Mấy câu cuối cùng của bà ta khiến Đới Húc và Phương Viên đều không biết đáp lại thế nào. Không cần nghi ngờ, mọi thông tin tìm hiểu được đều chứng minh Kha Tiểu Văn là người ôn hòa, thậm chí có thể dùng từ yếu đuối để hình dung. Nếu đánh giá từ mặt tính cực thì giống như lời chủ nhiệm cấp hai của Kha Tiểu Văn nhận xét, chàng trai này hiền lành, không nói nhiều, chưa bao giờ tranh chấp với ai. Nhưng nếu xét từ mặt tiêu cực, bản thân Kha Tiểu Văn là biểu hiện của việc yếu đuối sợ phiền phức, dường như cậu bé cho rằng mình không thể đắc tội với ai, cho dù đối phương có ngang ngược vô lý, làm hại tới lợi ích của mình thế nào, từ đầu tới cuối cậu bé đều cho rằng cách xử lý tốt nhất chính là im lặng, mặc kệ nó.
Tuy một loại gạo nuôi được trăm loại người, nhưng cá tính mỗi người ngoại trừ một phần do bẩm sinh, nguyên nhân quan trọng làm ảnh hưởng vẫn là hoàn cảnh sinh sống, mà trong quá trình trưởng thành, thời gian dậy thì chính là thời kỳ giúp tính cách của một đứa trẻ dần ổn định.
Năm Kha Tiểu Văn mười hai tuổi, ba mẹ cậu bé ly dị, bắt đầu từ năm mười ba tuổi, trong nhà xuất hiện một người mẹ kế chẳng quan tâm cậu, còn cả một anh kế thường xuyên bắt nạt tình trọng mình. Trong tình huống này, ba ruột sơ ý cùng sự thiếu trách nhiệm của mẹ ruột đều khiến cậu bé thiếu cảm giác an toàn, từ đó nhận định đấu tranh cũng vô dụng, cách tự bảo vệ mình tốt nhất chính thỏa hiệp đầu hàng.
Cho nên tới thời điểm Kha Tiểu Văn mười bảy mười tám tuổi mẹ đẻ cậu bé mới quay về, điều Kha Tiểu Văn bất mãn và uất ức có thể tưởng tượng được, hơn nữa cũng có thể thông cảm. Hồng Thanh nói Kha Tiểu Văn kể bà nghe chuyện này cùng câu cuối cùng chính là một cách lên án bà, suy nghĩ này Phương Viên và Đới Húc tán đồng, có điều là người ngoài cuộc, ngoại trừ thái độ chủ quan giữ gìn lập trường của mình của Hồng Thanh, bọn họ có cảm giác đây cũng là lời bộc bạch chua xót. Có lẽ từ sâu trong lòng cậu bé không hề cam tâm bị mọi người bỏ lơ như vậy, giống như cỏ dại bên đường không muốn bị người ta bắt nạt, chẳng qua cậu bé không còn sự lựa chọn nào khác, mọi chỗ dựa của cậu đều không đáng tin cậy, do đó cậu bé chỉ đành lựa chọn cúi đầu.
Nghe đến đây, Phương Viên theo bản năng nhớ lại vấn đề Đới Húc từng nhắc tới việc thời điểm bị người ta tiêm vào cơ thể Kha Tiểu Văn hoàn toàn không hề phản kháng, tuy nhìn từ bề ngoài việc cậu bé không có nơi nương tựa đúng là khiến người ta dễ bị tuyệt vọng, nói thẳng ra là cậu bé vì vậy mà chủ động từ bỏ sinh mệnh. Nếu cậu bé thật sự cho rằng cuộc sống này không còn hi vọng nữa, với tình cảnh mà cậu phải trải qua, cho dù lựa chọn buông thả bản thân cũng không phải chuyện quá bất ngờ. Nhưng Kha Tiểu Văn rất cố gắng học tập, điều này chứng minh cậu bé coi việc đậu đại học rời khỏi cái nhà này là con đường chạy trốn duy nhất, cho nên cậu bé mới đặt mọi áp lực vào việc học tập và thi cử, giống như trong nhật ký đã viết, cái nhà này đối với cậu đã chẳng còn gì ấm áp hay đang để lưu luyến, muốn sống tốt hơn, cậu phải bảo đảm bản thân có năng lực và tiền vốn đủ để nuôi sống chính mình.
Đối với một học sinh lớp mười hai có thành tích khá giỏi, tiền vốn đương nhiên là thi đậu vào trường đại học danh giá.
Một cậu bé đặt mọi hi vọng trong cuộc sống vào việc thi đại học như vậy dù tuyệt vọng thì cũng sẽ không buông tay khi chưa có kết quả, mà xét từ điều kiện khách quan của Kha Tiểu Văn, dù cậu bé không thể phát huy một cách lý tưởng thì vẫn có thể thi đỗ trường đại học tốt, cho nên trong chuyện này, cậu bé không thể tuyệt vọng.
Từ lời Hồng Thanh nói Phương Viên càng tin chắc điểm này. Nếu thế, đối phương rốt cuộc đã lừa bịp cậu bé bằng cách nào, hoặc là có thân phận gì mới có thể khiến cậu ngoan ngoãn đi theo mình tới nơi xa nhà và trường học, hơn nữa còn để hắn tim một chất lỏng không rõ nguồn gốc vào cơ thể mình chứ? Vấn đề này đúng là khiến người ta khó hiểu.
Phương Viên không tự chủ mà đắn đo suy nghĩ, đợi đến khi cô hoàn hồn, Hồng Thanh đã kể họ nghe một việc khác, đương nhiên cũng liên quan tới mẹ con Ngô Thư Cầm.
"Vợ sau của Kha Hữu Lợi không phải cũng có đứa con trai sao?" Hồng Thanh không hề phát hiện Phương Viên mất tập trung, bà ta có vẻ khi nhắc tới chuyện ở nhà của Kha Tiểu Văn mới đột nhiên nghĩ tới chuyện này, "Đứa con trai kia cũng chẳng phải thứ tốt đẹp gì, tôi không biết hành vi của thằng bé kia rốt cuộc là do mẹ nó giáo dục không tốt hay di truyền từ ba ruột của mình, tóm lại theo tôi được biết thằng bé đó lớn hơn Tiểu Văn một tuổi, luôn cướp đồ của Tiểu Văn, thích cái gì là một mực có cho bằng được, chỉ cần thằng bé lên tiếng, Tiểu Văn nhất định phải đưa cho nó, nếu không thằng bé sẽ đánh Tiểu Văn. Tiểu Văn không phải đứa nhỏ bạo lực, đương nhiên đánh không lại, cuối cùng còn bị cướp đồ. Thằng bé đó còn uy hiếp Tiểu Văn, bảo Tiểu Văn thành thật một chút, đừng khiến người ta ngột ngạt, nếu không, nó có rất nhiều cách khiến Tiểu Văn biến mất khỏi thế giới này."
"Thằng bé nói mẹ nó vì Tiểu Văn mà luôn không hài lòng với nó, cho nên nó mới chướng mắt Tiểu Văn, nếu không có Tiểu Văn, mẹ thằng bé sẽ bớt mắng nó lại." Hồng Thanh trả lời.
Câu này không giống là giả, đặc biệt là sau khi nói chuyện với chủ nhiệm cấp hai của Kha Tiểu Văn, Phương Viên và Đới Húc cũng biết được chuyện Ngô Thư Cầm không hề cảm thấy con trai mình thua kém Kha Tiểu Văn, rất có lòng tin chỉ cần con trai mình nỗ lực là có thể đuổi kịp và vượt qua Kha Tiểu Văn. Đương nhiên đây là ảo tưởng không thực tế, đến cuối cùng vẫn thất bại, có điều sau khi miễn cưỡng chấp nhận sự thật, bề ngoài Ngô Thư Cầm tỏ vẻ không sao, nhưng trong lòng có thoải mái hay không thì vấn đề này rất khó nói. Nếu bà ta thật sự làm vậy, Ngô Học Hải không vui đương nhiên sẽ đi tìm Kha Tiểu Văn kiếm chuyện.
Nhưng sau khi lý giải chuyện này, lại có một vấn đề khác xuất hiện.
"Không phải bà nói Kha Tiểu Văn và bà có khoảng cách nên quan hệ giữa mẹ con hai người không quá hòa hợp sao? Chuyện này sao bà biết được?" Phương Viên hỏi Hồng Thanh.
"Tiểu Văn bị tôi hỏi nhiều quá nên mới chịu kể." Hồng Thanh trả lời, "Mấy năm nay tôi thật sự rất có thành ý làm hòa với Tiểu Văn, tuy Tiểu Văn không hiểu cho tôi, nhưng tôi làm mẹ, đương nhiên phải có trách nhiệm của người làm mẹ, không thể vì con cái không thông cảm mà mình cũng bỏ mặc. Cho nên trong sinh nhật năm nay của Tiểu Văn, tôi có mua cho nó một đôi giày bóng rổ, khá mắc. Nói thật, điều kiện kinh tế hiện giờ của tôi không dư dả mấy, nhưng con trai thời nay đều thích thứ này, do vậy tôi mua ngày. Kết quả hôm trước tặng cho Tiểu Văn, mấy ngày sau tôi ở trên phố bắt gặp đứa con riêng của vợ sau của Kha Hữu Lợi mang đôi giày đó!"
"Bà chắc chắn đó là đôi bà mua sao? Không phải đôi tương tự à?" Phương Viên hỏi.
Hồng Thanh kiên định lắc đầu: "Chắc chắn không, lúc mua đôi giày đó tôi còn cố ý bảo cửa hàng thêu chữ XW viết tắt của chữ Tiểu Văn lên trên, hai chữ đó chói lọi ngay ở mũi giày, tôi khẳng định mình không nhìn lầm."
"Thế sau khi bắt gặp bà có làm gì không?" Đới Húc hỏi.
"Tôi gọi điện hẹn Kha Hữu Lợi ra ngoài, kể việc này với anh ấy. À không đúng, trước khi tìm Kha Hữu Lợi, tôi có hỏi Tiểu Văn, tôi hỏi nó đôi giày còn không, lúc đầu nó gạt tôi, mãi đến khi bị tôi chất vấn nó mới thừa nhận, nói là mang về nhà, bị anh kế nhìn trúng, mà cũng trùng hợp, size giày của chúng gần bằng nhau, do vậy đôi giày bị thằng bé kia cướp mất. Toi rất giận, dù sao đây cũng không phải thứ rẻ gì, tôi mua để lấy lòng con trai mình thì được, nhưng nếu là con trai nhà người khác, tôi đây có nghĩa vụ mua cho, cho nên tôi nói phải đòi lại, Tiểu Văn không cho nhúng tay vào, bảo sẽ gây thêm phiền phức cho nó. Tôi cũng hết cách, chỉ đành tìm Kha Hữu Lợi, tôi hẹn Kha Hữu Lợi ra ngoài, kể anh ấy nghe việc này, bảo anh ấy chú ý một chút, ban đầu Kha Hữu Lợi không tin lắm, nói sẽ về nhà quan sát xem rốt cuộc thế nào, một hai ngày sau, anh ấy gọi điện hẹn tôi ra, xác nhận quả thật có chuyện này, anh ấy cũng rất giận."
"Vậy Kha Hữu Lợi giải quyết thế nào?"
"Anh ấy nói với tôi anh ấy đã bảo thằng bé kia trả giày cho Tiểu Văn, sau này không được mang nữa, không ngờ buổi tối lúc thằng bé kia về nhà, dưới chân lại mang đôi khác. Nó nói với Kha Hữu Lợi mình gặp mấy tên côn đồ ở trường, giày bị cướp đi đi. Dù Kha Hữu Lợi không tin nhưng thằng bé kia cũng nói là giày mất rồi, anh ấy cũng bó tay, do vậy hẹn tôi ra, cho tôi chút tiền, bảo tôi đi mua thứ khác cho Tiểu Văn. Tôi thấy anh ấy giận quá nên cũng không nói gì nữa."
"Kha Hữu Lợi đối xử với con riêng của mình thế nào? Tốt chứ?" Đới Húc hỏi.
Hồng Thanh nhíu mày lắc đầu: "Chuyện này tôi không rõ, không dám nói bậy. Khi nói chuyện với tôi, đa phần Kha Hữu Lợi không nhắc tới cuộc sống sau khi tái hôn. Có lần uống chút rượu, anh ấy mới kể vài câu, nghe có vẻ không quá hài lòng. Ta biết anh ấy khó xử, cho nên cũng không hỏi nhiều. Anh ấy đối xử với thằng bé kia thế nào thì tôi không biết, nhưng tôi biết anh ấy không quá thích thằng bé kia, điều này là chính miệng anh ấy nói với tôi, anh ấy kể thằng bé đó không học hành không nghề nghiệp, lại lười biếng, làm gì cũng không được, căn bản là tên côn đồ. Lúc mới tái hôn, anh ấy cũng muốn quản thúc một chút, nhưng vợ sau lại quá bênh con mình, anh ấy mới nói một câu, chị ta đã không vui, lý luận với anh ấy, dần dần anh ấy không quan tâm nữa, bảo là không muốn làm kẻ xấu."
Phương Viên nghe vậy thiếu chút bật cười thành tiếng, đương nhiên không phải cười vui mà vì cảm thấy nực cười. Cô cố gắng ép giọng mình nghe qua có vẻ bình tĩnh, nói: "Kha Hữu Lợi đúng là người thú vị, con trai ruột của mình thì không quan tâm hỏi thăm, còn con riêng thì để trong lòng, muốn tốn công sức dạy dỗ."
"Không không, không phải ý đó, cô đừng hiểu lầm anh ấy." Hồng Thanh vội xua tay, "Do tôi nói không rõ, để tôi giải thích. Con cái gặp nạn Kha Hữu Lợi rất buồn, tôi cũng không muốn đổ dầu vào lửa tại thời điểm này. Chuyện là thế này, quan điểm giáo dục con cái của Kha Hữu Lợi có lẽ không giống tưởng tượng của cô cậu. Nói thế nào nhỉ, bản thân anh ấy không phải người tinh tế, tuy làm buôn bán thì phải cẩn thận nhưng trong cuộc sống lại khác. Lúc chúng tôi mới có Tiểu Văn, anh ấy có nói con gái thì cần chăm chút, nhưng con trai thì chỉ cần đơn giản là được, bởi vì chỉ cần con trai có đạo đức, những vấn đề khác đều không thành vấn đề, nếu không có bản lĩnh, tương lai cùng lắm thì theo anh ấy học làm ăn. Tính cách Tiểu Văn không có vấn đề gì, thằng bé cũng tự giác học hành, cho nên Kha Hữu Lợi cảm thấy không cần hỏi thăm quá nhiều. Anh ấy muốn quản lý thằng bé kia không phải vì quan tâm người ta, mà vì anh ấy cảm thấy đạo đức của nó có vấn đề, không thể không quản."