Quyển I: Nó là Hoàng Anh Kiệt
Chương 56: Khoảng lặng trước bão
Sự tan rã của liên minh nhanh quá, tới mức chính cả Triều Văn Cốc và các đồng liêu lẫn những thế lực địa đầu xà cũng phải ngạc nhiên. Nhưng ngẫm lại mà thấy rằng những ngôi làng này toàn một lũ nông dân ăn xổi ở thì, nên hiện tại đã bị lợi làm mù mắt thì họ cũng không lấy làm lạ. Thế lại càng hay, một bó đũa không thể bẻ vậy thì bẻ từng chiếc, những thế lực lớn bắt đầu bàn tính việc chia sẻ lợi nhuận và làm thịt những tên nhà giàu mới nổi này.
Quả giống hệt câu chuyện bó đũa, khi tách ra, mỗi bên chỉ lo mình mình, không chịu hợp tác với nhau thì họ gần như không đủ sức giữ lại giá gốc, mà liên tiếp bị o ép về giá cả lẫn chất lượng. Những tên địa đầu xà và ngài Huyện lệnh cũng rất khôn, họ không ép mạnh ngay, mà từ từ dệt một cái lưới, bao quanh, để tới khi 4 ngôi làng nhận ra thì đã quá muộn: với mặt hàng độc quyền thì các phe phái kia vẫn giữ đúng giá cũ, thậm chí đẩy giá lên cao, còn mặt hàng quan trọng nhất là lúa gạo thì do cả 4 làng đều có, dẫn tới việc họ bị đẩy vào thế phải cạnh tranh với nhau. Kẻ phải hạ giá, người có ưu tiên,... càng ngày họ càng làm lợi cho người ngoài mà không biết.
Còn với làng Hồng Bàng, dù rằng rất cố gắng đưa ra sản phẩm tinh chế: dầu ép, gạo xát trắng, các loại máy, cá đã chế biến tốt,... thì khó khăn của tuyến đường đi khi mà 3 ngôi làng kia gây khó dễ cũng đội giá vận tải lên nhiều lần. Đây là những gì mà Từ Văn Đồng nói, và những người đứng đầu làng Hồng Bàng biết đây là ép giá.
- Theo cháu, hãy tạm nhượng bộ trong thời gian này!- Kiệt bàn
- Điên à, nếu bán thế ta lỗ chông vó mất!
- Lỗ thì không lỗ nhiều, mà gạo làng ta còn có bao nhiêu đâu!- Kiệt phân tích- Cứ bán giảm thêm cho họ chừng 5 % nữa. Nhưng thay vì trả tiền, hay yêu cầu họ cho ta thêm một số mặt hàng khác.
Kiệt lấy ra tờ giấy để hai vị trưởng họ kia xem. Xem xong, họ ngẫm lại một hồi rồi nhíu mày. Tất cả những gì Kiệt cần là nông cụ, gia súc và nguyên liệu để chế tạo máy móc, họ hiểu điều Kiệt định làm là tiếp tục tăng năng suất nữa cho làng. Đây cũng là một cách tăng lợi nhuận: hàng càng nhiều thì càng có thể bán với giá thấp mà vẫn giữ được lãi.
- À, bác Xuyên, cháu nghĩ bác nên tìm thử anh bạn này xem!- Kiệt nhìn mặt hai ông bác kia mà cũng không biết họ nghĩ gì, nhưng cậu cũng chả rảnh mà đoán mò đoán non, thay vào đó cậu nói luôn cho họ ý tưởng của cậu là đi đường biển. Sau lần gặp mặt ông nh Vũ Lê ( Chương 31) làm công việc thủy thủ trên tàu cá, Kiệt tưởng như đã quên mất ông anh này, cho tới khi đường đi giữa làng Hồng Bàng và huyện thị bị làm khó dễ thì buộc Kiệt phải nghĩ tới đường biển. Theo Kiệt tìm hiểu, dù rằng đã quyết không đi biển do sóng gió thất thường và nỗi sợ chết mất xác, thì nỗi lo cơm áo gạo tiền và thuốc thang cho bố mẹ, tiền sinh hoạt buộc ông anh Vũ Lê vẫn phải tiếp tục đi biển.
Có sẵn mối quan hệ với ông anh Vũ Lê, Kiệt cũng bắt thằng La Khang đi cùng ông anh Vũ Lê để trực tiếp tới tìm hiểu rõ ràng khả năng đi biển và lịch trình hoạt động của những con thuyền đi biển, xong về báo cáo lại. Với Vũ Lê thì có khi còn có nghi ngờ: hoặc sợ bị lừa, hoặc sợ Lê có sự giấu diếm, hoặc bản thân Vũ Lê cũng bị lừa do ít học; chứ La Khang là con em trong làng, sẽ không dấu diếm gì, mà nó cũng học sơ sơ, viết báo cáo những điều tai nghe mắt thấy vẫn được. Kiểm tra đi kiểm tra lại bản báo cáo của La Khang, thấy thuyền cá đủ chắc để mang theo lượng gạo tương đối lớn, đi lại cũng nhanh, mà những chuyến đi này gần như chỉ đi ven bờ thôi, không cần sợ quá. Hai vị trưởng kia họ ngẫm nghĩ hồi lầu rồi đồng tình, quả thực thì chở cá hay chở gạo cũng là chở cả thôi.
Những việc mà làng Hồng Bàng làm nhanh chóng rơi vào tầm mắt của những kẻ có lợi ích liên quan. Trong mắt họ, những gì làng Hồng Bàng làm thật sự quá đơn giản. Ví dụ như làng Triêm, họ có mối quan hệ với đám hải tặc, và nếu cần thì họ cho làng Hồng Bàng biết thế nào là bị cướp biển đe dọa, hoặc như những vị quan ở huyện thị, chỉ cần một sắc lệnh kiểm tra gì đó cũng thừa sức làm những thuyền gạo kia đi đời nhà ma... Song, họ chưa hành động gì, mà muốn chờ xem có thể hòa bình ép giá không. Nếu được thì quá tốt, còn không thì sẽ ra tay làm cú lớn, để cho làng Hồng Bàng phải tự hiểu mà biết điều hơn.
Không biết những giông bão sắp ập xuống đầu mình, dân làng Hồng Bàng vẫn tiếp tục công việc thường nhật, và đặc biệt là chuẩn bị thật tốt cho vụ thu hoạch năm nay. Phương thức hợp tác của HTXNN đã làm cho làng Hồng Bàng mở rộng diện tích canh tác, cả cây lúa lẫn các cây trồng khác. Để có thể đảm bảo năng suất nông nghiệp khi mà đất đai tăng lên mà số lượng dân vẫn không đổi, tất cả những thứ khoa học kỹ thuật có thể thi triển ra Kiệt làm hết, không giữ một thứ gì: phương pháp tôi luyện kim loại để làm công cụ tốt hơn, rồi thì chế tạo những cỗ máy bơm nước có các chi tiết kim loại để tăng sức mạnh, rồi chia sẻ mọi kiến thức, lập ra đội kiểm tra đôn đốc mọi người thực hiện đúng kế hoạch. Để nhiệm vụ thành công, Kiệt đã cho mấy đứa bạn mình đứng ra làm công tác cán bộ chỉ huy và vận động gia đình chung tay. Ví dụ như việc luyện kim phải nhờ bác thợ rèn làng- bố Vũ Văn Đặng, thì Đặng làm trưởng ban kiểm tra sản phẩm rèn, khi đó vì giữ mặt con trai, bác thợ rèn không thể làm gian dối hay thu tiền lệ phí cao. Mà Đặng cũng có thể truyền thụ cho bố mình những kỹ năng luyện kim Kiệt dạy cho cậu, từ đó sản phẩm nhà làm càng thêm tốt.
Không chỉ thế, những bãi nuôi giun mọc lên ầm ầm, vừa chuẩn bị tận dụng cỏ thu được khi làm đất mà cũng góp phần chuẩn bị một lượng phân bón và thức ăn cho gia súc gia cầm trong năm sau, dự báo những năm thắng mùa liên tiếp. Phụ trách việc này có Nguyễn Quảng, Đào Văn Bắc. Bọn nó người thì vốn không có đất đai trồng trọt nên dễ đi làm việc, thằng thì không có tí nghiệp vụ nào khác, nên nhận việc này là hợp rồi
Ngoài ra, làng cũng chú trọng vấn đề giống và phương pháp gieo trồng hơn, khi mà mỗi người dân đều cho Kiệt hẳn một phần trong khoảnh ruộng nhà mình để cậu có thể tha hồ thử nghiệm những gì cậu muốn: phương pháp cấy lúa hàng biên, thử nghiệm mức độ nước cần thiết trong từng giai đoạn, độ kích thích của phân thế nào là tối ưu,... Đảm nhiệm việc ghi chép các số liệu này và phân tích chúng để đánh giá là con gái lớn bá hộ Đào, cũng là một trong những học trò đầu tiên của Kiệt, Đào Thùy Linh. Giờ đây cô bé đang là cánh tay đắc lực cho Kiệt trong công cuộc cách mạng nông nghiệp. Vốn dĩ sinh ra trong nhà địa chủ, kiến thức về trồng trọt cũng tạm coi là ổn, sau lại được Kiệt bồi dưỡng kiến thức từ sớm, nên giờ đây làm việc thử nghiệm phương pháp sản xuất mới này cũng không làm Linh gặp chút áp lực nào cả. Trái lại, cô bé còn rất vui vẻ và thích thú với việc được phân công.
Nói qua chút về Kiệt đi. Năm nay, Hoàng Anh Kiệt đã 9 tuổi và cậu chuẩn bị làm anh thêm lần nữa. Mẹ đã mang thai được chừng 5 tháng rồi. Đây là một tin vui với cả nhà họ Hoàng. Thêm người thêm của mà. Chỉ mẹ cậu khá là lo lắng, bà không thích có thêm một thằng quỷ con nào nữa.
- Vậy thì biết đâu nó sẽ là con gái đấy!- Hoàng Văn Định an ủi vợ.
- Em tưởng anh thích con trai, tam nam bất phú mà.
- Thêm một cô con gái cũng được mà. Năm nay năm Dần, sinh cô con gái thứ tư, Tứ Hổ Bất Nhược.- Hoàng Văn Định giải thích
Nghe chồng nói vậy, Văn Nguyệt Nga chợt thấy hơi nghẹt mũi. Khi Hoàng Văn Định nói tới việc coi đứa nhỏ này là con hổ thứ tư, cô hiểu rằng ông đã mặc nhiên coi Minh, đứa con riêng của cô với chồng trước là con mình. Vì thế, bà tự nhủ rằng sau này dù có gì cũng sẽ tha thứ cho ông. Và có thể nói đây là một điều khiến bà về sau rất bức bối, vì tương lai ông chồng thương vợ này sẽ phạm nhiều lỗi lầm mà bất cứ người đàn ông nào có tiền sẽ mắc- phòng nhì ( vợ bé, thiếp), nhưng do tự nhủ điều này nên hầu như Văn Nguyệt Nga phải nhận hết mấy bà vợ bé như một người vợ đầy tình bao dung.
Trong khi bố mẹ sụt sịt mùi mẫn, Kiệt đang bở hơi tai trong việc giáo dục. Từ khi hai họ Đào và Đỗ đang đang nếm trái ngọt từ việc đầu tư thì bị những thế lực trọng huyện thị xuất chiêu chia rẽ liên minh, khiến lợi ích của họ bị cắt bụp một phát, thì những người này nhận ra rằng hóa ra tiền tài họ có chưa là gì cả, thứ duy nhất giờ họ có thể trông mong vào là kiến thức của Hoàng Anh Kiệt. Họ cố gắng học tập cho mình và đôn đốc con cháu họ. Dưới áp lực như vậy, tốc độ học tập của người dân Hồng Bàng tăng lên đáng kể. Do trình độ đã tăng, không thể cứ cầm tay chỉ việc, đưa ra những bài học sơ sài được nữa, mà phải làm cho những bài tập gắn với thực tế.
Về văn học, Kiệt xác lập các thể loại văn học: tự sự, miêu tả, nghị luận, hành chính. Về toán học, những bài toán về tính toán số học, tính chu vi diện tích các hình, rồi giải phương trình,... cũng từng bước được đề ra. Tuy rằng Kiệt không hề ngu xuẩn tới mức định tự mình tìm ra các bài học này, mà yêu cầu cả làng cùng tự nghĩ, tự đặt ra tình huống,... thì cậu vẫn mệt mỏi khi duyệt những bài văn và bài toán mà dân làng nghĩ ra đó. Rất nhiều bài ngô nghê tới không thể tin nổi, vậy mà họ cũng nghĩ ra được.
Để tăng cường khả năng phân loại sản phẩm, tránh bị ung thư não khi phải đọc những thứ xàm lờ, Kiệt quyết định thăng chức cho ông đồ già Nguyễn Minh Ký lên phụ trách việc lọc văn; còn về phần toán học thì chia ra, Cha con Đỗ Bá Xuyên và Đỗ Bá Tuần nhận phần tìm bài tính toán cơ sở, Hoàng Văn Tâm ( con chú Đinh) phụ trách phần toán chu vi diện tích- thằng này nhà làm mộc, dễ làm quen với món này hơn, còn phần giải phương trình, thì Kiệt phải tự ra tay: kết hợp những bài văn và những bài toán trên kia lại thành một bài toán giải phương trình gắn vào cuộc sống.
Danh Sách Chương: