Đầu tiên khi họ cùng đi học, Bàng Thủy Sinh nhắc nhở Bàng Sảnh hết lần này đến lần khác: “Sảnh Sảnh, con là em gái của Minh Tịch, Minh Tịch không có tay, nếu bị các bạn bắt nạt, con phải nói với cô giáo, về nhà phải nói với bố. Quan trọng nhất là có những việc Minh Tịch không tự làm được, con phải nhớ giúp đỡ anh ấy nhé.”
Bàng Sảnh đã bắt đầu đi học cùng Cố Minh Tịch với nhiệm vụ đó trên vai. Đó mới là thời điểm Cố Minh Tịch mất tay được một năm, cậu thực sự không làm được việc gì cho ra hồn. Giở sách vở, viết chữ bằng chân với cậu khó hơn lên trời, ô ly trên trang giấy bé xíu còn con chữ dưới ngòi bút được cậu viết ra bằng chân lại to đùng. Chẳng có cách nào khác, cậu phải dành ra nhiều thời gian hơn người khác để chăm chỉ tập viết.
Lý Hàm theo cậu đến trường trong suốt tuần học đầu tiên. Vừa chăm sóc Cố Minh Tịch chị vừa hướng dẫn cho Bàng Sảnh cách giúp đỡ cậu. Sau đó Lý Hàm không đến trường nữa, cô bé sáu tuổi Bàng Sảnh trở thành người giúp đỡ Cố Minh Tịch trong cuộc sống.
Lúc đến lớp và lúc ra về, Bàng Sảnh phải giúp Cố Minh Tịch bỏ cặp xuống và đeo cặp lên vai; lúc Cố Minh Tịch dọn đồ dùng bằng chân, Bàng Sảnh cũng phải giúp một tay vì Cố Minh Tịch làm việc này vẫn chưa thành thạo, sách vở đồ dùng thường rơi xuống đất mà cậu lại không tiện nhặt lên; trong giờ uống sữa giữa buổi, Bàng Sảnh phải cắm ống hút vào bịch sữa cho Cố Minh Tịch rồi đặt tới bên chân cậu; còn trong giờ ăn cơm, Bàng Sảnh phải đi lấy suất ăn cho Cố Minh Tịch. Thời gian đó Cố Minh Tịch vẫn chưa thể tự ăn cơm, thường làm rơi vãi lên quần áo, Bàng Sảnh phải lau đi cho cậu thậm chí mùa đông mặc nhiều quần áo khó cử động, Bàng Sảnh còn phải đút cơm cho Cố Minh Tịch.
Thực ra những chuyện tương tự như vậy nhiều không đếm xuể. Trong lớp hay cả những hoạt động ngoại khóa, Bàng Sảnh nhỏ bé chẳng khác nào cái bóng của Cố Minh Tịch, ngoài đi vệ sinh, Bàng Sảnh phải giúp đỡ Cố Minh Tịch trong tất cả những việc còn lại: đội mũ, lấy đồ, cởi áo mưa, thắt dây giày, mua vé xe bus, cho cậu uống nước, lau mồ hôi...
Có lẽ cuộc sống đó đã kéo dài quá lâu, đến mức làm cho Bàng Sảnh quen với nó và Cố Minh Tịch cũng vậy. Mặc dù sau này Cố Minh Tịch đã biết cách tự làm rất nhiều việc, ít khi cần đến sự giúp đỡ của Bàng Sảnh hơn trước nhưng họ vẫn quen có người kia bên cạnh.
Thế nhưng một ngày nào đó thế cân bằng này sẽ bị phá vỡ. Họ dần trưởng thành, dần phát hiện cái tôi độc lập trong con người mình, họ sẽ mong muốn có được cuộc sống của riêng mình. Giống như tất cả các cô cậu tuổi teen bình thường khác trên đời, họ không thích bố mẹ đọc trộm nhật ký của mình và cũng không còn tâm sự mọi chuyện với bố mẹ nữa; vì một nụ cười dành cho mình của ai đó mà họ thầm thương trộm nhớ trong lớp mà vui vẻ thật lâu; họ muốn có thêm những người bạn mới và có những hoạt động xã giao như những người trưởng thành thực sự; họ thấy hào hứng với tất cả những điều mới lạ, quan sát thế giới này bằng đôi mắt tò mò và đầy nhiệt thành; bắt đầu theo đuổi thần tượng, đọc những cuốn sách mà trước kia không hiểu, bắt đầu tự suy nghĩ, bắt đầu trưởng thành hơn.
Họ không còn muốn bị bó buộc trong lối mòn của cuộc sống trước đây, trải qua mỗi ngày một cách tẻ nhạt nữa.
Trong thời khắc đó bỗng nhiên Bàng Sảnh nhớ tới Tạ Ích, một Tạ Ích thật ngầu, một Tạ Ích đáng yêu, một Tạ Ích xử sự rất lạ lùng nhưng lại vô cùng lôi cuốn. Rõ ràng đối với cô nàng Bàng Sảnh chưa tròn mười ba tuổi, sức hấp dẫn của một Cố Minh Tịch ngoan ngoãn, điềm đạm và sống nội tâm không thể nào sánh kịp Tạ Ích.
Là một đứa trẻ bình thường không ai không hâm mộ Tạ Ích, hâm mộ thái độ sống thoải mái và phóng khoáng vô cùng của cậu. Sau mười mấy năm sống dưới vòng tay của thầy cô và bố mẹ, Tạ Ích bất thình lình xuất hiện trong cuộc đời Bàng Sảnh như một vì sao trên trời, chiếu sáng muôn dặm nhưng lại xa không với tới.
Không đợi được câu trả lời của Bàng Sảnh, Cố Minh Tịch bèn nói thêm: “Bàng Bàng, thật đó, em đừng đổi chỗ. Anh biết em không vui khi cứ bị ngồi mãi ở góc cuối lớp nhưng mà…”
“Cố Minh Tịch.” Bàng Sảnh khẽ cất giọng gọi tên cậu, Cố Minh Tịch lập tức không nói gì nữa. Bàng Sảnh ngồi bó gối trên giường, đặt cằm trên đầu gối nhìn cậu một cách chăm chú.
Cô nói: “Em đã ngồi cùng anh suốt sáu năm rồi, Cố Minh Tịch, đã quá lâu rồi. Anh nói đúng, em không muốn tiếp tục ngồi bàn cuối nữa, đâu chỉ là bàn cuối mà còn ở trong tận góc lớp, hết tiết cũng chẳng có ai muốn nói chuyện với em. Chắc anh không biết, ngày xưa em rất thân với Vương Đình Đình nhưng bây giờ chủ nhật nào cậu ấy cũng đi chơi cùng Chương Úy và Khâu Lệ Na, chẳng bao giờ rủ em cả. Các cậu ấy nói em với anh đang yêu nhau vì suốt ngày như hình với bóng. Họ còn nói số em may mắn, được chép bài tập của anh, được nhìn bài anh trong giờ kiểm tra nên điểm mới cao thế.”
Nói đến đây Bàng Sảnh bật khóc, từng giọt nước mắt tí tách rơi xuống: “Cô Tào còn nói em được vào lớp chọn là vì em chịu ngồi cạnh anh chứ lẽ ra em chỉ được học lớp thường thôi. Cố Minh Tịch, em không thể nào tham gia vào những câu chuyện mà các bạn nữ lớp mình nói, còn đám con trai thì suốt ngày lấy chuyện của hai bọn mình ra chế giễu em. Em thực sự không thích thế, thật đấy, em rất ghét cái kiểu này. Cố Minh Tịch tại sao em cứ phải nhường nhịn anh mãi như thế? Sáu năm rưỡi, đã quá lâu rồi. Bây giờ anh dùng chân làm việc đã rất thành thạo thì đâu cần em phải ngồi cùng bàn nữa?!”
Khi Bàng Sảnh nói ra những lời này, đôi mắt vốn trong trẻo của Cố Minh Tịch dần trở nên ảm đạm, cậu nhìn cô chăm chú, môi mím chặt.
Hai người cùng giữ im lặng, trong căn phòng chỉ còn tiếng thút thít khe khẽ của Bàng Sảnh. Lát sau, Cố Minh Tịch nói: “Vậy… Bàng Bàng, nếu em chuyển chỗ, bọn mình vẫn có thể cùng đi học, cùng tan học chứ?”
“Anh có tự đi xe được một mình được không?” Hai mắt Bàng Sảnh đỏ sọc, nghẹn ngào nói: “Nếu anh tự đi xe được một mình thì tốt nhất chúng ta không nên đi về cùng nhau. Em không thích họ bàn tán này nọ.”
Cố Minh Tịch nghiến răng thật chặt khiến hàm răng cũng hơi đau, cậu hỏi tiếp: “Vậy kỳ sau em có còn đến nhà anh học buổi tối không?”
Bàng Sảnh khịt mũi rồi chậm rãi lắc đầu.
Cố Minh Tịch chau mày: “Nếu lỡ thành tích của em kém đi thì sao? Lần trước anh đã hứa với em là sẽ không bao giờ để em thi kém như trong đợt giữa học kỳ nữa.”
Bàng Sảnh nhìn sang hướng khác, buồn bã nói: “Em sẽ tự chăm chỉ học. Cố Minh Tịch, anh không phải thầy giáo của em, em thi tốt hay thi kém cũng chẳng liên quan gì đến anh cả.”
Nghe thấy cô nói vậy, Cố Minh Tịch liền đứng phắt dậy.
Bàng Sảnh vẫn giữ tư thế ngồi bó gối, Cố Minh Tịch đứng một lúc, khẽ nói: “Biết rồi, vậy anh về đây.”
Cậu đi về phía cửa phòng Bàng Sảnh, định dùng chân mở cánh cửa nhưng khi ngón tay chạm vào phần tay nắm, cậu lại hạ chân xuống và quay lại nhìn cô.
Bàng Sảnh vẫn giữ nguyên tư thế ấy còn Cố Minh Tịch thì nhìn cô chằm chằm, cả hai đều không động đậy chẳng khác nào hai pho tượng sống. Rất lâu sau đó Cố Minh Tịch mới quay lại, nhấc chân mở cửa rồi chầm chậm đi ra.
Bàng Sảnh nghe thấy tiếng cậu chào Kim Ái Hoa, cậu thay dép ở cửa tạo thành tiếng loẹt quẹt do ghế mài xuống đất, tiếp theo là tiếng mở rồi đóng cửa, sau đó căn nhà trở nên im phăng phắc.
Bàng Sảnh ngã nhào xuống giường, lát sau, cô òa khóc thành tiếng.
Nghỉ tết năm đó Cố Minh Tịch và Bàng Sảnh không chơi với nhau. Trong bữa cơm của hai gia đình, hai đứa trẻ gặp nhau nhưng cũng chỉ nói về những chuyện vô thưởng vô phạt, về phim hoạt hình, về bài tập tết. Bàng Sảnh có cảm giác Cố Minh Tịch đang tỏ ra rất xa cách, về phía mình, hình như cô không thể như ngày xưa, không thể hống hách ngang ngược một cách không ngần ngại trước mặt cậu nữa.
Học kỳ thứ hai vừa bắt đầu, cô Tào đã bắt tay ngay vào việc chuyển chỗ. Như để che giấu một điều gì đó, cô giáo đã thực hiện việc đổi chỗ cho tất cả các học sinh trong lớp. Lần này chỗ ngồi của Bàng Sảnh được thay đổi làm tất cả các bạn khác lấy làm ngạc nhiên, chỉ có Bàng Sảnh và Cố Minh Tịch là im lặng.
Cuối cùng Bàng Sảnh được chuyển đến bàn thứ hai trong dãy sát tường, gần như chéo thẳng với vị trí của Cố Minh Tịch. Lúc Bàng Sảnh thu dọn sách vở, Cố Minh Tịch chỉ im lặng không mảy may lên tiếng.
Cuối cùng cô ôm cặp đứng dậy, khẽ hỏi Cố Minh Tịch: “Anh đã biết ai sẽ chuyển đến ngồi cạnh chưa?”
Cố Minh Tịch không ngước lên nhưng vẫn trả lời: “Anh đã nói với cô Tào là không cần ai ngồi cạnh, anh muốn được ngồi một mình một bàn.”
Bàng Sảnh: “…”
***
Bạn học ngồi cạnh Bàng Sảnh ở vị trí mới là một cậu con trai tên Hồ Thiêm Lực, đó là một cậu nam sinh mập mạp hay cười, trông rất giống Phật Di lặc và cũng rất dễ chịu. Ngồi trên cô là Tôn Minh Phương và Tương Lỗi, bàn sau là Khâu Lệ Na và Tạ Ích.
Từ khi bắt đầu đi học đến nay Bàng Sảnh chưa bao giờ được ngồi ở những bàn phía trên, lúc đầu cô cũng thấy có phần không quen nhưng sau một thời gian, cô nhận ra cảm giác được hòa đồng với mọi người thực sự rất tuyệt.
Thêm vào đó, cô còn ngồi ngay bên trên Tạ Ích, hết tiết có thể nói với cậu vài câu, mỗi lần truyền bài tập, đề thi cũng có thể nhìn cậu một cái, và lần nào trái tim cô cũng đập loạn xạ.
Còn Cố Minh Tịch thì ngồi một mình ở bàn cuối.
Qua lần điều chỉnh của toàn khối sau kỳ thi cuối học kỳ một, lớp A6 vẫn có 47 học sinh, trong đó 46 người được xếp ngồi bàn hai, chỉ mình Cố Minh Tịch là không ngồi cạnh bạn nào.
Cậu ngày càng ít nói, đi học hay tan học cũng chỉ có một mình, hiếm lắm mới nói chuyện với Giản Triết và Lưu Hàn Lâm, cậu cũng nhờ hai người bạn giúp mình chuyện đi vệ sinh và lấy hộ cơm trưa.
Trước đây cậu không như thế.
Hồi học cấp một cậu không phải một người ít nói, và cũng rất tích cực tham gia các hoạt động của lớp. Lần nào trong câu chuyện Bàng Thủy Sinh và Kim Ái Hoa cũng nhắc đến Cố Minh Tịch, họ nói cậu bé này thật không đơn giản, dù mất cả hai tay nhưng không hề trở nên tự ti hay mặc cảm, vẫn cười đùa với Bàng Sảnh như bình thường, ngày nào cũng thấy cậu cười rạng rỡ.
Nhưng giờ thì sao?
Bàng Sảnh ngồi trên nên hầu như cô sẽ không thể nhìn thấy Cố Minh Tịch. Kể cả lúc hết tiết, cô cũng không thể đường đường chính chính ngoái lại nhìn cậu, chỉ biết tranh thủ lúc ra vào lớp để liếc trộm cậu thật nhanh.
Cô bao giờ cũng đi ra đi vào bằng cửa sau để được nhìn thấy cậu. Nhiều lúc Cố Minh Tịch chỉ giữ nguyên một tư thế ngồi trên ghế, khom lưng, gập chân đặt lên mặt bàn, cây bút trên ngón chân cậu không ngừng chuyển động phục vụ chủ nhân của nó làm bài.
Chỉ có một lần khi Bàng Sảnh đi vào từ cửa sau là thấy Cố Minh Tịch ngồi thẳng lưng dựa vào ghế, hai chân để dưới đất, hai tay áo trống không bất động buông thõng bên người, đang quay đầu nhìn ra cửa sổ.
Đám học sinh trong lớp đang cười nói ầm ĩ nhưng cậu gần như không hề hay biết, chỉ lẳng lặng phóng tầm mắt nhìn ra cửa sổ.
Đương là những ngày đầu xuân thời tiết rất đẹp, trải qua cả mùa đông, cây cối trên sân thể dục bắt đầu đâm chồi nảy lộc, trông xanh mướt thật thích mắt. Bầu trời xanh ngắt một màu, chỉ có vài đám mây trôi lãng đãng, Bàng Sảnh chợt nhớ tới lúc mình ngồi cạnh cửa sổ, cảm giác đôi má được làn gió dịu dàng mơn man thật dễ chịu.
Bàng Sảnh biết Cố Minh Tịch rất ít khi nhìn ra bên ngoài như vậy bởi vì nếu tầm mắt nhìn theo hướng đó, cậu sẽ bị Bàng Sảnh cho là đang nhìn mình. Sau đó cô sẽ dùng đầu bút chọc vào sườn Cố Minh Tịch, dữ dằn mắng: “Nhìn gì mà nhìn! Quay ra chỗ khác ngay!”
Còn bây giờ, cậu ngồi ở vị trí bên cạnh cửa sổ, sẽ không còn bị người nào che khuất tầm mắt nữa. Cậu cứ nhìn mãi ra bên ngoài như vậy, chỉ cho Bàng Sảnh nhìn thấy gáy mình, khiến cô không đoán được vẻ mặt cậu.
Đúng là này Cố Minh Tịch bất ngờ quay lại, Bàng Sảnh không kịp nhìn sang chỗ khác, hai tầm mắt thình lình giao thoa.
Cố Minh Tịch không thể tỏ ra xấu hổ, ánh mắt cậu tĩnh lặng như nước, nhìn qua Bàng Sảnh thật nhanh rồi cậu tháo giày, đặt hai chân lên bàn, cúi gằm mặt xuống.