Chuyến du ngoạn Tây hồ lần này là một trong những việc chúc mừng Thái hậu về Nam, được chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng. Ngoài Triệu Cấu và Vi thái hậu, phi tần, Viện và Cừ ngự thuyền rồng lớn, đi hai bên và phía sau là tể chấp, cận thần, hoạn quan, cấm vệ quân và những người trong nha môn kinh thành, có tới mấy trăm chiếc thuyền, đông đúc vô cùng.
Trước đó Thái hậu đã đặc biệt dặn dò muốn "chung vui với dân", Triệu Cấu bèn hạ chỉ, bách tính ven và trên hồ có thể tới ngắm thuyền, mua bán như bình thường mà không bị cấm cản, bởi thế chuyến du ngoạn lần này có rất nhiều thuyền nhẹ đi lẫn với thuyền quan, rất náo nhiệt.
Trên một số chiếc thuyền tranh có ca kỹ vũ nữ được gọi là "thủy tiên tử", đứng sát mép nước, ai nấy đều váy áo xúng xính, khiến người khác không nén được ngắm nhìn. Trên những chiếc thuyền lớn khác hoặc ven bờ hồ, rất nhiều nghệ nhân thổi sáo, múa hát, nấu trà, diễn tạp kịch, rất nhiều chủng loại, không đếm hết được.
Lại có nghệ sĩ biểu diễn trên mặt nước, hoặc thả một khúc gỗ trên mặt nước, giẫm lên khiến nó xoay tròn, đồng thời làm nhiều động tác, gọi là "đạp cổn mộc". Cũng có người dựng sân khấu trên mặt hồ, tưng bừng biểu diễn rối nước.
Mấy chục cung tần mỹ nữ đứng trên ngự thuyền, đẹp như thiên nữ, giáo phường ở đuôi thuyền tấu nhạc trời vang lừng. Cảnh tượng này khiến người ta nhớ lại những năm xưa Huy Tông ngắm cảnh trên hồ Kim Minh. Triệu Cấu xoay người nhìn về phía mẫu thân trong khoang thuyền rồng, ngẫm nghĩ xem liệu bà có hài lòng hay không.
Thuyền ngự buông rèm thủy tinh bốn phía, trang trí đầy đá quý. Gió khẽ thổi khiến rèm lay động, xuyên qua ánh sáng lấp lánh có thể trông thấy nụ cười nhẹ của Vi Thái hậu.
Triệu Cấu tiến vào, thoáng chút áy náy nói với Vi thị: "Tây hồ không phải ngự uyển hoàng gia, khó tránh khỏi có chút lộn xộn."
Vi Thái hậu lại cười: "Mặc dù đông người hơn Kim Minh trì thành Biện Kinh, thế nhưng ta và con có thể vui cùng nhân dân, cũng có cơ hội quan sát cuộc sống nhân dân trong kinh thành, rất tốt, rất tốt."
Sau đó lại phóng tầm mắt về phía mạn hồ, hứng khởi quan sát những người bán hàng rong ven hồ, như rau quả tươi, rượu, đạo cụ diễn kịch, quạt vẽ, cờ màu, phấn son, còn có cả hoa tươi theo mùa.
Lúc này có một thương nhân ngồi thuyền nhỏ đuổi theo thuyền quan, hơn nữa còn khẽ cọ vào mạn thuyền rồng, lập tức bị cấm binh trên thuyền khiển trách, muốn đuổi y đi. Vi Thái hậu lại lắc đầu, ra lệnh: "Bảo hắn qua đây, ta muốn xem hắn bán cái gì."
Hai cấm binh dẫn người thương nhân trên thuyền lên, bày hàng hóa ra, hóa ra là lược phỉ thúy, lụa là, hoa cài đầu, đồ dùng sơn mài và các loại đồ sứ. Thái hậu ngậm cười ngắm nhìn, cuối cùng chọn lấy mấy cây lược, hoa cài đầu, Anh Phất đứng bên thấy vậy không đợi Thái hậu mở lời đã mệnh thị nữ lấy gấp đôi số tiền tới trả cho thương nhân.
Thương nhân không ngớt tạ ơn, cúi đầu hành lễ rồi mới rời đi, vui sướng quay về.
Ngự thuyền tiếp tục hành trình, dọc đường ngang qua Đoạn Kiều. Triệu Cấu thấy cạnh cầu có một quán rượu nhỏ, nhìn có vẻ phong nhã, nhất thời nổi hứng, có ý muốn vào đó ngồi một lát, mời Thái hậu đi cùng. Thái hậu nói đã hơi thấm mệt, chỉ muốn nghỉ ngơi trong thuyền, bảo Triệu Cấu đi một mình. Triệu Cấu bèn dẫn theo Anh Phất và hai đứa con trai nuôi rời thuyền rồng đi vào quán rượu.
Thấy Hoàng đế quang lâm, ông chủ quán rượu vừa kinh ngạc vừa vui mừng, lập tức cùng những người trong quán quỳ xuống nghênh đón.
Triệu Cấu bước vào sảnh, đưa mắt nhìn xung quanh, trông thấy giữa sảnh có bày một bức bình phong màu trắng trang trí, phía trên có đề một bài "Phong nhập tùng", từ xa trông lại chỉ cảm thấy nét chữ tiêu sái trôi chảy, rất đẹp, bèn tiến lại gần xem kỹ hơn, chẳng ngờ đọc xong lại trầm mặc đứng lặng hồi lâu.
Đám người Anh Phất thấy bài từ này hấp dẫn sự chú ý của y tới vậy, cũng đi tới nhìn xem.
Lời bài từ viết: "Xuân tới bỏ tiền mua chung rượu, ngày ngày say sưa bên bờ hồ. Ngọc Thông* quen dạo đường Tây hồ, ngẩng đầu hí vang về tửu lâu. Hoa thơm sáo trống réo rắt trời, liễu xanh rì rào trong gió đưa. Gió Xuân mười dặm người đẹp tươi, trên đầu hoa cài mây trắng bay. Thuyền tranh trở về mang ánh Xuân, nước hồ lay động tình chẳng nguôi. Ngày mai lại rót chén vơi đầy, say rồi tìm hoa rơi đường nhỏ."
(* Ngọc Thông: Tên một giống ngựa.)
Anh Phất xem xong, chú ý quan sát sắc mặt Triệu Cấu, thấy ánh mắt y đang quét qua quét lại trên khổ sau bài từ, như có điều suy ngẫm.
Lát sau, Triệu Cấu quay đầu lại hỏi chủ quán rượu: "Bài từ này là do ai làm?"
Người đó đáp: "Là Thái học sinh Du Quốc Bảo. Trước kia y uống say ở đây rồi viết bài này."
Triệu Cấu nhàn nhạt cười: "Bài từ này rất hay, chỉ có điều câu cuối cùng có chút gượng ép." Nói đoạn lập tức mệnh người mang bút nghiên tới, đặt bút viết lên bình phong, sửa "Ngày mai lại rót chén vơi đầy" thành "Ngày mai nâng chén lại say mèm".
Vừa sửa xong, những người ở đó không ai không xuýt xoa khen hay, đều nói chỉ sửa vài chữ mà như khác một trời một vực. Triệu Cấu gác bút ngồi xuống, nhấp chút trà, lại lệnh cho quan viên theo hầu: "Tìm một chức quan thích hợp, cho người tên Du Quốc Bảo đó làm."
Lại ngồi thêm một lúc nữa, nếm ít đồ ăn quán rượu dâng lên mới đứng dậy quay về ngự thuyền. Khi đi tới trước cửa lại ngừng lại, khẽ quay sang nhìn Triệu Viện phía sau, hỏi: "gần đây cô cô của con bình phục hẳn chưa?"
Triệu Viện đáp: "Đã khá hơn rồi ạ, nhưng sắc mặt vẫn kém, cả ngày uể oải không muốn làm gì."
Triệu Cấu gật gật đầu, tiếp tục cất bước, lại vờ như lơ đãng dặn dò Triệu Viện: "Canh cá ở đây không tệ, quay về mang cho cô cô con một ít."
Triệu Viện cúi người thưa vâng, sau đó ở lại để mua canh cá. Khi đi lướt qua y, Anh Phất cũng thoáng dừng lại, mỉm cười hỏi: "Viện, con có đem theo tiền trong người không? Nếu không đủ thì để ta bảo người mang tới."
Triệu Viện vội vã nói mang đủ tiền, lúc này Anh Phất mới theo Triệu Cấu lên thuyền rồng lớn.
Ngày hôm sau, Anh Phất tới Từ Ninh cung thỉnh an Thái hậu. Vi Thái hậu sau khi trò chuyện mấy câu với nàng bèn hỏi: "Hôm qua quan gia dẫn con rời thuyền vào quán rượu, vì sao lại ở đó lâu đến vậy?"
Anh Phất cười đáp: "Quan gia sửa bài từ cho một vị Thái học sinh ở quán rượu. Việc này ắt hẳn đã lưu truyền thành giai thoại ở kinh thành." Sau đó liền đem chuyện Triệu Cấu sửa bài từ thế nào, lại ban chức quan cho Dư Quốc Bảo kể cho Thái hậu nghe.
Vi Thái hậu nghe xong kinh ngạc nói: "Chỉ là một bài từ thôi, lại có thể khiến nó yêu thích đến vậy, tùy tiện phong kẻ khác làm quan như thế? Con đọc lại bài từ đó cho ta nghe, ta phải xem xem rốt cuộc có chỗ nào vi diệu."
Anh Phất bèn đọc thành tiếng bài "Phong nhập tùng" kia một lần. Vi Thái hậu chăm chú lắng nghe, tới câu "Thuyền tranh trở về mang ánh Xuân, nước hồ lay động tình chẳng nguôi" đột nhiên nở nụ cười, nói với Anh Phất: "Câu này, hẳn là con cũng rất thích phải không?"
Nhất thời chưa hiểu Thái hậu có ý gì, Anh Phất rũ mắt không dám tiếp lời.
"Nghe Phan Hiền phi nói, con được quan gia săn sóc nhất, thường xuyên dẫn một mình con cùng đi du sơn ngoạn thủy." Vi Thái hậu nói, lại liếc nhìn Anh Phất: "Năm Thiệu Hưng đầu tiên, quan gia đưa linh cữu Long Hựu thái hậu tới Thượng Hoàng thôn ở huyện Cối Kê. Nghe nói con vì muốn khuyên quan gia bớt đau buồn mà đã mời nó ngồi thuyền tranh ngắm cảnh Tây hồ, một đêm không về... Quả thực là một người hiểu chuyện, tâm tư rất sâu."
Sau khi yên lặng nghe xong, vành mắt Anh Phất đỏ lên, đứng dậy quỳ xuống trước mặt Thái hậu, nước mắt lã chã, dập đầu xong mới nói: "Mẫu hậu minh giám. Mười mấy năm nay, thần thiếp đi theo hầu hạ quan gia, bản thân không dám không dốc lòng, song thần thiếp nhất quyết không phải hạng người mê hoặc quân chủ. Thần thiếp mặc dù không học rộng biết nhiều, không nói được những đạo lý to lớn, thế nhưng hai chữ hiếu thuận vẫn hiểu, sao dám mời quan gia ra ngoài đi chơi khi tang lễ của Long Hựu Thái hậu mới qua chưa lâu, hơn nữa còn xuyên đêm không về..."
Vi Thái hậu thấy nàng lóc khóc thảm thiết, không giống đang nói dối, bèn cau mày hỏi: "Vậy, là kẻ khác bịa đặt việc này hãm hại con, hay khi ấy người cùng quan gia ra ngoài du ngoạn không phải con?"
Anh Phất đang quỳ cúi đầu thật sâu, vừa lấy khăn lau lệ, vừa nhẹ nhàng đáp: "Thần thiếp không dám giấu giếm mẫu hậu... Người cùng quan gia đi chơi Tây hồ không phải thần thiếp."