Người Bách Việt có tục là người chết sẽ được khâm liệm rồi nhập quan, thân người chết được để ở trong nhà tối đa 3 ngày từ lúc chết để làm các nghi lễ, đặc biệt là để cho người thân hoặc láng giếng tới tới viếng. Tới ngày thứ 3, quan tài với thân thể người chết được đem chôn. Sở dĩ để 3 ngày thôi, vì nếu quá ra, thì tự quá trình phân hủy của xác sẽ gây ra những điều không hay: mùi khó chịu, ruỗi muỗi, dịch bệnh,...
Thái Văn Phương sau buổi đàm phàn với Hoàng Anh Kiệt 3 ngày thì bị giết chết. Đáng lý đám mà của tên này sẽ được tổ chức ngay, nhưng liên tục trong hai ngày tiếp theo, hơn chục người của Bang Bất Lương bị giết- tất cả chúng đều là những thành viên có máu mặt, tay dính máu tươi, như vụ giết người làm công của làng Hồng Bàng dạo nọ. Trong hai ngày đó, với việc những tay máu chiến nhất trong Bang Bất Lương cứ bị phục giết, tình hình an ninh trật tự trên Thành An Định trở nên cực kỳ tệ hại, hỗn loạn bao trùm, Bang Bất Lương và Thái Chí Phú mài dao xoèn xoẹt, kiếm chỉ làng Hồng Bàng, thề sẽ tắm máu làng Hồng Bàng, tuy nhiên chúng hò hét thì lớn, nhưng không tên nào dám manh động, vì quân đội ở Thành An Định đã nhanh chóng điều động ra canh giữ khắp nơi, lấy lý do tra án để giới nghiêm toàn thành. Hoàn cảnh đó tạm thời làm đám ma của Thái Văn Phương phải tạm hoãn.
Lương Vũ Phong cực kỳ tức giận, ông ta hiển nhiên biết vụ này do làng Hồng Bàng làm ra, và gọi Hoàng Văn Định cùng Hoàng Anh Kiệt tới để trách mắng. Trong khi Hoàng Văn Định và Hoàng Anh Kiệt chỉ nói lời xin lỗi, đồng thời khẳng định họ tuyệt đối không biết gì về vụ việc này, khiến Lương Vũ Phong giận điên lên nữa. Bọn này coi ông ta là đồ ngốc sao. Nếu không phải những quyền lợi chúng đem lại được quá lớn: ổn định thị trường lương thực, kiểm soát tụi tù phạm, kiếm thêm việc cho người mất ruộng, đem lại thu nhập cho ông ta,.. và đặc biệt là căn cơ nhỏ hơn đám Bang Bất Lương- khiến Lương Vũ Phong thấy có thể kiểm soát được thì ông ta mặc kệ bọn nó rồi.
Có điều, ông ta giờ cũng vừa mắng vừa hơi nghi ngại, rốt cục tụi này lấy đám sát thủ kia ở đâu ra được nhỉ? Có lẽ, ông ta cần phải xem xét lại việc hỗ trợ bọn này và tăng cường điều tra. Nếu như là một đòn dằn mặt kiểu dốc vốn thì còn đỡ, chứ nếu như làng Hồng Bàng có lực lượng ẩn tàng chuyên giết người, thì có khi ông ta nên trừ bọn nó trước.
Trong khi Lương Vũ Phong đang phân vân, Kiệt đã khiến lão ta tạm thời đứng về phía cậu ta khi cho lão biết kẻ ra tay là những người Đá Vách mà cậu ta đem về, còn vũ khí thì là giấu từ hồi đánh cướp biển thu lấy vũ khí cướp biển bỏ lại làm chiến lợi phẩm thôi. Thông tin nửa thật, nửa giả này khiến Lương Vũ Phong bị nhiễu loạn: quả thực dân Đá Vách hay làm loạn, đánh cướp giết chóc khá, những cái chết kia đều là phục kích đánh lén, tiếp đó ngày xưa làng Hồng Bàng từng đánh cướp biển và đánh thắng, vũ khí cướp biển bỏ lại hẳn cũng là có. Lương Vũ Phong yêu cầu giao hung thủ và vũ khí, Kiệt chỉ đưa ra vũ khí và lại tiếp tục đưa ra một chút lợi ích của đồn điền để trao đổi. Lương Vũ Phong ngẫm nghĩ, rồi đồng ý đứng ra kêu gọi hòa giải. Với số vũ khí Kiệt nộp, ông ta đổ cho một toán cướp biển lên bờ đã giết Thái Văn Phương.
Với sự ra mặt của Lương Vũ Phong, làng Hồng Bàng và Bang Bất Lương tạm hòa giải. Tới lúc này, đám ma của Thái Văn Phương được tổ chức. May cho Thái Văn Phương là cha hắn đủ tiền mua hương liệu xông cho cái xác, đảm bảo việc viếng tang trong 3 ngày ít bị ảnh hưởng bởi mùi tử thi. Dù vậy, những người tới viếng vẫn phải rất khó khăn để không nhăn mặt khi lại gần quan tài- mùi xác thối vẫn bốc ra do thời tiết nóng nực.
- Đại biểu cho quán ăn Hồng Bàng, ông Hoàng Văn Định cùng con trai tới viếng.
Một tiếng hô ở bàn tiếp đón làm tiếng nhạc, tiếng người nói chuyện gần như im bặt. Ai cũng biết Thái Văn Phương bị giết bởi làng Hồng Bàng, có lẽ là do Hoàng Anh Kiệt chỉ đạo, vậy mà lúc này hắn dám tới sao. Dù Lương Vũ Phong ra lệnh hòa giải, nhưng thù giết con lẽ nào dễ nhịn được.
Hoàng Văn Định bước vào, Hoàng Anh Kiệt theo sau, bọn người Bang Bất Lương đứng hết cả dậy, khách khứa hơi nhốn nháo, họ sợ sắp có màn chém người đẫm máu, nhưng không, tất cả không phải lo nữa khi có rất nhiều bộ khoái- tương đương cảnh sát thời sau xuất hiện bảo hộ hai cha con. Lương Vũ Phong chẳng hiểu tại sao Kiệt kiên trì muốn tới bái tế Thái Văn Phương, nhưng lão bấm bụng cử quân đi bảo vệ, ai bảo làng Hồng Bàng nhượng bộ cho lão nhiều quyền lợi vậy chứ.
- Hoan nghênh hai vị!- Thái Chí Phú bước ra, khuôn mặt cố tỏ ra bình thản, nhưng ánh mắt tóe lửa của ông ta đã tố cáo cơn giận dữ của một người cha nhìn vào kẻ giết con mình. Hoàng Văn Định lúng túng không dám nhìn thẳng, nhưng Hoàng Anh Kiệt đã bước lên
- Chia buồn với gia đình!- Kiệt nói vậy, rồi giục bố và các bộ khoái đi sau cùng vào thắp hương cho người chết.
Đến trước linh sàng, họ vái hai vái với người chết, trước khi quay sang vái một vái với Thái Văn Cường- con trai của Thái Văn Phương còn quá nhỏ, không thể chống gậy đứng cạnh quan tài được, nên Thái Văn Cường- em nhỏ nhất làm hộ. Bên cạnh là quả phụ của Thái Văn Phương đang ôm con và khóc.
- Thắng khốn, mày đã giết chồng tao!- Người phụ nữ ban đầu còn đang khóc lóc, tới khi Kiệt quay sang vái người em chồng, cô ta không chịu nổi nữa, nhảy tới kẻ giết chồng mình. Mấy người bộ khoái giữ chặt cô ta lại, Thái Chí Phú cũng nạt nộ đòi cô ta bình tĩnh lại.
- Chồng cô hay là cô đã tới viếng Nguyễn Lực bao giờ chưa?- Kiệt đột nhiên hỏi, khiến tất cả đều sững người. Tự nhiên hỏi một câu chả liên quan gì cả. Song Kiệt tiết lộ mối liên quan ngay sau đó.- Đó là một người làm thuê, nhà có 5 đứa con nhỏ, một người vợ ở nhà nội trợ, cha mẹ anh ta có mỗi người con là anh ta để dựa vào. Chồng cô đã giết anh ta, vợ anh ta cũng là quả phụ, con anh ta cũng là trẻ mồ côi giống như cô và con cô vậy. Nhưng hẳn là cô không biết, nhỉ? Còn ông, ông Phú, ông có biết không?
Không ai đáp lại lời của Kiệt, và Kiệt cũng không cần ai đáp lại. Cậu ta đi ra bên ngoài cùng với cha mình sau đó, không ở lại uống nước cùng tang quyến. Dù biết là có bộ khoái đi cùng, song thấy con trai tỏ ra hoàn toàn bình thường, hỏi những câu rất ngầu, Hoàng Văn Định phải thầm tự nhủ là ông ta không bằng được.
- Chà, con thật là quá kiêu ngạo. Nói mấy câu như thế với người ta, kẻ mà con vừa giết con...
- Con nói gì là có thâm ý hết thôi. Thậm chí chính vì con nói ra những điều như thế, cha con ta mới tạm thời có chút thời gian hòa hoãn đó.
- Tức là sao?
- Bố cũng nên tập suy nghĩ đi, nếu bố nghĩ không ra thì tìm người hỏi ấy, ta phải tập làm quen với hoàn cảnh mới thôi bố ạ. Con đâu thể mãi nói cho bố đáp án được chứ. Công việc ngày một nhiều, con sẽ bận lắm, có những việc cần phải mọi người quyết tại chỗ. Giờ thì bố nên tập làm việc một mình hoặc kiếm ông quân sư quạt mo nào đó đi. Hẹn bố hai ngày nữa, xem đáp án bố có được thế nào nhé.
- Thằng nhãi này, làm khó bố mày quá.
Nói thì nói thế, Hoàng Văn Định cũng biết rằng Kiệt nói thật, đơn cử như vụ lần này. Lần đầu suýt thua, sau thắng lại, rồi lại suýt thua, mà đó là chỉ bởi cách biệt địa lý ở một châu, sự phát triển của làng Hồng Bàng ắt chưa dừng ở đây, sau này lắm khi cả năm mới gặp nhau, đúng là cần phải tự chủ thật. Ông ta thì đầu óc đơn giản thôi, khó mà nghĩ sâu được, nên chắc là chọn vế sau, tìm quân sư quạt mo. Đầu tiên là tìm tới Văn Nguyệt Nga, nhưng bà cũng chịu không thể giải thích được những gì Kiệt nói, vì cả lý do Kiệt phải ra tay giết Thái Văn Phương cũng là điều bà không thể hiểu nổi cơ mà. Sau đó, Định cũng đi hỏi hết những đứa đã cùng với làm việc với Kiệt, lớn lên cùng Kiệt: Linh, Nhung và Tâm để xem chúng nó nghĩ ra không, và tất cả chúng đều kêu chưa nghĩ được ra đáp án. Nghĩ ngợi một hồi, Định nhớ tới Chu Xuân Đạo, dù lão là một thầy bói, thầy phong thủy hoặc thầy địa lý nhưng ngày trước lão từng kể chuyện rằng mấy trò của lão cũng phần nhiều là nhìn người đoán ý, biết đâu lão thật sự biết đoán được ý của Kiệt nhỉ?
Hoàng Văn Định nghĩ là làm, tới tìm Chu Xuân Đạo và kể lại yêu cầu của Kiệt cùng những gì đã xảy ra để xem Chu Xuân Đạo có thể giúp ông đoán được câu trả lời.
- Ông kể lại lần gặp cuối cùng giữa mọi người với tên Thái Văn Phương xem.
- Ôi, lần đó đúng là tệ. Thằng con tôi sau khi nghe tin có người bị giết lập tức quay về giải quyết. Chúng tôi tìm thời gian hẹn gặp Bang Bất Lương, tránh tiếp tục đổ máu. Xong có vẻ như Bang Bất Lương nghĩ rằng chúng thắng chắc, nên đề ra nhiều điều kiện vô lý lắm: người lao động của chúng sẽ được nhận việc ở chỗ của chúng tôi, chúng tôi phải đào tạo rồi trả lại cho chúng, tiền lương do chúng kiểm soát,... Kiệt tất nhiên không chịu, thằng bé nhắc nhở rằng việc giết người tuy khiến Bang Bất Lương dọa dẫm được nhiều người, song cũng đang làm Lương Vũ Phong để ý chúng, nếu bọn chúng còn làm láo thì coi chừng, Kiệt còn nói câu gì mà nhỉ. À phải rồi, chưa đánh được người mặt đỏ như son, đánh người rồi mặt vàng như nghệ. Thái Văn Phương nghe thế liền nhảy dựng lên và nói rằng nó sẽ còn ra tay thêm nữa, xem là ai mặt vàng như nghệ trước.
Chuyện sau đó không cần Hoàng Văn Định kể thêm thì Chu Xuân Đạo cũng biết hết. Đám người Bang Bất Lương bắt đầu mang dao và gậy đi khắp nơi để thị uy, khiến cho Lương Vũ Phong phải cho quân của Thành An Định đi trấn áp. Thực ra bản ý của Thái Chí Phú khi làm thế hẳn là để dọa những người lao động thôi, chứ làm căng thêm thì lão cũng không muốn. Ai dè được là Hoàng Anh Kiệt ra tay quyết liệt thế chứ lại, đánh chết một lcus hơn chục người của Bang Bất Lương. Đầu tiên là Thái Văn Phương, sau là biết bao kẻ liều mạng của Bang Bất Lương.
- Hiểu rồi!- Chu Xuân Đạo vỗ đùi.
- Hiểu cái gì?
- Con của ông nói tới cái chết của người lao động kia, là để khiến Thái Chí Phú tỉnh táo lại đấy. Thái Chí Phú xuất thân là kẻ đâm thuê chém mướn, ắt phải hiểu cái đạo lý giết người hôm trước bị người giết hôm sau. Có điều từ khi lão đi kiểm soát được nguồn lao động của Thành An Định này, thì không còn phải sống cuộc sống ấy nữa, thậm chí Lương Vũ Phong phải nể lão mấy phần. Kể từ đó, lão và cả những người quanh lão đã dần có tâm lý coi thường kẻ khác, mình đánh người ta thì được, người ta đánh mình là tội ác. Con ông nói tới cái chết của người dân kia, nhắc lão rằng con lão giết người ta, nên bị giết lại là bình thường. Từ sau khi nghe Kiệt nhắc, hẳn là Thái Chí Phú sẽ phải tỉnh táo suy xét xem, liệu lão ta liệu có thể trả giá nếu còn tiếp tục gây chiến không. Dù gì vua còn thua thằng liều mà, lão cứ cố đánh sẽ gây thiệt hại nhiều nữa.
- Nhỡ lão không hiểu được cái thâm ý đó thì sao chứ?
- Thì tôi tin rằng sẽ có máu đổ khắp nơi đó. Ông cũng nên chuẩn bị sẵn sàng đi là vừa.
- Trời ạ!- Hoàng Văn Định than thở. Ông ta đem đáp án này tới để nói với Kiệt, đồng thời mong có thể khuyên con mình nên nghĩ tới việc hòa hoãn thêm. Ông chưa từng sống trong cảnh thế này.
Khi ông tới nơi, Kiệt đang gặp mấy đứa nhóc Linh, Nhung và Tâm. Khi Định nói với con điều ông nghĩ ra và điều ông muốn, Kiệt bảo ông cũng nên nghe thử xem bài học mà bọn nhóc còn lại nghĩ ra từ những gì cậu nói ở đám ma.
Với thằng Tâm, nó cho rằng, Kiệt muốn tranh thủ sự ủng hộ của dân lao động. Hoàng Anh Kiệt đã gấp rút về ngay sau khi nhận được tin về cái chết của người làm thuê tên Nguyễn Lực, và kịp tới vào ngày cuối đám ma, ngay trước khi quan tài đem chôn, tới thắp một nén hương, chia buồn với quả phụ và các con, với gia đình người bị hại. Thực ra thì ngay khi người kia chết, cả Linh và Nhung đều đã có chính sách giúp đỡ rồi, nhưng việc Kiệt tới thực sự làm gia đình kia cảm động, nhất là việc cậu ta trực tiếp tuyên bố những chính sách đảm bảo quyền lợi cho những người đó, để họ có thể sống tốt hơn. Những hành động khi đó, kết hợp lời nói của cậu ở đám ma của Thái Văn Phương, có thể tạo thành dư luận lớn, khiến người lao động trên đây nghe thấy mà thèm. Đây là cơ hội thu mua lòng người.
Từ lúc Thái Văn Phương dùng nhiều thủ đoạn chèn ép, thậm chí giết người, buộc làng Hồng Bàng- đúng hơn là Kiệt phải có hành vi đáp trả- giết Thái Văn Phương, làng Hồng Bàng và Bang Bất Lương chú định là phải một trận sống chết. Trước trận chiến chính thức, làm suy yếu đối phương là một lẽ tất yếu. Sức mạnh của Bang Bất Lương đến từ hai yếu tố chính- võ lực và sự độc quyển kiểm soát người lao động. Quan trọng nhất là yếu tố thứ hai, nhờ việc độc quyền kiểm soát người lao động, Bang Bất Lương có thể đảm bảo sự ổn định của Châu Nam Bình, nên chúng mới có nhiều quyền lợi. Hiện tại làng Hồng Bàng đã phần nào phá được thế độc quyền đó. Nhưng muốn tiến sâu thêm, họ cần lợi thế cạnh tranh. Bang Bất Lương có các mối quen biết, có sức đe dọa hơn làng Hồng Bàng, thậm chí nếu thực sự đấu về quyền lợi đem lại để mê hoặc dân lao động nghèo- Bang Bất Lương có thể nhịn đau để cho người lao động chút quyền lợi, sau khi đánh đổ làng Hồng Bàng rồi thu lại cũng được. Nói thật thì Tâm đã thấy đủ nhiều để biết người dân nghèo lắm lúc không thể nghĩ sâu xa được, họ sẽ dễ bị dụ dỗ thôi. Cái này không hoàn toàn trách họ được, mấy ai đói cho sạch rách cho thơm được.
Vậy làng Hồng Bàng sẽ cần ưu thế nào để đấu lại đây. Tâm nhìn những gì Kiệt làm, kết hợp đọc lại sách về trận chiến chống cướp biển để hiểu được là lòng người: sự tin tưởng vào những điều tốt đẹp có được trong tương lai. Tất nhiên, sự tin tưởng nào cần được gây dựng. Và theo Tâm, những hành vi Kiệt làm chính là để gây dựng sự tin tưởng của dân lao động nghèo về tương lai tươi sáng nếu theo làng Hồng Bàng: không chỉ đào tạo họ để có thể làm việc tốt kiếm nhiều tiền mà còn lo nghĩ cho họ nếu họ vì làng Hồng Bàng mà gặp chuyện.
Nghe thằng Tâm phân tích, Hoàng Văn Định hổ thẹn và thầm trách Chu Xuân Đạo cũng thật tầm thường. Nhưng mà ngẫm lại, Chu Xuân Đạo cũng chỉ là người ngoài, biết được nhiêu thì nói nhiêu, làm sao tiếp cận các nguồn tin trong ngoài như Hoàng Văn Tâm được.
- Còn hai người, suy nghĩ khác hay gì?- Kiệt tán thưởng suy nghĩ của Tâm, không phản đối suy nghĩ của cha, nhưng tiếp tục hỏi hai cô gái. Linh và Nhung nhìn nhau một hồi, và bắt đầu nói.
Nhung và Linh nhìn nhau một hồi, rồi thay phiên trình bày ý kiến của hai người, theo đó, câu nói của Kiệt là để tự cảnh tỉnh bản thân mình và làng Hồng Bàng: mọi thứ luôn có một cái giá. Làng Hồng Bàng có được như ngày hôm này là vì mọi người đã trả giá cho điều đó: lao động hăng say, nghiên cứu phát mình, học tập kiến thức, đấu tranh bảo vệ,... mồ hôi, nước mắt, máu và cả mạng sống con người đổ xuống đủ nhiều mới là thứ mang lại được sự thịnh vượng và phát triển như thế này. Những sự hi sinh đó đều đã được ghi nhận cẩn thận bằng cách chính sách đối đãi mà Kiệt lập ra. Có điều, sự phát triển ngày một nhanh của làng Hồng Bàng, hiển nhiên là nhiều chính sách không theo kịp. Đơn cử như việc Nguyễn Lực bị giết, khi đó làng Hồng Bàng không phản ứng theo cách họ đối đãi với những người chết khi chống cướp biển. Hiển nhiên, họ không theo kịp tình hình. May mà Kiệt kịp về, tỏ lòng biết ơn và trả ơn đầy đủ.
- Trong đấu tranh, hi sinh là không thể tránh khỏi. Nhưng người chỉ huy không nên coi đó là tất nhiên. Ngày xưa, làng Hồng Bàng đánh cướp biển, tại sao lại phải có chính sách với thương binh tử sĩ? Đó là vì đấy là người làng với nhau, hay còn để nhắc nhau rằng những gì có được về sau là bơi sự hi sinh của họ hiện tại, hay càng là để cổ vũ tinh thần dũng cảm hi sinh vì làng thêm nữa. Vì thế, mọi người dân trong làng mới có thể đoàn kết với nhau như vậy, họ biết rằng những gì mình đóng góp, sẽ được trả lại xứng đáng. Cái cách mà Kiệt thăm viếng và nhớ tới Nguyễn Lực cũng thế đó. Người ta nhìn vào mà thấy rằng cống hiến cho ta là xứng đáng, vậy họ mới chịu cống hiến.
Hoàng Văn Định càng nghe càng thấy to đầu. Con trai ông ta quả thực nghĩ ra nhiều vậy sao. Kiệt thì cười mỉm, nhưng trong đầu cậu ta tự nghĩ, mẹ mình mà nghĩ ra được nhiều thế cũng tài. Thâm ý của cậu, có lẽ phần lớn là giống ý của hai cô gái, song thô thiển hơn chút, là để nhắc nhở mình không quên sự hi sinh của Nguyễn Lực thôi, chứ còn vì để nói cho người ta hay cho mình biết trả giá công bằng gì đó, thì chưa nghĩ nhiều như thế. Ai, song nghe bọn này nói xong, Kiệt cũng thấy sáng được nhiều ý tưởng.
Kế hoạch sau đó Kiệt vạch ra, là một mặt tiếp tục đàm phán với Bang Bất Lương, thông qua Lương Vũ Phong. Thông điệp truyền tải qua vị thành chủ là những gì bố cậu nghe Chu Xuân Đạo dạy- hai bên đều không nên liều lĩnh. Tiếp đó, là tuyên truyền hành vi của Kiệt, để người lao động quy tâm ủng hộ và theo về. Quả thực, đây là sự tuyên truyền cực tốt. Đang định tranh giành quyền kiểm soát nhân lực với Thái Chí Phú mà chưa ra cách đây. Xem ra, làm việc tốt đúng cách là được trời thương đây mà.
Danh Sách Chương: