Triệu Phi Nhi cũng trọ trong khu ổ chuột gần trường như Lưu Y Sa. Chỗ ở của hai người cách nhau không quá 2 km.
Đêm hè năm đó, Triệu Phi Nhi mất tích trên đường từ quán trà sữa về nhà. Vì chỗ làm xa, xuống xe bus đã là khoảng hơn 1 giờ sáng, cô ấy còn phải đi thêm tầm 1,5 km mới đến nhà.
Ngày hôm sau, Triệu Phi Nhi không đi làm. Người quản lý quán trà sữa cũng không thể liên lạc được với cô ấy.
Ngày thứ ba, cô ấy vẫn không tới làm. Đồng nghiệp trong quán đã báo cảnh sát.
Ngày sau nữa, thi thể lõa lồ, khớp xương bị bẻ gãy và bị gấp gọn trong rương của cô ấy được người dân phát hiện trên eo núi hoang vu.
Vết thương trí mạng cũng nằm ở phần đầu do vật cùn gây nên dẫn tới vỡ xương sọ. Tình trạng xâm hại tình dục, cách xử lý sạch sẽ thi thể không để lại bất cứ dấu vân tay hay DNA nào giống hệt trong vụ án mới đây.
Song dường như tên hung thủ của một năm trước bất cẩn hơn một chút. Giám định viên đã thu được dấu vân tay tại mặt trong quai xách của chiếc rương. Thế nhưng cảnh sát không tìm được đối tượng phù hợp khi đối chiếu vân tay. Họ tin rằng Triệu Phi Nhi bị hung thủ đưa đi chính tại đoạn đường chỉ dài 1,5 km ấy. Bọn họ nắm giữ dấu vân tay đắt giá, vậy mà không sao tìm ra hung thủ. Còn điểm định vị cuối cùng từ tín hiệu điện thoại của Triệu Phi Nhi là trong một thùng rác của khu thành phố náo nhiệt, vì vậy chẳng có cách nào xác định địa điểm và thời gian mất tích.
Trong suốt một năm đó, cảnh sát Hoài Thành luôn trong tình trạng khẩn trương cực độ. Vì đã loại bỏ mọi khả năng như giết người vì tình, vì thù cho nên bọn họ tin rằng hung thủ là kẻ lạ mặt, hơn nữa thủ đoạn gây án vô cùng tàn nhẫn, biến thái. Phía cảnh sát lo lắng sẽ tiếp tục phát hiện một cỗ thi thể thứ hai tương tự. Thế rồi thời gian dần trôi, hung thủ biệt tăm biệt tích, cũng không xuất hiện người bị hại nào khác.
Mãi cho đến ngày này của một năm sau.
———
Cũng giống với những thành phố loại ba, bốn khác, trung tâm Hoài Thành mang một chiếc mặt nạ với vẻ bề ngoài sáng sủa tích cực, phòng ốc thương mại có mặt khắp mọi nơi, những vườn hoa xanh ngát một màu bao bọc quanh những quảng trường thênh thang nhiều vô kể, có thể bắt gặp những khẩu hiệu tuyên truyền như “Phát triển du lịch”, “Xây dựng văn minh” khắp phố phường.
Vén chiếc mặt nạ ấy lên, đi dần tới khu thuê trọ của hai nạn nhân, phòng ốc bắt đầu trở nên thấp bé, cũ nát và bẩn thỉu. Những ngôi nhà đơn điệu, khấp khểnh chen chúc lẫn nhau đã phản ánh sự bần cùng và bức thiết của một thời đại đã qua.
Đường sá có to có nhỏ, có hẹp có rộng đan xen giao hòa song đều rất bẩn. Xung quanh vô vàn cửa tiệm hỗn tạp, nào là hàng tạp hóa, hàng hoa, quán trà sữa, hàng hoa quả… còn có chợ rau, khu nhà ở, khu phố, tiểu học… Lác đác trong đó có cả những hộ gia đình sống trong lều.
Đây là nơi mật độ phân bố dân cư đông đúc nhất, loạn nhất, cũng nguyên thủy nhất và sinh động nhất của thành phố.
Vưu Minh Hứa và Hứa Mộng Sơn lái xe tới trước nhà Lưu Y Sa. Tất nhiên, Ân Phùng “nửa người mình” cũng đi cùng.
Tòa nhà nhỏ có tất cả năm tầng, từng là khu kí túc xá tập thể của một đơn vị nào đó, hiện tại cho thuê. Mỗi tầng đều dày đặc cửa sổ và cửa ra vào, lối đi chất đầy đồ lặt vặt và dây phơi quần áo. Vưu Minh Hứa nhíu mày ngẫm nghĩ: điều kiện phòng cháy chữa cháy ở đây hoàn toàn không đạt tiêu chuẩn. Song đây cũng chính là cách sinh tồn của “tầng đáy” thành phố: Thà có một nơi ở không an toàn còn hơn sống vất vưởng không chốn dung thân.
Ba người đi lên từ phía cầu thang xoắn ốc. Vưu Minh Hứa đứng từ đây ngắm những ngôi nhà san sát xung quanh. Nếu có một đôi mắt trộm nhìn Lưu Y Sa từ chỗ này thì chẳng thể nào tìm ra được kẻ đó.
Cầu thang chật hẹp, bậc thang đã bị tổn hại không ít, Ân Phùng nhìn đông ngó tây, cơ thể bất chợt loạng choạng như sắp ngã vì giẵm phải lỗ hổng trên bậc thang. Vưu Minh Hứa đi sau, nhanh tay nhanh chân ôm đỡ phần thắt lưng anh, nhưng sức nặng cơ thể của anh khiến hai người đụng trúng lan can cũ rích, Vưu Minh Hứa toát mồ hôi lạnh. Ngược lại, Ân Phùng cũng phát giác cơ thể mất thăng bằng, phản xạ có điều kiện kéo tuột Vưu Minh Hứa vào trong ngực để bảo vệ.
Cô ôm eo anh, anh ôm trọn cô trong lồng ngực ấm áp. Hai người nhất thời không biết nên nói gì chỉ đành lặng ngắt, Vưu Minh Hứa gửi thấy hương thơm sữa tắm trên cơ thể anh, cảm giác quen thuộc từ dáng vóc người đàn ông khiến cô chợt nhớ về nụ hôn cuồng nhiệt mấy ngày trước của hai người.
“A Hứa có sao không?” Anh khẽ hỏi.
“Không sao.” Vưu Minh Hứa thoát khỏi ngực anh, làm mặt điềm đạm tiếp tục tiến bước. Ai ngờ nghe được anh lẩm bẩm như đang tự nói: “Anh Tuấn cũng không sao.”
Tuy ngoài mặt không biểu lộ cảm xúc, song cô lại có chút không mấy vui vẻ một cách khó hiểu.
Bọn họ đi đến phòng Lưu Y Sa nằm trên tầng năm. Đây có lẽ là căn rẻ tiền nhất trong khu này. Trước cửa dán giấy niêm phong, một cảnh sát đứng gác bên ngoài. Ba người bước vào căn phòng khép kín, dù có cả nhà tắm cũng chưa vượt qua 15 mét vuông, bức tường bê tông màu trắng, trong nhà có một chiếc giường nhỏ, bàn, tủ quần áo và hai chiếc ghế.
Dù căn nhà rất đơn sơ nhưng gọn gàng, ngăn nắp. Quần áo được xếp ngay ngắn trong tủ, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, khăn bông đều được xếp gọn. Vưu Minh Hứa lật xem một vài quyển sách trên mặt bàn, ngoài hai cuốn tiểu thuyết ngôn tình còn có “Nhập môn thương mại điện tử”, “Người nổi tiếng dạy bạn bán hàng online”, “Bí quyết làm giàu trên Taobao”, cô nhìn Hứa Mộng Sơn rồi trả sách về vị trí cũ.
Thông qua điều tra sơ bộ, bọn họ đã có những hiểu biết cơ bản về Lưu Y Sa. So với nạn nhân đầu tiên thì Lưu Y Sa xinh đẹp, hướng nội và dịu dàng hơn. Theo phản hồi của thầy cô giáo và bạn học, thành tích và năng lực của Lưu Y Sa đều bình thường, không có bao nhiêu chí tiến thủ song là người thật thà. Hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, cho nên cuộc sống của cô ấy khá vất vả.
Cô ấy từng có một người bạn trai học khóa trên, nhưng sau khi tốt nghiệp, người bạn trai đi nơi khác làm việc, mối duyên này cũng kết thúc. Sau tốt nghiệp, Lưu Y Sa hầu như không giữ liên lạc với bạn cùng lớp, không ai rõ tình hình của cô ấy ra sao.
Tất nhiên, cô ấy cũng có hai người bạn thân. Bọn họ nói, Lưu Y Sa từng nhắc đến việc muốn mở một cửa hàng bán quần áo trên mạng xã hội. Nhưng cần phải có nguồn vốn, nên cũng chỉ thấy cô ấy nói rồi để đó.
Căn nhà nhỏ bé tựa như cuộc đời ngắn ngủi của Lưu Y Sa, chớp mắt vài cái là đã qua cả một đời. Vưu Minh Hứa ra ngoài lan can hút thuốc, cô đang suy ngẫm một vấn đề: Lưu Y Sa vì sao lại mất tích?
Theo lời một người bạn thân thì lần liên lạc cuối cùng giữa cô ấy và Lưu Y Sa là vào năm ngày trước. Một người hàng xóm lần cuối nhìn thấy Lưu Y Sa là vào chiều tối bốn ngày trước. Thời gian tử vong vào khoảng 2 giờ đến 3 giờ đêm hai ngày trước. Nghĩa là, bốn ngày trước, tức giữa chiều tối ngày mùng 7 đến ngày mùng 9, cô ấy đã mất tích và bị hại.
Hết chương 75