mà giống như vương tôn quý tộc hơn. Tôi là tri phủ Tương Châu Uông Bách Ngạn, hôm nay nhận được thư bồ câu gửi từ Từ Châu Tông Trạch đại nhân, nói rằng Khang Vương điện hạ đã bị bắt cóc về phương Bắc tại quan dịch Từ Châu, bởi thế lập tức dẫn binh lính tới cứu viện, không rõ công tử trên đường có từng trông thấy Khang vương điện hạ?"
Triệu Cấu nghe vậy mừng rỡ khôn xiết, lại cẩn thận đánh giá diện mạo khí khái của người trước mặt, xác nhận lời hắn nói không phải giả, liền đứng dậy đi về phía Uông Bách Ngạn chắp tay nói: "Ta chính là Khang vương Triệu Cấu."
Uông Bách Ngạn vội vã dẫn binh lính hành lễ, sau đó đưa Triệu Cấu về Tương Châu sắp xếp nghỉ ngơi.
Triệu Hoàn sau khi nghe nói Triệu Cấu bị quân Kim truy bắt, chạy trốn tới Từ Châu thì cũng không miễn cưỡng y đi sứ nữa, liền phái thành viên khác trong tông thất và một vài vị đại thần đi hòa nghị, thế nhưng Oát Ly Bất sau khi thấy người tới một chữ cũng chẳng buồn nhả ra, trực tiếp khoát tay lệnh cho họ quay về, sau đó đẩy nhanh tốc độ của cuộc xâm lược, chẳng mấy chốc đã cùng Niêm Một Hát hội quân gần thành Biện Kinh.
Bất đắc dĩ, Triệu Hoàn một mặt lệnh cho Triệu Cấu chiêu mộ quân ở Tương Châu, chiêu tập các tướng lĩnh Hà Bắc phòng thủ, mặt khác đích thân mặc áo giáp đứng trên tường thành động viên quân phòng thủ, khó nhọc chống cự quân Kim.
Tháng Mười Hai năm ấy, quân Kim qua cầu, khí thế hung hãn tấn công Thông Tân môn thành Biện Kinh. Ngự sử Hồ Đường hầu trong điện không ngừng nói với Triệu Hoàn: "Khang vương phụng mệnh đi sứ Từ Châu, bị dân chúng giữ lại, không thể tới trại Kim, đây là ý trời. Thần xin bệ hạ hãy phong Khang Vương làm đại nguyên soái, về sau có gì cũng tiện bề đem binh tới ứng cứu." Triệu Hoàn tiếp nhận kiến nghị của ông, phong ấn mật chỉ trong một viên thuốc sáp, lệnh Tần Tể, Lưu Định và bốn người khác làm tử sĩ, phái bọn họ gửi sắc lệnh tới Tương Châu, phong Khang vương làm Đại nguyên soái binh mã Hà Bắc, Trần Cấu làm Nguyên soái, Tông Trạch, Uông Bách Ngạn làm Phó nguyên soái, mau chóng dẫn quân từ Hà Bắc về kinh đô ứng cứu.
Tần Tể trước tiên đến Tương Châu, sau khi gặp được Triệu Cấu liền lấy ra mật chỉ trong viên sáp giấu trong búi tóc. Đọc xong, Triệu Cấu không khỏi thổn thức, binh lính và dân chúng cũng rất xúc động.
Triệu Cấu sau đó phụng mệnh làm Đại nguyên soái binh mã Hà Bắc, mặc khôi giáp lên đài duyệt binh, chắp tay đứng dưới soái kỳ bay phần phật, phóng tầm mắt nhìn biển quân sĩ mênh mông nghiêm trang đứng bên dưới, thần sắc trịnh trọng nghiêm nghị. Sau khi y xuất hiện, bọn họ liền đồng loạt quỳ sụp xuống, hô vang lời chúc mừng.
Có tuyết rơi nhè nhẹ, gió lạnh ảm đạm, không khí cuối ngày dài càng thêm hoang vắng. Triệu Cấu lặng lẽ nhìn xuống hàng ngàn binh sĩ đã thần phục, một nụ cười nhẹ chậm rãi hiện ra.