• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Thấy nàng hơi trố mắt, Dung Từ hỏi: "Không quen sao?"

Hàng mi dài của A Lê rung rung, nàng đi vào: "Phu quân đến từ bao giờ vậy?"

Nàng không trả lời câu hỏi của hắn, thế nhưng nét buồn khổ vừa lướt qua trong đôi mắt không thể thoát khỏi tầm mắt Dung Từ.

Dung Từ nói: "Vừa đến thôi, nghe nói nàng đang chơi vui cùng nhóm Quận chúa Ngọc Mẫn nên không sang quấy rầy.”

"Sao, chơi không vui à?"

A Lê lắc đầu: "Không. Chỉ là không thân với bọn họ cho lắm.”

Nàng ở nhà nhiều năm, quả thực hiếm khi ra ngoài, chưa gặp phần đông các quý nữ trong Kinh Thành.

Dung Từ gật đầu, buông công báo xuống: "Nếu nàng thích thì sau này có thể mở thêm nhiều buổi tiệc, mời họ tới thưởng trà, cũng giúp nàng đỡ thấy chán.”

"Thiếp thân không thấy chán.” A Lê đáp: "Thiếp thân ở nhà phụng dưỡng cha mẹ chồng, xử lý việc nội trợ, lúc rảnh rỗi sẽ đọc sách vẽ tranh, không chán chút nào."

"Thật ư?"

"Vâng."

"Vậy tại sao trông nàng lại rầu rĩ thế?"

A Lê hoảng hốt. Nàng đã cố gắng hết sức để che giấu, song vẫn bị hắn phát hiện.

"Không phải rầu rĩ, chỉ do thiếp không quen lắm với cảnh náo nhiệt như vậy.”  

Đây là cái cớ nàng thường sử dụng khi không muốn đến dự sự kiện hay làm việc gì đó. Cái cớ này luôn khiến người khác rất tin tưởng. Dù sao thì trong mắt người ngoài nàng vốn đã sẵn tính kiệm lời ưa tĩnh lặng rồi.  

Tuy nhiên Dung Từ không tin.

Khi đến, hắn nghe thị vệ nói rằng lúc ra ngoài, A Lê trang điểm còn thay áo đẹp, thậm chí lúc đến Túy Hương Lâu cũng phấn khích.

Giờ đây lại nói không quen với kiểu náo nhiệt này, thật là mâu thuẫn.

Ánh mắt hắn như suy tư gì. Lát sau, hắn khẽ cong môi: “Muốn uống rượu không?”

"Vâng?"

Dung Từ nói: "Rượu ủ trúc tía của Túy Hương Lâu rất nổi tiếng."

“Nhưng… nhưng chẳng phải hôm nay chúng ta ra ngoài ngắm hoa đăng sao?”

“Không vội chuyện hoa đăng.” Dung Từ nói: “Tối nay không có giờ giới nghiêm, ta cùng nàng cứ xem từ từ.”

Hắn nói tiếp: “Lát nữa dẫn nàng đi dạo phố, uống chút rượu cho ấm người.”

"Vâng, nghe phu quân." A Lê đáp.

Dung Từ cho người đi hâm nóng một bầu rượu ủ trúc tía. Đúng lúc này, âm thanh rộn ràng náo động dần dần truyền từ xa tới gần.

Tỳ nữ nói: "Bẩm Thế tử, Thế tử phi, đó là đoàn rước đèn rồng ạ."

Dung Từ hỏi A Lê: "Muốn xem không?"

A Lê vốn đang chờ mong đèn rồng, thế nhưng tâm trạng bị quấy nhiễu như bị người ta rót vào một chậu nước, trái tim trở nên ướt đẫm, thành thử chẳng cách hứng thú với bất cứ thứ gì.

Nàng gật đầu qua quýt, được Dung Từ nắm tay dẫn tới bên cửa sổ.

Đoàn rước rồng long trọng vượt xa sức tưởng tượng. Ở những nơi họ đi qua còn có người thuộc gia đình giàu sang rải đồng tiền từ trên lầu, khiến cho hàng loạt người đua nhau tranh đoạt phía dưới.

Dung Từ cũng chuẩn bị đồng tiền, tỳ nữ bưng chiếc khay gỗ sơn đỏ đựng vài trăm đồng tiền tới.  

Hắn hỏi: "Thử nhé?"

Nhà giàu tán tiền cho rồng để cầu mong sự cát tường và lộc lá, nhà nghèo nhặt tiền rồng của người ta cũng có được sự cát tường và lộc lá. Lễ rước đèn rồng năm nào cũng vậy. A Lê nhớ rõ hồi nhỏ, khi phụ mẫu chưa hòa ly, nàng cũng từng ngồi trên vai phụ thân rải đồng tiền.

Trong lúc ngẩn ngơ, nàng thấy đoàn rước rồng sắp đi qua, bèn vươn tay lấy tiền rải xuống.

Tiền đều được bọc giấy thiếc, sáng lấp lánh giữa không trung tựa sao băng, rơi xuống đất phát ra tiếng leng keng. Đám trẻ lập tức ngồi thụp xuống lần tìm. Rất dễ tìm, cứ thấy cục tròn phản quang là đúng.

Có đứa bé lớn hơn chút còn ngửa đầu nghịch ngợm nói với về phía nàng: “Rải thêm chút nữa được không tiên nữ nương nương?”

Nhiều năm rồi A Lê chưa ra ngoài tán tiền, không biết rằng mấy năm nay để kiếm thêm nhiều hơn, những đứa trẻ đã học nhau gọi như vậy.

Má nàng đỏ lên, bốc một vốc nữa rải xuống.

Có lẽ niềm vui của đám trẻ đã lan sang nàng. Sau khi rải hai đợt tiền, tâm trạng nàng dần khoan khoái hơn.

Cuối cùng, cả khay tiền đã được nàng rải đi hết. Dung Từ thì ở cạnh mỉm cười nhìn nàng.

Sau khi đoàn rước rồng đi qua, rượu cũng được hâm nóng xong.

Dường như Dung Từ chỉ muốn giúp nàng làm ấm người thật. Hắn lập tức rót rượu vào chén cho A Lê, để nàng uống.

A Lê cũng từng uống rượu rồi. Vào những ngày lễ tết hoặc sinh nhật tổ mẫu, các đường ca ồn ào cùng nhau mời rượu, nàng cũng uống theo.

Tuy nhiên loại rượu nàng uống không phải rượu mạnh, còn có hương trái cây. Rượu ủ trúc tía này lại khác, nó là rượu mạnh được chưng cất và ủ lâu năm.

Rượu mạnh vào cổ làm nàng bị cay đến nỗi nhăn khuôn mặt nhỏ lại. Thế nhưng dần dà nàng cũng cảm nhận được vị ngọt thanh đượm lan tới từ cổ họng, hương vị thơm ngon lưu giữ mãi trong miệng.

Dung Từ hỏi: "Thế nào? Uống chén nữa không?"

A Lê bưng chén rượu, tham lam chút dư vị này, muốn thêm chén nữa.

Uống vào hai chén rượu, toàn thân ấm áp chan hòa.

“Chàng không uống sao?” A Lê hỏi.

Dung Từ mỉm cười: "Ta không lạnh."

A Lê nhìn bầu rượu còn thừa hơn nữa, chợt thấy đáng tiếc. Dung Từ thấy vậy, bèn nói: "Nếu nàng thích thì ta cho người cầm về. Khi rảnh rỗi, nàng có thể từ từ nhâm nhi.”

A Lê lắc đầu: "Vô duyên vô cớ ta uống rượu làm gì? Chẳng qua thấy dùng một bầu rượu đầy chỉ để làm ấm người quả thực lãng phí.”

Ngẫm kỹ rồi, Dung Từ nói: "Cũng không lãng phí, đem đi thưởng cho họ là được."

“Họ” là chỉ những thị vệ kia.

A Lê gật đầu, bấy giờ mới đi theo Dung Từ rời khỏi đó.

Trong lễ hoa đăng Nguyên Tiêu chắc chắn không thể thiếu hoạt động đoán đồ đèn. Đi dọc theo đường phố, gần như ba bước sẽ gặp một đám đông, năm bước lại gặp một đoàn người, tất cả đều đang tụ tập đoán đố đèn.

Hai người đi được một đoạn, thấy đằng trước có rất nhiều người vây quanh, hết sức náo nhiệt. A Lê dừng lại: "Đằng trước họ đang làm gì vậy?"

Đúng lúc này, có một người đi ngang qua, cười giải thích: "Đằng trước cũng là đoán đố đèn, có điều đèn của hắn khác với những chỗ kia. Chẳng những chế tác tinh xảo mà còn có cơ quan mở rộng, đèn lồng chim chóc bay lượn, muông thú nhảy nhót. Chỉ là người nọ rất quái lạ, không cần vàng bạc, không cần tiền tài, chỉ cần người ta đoán đúng hai câu đố rồi trả lời câu hỏi của ông ấy là được.”

A Lê tò mò: "Vậy chẳng phải sẽ có rất nhiều người nhận được đèn hay sao?"

Người nọ nghe vậy thì nở nụ cười hơi kỳ lạ, xua tay vài cái rồi đi.

Dung Từ hỏi: "Chúng ta đi xem nhé?"

A Lê gật đầu, đi theo hắn về phía đám đông.

Bởi vì đèn lồng ở đây tinh xảo nên có rất nhiều người vây. Khi đến gần, họ thấy một người ngồi xếp bằng trên bục cao. Ông ấy liên tục vẽ tranh lên chiếc đèn lồng lớn bằng khoảng một bàn tay. Có đèn hình cá, hình bí đỏ, hình tròn, hình vuông, bụng to miệng phẳng.

Chúng được bán cho trẻ em.

Một đứa trẻ được ông ấy vẽ cho chiếc đèn lồng mới nhất, trả tiền xong thì sung sướng rời khỏi.

Đằng sau có mấy chiếc đèn chói mắt. Sở dĩ chúng chói mắt là bởi chúng đẹp một cách cầu kỳ. Mặt đèn nạm lưu ly nhiều màu, phản chiếu ánh sáng sặc sỡ dưới ánh nến.

Nhìn lên xem kỹ còn thấy thứ gì đó bay múa bên trong, thế mà lại là hai chú chim tước, vừa xoay tròn vừa vỗ cánh, quả thực giống hệt miêu tả của người kia.

Mọi người xem đến hăng say, vậy mà vẫn chưa có ai lấy được đèn lồng.

Dưới đèn lồng, có một tờ giấy đỏ được dán vào, trên giấy là hai câu đố. A Lê nghiêm túc quan sát, thầm suy luận nhưng vẫn chưa hiểu ra.

Lúc này, có mấy quý nữ chen tới từ đầu khác. Người dẫn trước thấy họ.

“Ủa? Dung biểu ca?”

A Lê ngoảnh mặt lại. Đoàn người Quận chúa Ngọc Mẫn cũng tới đây. Có lẽ thấy Dung Từ ở đây nên mấy quý nữ không còn thể hiện sự cao quý như trước, trái lại ai nấy trở nên e thẹn rụt rè và dịu dàng quá đỗi.

Quận chúa Ngọc Mẫn đi tới, cười tươi xán lạn: "Gặp Dung biểu ca ở đây thực sự tốt quá rồi. Muội đang có chuyện cần biểu ca hỗ trợ đây.”

Quận chúa Ngọc Mẫn đã gặp Dung Từ trong cung, cũng coi như có quen biết. Hồi còn ở Nam Lăng, Quận chúa Ngọc Mẫn rất được các thiếu niên tài tử săn đón theo đuổi. Khi vào Kinh, nàng ta cũng coi ấy là lẽ đương nhiên.

Dung Từ đối xử lạnh lùng với người ta thì đã sao? Tóm lại, mối quan hệ giữa nàng ta và Dung Từ vẫn thân thiết hơn người khác. Nàng ta là Quận chúa cao quý, đồng thời là biểu muội của hắn, nhờ hắn hỗ trợ chắc hẳn không có gì đáng trách.

Dung Từ vẫn chưa nói gì, Quận chúa Ngọc Mẫn lại tự cho rằng quen thân, chỉ vào hoa đăng trên bục cao: “Dung biểu ca ơi, muội muốn chiếc hoa đăng kia, biểu ca có thể giải hai câu đố giúp muội không?”

Quận chúa Ngọc Mẫn chuyện trò tự nhiên trước mặt Dung Từ, còn công khai xin Dung Từ hỗ trợ, khiến tốp quý nữ đằng sau rất đỗi hâm mộ. 

Bọn họ cũng muốn Dung Từ hỗ trợ, thế nhưng họ không có tư cách, cũng chẳng có lý do.

Dung Từ nhìn theo hướng Ngọc Mẫn chỉ, cũng không biết nghĩ đến cái gì, hắn đi sang đó.

Trên giấy đỏ là câu đố, Dung Từ nhìn qua rồi lập tức đi đến một bên nâng bút giải đề.

Hành động này của hắn thu hút kha khá người nhìn xung quay. Dù sao thì suốt tối nay chưa thấy một ai thắng được ngọn đèn nào.

Dẫu giải được câu đố nhưng cuối cùng lại không đáp được câu hỏi của đối phương. Người đáp được, đối phương lại nói đáp án không hay.

Tóm lại, người làm đèn quái lạ thực sự, vậy nên mọi người đều muốn xem Dung Từ gặp trắc trở.

Quận chúa Ngọc Mẫn thầm vui mừng, đắc chí liếc A Lê, cứ như đang khoe chuyện Dung Từ giải đố đèn giúp nàng ta vậy.

A Lê rũ hàng mi.

Thực ra nàng cũng muốn chứ, nhưng nàng chưa bao giờ mở miệng xin ai, dẫu cho đối phương có là phu quân nàng.

Nàng bắt đầu hơi ghen tỵ, nhưng phần nhiều lại là cô đơn.

Thân phận của Quận chúa Ngọc Mẫn cao quý, là quý nữ nổi bật ở Kinh Thành, đi đâu cũng được săn đón. Trái lại giống với Dung Từ, đều là những nhân vật nổi trội chói mắt.

Khoảnh khắc này, ánh mắt mọi người cùng đổ dồn vào Dung Từ và Quận chúa Ngọc Mẫn. Một người cốt cách trác tuyệt, một người cao quý diễm lệ, tựa như tiên đồng ngọc nữ trong thoại bản vậy.

A Lê cúi đầu, thôi nhìn về phía Dung Từ, hẵng còn chìm trong suy tư của mình.

Mãi đến khi mọi người xôn xao khen ngợi, nàng mới hồi hồn.

Lúc này, ông lão trên bục câm cầm hoa đăng lưu ly đang định đưa cho Dung Từ, lại bỗng dừng tại phút chót.

Ông ấy nói: “Lão hủ còn một câu hỏi cuối cùng, cũng đơn giản thôi, mọi người đều đáp được. Thế nhưng lão hủ thấy không phải đáp án của ai cũng xuôi tai. Nếu câu trả lời của công tử khiến lão hủ hài lòng thì ta sẽ tặng chiếc đèn này cho công tử.”

Tối nay đã có người đáp rồi, tiếc rằng đáp án tẻ ngắt tục khí, không lấy được đèn về.

Người vây xem tưởng rằng ông lão cố tình làm khó, bởi vậy thổn thức không thôi.

“Ông không muốn tặng đèn thì cứ nói thẳng, nào ai trả lời được đáp án xuôi tai ông? Nếu cả đêm nay đáp án của ai cũng không xuôi tai thì chẳng phải ông tạo đố đèn để trêu đùa người ta sao?”

Ông lão mặc kệ, chỉ nhìn về phía Dung Từ: "Muốn thử một lần không?"

Dung Từ gật đầu: "Xin mời lão hỏi."

"Câu hỏi này cũng đơn giản thôi.” Ông lão điềm nhiên nhấp ngụm trà, sau đó hỏi: “Vì sao công tử lại muốn lấy chiếc đèn này?”

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK