- Vợ, họ đang ở trong khu nhà kia rồi, chỉ đợi em mà thôi!
- Thế Hoàng Anh Minh đến chưa.
- Thằng nhãi đó tới rồi, đang ngồi nói chuyện với vài tên tộc trưởng. Hắn làm cứ như là người cầm quyền đàm phán không bằng.
- Dù gì cậu ấy cũng là người đưa ra ý tưởng này mà.
- Vợ này, em không phải lại mềm lòng, muốn làm đúng cách tên nhãi kia bày ra đó chứ.
- Chàng yên tâm, em biết điều gì là cần làm. Điều cần làm là lo cho gia đình mình trước hết.
- Vậy là được.
Dương Ánh Hồng hít một hơi sâu, theo sau chân chồng tiến vào căn phòng mà các tộc trưởng người man đang chờ. Có 15 tay tộc trưởng có quyền lực nhất trên Trấn Nam Bàn này đang ngồi ở đó. Mỗi kẻ này trong tay không chỉ có hàng trăm người lính, một vùng đất trù phú để canh tác hoặc ưu điểm kinh tế hoặc quân sự nào đó, nếu làm loạn lên thì không ai được yên. Có thể liệt kê lần lượt các thế lực này gồm:
- Ama Pho, người Chor, cầm đầu bộ lạc Ama sở hữu thung lũng Klinh Ngok màu mỡ, cai quản 15 buôn làng
- Kbuơ Săn, người Chor, cầm đầu tộc Kbuơ, chiếm lĩnh một phần ba vùng Sà Dùng màu mỡ, có 12 buôn làng
- Rơ Chăm Duân, người Chor, cầm đầu tộc Rơ, chiếm một phần ba vùng Sà Dùng, có 13 buôn làng
- Puih Tan, người Chor, cầm đầu tộc Rơm chiếm lĩnh một phần ba còn lại của Sà Dùng, có 11 buôn làng
- A Nuế, người Bơ Nâm, bộ lạc của ông ta chiếm rừng Paki nhiều thú rừng, buôn bán lông thú và gỗ quý với dân buôn người xuôi, có 10 buôn làng
- Dưk Pako, người Bơ Nâm, chiếm hồ Jun, có nguồn thủy sản phong phú, có 8 buôn làng
- Klon Rưng, người Bơ Nâm, sở hữu đàn voi chiến đông đảo nhất, có 7 buôn làng
- Y Tru Thông, người Anak Đê, chiếm con đường đi lại giữa các tộc người, thường hay thu thuế đường của dân buôn đi qua, có 7 buôn làng
- Niê Luôn, người Anak Đê, có động Chư Bluk để trú đóng, động này nhiều đường, địa thế hiểm yếu, dễ thủ khó công, có 5 buôn làng
- Nay Luốt, người Chor, có họ hàng với một vị vua ở vùng Pơtao Angin, cũng thuộc cao nguyên, nhưng nằm ở ngoài Trấn Nam Bàn, có 5 buôn làng
- Rơ Pết, người Chor, có đường buôn bán với hai vương quốc Pơtao Lia và Pơtao Anui, có 5 buôn làng
- A Trang, người K’Don, giữ đường buôn bán với Châu Nam Bình, có 5 buôn làng
- Pơnh, người Kơ Rung, bản doanh đóng tại núi Lăk Ja, có 5 buôn làng
- Y Bhăm Nuôi, người Bu Nông, trấn giữ đường buôn bán từ Trấn Hoài Nhân, có 5 buôn làng
- Y Jut Hinh, người Jeh Tariang, chiếm lĩnh thác nước Ka Gùng, có 5 buôn làng.
Bất chấp các thế lực này là bao nhiêu dân tộc, bao kiểu ngôn ngữ và rồi còn phong cách nói chuyện khác biệt hoàn toàn, Hoàng Anh Minh đang tiếp xúc với họ, nói chuyện rất vui vẻ, không chút trở ngại gì. Sở dĩ cậu ta có thể làm được như vậy, là nhờ những người học trò ở Học Phủ. Khi Minh công khai hướng dẫn việc trồng lúa ở Học Phủ, thu hút các học trò người Thượng đi học, cậu ta đồng thời cũng lấy được những nguồn tin quý giá, những thông dịch viên quan trọng. Trong thời gian Hồng mải mê tính việc kinh doanh, Minh lại tập trung vào việc giao lưu với các học trò, tuyển chọn người có thể tin cậy để làm trung gian, thông ngôn. Có họ, việc giao tiếp trở nên dễ dàng vô cùng.
Dương Ánh Hồng nhìn cảnh này mà lo lắng. Từng việc Minh làm dường như đều được tính kỹ, và lợi ích có được hiển hiện ra tuyệt không tính toán được. Liệu việc cô không làm theo những gì mà Minh tính có sai lầm gì không đây? Có điều khi nhìn sang cha mình, rồi cả chồng, cô biết rằng lúc này khó mà lùi bước. Làm theo phương án mới, chỉ tối đa 3 năm nữa là cô rời khỏi đây. Cô năm nay đã 20 tuổi, chưa có con, 3 năm nữa là 23 tuổi, còn chậm trễ nữa là hỏng. Cha cô cùng đã ngoài 40 tuổi, cũng nên có chỗ thoải mái mà sống. Liều.
Đã quyết thì hành, Hồng tiến lên, nói xã giao vài câu với Minh, ngỏ ý muốn nhờ mấy cậu thông ngôn của Minh để lát giao tiếp. Minh lúc này đâu biết gì về vụ Hồng đổi ý, rất vui lòng chia sẻ tài nguyên. Hồng cùng đội ngũ phiên dịch đi chào hỏi các tộc trưởng này một vòng, không chút thất lễ nào, chủ khách đều vui vẻ, thậm chí họ còn chú trọng vào Hồng hơn cả Minh. Dù sao, việc trồng mía là dưới tư cách Hồng, chứ Minh chỉ phổ biến cách trồng, giống và phương pháp trao đổi ra sao hỏi chỗ Hồng. Nguồn lợi trực tiếp được chú ý trực tiếp. Sau khi tiếp xúc sơ bộ xong xuôi, Dương Ánh Hồng nháy chồng, Vương Vĩnh liền mời bố vợ lên chủ trì, ra hiệu mở màn cuộc họp. Người xuôi có câu miếng trầu là đầu câu truyện, trên Trấn Nam Bàn không có trầu, thì dùng tạm cốc rượu nước mía.
- Các vị, hôm nay chúng ta tụ họp tại đây, cùng uống cốc rượu này, và bàn về cách làm ra thứ rượu này.- Dương Quốc Lộ đứng lên trên mặt bàn, cầm cốc rượu hô to
- Uống rượu!
- Uống cạn chén rượu!
- Uống!
Dù lão nói tiếng Bách Việt, nhưng kiểu cách đó chả cần nói, đám tộc trưởng kia cũng nhảy dựng lên, nốc rượu. Đợi mọi người uống xong, Dương Ánh Hồng mới đứng lên nói chuyện, đám phiên dịch cũng bắt đầu làm việc. Hồng trình bày việc làm đường và rượu mía, và mong muốn được hợp tác với dân ở đây để cùng làm giàu.
- Các vị, hôm nay cha con chúng tôi mời các vị tới đây, không ngoài điều gì khác, mà là nhắm vào thứ mọi người vừa uống vào, rượu mía.
- Cái này thì nói làm gì nữa!- Một tộc trưởng nghe phiên dịch xong liền nói toáng lên.- Chúng tôi thích rượu mía
- Đúng vậy!
- Ai cũng muốn thứ này, rượu mía uống ngon, không tốn gạo! Ai cũng thích!
- Các vị hãy nghe Hồng nói xong đã ạ. Rượu mía làm từ cây mía, không tốn gạo ăn, nhưng muốn có cây mía, thì phải mua giống lên trồng, có phải không ạ. Rồi khi trồng mía, trồng làm sao, chăm sóc thế nào, lúc nào thu hoạch,... đâu phải ai cũng biết hết. Cây mía cũng như cây lúa, thu lúc chưa đủ chín thì khó làm được nhiều rượu, mà lỡ chín quá thì hỏng. Mọi người nói có phải không ạ!
- Cũng có lý!
- Con gái quan canh phòng, cô nói thẳng ra là làm sao đi!
- Thưa vâng, hôm nay Hồng tôi mời mọi người tới là để bàn việc này. Trước tiên xin nói về vấn đề giống ạ.
Hồng lần lượt trình bày những khó khăn khi nhập giống, trồng cây, thu hoạch, ép mía, làm đường, làm rượu, vận tải. Cây mía không kén đất, nhưng nhiều người không có vị trí thuận lợi để trồng mía, đất hoặc quá ít, hoặc là chỗ phụ thuộc đánh bắt cá, săn thú rừng, đất đồi dốc,... Nhưng hiển nhiên chẳng ai chịu đứng ngoài cuộc. Hồng liền phân tích từng điểm mạnh điểm yếu của mỗi bên, rồi đưa ra phương án thích hợp: ai có đất cung cấp đất trồng, ai không có phụ trách thu gom vận chuyển, cung cấp voi làm sức kéo cho máy ép mía, những thế lực án ngữ chỗ đường đi thì có thể làm chỗ bán hàng.... Ai vào việc nấy, ai cũng có phần, không sợ thiệt. Sau đó, họ sẽ tính toán công, quy ra tiền, phần trăm đóng góp, rồi chia lại cho những ai tham dự.
Để hỗ trợ đảm bảo những quyền lợi và nghĩa vụ được các tộc thực thi đúng, quân canh phòng, nhất là đội quân do Dương Quốc Lộ sẽ đóng vai trò trọng tài, được hưởng 5% tiền lời, Hồng đứng ra cung cấp giống, cung cấp các loại máy móc, cô không đòi thu tiền mà được ưu tiên việc nhận những lô đường và rượu đầu tiên. Hoàng Anh Minh phụ trách dạy dỗ nhân công, hướng dẫn cách trồng mía nấu rượu, cậu ta cũng không nhận tiền, chỉ yêu cầu các tộc phải cung cấp tiền bạc, thực hiện nghĩa vụ cho con em đi học.
Nghe thì thấy rằng Hồng và Minh chẳng được lợi gì, thực ra đây là hai người được lợi lớn nhất. Đường mía và rượu mía không ủ hết một lúc, có mẻ ngon mẻ không ngon, Hồng được ưu tiên chọn trước, cứ lấy đồ này đem bán trước kiếm lời. Ai trên này chả ham có rượu uống trước chứ, mà ai có hàng trước tiên thì giá cũng có ưu thế hơn. Minh thì trước mắt lập công cho Học Phủ, nịnh bố vợ tương lai, sau thì có thêm học trò, tạo được một nhóm lợi ích, sau này muốn cải tạo Trấn Nam Bàn này thế nào cũng dễ.
Lợi ích đã phân chia đồng đều, chủ khách vui vẻ uống tới tận khuya. Kẻ uống hăng nhất, chính là Vương Vĩnh, hắn hôm nay thấy vợ đã làm theo ý kiến mình, cảm thấy rất là có uy phong. Quan trọng hơn, do kế hoạch của hắn tiến hành gấp gáp hơn Minh, vợ hắn nhất định không nhận ra được những điều hắn sắp làm.
Thực hiện đúng vai trò kiểm tra giám sát, quân đội trấn thủ của Dương Quốc Lộ sẽ có quyền phân phối, kiểm tra để đảm bảo sự công bằng giữa các bên. Điều này trong cuộc họp đều bàn hết rồi. Nhưng phân thế nào là công bằng, kiểm tra có ra lỗi hay không, lại là do con người. Vương Vĩnh mất công bấy lâu, thâu tóm được thực quyền trong quân, người ở đây đều ăn rơ với hắn, bưng tai bịt mắt Dương Quốc Lộ, Vĩnh thì gạt vợ, hắn lén gặp các tộc trưởng, ai chịu chi cho hắn, hắn phân cho cây giống sớm, cây giống tốt, ai không chịu chi, thì hắn phân muộn, phân cây xấu. Bởi thế, muốn được việc, họ phải đút lót cho tên này. Rồi khi đi kiểm tra xem các tộc làm ăn ra sao, có đút lót thì hắn tính đúng cho, không thì hắn tính công kém đi, để chia phần cho tộc khác.
Việc ăn đút lót vô tội vạ này, dân Thượng sớm đã lĩnh giáo rồi, cũng chả ai thèm nói gì. Dù sao, người xuôi lên đây chính là để vắt nặn dân Thượng, trông hòng gì. Mà giờ, lợi từ mía đường và rượu mía cũng giúp họ phần nào, cũng dễ chấp nhận. Bởi thế, cả Hồng lẫn Minh đều thành người có mắt như mù, có tai như điếc, mơ mơ hồ hồ. May mà chưa bị mang tiếng xấu, đúng hơn là không xấu đi quá nhiều, vì họ trong mắt dân Thượng đâu quá tốt đẹp.
Danh Sách Chương: