Một tiếng "à" nhẹ nhàng như dỗ dành trẻ nhỏ. Trên đài tất nhiên là không có đứa trẻ nào, chỉ có hai người đầm đìa mồ hôi. Trần Quế ngoài mặt vờ vịt nhưng trong lòng vui mừng đến nở hoa, lại không thể để lộ ra ngoài. Hắn lấy khăn tay lau mặt vài lần để che giấu biểu cảm, chỉ để lại một vẻ "cấp bách, bối rối". Lưu Tấn thì thật sự đổ mồ hôi như mưa. Thực ra hắn chẳng lo lắng chút nào, trong lòng hắn toàn là phẫn nộ. Vừa mới được tán dương vang dội vì bài luận, sao chỉ một khoảnh khắc đã bị lật ngược tình thế thế này? Biến đổi quá nhanh, hắn không kịp phản ứng. Còn làm sao mà trả lời câu hỏi được nữa. Hiện tại hắn chỉ muốn xé xác kẻ đã tính kế sau lưng mình thôi. Nhưng hắn chẳng những không tìm ra kẻ đó, mà còn không thể giải quyết nguy cơ trước mắt. "Ta... ta..." Lưu Tấn mấp máy môi, cố nén cơn giận trong lòng, nói: "Ta chưa nghĩ ra, chỉ sợ làm mất thời gian, chi bằng để người nào đã sắp xếp xong suy nghĩ lên nói trước." Đây cũng là cách tạm thời thoát thân. Các tiên sinh cũng không muốn làm bầu không khí căng thẳng thêm, trong khi các học trò bên dưới đồng loạt la ó, họ ra hiệu cho Lưu Tấn xuống đài. Nhưng Trần Quế đâu để Lưu Tấn dễ dàng thoát thân như vậy. Sân khấu này dàn dựng khó khăn lắm, nếu nhân vật chính bỏ chạy thì còn gì để diễn nữa? "Phải, đúng, là như thế." Trần Quế cố tình lắp bắp: "Trả lời đề luận nào có dễ dàng. Phải suy nghĩ hướng đi, xác định luận điểm, viết nháp rồi chỉnh sửa, tốn không ít thời gian và công sức. Ôi chao, đúng là làm kinh doanh khác hẳn học hành. Ta chỉ biết buôn bán, không biết viết lách gì cả, lên đây hỏi lung tung khiến Lưu công tử gặp khó khăn. Thất lễ, thất lễ rồi." Ngữ khí chân thành, thái độ kính cẩn, Trần Quế thậm chí còn chắp tay cúi gập người trước Lưu Tấn với vẻ khiêm tốn. Thái độ như vậy khiến Lưu Tấn bất giác ngẩn ra. Người này chẳng lẽ không phải do ai đó cử đến để gây rối sao? Không đúng. Lời nói của hắn bề ngoài như đang bênh vực, nhưng thực chất lại đang làm hại y. Miệng lưỡi trơn tru, lòng dạ hiểm độc
Lời của Trần Quế nghe có vẻ như đang bảo vệ, nhưng Lưu Tấn đã hiểu được hàm ý bên trong. Làm sao các tiên sinh và học trò dưới đài, cũng như những người xem trong gian phòng kín không hiểu ra được chứ? Cho dù có ai ngây ngô không hiểu ngay, thì chỉ cần được người bên cạnh nhắc nhở, tất cả đều sáng tỏ. Đề luận khó viết nhưng tìm luận điểm thì không khó. Trước đó đã có mấy câu hỏi được đưa ra, các tiên sinh hỏi, học trò suy nghĩ, trong lúc truyền quả cầu, tay họ bận nhưng đầu vẫn không ngừng phân tích. Dù bất kỳ ai trong số họ bị gọi lên bất ngờ, có thể chưa viết ra bài nhưng nói luận điểm thì chẳng có gì là khó. Nếu không đạt được trình độ đó thì họ đến đây làm gì? Để ngắm gió bấc à? Muốn hóng hớt thì chi bằng lên lầu cao, ngồi trong phòng riêng, còn có thể kê ghế, cầm tách trà nóng mà thưởng thức. Lưu Tấn lại chẳng nói được gì. Mọi người đều suy nghĩ, chẳng lẽ Lưu Tấn không nghĩ ra? Chẳng lẽ đầu hắn trống rỗng với mọi đề? Một cái đầu trống rỗng như vậy thì sao đến câu thứ năm, luận điểm không chỉ rõ ràng, mà cả bài viết cũng hoàn chỉnh? Bài văn. Một bài văn chỉnh tề, có đầu có đuôi, có đúng là có thể viết ngay trong thời gian ngắn như vậy không? Lời Trần Quế nói không sai chút nào, viết văn cần tốn thời gian và công sức. Khi triều đình tổ chức thi cử, phần thi luận kéo dài đến ba ngày. Các sĩ tử có đủ thời gian để suy nghĩ, phác thảo, chỉnh sửa, trau chuốt, rồi mới chép vào quyển. Còn các buổi học hội, thi hội như thế này, không có thời gian như vậy. Các tiên sinh chỉ yêu cầu trình bày rõ luận điểm, phân tích mạch lạc là đạt tiêu chuẩn. Nếu có thể phát triển thêm, thể hiện được quy tắc của văn chương, dựng lên một khung sườn rõ ràng, thì đã là rất xuất sắc rồi. Trước đó, tại sao họ lại bị bài văn của Lưu Tấn làm kinh ngạc? Vì nó quá xuất sắc Không chỉ có khung sườn rõ ràng, mà ngay cả từng đường vân trên lá cũng tỉ mỉ, tinh tế. Chính họ không thể làm được như thế, nhưng họ cũng không nghi ngờ ai, ai bảo trên đời không có thiên tài, hay văn khúc tinh hạ phàm. Nhưng giờ nhìn lại, hóa ra không phải thế. "Lưu công tử, bài văn này thật sự là ngươi viết ngay tại đây sao?" Giữa đám đông, có người lớn gan đặt câu hỏi. Cơ thể Lưu Tấn cứng đờ, hắn nói bằng giọng nặng nề: "Ngươi nói vậy là có ý gì?" "Chẳng lẽ ngươi đã biết đề từ trước và chuẩn bị sẵn rồi?" "Rất có khả năng. Ta còn thấy ngươi cố tình để quả cầu rơi xuống đất, nhặt lên xoa một hồi mới chịu truyền đi." "Khi chúng ta suy nghĩ mấy câu trước, ngươi đã cúi đầu lẩm nhẩm bài văn, cho nên bây giờ ngươi mới không thể nói ra được một luận điểm nào." "Có khi ngươi còn quên cả mấy câu hỏi trước rồi cũng nên." Người khởi đầu đã có, sau đó nhanh chóng có thêm nhiều học trò khác tham gia, chỉ trích Lưu Tấn. "Lưu công tử, không nói ra luận điểm, cũng không làm bài, ngươi có thể nhớ lại mấy câu hỏi trước đó là gì không?" "Ngươi có gì để nói thì nói đi." "Phải rồi, đúng vậy." Lưu Tấn không thể nói gì. Ngoài bài văn đã học thuộc lòng kia, hắn không thể nghĩ ra được câu hỏi nào khác. Trong lúc hỗn loạn, hắn thậm chí suýt quên cả bài văn đó. Đứng trên đài, hắn trở thành tâm điểm của sự chú ý, bốn bề đều là người nhìn chằm chằm. Nhưng nếu xuống đài... Hàng trăm học trò phẫn nộ, hắn e rằng chưa đi được đến đâu đã bị vây kín rồi. Người ta nói văn nhân yếu đuối, nhưng nếu mỗi người đánh một đấm thì hắn liệu có chịu nổi? Lưu Tấn lo lắng đến cực độ, cất tiếng hét: "Các ngươi đừng có quá đáng." "Rõ ràng là ngươi gian lận trước." "Nếu hắn gian lận thì ai đã tiết lộ đề?" "Đề này là của thư viện Thạch Dương, hỏi người của thư viện Thạch Dương đi." Ngay lập tức, mọi học trò đều quay sang nhìn các học trò của thư viện Thạch Dương, họ ngơ ngác nhìn các tiên sinh của mình. Các tiên sinh thì mặt mày tối sầm, trao đổi ánh mắt với nhau, cuối cùng nhìn về phía sơn trưởng. Sơn trưởng nghiến chặt hàm, mày nhíu chặt. Đầu đông ở kinh thành, gió thổi mạnh vào mặt khiến ông thấy đau rát. Ông phải giải thích sao về việc thư viện mình không tiết lộ đề đây? "Hắn không phải học trò của chúng ta." sơn trưởng nói với các tiên sinh của hai thư viện khác: "vô duyên vô cớ, ta sao phải tiết lộ đề cho hắn?" Có người hỏi: "Nếu ngài không tiết lộ thì chẳng lẽ hắn ăn cắp đề?" "Cha hắn là quan Hồng Lư Tự khanh cơ mà?" Một người khác nói: "Sơn trưởng, ngài chẳng lẽ muốn nịnh bợ Lưu đại nhân nên mới tạo điều kiện cho công tử nhà hắn chứ?" Sơn trưởng trầm giọng: "Đừng có ngậm máu phun người." Bên cạnh, lão tiên sinh đã nói giúp Trần Quế khi nãy lại lên tiếng. Ông ta họ Hồ, là giám viện của thư viện Thạch Dương, rất ít khi tham gia vào công việc dạy học, chủ yếu là quản lý mấy việc hàng ngày trong thư viện, khảo sát phẩm hạnh của các học trò. Hồ giám viện đứng dậy, hắng giọng: "Các vị quyền thế ở kinh thành không thích, thư viện Thạch Dương chỉ nói về tài học, không nể mặt bất cứ ai, một Hồng Lư Tự Khanh thì không xứng đáng để chúng ta đi kéo quan hệ để làm mất mặt thư viện."Danh Sách Chương: