- Cha, người mau uống chút nước, hạ hỏa đi đã!
- Hừ! Ta thật sự quá thất vọng, đám nhãi con kia không có chút lý tưởng gì sao! Dù cho nơi đây thật sự có khó khăn, thì cũng phải nhớ tới việc bản thân học chữ thánh hiền, phải biết noi gương người xưa. Cái gì là bần tiện bất năng di, phú quý bất năng dâm, uy vũ bất năng khuất, chúng để đâu hết rồi hả.
Cô gái nhìn người cha đã gần 50 tuổi của mình chửi mắng mà thương cảm. Cô là Vi Thúy Liên, con gái út của Vi Công Tín- một bậc đại nho của Nam Giao Đô ty. Họ Vi vốn là dòng dõi quan thổ ty ở Phủ Sơn Quan, đến thời ông nội và cha của Vi Công Tín là Vi Lương Trí và Vi Thành Dũng thì Bách Việt trở thành Nam Giao Đô Ty. Để bắt các thổ quan quy thuận, Đại Hoa một mặt dùng vũ lực uy hiếp, một mặt yêu cầu các thổ quan phải cho con cháu xuống xuôi học tập, thật ra là giữ con tin, đồng thời đồng hóa con tin này, chuẩn bị đưa về trên kia để làm thổ ty tiếp theo. Vi Thành Dũng là con thứ, nên chấp nhận xuống xuôi học tập, lấy vợ là con nhà thư hương ở xuôi, sinh ra Vi Công Tín. Do tiếp thu nền giáo dục Nho học của nhà mẹ đẻ từ bé, tư chất thông minh cộng thêm nhà có điều kiện, Vi Công Tín có học thực vững vàng, trở thành một người uyên thâm bác học, thậm chí nhiều quan lại Đại Hoa cũng phải kính nể cái học thức mà ông ta có.
Cha ông tuy là con thứ, nhưng do tiếp thu học thức mà Đại Hoa truyền dạy, nên được bổ nhiệm là quan thổ ty kế nhiệm, chứ không phải người anh cả, vì thế khi lớn lên Vi Công Tín nghiễm nhiên tập ấm. Làm quan thổ ty song học thức cao, lại được bồi dưỡng tinh thần Nho học yêu dân, không sợ cường quyền, Vi Công Tín tuy không công khai chống đối các mệnh lệnh từ các quan trên Phủ Sơn Quan hạ xuống, xong luôn cố tìm cách giúp dân bớt khổ, vì lẽ đó mà ông được người dân kính trọng vô cùng. Thấy thanh thế Vi Công Tín lên cao, sợ rằng có biến, nhiều bản tấu được dâng lên, Vi Công Tín phải dời nhiệm sở, đám nhiệm các chức vị khác.
Trong 15 năm nay, Vi Công Tín đã chuyển nhà tổng cộng 4 lần, đi qua lần lượt 3 Phủ là Trường Hưng, Thanh Ái và Thuận Hóa. Do là một người có thực tài thực học đồng thời là người quân tử chính hiệu, tới đâu thì Vi Công Tín cũng làm người ta kính phục, người dân yêu quý và ngụy quan ghét và ngại, sau rốt, họ phải chuyển ông ta tới Trấn Nam Bàn này để mà làm chức Học Phủ Trưởng Học Phủ Trấn Nam Bàn. Lý do chúng đưa ra là vì Vi Công Tín là người chẳng những có học thức, mà lại còn có đức độ, hiển nhiên sẽ thu phục được lòng người dân trên kia. Nghe xong, Vi Công Tín chẳng nói chẳng rằng, cười trừ rồi lấy hành lý đi lên đây, sẵn sàng làm việc. Ông hiểu dù muốn hay không, bản thân cũng sẽ bị tống cổ đi thôi.
Cái gọi là Học Phủ Trấn Nam Bàn, theo lời giải thích là để giúp các tộc người rợ trên vùng cao nguyên đất đỏ làm quen vơi lễ giáo, bỏ tính man rợ, thực ra là từng bước đồng hóa mà thôi. Những người tới học sẽ bị tẩy não, khiến thân với chính quyền đô hộ, rồi quay lại làm tộc trưởng các tộc, thì coi như là tay sai của Đại Hoa rồi. Đồng thời, việc những người này khi quay lại, do bị tẩy não, văn hóa đã khác biệt, hiển nhiên người dân trong tộc không quen, khó lòng ủng hộ, để giữ địa vị, tất phải vịn vào chính quyền dưới xuôi hơn, thực là càng dễ làm tay sai. Tuy nhiên, bản thân Trấn Nam Bàn ở quá xa về phía nam, quân lực Nam Giao Đô Ty không đủ vươn tới, nên lúc đó quân đội Đại Hoa không thể trấn áp được các bộ tộc trên Trấn Nam Bàn. Các bộ lạc trên đó liền nổi dậy đánh đuổi quân Đại Hoa, đốt luôn Học Phủ trên này, giết những kẻ dám tới đó học để làm quan cho Đại Hoa.
Giờ đây, vật đổi sao dời, quân đội Đại Hoa từng bước vươn xuống phía nam, ổn định đóng quân tại các Phủ lân cận, tiến vào uy hiếp Trấn Nam Bàn. Đã thế, vì Trấn Nam Bàn không giáp biển, không có muối mỏ, tất thảy muối là đưa từ các phủ xung quanh lên đó, thành ra Nam Giao Đô Ty có lá bài lớn để mà thương thuyết, từng bước buộc các tộc người trên Trấn Nam Bàn và vùng cao nguyên đất đỏ kia chấp nhận sự hiện diện của họ. Có điều, để tránh quá cấp tốc kích thích dân trên đó, Học Phủ chưa được lập lại.
Tới gần đây, các quan lại Nam Giao Đô Ty đang có ý muốn lập chiến tích để từ đó kiếm chút tiền tiêu và công trạng để thăng quyền thăng chức. Vì lẽ đó, chúng bắt đầu lập kế hoạch để tấn công vào Chiêm Thành. Chiêm Thành là một liên minh các tiểu quốc do người Chiêm làm chủ, ở phía nam của Bách Việt khi trước và Nam Giao Đô Ty hiện tại. Các tiểu quốc này tuy không lớn, đất cày không nhiều, mỏ khoáng sản ít song vì nằm ở vùng duyên hải, có giao thương buôn bán với nhiều nước, nên tài sản không hề hiếm. Muốn đánh chúng, đường ngắn nhất là vượt biển đánh vào, song Đại Hoa hơi kém khoản thủy chiến, thưởng phải dựa vào hai thế lực thủy quân phiên thuộc là Đông Doanh và Cao Ly, song lực lượng này thường đóng giữ ở các nước Lữ Tống, Nam Dương,... nhằm đảm bảo nguồn cung các sản vật quý tại nước đó cho Đại Hoa, còn Nam Giao chuyển đường bộ và đường thủy gần bờ là đủ, nên không được phân phối. Nếu viết sớ xin hai lực lượng này tới cùng thì tốt, nhưng mà như thế phải phân công lao, các quan trên Đô Ty không muốn, bèn quyết đánh đường bộ.
Đánh bộ vào các tiểu quốc Chiêm Thành mà giành hiệu quả tốt nhất, thì cần hai đường cùng đánh, một là từ Trấn Hoài Nhân đánh vỗ mặt, một là đánh theo đường từ cao nguyên đất đỏ phía tây tạt xuống. Hai mặt cùng đánh, địch ắt phải tan. Để chuẩn bị cho hai đường này, trước tiên là phải khiến hai trấn này sẵn sàng, chuẩn bị lương thực tại chỗ, đồng thời rải sẵn tình báo xem ai ủng hộ, ai phản đối, kẻ nào quan hệ tốt với Chiêm Thành. Học Phủ chính là một cách thăm dò tình báo hiệu quả nhất. Sau khi có tình báo rồi, sẽ là quân đội lên đánh dẹp, rồi thương mại thưởng cho những kẻ ngoan ngoãn.
Tuy nhiên, tất cả những điều này đều được giữ kín, chỉ những kẻ có quyền được biết thì mới biết, mệnh lệnh đưa ra về cơ bản vẫn là tuyển người tới Trấn Nam Bàn để xây lại Học Phủ, chuẩn bị lại việc tiếp thu con cháu các tộc người trên Trấn Nam Bàn. Mệnh lệnh này khiến các quan sở tại nhận được hiểu nhầm thành ra những thanh niên được cử tới Học Phủ này làm việc đều sẽ phải đi đày ải khổ sở, nên tống hết những kẻ không có chỗ đứng hoặc đắc tội với quan lại, kiểu như Minh vậy. Các cậu Thái Học Sinh này vừa nhận lệnh thì hiểu ngay, Trấn Nam Bàn xa xôi cách trở, đường xá xấu, hàng hóa ít ỏi, có thể nói là một chỗ khổ sở. Đã thế, tấm gương những người làm việc ở Học Phủ này khi trước nào vẫn còn vang vọng lắm. Chả anh nào còn chút tinh thần nào nữa. Thế là, hôm nay, trong ngày họp mặt ở dịch quán Châu Bắc Bình để chuẩn bị vào Trấn Nam Bàn, trước mặt của Vi Công Tín, tất cả những anh thanh niên ai cũng tiu nghỉu, không hề phấn chấn tẹo nào. Vì lẽ đó, mới có cơn giận bây giờ của vị Học Phủ Trưởng.
- Cha cũng nên thông cảm với họ!- Vi Thúy Liên vuốt ngực cho cha, để ông hạ hỏa.
- Lẽ tất nhiên ta hiểu, con người ai lại muốn khổ. Nhưng... Thôi, con cứ để đó đi, ngày mai chúng ta sẽ phải tiến vào khu vực trú quân của quân đồn trú bảo vệ Trấn Nam Bàn, từ đấy về sau, sẽ không còn thoải mái nữa. Con là con gái, tốt nhất là nên về đi.
- Cha, con tuy là nữ, nhưng con còn trẻ, con chịu được. Cha dù gì đã 50 tuổi tới nơi rồi. Đã thế, mấy anh thanh niên hoi kia làm sao có sự tinh tế mà lo việc bếp núc cho cha được chứ.
Nghe con gái nói, Vi Công Tín lại thở dài. Giá như ông không phải một kẻ quân tử cố chấp với những tín điều của người quân tử, khiến quan lại Đại Hoa nghi kỵ, hoặc giả như nước nhà không mất vào tay Đại Hoa, có khi ông vẫn có thể làm quân tử mà lại không phiền nhiễu tới thân nhân như hiện tại. Đang than thở, đột nhiên có tiếng đi bình bịch bình bịch ngoài phòng.
- Lão Tín, cháu gái, hai người mau sang chỗ ta ăn cơm, hôm nay có món ăn ngon mới lấy được này!
- Tên thô lỗ nhà người, vào phòng người ta mà chả hỏi chủ một câu!- Vi Công Tín cười và lắc đầu, xong đó là sự vui đùa.
Người vừa bước vào là Dương Quốc Lộ. Dương Quốc Lộ giống Vi Công Tín, là con cháu nhà thổ quan, có điều Dương Quốc Lộ là thổ quan ở vùng Phù Thuận Hóa. Hai người quen nhau khi Vi Công Tín bị điều tới Phủ Thuận Hóa cách đây 5 năm. Trong 5 năm đó, Tín và Lộ đã tương đối thân quen, Tín khoái Lộ ở chỗ thẳng thắn, có gì nói thế, tức tối thì đánh nhau ngay mặt, không làm điều ngấm ngầm hại người, Lộ khoái Tín ở chỗ quân tử thực sự, nói được làm được, tác phong lễ nghĩa cẩn thận, có trí tuệ thực sự mà lại không có sự khinh khỉnh của bọn đọc sách với dân thổ quan.
Hai nhà vì thế cũng dần trở nên quen thân. Lần này Vi Công Tín vào Trấn Nam Bàn làm Học Phủ Trưởng, thì Dương Quốc Lộ cũng lên đây làm chức Nhị Thiên Quân Hiệu Úy, đóng giữ quân đội ở vùng giáp ranh giữa Trấn Nam Bàn và Châu Bắc Bình của Phủ Tân Bình, chỉ huy 2000 quân. Vì lúc đầu cả hai tiện đường, nên đi chung luôn thể.
Bước vào phòng ăn chung của hai gia đình, ở đó đã có một bàn thức ăn nóng hổi bày sẵn, có những món ăn thơm ngon, đặc biệt là món cháo cá thơm nức mũi. Ngồi trên bàn ăn lúc này là một đôi nam nữ, tuổi chừng 20 hơn. Đó là con gái và con rể của Dương Quốc Lộ. Do con rể ông ta, Vương Đĩnh cũng theo ông ta làm quan, nhận chức Bách Nhân Đội, chỉ huy 100 người, con gái Dương Quốc Trọng là Dương Ánh Hồng cũng theo chồng lên đây để tiện chăm sóc chồng.
- Chị Hồng, lại làm phiền chị nấu ăn rồi!
- Phiền gì mà phiền, em cũng mấy lần làm bữa rồi, có điều hôm nay thấy bác Tín có điều phiền, nên cha chị mới mời cha và em sang ăn.
Hai nhà nhanh chóng ngồi vào bàn, động đũa. Bữa cơm diễn ra khá thân mật, Dương Quốc Lộ hỏi xem hôm nay có gì mà giận thế. Nghe về việc bọn Thái Học Sinh ngoài kia ủ đột ra sao, ông ta bèn cười cợt, bảo rằng đúng là bọn thư sinh dài lưng tốn vải ăn no lại nằm, chẳng làm nổi việc gì cả. Vi Công Tín liền phản bác lại, nói rằng thư sinh thực sự thì bần tiện bất năng di, phú quý bất năng dâm, uy vũ bất năng khuất, thậm chí tinh thông lục nghệ: cầm kỳ thi họa xạ kỵ.
Nghe Vi Công Tín nói một hồi, Dương Quốc Lộ liền mở miệng trêu rằng ông ta chưa thấy ai như thế cả, liệu có phải lại là mấy cái ảo tưởng bọn thư nhân viết ra. Vi Công Tín liền chỉ vào bản thân mà hỏi có phải ông ta không tồn tại hay không, nhưng Dương Quốc Lộ bảo rằng, hai người đều dòng dõi thổ ty, máu chiến có sẵn. Bị Dương Quốc Lộ chơi trò vô lại thắng trên miệng lưỡi, Vi Công Tín không biết nói gì nữa, trong khi đó Liên và Hồng đều bật cười. Cả hai người đều còn trẻ, khi cười thực sự rất đẹp, Vương Vĩnh- chồng của Hồng hơi thất thần khi liếc qua Vi Thúy Liên, nhưng kịp thời che giấu.
Dẫu vậy, Dương Quốc Lộ vẫn cứ hỏi hoài về đám Thái Học Sinh, tiện đường bôi xấu bọn họ luôn một thể. Qua đó, cũng biết được rằng Thái Học Sinh từ quận trị An Lạc chưa có tới.
- Lại một thằng lười biếng hoặc một thằng nhát cáy đang cố kéo dài thời gian đây mà!- Dương Quốc Lộ mở miệng ra chê.
Đang nói, thì ở dưới lầu có tên lính lên báo rằng có hai thanh niên báo rằng là Thái Học Sinh ở quận trị An Lạc tới báo danh với Vi Công Tín. Nghe rằng Thái Học Sinh kia đã tới, Vi Công Tín định ra xem, nhưng Dương Quốc Lộ gàn đi, bảo rằng chớ quan tâm quá làm gì, đã tới rồi thì cứ kệ bọn nó ở đây, dịch quán này an toàn lắm. Với cả thằng kia bắt ông phải chờ, phải tức, ông bắt nó chờ tí có sao. Dương Quốc Lộ nói một hồi, Vi Công Tín không cãi nổi, phải ở lại ăn xong cơm, uống hết mấy chén nước chè đặc mới xuống lầu để mà xem tay Thái Học Sinh đến trễ, xem xem tên này là thần thánh phương nào, mặt ngang mũi dọc ra làm sao.
Vi Thúy Liên cũng muốn theo cha xuống, phòng khi cha cô lại vì thất vọng với cậu Thái Học Sinh kia mà giận lên, nhưng Dương Quốc Lộ đã bảo để ông ta và Vương Vĩnh xuống cho, tiện thể cho thằng nhãi kia một bài học.
Khi ba người xuống tới nơi, họ thấy hai người thanh niên đang ung dung ngồi ăn cơm. Đó là Hoàng Anh Minh và Bất Thắng. Vương Vĩnh bước tới trước, e hèm một cái, nói cho hai người biết về Vi Công Tín cùng với Dương Quốc Lộ. Nghe xong, Minh và Bất Thắng đứng lên chào hỏi, rồi Bất Thắng ngồi xuống ăn cơm tiếp, cậu ta vẫn coi bản thân là người tu hành không quan tâm thế sự, chào hỏi cho phải phép thôi.
Thấy cảnh này, Vương Vĩnh cho rằng tên nhãi nhà quê kia không biết trời cao đất dày gì, bèn đi tới chộp vai Bất Thắng định lôi cậu ta đứng lên, Bất Thắng không hiểu tại sao bị làm phiền, đơn giản là chuyển từ ngồi thành đứng tấn tầm thấp, Vương Vĩnh lay không nổi. Minh thấy cảnh này, bèn đi tới, một tay nắm lấy tay Vương Vĩnh, lôi khỏi vai Bất Thắng, đồng thời giải thích rằng Bất Thắng là một chú tiểu ở chùa Linh Hoa, quận trị An LẠc. Cậu ta đang nhập thế tu hành, chứ vẫn là chú tiểu thôi, nên hơi không rõ lễ nghĩa. Nói rồi Minh bảo Bất Thắng lên chào lại cẩn thận chút.
Hiểu lầm được xóa bỏ ngay, xong trong mắt cả Vi Công Tín, Dương Quốc Lực và của một vài nhân vật đặc biệt có mặt lúc đó, họ đều thấy được võ nghệ của hai người Minh và Bất Thắng. Vương Vĩnh là ai mấy người đó biết, cũng có chút võ nghệ đấy, vậy mà lay không nổi Bất Thắng, còn dễ dàng bị Minh lôi tay ra.
Danh Sách Chương: