Bàng Sảnh ngồi cạnh chiếc thùng, lần lượt lấy từng món đồ ra ngoài. Trong thùng đa số là truyện tranh, từng bộ truyện đầy đủ không thiếu quyển nào, còn mới đến tám mươi phần trăm, toàn là những bộ truyện Bàng Sảnh thích nhất hồi cấp hai. Hồi đó cô không có tiền mua, Cố Minh Tịch liền đi mua rồi bảo cô thích xem thì sang nhà cậu lấy. Bây giờ cậu chuyển đi và để lại những cuốn truyện này cho cô.
Còn có một chiếc máy chạy đĩa CD cầm tay hiệu Panasonic. Bàng Sảnh biết chiếc máy này rất nhiều tiền, Lý Hàm bỏ ra hơn hai nghìn để mua nó về. Bàng Sảnh cũng hiểu tại sao Cố Minh Tịch lại tặng chiếc máy này cho mình, bởi vì từ khi nó được mua về đến nay đa số đều được vận hành dưới bàn tay Bàng Sảnh.
Đặt cùng chiếc máy là hơn chục đĩa CD tuyển tập các bài hát của một số ca sĩ đang hot hiện nay, cũng đều là những ca sĩ mà Bàng Sảnh thích. Nhớ lại lúc cùng Cố Minh Tịch đi vào cửa hàng bán đĩa, lúc nào cô cũng cầm các CD tuyển tập lên và nói: “Cố Minh Tịch, bài hát chủ đề của CD này rất hay nhé! Em nghe đi nghe lại trên radio đó.”
Cố Minh Tịch liền nói: “Vậy hả? Để anh mua về nghe thử.”
Bàng Sảnh lại mặt dày nói: “Nghe xong anh cho em mượn nghe nhé.”
Cố Minh Tịch sẽ ngoảnh đi, đáp: “Không cho mượn!”
“Anh thật hẹp hòi!”
Cuối cùng, dĩ nhiên cậu sẽ không keo kiệt.
Và đến cuối cùng của cuối cùng, những ca sĩ cũng như các tuyển tập mà Bàng Sảnh yêu thích, cậu đều để lại cho cô.
Ngoài ra còn có một số đồ vật nhỏ khác, toàn là những thứ đồ chơi được Bàng Sảnh buột miệng khen “xinh quá” hay “cái này hay thế, cho em mượn chơi một lúc” trong những lần vào phòng Cố Minh Tịch. Chẳng hạn một chiếc đồng hồ cát cực kỳ tinh xảo, một quả táo bằng thủy tinh, một bức tượng nhỏ của nhân vật nào đó trong truyện tranh Nhật, và còn một tập ký họa rất dày.
Trong tập ký họa là những nhân vật manga mà Bàng Sảnh yêu thích. Cô không biết thì ra trước khi Cố Minh Tịch vẽ cho cô đều phải vẽ nháp. Và cuốn ký họa này chính là tập hợp những bản nháp của cậu.
“Đúng là coi mình như bãi rác.” Ngoài miệng nói vậy nhưng Bàng Sảnh lại thấy mũi cay cay. Sau khi lấy hết đồ ra khỏi thùng, Bàng Sảnh phát hiện dưới đáy là một chiếc hộp nhỏ được đóng gói cẩn thận, mở ra xem mới biết bên trong là một cái vợt đánh bóng bàn.
“May mà cũng có đồ mới.” Bàng Sảnh lấy chiếc vợt ra, cầm trên tay vung thử, khóe môi bất giác cong lên.
Trong giờ tập đánh bóng bàn, Tạ Ích nhìn thấy chiếc vợt mới trên tay cô.
“Ái chà chà, cậu mua từ bao giờ đấy?” Tạ Ích cầm vợt của Bàng Sảnh lên nhìn thật kỹ, còn thử vung vẩy vài cái. Khung vợt là gỗ thô, nhìn không mấy bắt mắt, mặt trên dán keo màu đỏ.
Bàng Sảnh không hiểu ý cậu, liền đáp: “Có người tặng cho tớ.”
Tạ Ích nói: “Cây vợt này của cậu phải đến mấy trăm nghìn, quá xịn với người mới tập đánh.”
Bạn Bàng Sảnh mỗi tháng chỉ được cho sáu mươi đồng tiêu vặt giật thót tim: “Mấy… mấy trăm?”
“Ừ, ít nhất là tám trăm, thậm chí có thể hơn một nghìn.” Tạ Ích chỉ vào LOGO in trên cây vợt cho Bàng Sảnh nhìn: “Stiga, nhãn hiệu của Thụy Điển, mặc dù hơi đắt nhưng dùng rất thích.”
“Sao lại đắt thế chứ?!” Bàng Sảnh trợn mắt: “Tớ thấy vợt DHS trong siêu thị có ba mươi đồng! Hai cái này có gì khác nhau chứ?!”
“…” Tạ Ích khẽ búng tay lên trán cô, “Đồng hồ bán ở vỉa hè mười đồng một cái cũng có, đồng hồ bán ở trung tâm thương mại có giá đến mấy nghìn, mấy chục nghìn, chẳng phải chỉ để xem giờ thôi sao, cậu nói xem có gì khác nhau chứ?!”
Bàng Sảnh nghiêm mặt đáp: “Đúng là tớ cảm thấy chẳng có gì khác nhau cả.”
Tạ Ích cười sằng sặc: “Tớ không nói lại cậu, chăm chỉ mà tập luyện, đừng lãng phí cây vợt và phụ lòng người tặng vợt cho cậu.”
Cậu vừa nói xong thì tầm mắt Bàng Sảnh liền hướng về rìa sân theo thói quen, thế nhưng lần này cô lại không nhìn thấy người đó.
Bấy giờ cô mới nhớ ra Cố Minh Tịch đã chuyển nhà nên tan học cậu sẽ đi về một mình, không còn đến sân vận động chờ cô nữa.
Khu nhà mới của Cố Minh Tịch tên là Tân Uyển của công ty Kim Khí, nằm ở phía Tây của trường Nhất Trung trong khi khu tập thể Kim Khí thì lại nằm ở phía Đông của ngôi trường này.
Điều này đồng nghĩa với việc khi học, Bàng Sảnh và Cố Minh Tịch cùng đi ra khỏi cổng trường thì một người sẽ rẽ trái còn người kia rẽ phải, chứ không còn đi chung một con đường nữa.
Tối về đến nhà, Bàng Sảnh vẫn canh cánh mãi trong lòng về cây vợt có giá mấy trăm nghìn đó. Cô đứng trước cửa phòng báo cáo với bố mẹ là có một bài không làm được, muốn gọi điện cho Cố Minh Tịch.
Ngồi trong phòng khách, Bàng Sảnh bấm số điện thoại cố định nhà Cố Minh Tịch. Người nhấc máy là Cố Quốc Tường, Bàng Sảnh liền nói: “Bác ơi cháu là Bàng Sảnh đây ạ, Cố Minh Tịch có nhà không ạ, cháu có một bài tập muốn hỏi anh ấy.”
Cố Quốc Tường im lặng một lúc rồi nói: “Có, để bác gọi nó ra nghe điện. Nhưng… Sảnh Sảnh, bác gợi ý cháu thế này, sau này nếu có bài nào không làm được thì hãy để đến hôm sau đi học mà hỏi thầy cô giáo. Dù sao Minh Tịch cũng không còn ở cạnh nhà cháu nữa, chương trình học bây giờ lại nhiều, bản thân nó cũng rất vất vả.”
Bàng Sảnh đờ đẫn, bèn nói: “Vâng cháu biết rồi ạ, cháu xin lỗi bác, lần sau cháu sẽ không, cháu…”
Bất ngờ một giọng nói loáng thoáng vọng ra từ trong ống nghe: “Bố, Bàng Sảnh gọi đến ạ?”
Bàng Sảnh im lặng, Cố Quốc Tường ừm một tiếng, đầu dây bên kia vọng vào tiếng chuyển ống nghe rồi sau đó là giọng nói trong trẻo của Cố Minh Tịch, vẻ vui mừng nồng đượm: “Bàng Bàng?”
“Vâng, em đây.” Giọng Bàng Sảnh ủ dột thấy rõ.
“Có bài nào không làm được à? Môn nào? Nói cho anh biết đi.”
“Không phải…” Bàng Sảnh cắn môi nói thật với cậu, giọng thật khẽ: “Em chỉ muốn nói chuyện với anh thôi.”
“Hả?” Cố Minh Tịch lấy làm ngạc nhiên, rồi cũng hạ thấp giọng nói: “Em sao thế?”
Nghĩ đến mục đích ban đầu khi mình gọi cuộc điện thoại này, Bàng Sảnh liền trách móc Cố Minh Tịch: “Hôm nay Tạ Ích nói với em là cây vợt anh tặng rất đắt, tại sao anh lại mua cây vợt đắt như vậy cho em? Bố mẹ anh có biết không hả? Nếu bố em mà biết em nhận quà đắt tiền như vậy của anh, chắc chắn bố sẽ mắng em!”
“Vì chuyện này mà em gọi điện cho anh?” Cố Minh Tịch chầm chậm lên tiếng, “Em yên tâm không ai biết đâu. Anh mua bằng tiền tiên vặt của mình, bình thường anh không tiêu nhiều tiền nên lâu lâu cũng tích cóp được một ít.”
Bàng Sảnh vẫn thấy rất ngại, liền nói: “Còn nữa, anh chuyển nhà thì cứ chuyển, tại sao để lại cho em nhiều đồ như vậy? Cả chiếc máy chạy CD kia, nếu mẹ anh phát hiện không thấy nó ở nhà thì sao?”
“Anh ra ngoài một mình cũng không tiện nghe nhạc.” Ý cười thấp thoáng trong giọng nói của Cố Minh Tịch: “Sau này có cơ hội ra ngoài cùng nhau, em hãy mang nó đi cùng, mỗi đứa sẽ nghe một bên tai nghe như ngày xưa.”
Bàng Sảnh liền không biết nói gì nữa. Thấy cô không nói gì, Cố Minh Tịch hỏi: “Sao vậy, em không thích mấy món đồ anh tặng em à? Mặc dù là cũ, nhưng… thực ra đều bị em làm cũ mà.”
“Nói vớ vẩn!” Bàng Sảnh chán nản kêu lên, “Đúng rồi Cố Minh Tịch, em còn chưa hỏi anh, vậy anh tặng em mấy cuốn đề mẫu tiếng Anh, bộ đề Toán, Lý, Hóa mới tinh là ý gì?!”
**
Những cây ngô đồng Pháp bên đường chỉ còn trơ trụi cành không. Mùa đông tới, rất nhiều hộ gia đình trong khu tập thể kim khí lục tục chuyển tới Tân Uyển.
Bàng Sảnh bắt đầu đi học bằng xe đạp. Lúc đến nhà để xe lấy xe, cô cảm nhận được một cách rõ ràng rằng lượng xe ở đây ngày càng ít đi.
Ông lão Tăng ở phòng trực ban vẫn ngồi trước cửa phòng hút thuốc như mọi khi, trên bếp than đang đun thứ gì đó. Lúc đạp xe về, Bàng Sảnh sẽ chào ông: “Cháu chào ông Tăng!”
Ông Tăng sẽ cười khà khà nói: “Mập đấy à, Minh Tịch đi rồi nên chỉ còn mình cháu thôi nhỉ?”
Ngoài chuyển nhà, việc di dời nhà máy cũng bắt đầu được tiến hành. Nhà máy mới ở Thành Tây đã bắt đầu đi vào sản xuất, diện tích rộng hơn nhà máy cũ trong nội thành rất nhiều, thiết bị cũng tiên tiến hơn, còn có một khu nhà văn phòng kiểu mới.
Nhưng tất cả những điều này đều không có bất cứ liên quan gì đến gia đình nhỏ của Bàng Sảnh.
Qua sự giới thiệu của Cố Quốc Tường, Bàng Thủy Sinh tới làm việc tại một xí nghiệp tư nhân, vẫn là công nhân hàn điện, lương cao hơn trước nhưng cường độ làm việc cũng tăng lên rất nhiều, cứ ba ngày thì hai ngày phải làm thêm giờ, tiền lương làm thêm giờ cũng rất khá.
Còn Kim Ái Hoa thì hàng ngày sẽ đi xe bus của công ty đến làm việc tại nhà máy mới ở Thành Tây, chị không còn là nhân viên của bộ phận tài vụ nữa mà chuyển sang làm thủ kho. Mặc dù kho hàng có một phòng nghỉ có lắp điều hòa nhưng trong giờ làm việc, chị chỉ có thể mặc bảo hộ lao động thật dày chịu đựng những cơn gió rét căm căm trong kho hàng trống trải. Lạnh còn dễ đối phó chứ chỉ cần nghĩ đến mùa hè năm sau, nhiệt độ cao ngất trong kho mới là thử thách sức chịu đựng của con người.
Hôm nào Kim Ái Hoa tan ca về đến nhà cũng đã tối muộn, Bàng Thủy Sinh lại suốt ngày phải làm thêm giờ, vì vậy Bàng Sảnh thường gặp phải cảnh vườn không nhà trống sau mỗi buổi đi học về.
Cô đã học được cách vo gạo và cắm cơm bằng nồi điện, còn thức ăn thì mới đợi bố mẹ về nấu, nếu đói quá thì đành úp mì ăn liền ăn tạm.
Lúc ăn mì, cô sẽ nhớ tới căn nhà số 502 đối diện, căn nhà đó đã bị bỏ không suốt một thời gian dài. Bàng Sảnh có hỏi bố là sau khi thu hồi, công ty Kim khí sẽ xử lý nó như thế nào. Bàng Thủy Sinh nói: “Chắc là sẽ xếp cho những công nhân trẻ mới vào nhà máy ở xem như là ký túc xá của công ty, chứ không biến thành tài sản riêng của công nhân nữa.”
Khi đó Bàng Thủy Sinh nhận được bảy vạn tiền chấm dứt hợp đồng lao động. Anh bỏ ra bốn vạn mua đứt quyền sở hữu căn nhà số 501, và kể từ đó, anh không còn bất cứ mối quan hệ nào với công ty kim khí nữa.
Đến tháng một năm sau, quá trình di chuyển nhà máy của công ty Kim khí gần như đã hoàn thành toàn bộ, chỉ còn lại một vài công việc cuối cùng. Thậm chí cửa chính của nhà máy cũ còn bị dán giấy niêm phong, lúc đạp xe qua đó, Bàng Sảnh vẫn chưa thể quen ngay với việc một mảnh đất vốn dĩ bị chiếm bởi một nhà máy rộng lớn giờ lại trở nên trống trải và hiu quạnh đến thế.
Cô vẫn nhớ như in không khí ngày trước ở đây mới náo nhiệt và sôi động làm sao, hàng trăm, hàng nghìn công nhân ra ra vào vào, trong nhà máy có phòng chiếu phim, nhà tắm công cộng, nhà trẻ, hội trường, thậm chí còn có cả một bệnh viện nhỏ.
Bàng Sảnh sinh ra và lớn lên tại nơi đây, công ty Kim khí giống như một hình ảnh thu nhỏ của xã hội rộng lớn vào thời điểm đó, đã khắc sâu vào tâm khảm cô. Mười mấy năm qua đi, hòa nhịp với thế giới biến động từng ngày ngoài kia, nơi này cuối cùng cũng hoàn toàn thay hình đổi dạng.
Trong cuộc thi cuối học kỳ một lớp Mười, thành tích của Bàng Sảnh thụt lùi một bậc, là người đứng thứ năm của lớp từ dưới lên.
Đội sổ, thứ sáu từ dưới lên, thứ năm từ dưới lên… Cô đã tê dại, đã hoàn toàn chấp nhận thân phận mới – là học sinh học kém và chậm tiến của lớp rồi.
Trở về sau buổi họp phụ huynh, Bàng Thủy Sinh liền phủ đầu bằng một trận mắng mỏ: “Minh Tịch xếp thứ ba của khối, thứ ba của khối! Còn con thì sao? Đứng thứ năm từ dưới lên của lớp! Khóa của con có hơn bốn trăm năm mươi học sinh, có lẽ con chính là những người kém nhất, xếp cuối cùng! Con không thấy xấu hổ hay sao?!”
Bàng Sảnh khóc không ra nước mắt, cô rất muốn nói với bố là cô đã hỏi thăm rồi, với thành tích của mình có lẽ xếp khoảng thứ ba trăm năm mươi của khối.
Trong kỳ nghỉ Tết, Bàng Sảnh và Cố Minh Tịch có hẹn đến nhà mới của cậu chơi.
Trước đó, vào thời điểm trang trí nhà mới, Bàng Sảnh đã đến chơi một lần, lúc đó đồ gia dụng và đồ điện còn chưa được lắp đặt mà mới xong các phần chính là trần, tường, nền nhà, điện nước. Tới khi Cố Minh Tịch dọn nhà, lại gần với thời gian thi cuối kỳ nên Bàng Sảnh chưa có dịp đến lần nữa.
Một mình cô đi xe bus mất hơn một tiếng mới đến trạm cuối cùng. Vừa xuống xe đã thấy Cố Minh Tịch đứng đợi ở đó.
Bàng Sảnh chạy về phía cậu, trách: “Sao lại tới đón em làm gì, em biết đường mà!”
Cố Minh Tịch chỉ cười: “Phải đi bộ hơn mười phút nên anh muốn tới đón em!”
Cùng Cố Minh Tịch đi bộ trên đường, Bàng Sảnh nhận ra con đường cái còn hoang vắng quạnh hiu vào nửa năm trước giờ đã có phần náo nhiệt hơn. Xe cộ nhiều, các hàng quán ven đường cũng bắt đầu có, không còn vắng vẻ như lần cô và Cố Minh Tịch đầu tiên đến đây vào mùa hè năm ngoái.
Thấy Bàng Sảnh xách theo một túi nilon màu đen, Cố Minh Tịch tò mò hỏi: “Em mang gì tới vậy?”
“À…” Bàng Sảnh mở túi cho cậu xem, “Bố em làm ba con vịt rưới nước tương, với một ít lạp xưởng của bà nội em nữa. Bố em nói từ nhỏ bác Cố đã thích ăn lạp xưởng của bà nội em làm.”
“Ừ, đúng là bố anh rất thích.” Cố Minh Tịch gật đầu, “Nhưng anh thích vịt rưới nước tương hơn, món đó bố em làm rất ngon. Anh còn nghĩ năm nay không được ăn chứ!”
Bàng Sảnh nở nụ cười hồn nhiên.
Cố Minh Tịch hỏi: “Em xách có nặng không?”
“Hơi hơi.” Bàng Sảnh ước chừng cân nặng, mỉm cười: “Nhưng nghĩ đến mang đồ ăn ngon đến cho anh, em xách được!”
Bàng Sảnh đi theo Cố Minh Tịch đến nhà cậu. Đang trong đợt nghỉ Tết nên cả Cố Quốc Tường và Lý Hàm đều ở nhà. Lý Hàm đón lấy túi nilon trên tay cô rồi bảo Cố Minh Tịch đưa Bàng Sảnh đi thăm quan nhà mới.
Chẳng đợi Lý Hàm cho phép, đôi mắt của Bàng Sảnh đã sớm liếc nhìn bốn xung quanh nhà. Trong nhà có đồ đạc và hơi người nên rõ ràng ấm áp và đáng yêu hơn nhiều. Bàng Sảnh thấy nhà Cố Minh Tịch rất đẹp, vừa rộng rãi vừa sáng sủa, lại còn có mùi sơn thoang thoảng nữa.
Cô đặc biệt chú ý đến căn phòng phía Nam của phòng ngủ chính, phát hiện nó tạm thời đang trở thành một nhà kho, chẳng có gì ngoài mấy thùng các tông và những đồ không dùng tới.
Tham quan xong, Cố Minh Tịch dẫn Bàng Sảnh vào bếp. Lý Hàm đang chuẩn bị bữa trưa, Cố Minh Tịch hỏi: “Mẹ ơi trưa nay ăn gì ạ?”
Lý Hàm nói: “Cá quả thái lát, thịt bò kho, canh gà nấu với ngô và mấy món khác nữa.”
“Ngon quá!” Bàng Sảnh níu tay Lý Hàm: “Lâu lắm rồi cháu không được ăn cơm bác nấu! Cháu thích nhất món canh gà của bác!”
“Bác nấu món đó theo kiểu ở quê bác.” Cũng đã lâu rồi Lý Hàm không gặp Bàng Sảnh, chị mỉm cười nói: “Sảnh Sảnh thấy nhà mới của Minh Tịch thế nào?”
“Đẹp lắm ạ!” Bàng Sảnh khen thật lòng, rồi cô chớp chớp mắt, nói tiếp: “Nhưng hình như có một phòng vẫn chưa bày đồ đạc.”
“À... Ừ...” Sắc mặt Lý Hàm thoáng ngại ngùng liền sai Cố Minh Tịch: “Ôi trời, hai đứa nhỏ đừng luẩn quẩn trong bếp nữa, Minh Tịch đưa Sảnh Sảnh ra phòng khách xem ti vi đi.”
Lúc Bàng Sảnh đi theo Cố Minh Tịch ra phòng khách thì nhìn thấy Cố Quốc Tường đang lạnh nhạt xem ti vi trên sô pha. Anh vẫn ngồi đó từ khi Bàng Sảnh vào nhà đến giờ, ngay cả lúc Bàng Sảnh chào, anh ta cũng chỉ gật đầu với cô bé.
Thấy Cố Quốc Tường như vậy, Bàng Sảnh hơi sợ sệt, bèn giật nhẹ tay áo Cố Minh Tịch: “Cố Minh Tịch.”
“Hả?” Cố Minh Tịch quay lại.
Bàng Sảnh khẽ nói: “Hay là vào phòng anh chơi đi.”
Dĩ nhiên Cố Minh Tịch cũng thấy thái độ của Cố Quốc Tường, cậu thấy hơi buồn nhưng vẫn gật đầu: “Ừ.”
Phòng cậu hướng Bắc, cửa sổ nhìn ra đường cái, nhưng vì ở trên tầng cao mà xe cộ lại không nhiều nên chỉ cần đóng cửa sổ là không còn nghe thấy tiếng ồn gì nữa.
Bàng Sảnh loanh quanh mấy vòng trong phòng mới của Cố Minh Tịch, tò mò sờ hết thứ này đến thứ nọ. Phòng cậu sạch như li như lau, hai màu chủ đạo là xanh thẫm và màu gỗ, giá sách được đóng riêng, cao tầm ngang đầu Bàng Sảnh để cậu tiện lấy đồ hay để đồ lên đó bằng chân.
Cố Minh Tịch ngồi trên giường, hỏi: “Bàng Bàng, em không nhận ra phòng anh có thêm gì à?”
“Có thêm gì?” Bàng Sảnh nhìn quanh quất cuối cùng mới nhận ra một chiếc bàn máy tính mới tinh đặt gọn trong góc phòng, bàn rất thấp, trên đó là một bộ máy tính để bàn.
“Máy tính!” Bàng Sảnh vui vẻ reo lên, “Anh mua máy tính bao giờ đấy?”
“Thi cuối kỳ xong thì đi mua.” Cố Minh Tịch đi tới bên cạnh Bàng Sảnh, gác chân lên mặt bàn, dùng ngón chân khẽ đẩy bàn phím rồi nói: “Bây giờ tốc độ đánh chữ của anh khá tốt, một phút đánh được hơn bảy mươi chữ đó.”
“Giỏi quá!”
Nhận thức về máy tính của Bàng Sảnh chỉ đến từ mỗi tuần một tiết học Tin học ở trường mà thôi. Cô chưa lên mạng bao giờ, cũng không hiểu thế nào là internet. Cố Minh Tịch bật máy rồi lên mạng chỉ cho cô cách đọc báo, vào chat room thế nào, còn dạy cô chơi dò mìn.
Ngón chân cậu gõ bàn phím một cách thành thạo, thỉnh thoảng lại chuyển sang kích chuột vài cái, Bàng Sảnh nhìn hoa cả mắt, trái tim cũng bắt đầu rúc rích, đòi Cố Minh Tịch cho mình chơi thử một lúc.
Nhưng mới được một lát cô đã không còn thích thú gì nữa, bàn máy tính của Cố Minh Tịch thực sự rất thấp làm cô phải khom lưng xuống để dùng, rất khó.
Cố Minh Tịch hơi xấu hổ, bèn nói: “Trong ngăn kéo có đồ ăn vặt và nước uống, toàn những thứ em thích, tự lấy nhé.”
Bàng Sảnh chọn một túi khoai tây chiên, bóc ra rồi nhai rôm rốp. Cô nhìn thấy sau cửa phòng có dán một bức ảnh của ngôi sao đá bóng nào đó, bèn hỏi: “Đó là ai vậy?”
“Hách Hải Đông.” Cố Minh Tịch nói: “Tiền đạo chơi hay nhất của Trung Quốc.”
“Không biết.”
Cố Minh Tịch bật cười: “Vậy em biết ai?”
“...” Bàng Sảnh nghĩ ngợi một lúc, “Em không biết ai cả.”
“Thế thì thôi.”
Hai người im lặng một chốc, Bàng Sảnh hỏi: “Dạo này anh có đọc truyện tranh không?”
“Không, em thì sao?”
“Em cũng không đọc mấy.”
Cố Minh Tịch: “Lâu lắm rồi anh không đọc truyện.”
“Em cũng thế.”
Sau năm câu nói, bầu không khí lại rơi vào tĩnh lặng. Không hiểu sao cảm giác chua chát lại dâng lên trong lòng Bàng Sảnh, cô và Cố Minh Tịch vẫn ngồi cùng bàn ở lớp nhưng sau kỳ thi cuối học kỳ, họ đã hơn mười ngày không gặp nhau, bây giờ được gặp thì dường như ngoài việc học lại chẳng có chuyện gì để nói.
Trước đây không như vậy. Trước đây họ không giấu nhau bất cứ điều gì, gần như lúc nào cũng như hình với bóng. Từ sáng rời khỏi nhà đi đến trường đến chiều muộn đi từ trường về nhà, Bàng Sảnh còn sang nhà Cố Minh Tịch làm bài, mười mấy tiếng ở cùng nhau mà họ vẫn có chuyện không kịp nói hết.
Cố Minh Tịch lại đi tới bên cạnh chiếc máy vi tính, dùng chân mở ngăn kéo lấy đĩa CD bên trong ra rồi hỏi Bàng Sảnh: “Em muốn xem phim không?”
“Được.”
“Xem phim gì?”
“Phim gì cũng được.”
Cậu liền chọn một đĩa phim cho vào khu vực chạy đĩa trên case máy tính. Đó là phim “Gladiator” của điện ảnh Hollywood, Cố Minh Tịch đã xem một lần còn Bàng Sảnh mặc dù chưa xem nhưng thực sự cũng không thích kiểu phim hành động máu me như vậy. Thế là cả hai đều không mấy thích thú.
Đúng lúc đó một tiếng âm chát chúa chói tai vang lên bên ngoài, hình như là tiếng vỡ của bát đũa hay đồ sứ, thủy tinh gì đó rơi xuống đất.
Âm thanh rất lớn, hình như không phải vô tình làm rơi mà thành, mà hình như là bị xô đổ hay ném xuống nền nhà.
Bàng Sảnh và Cố Minh Tịch đều giật mình, hai người liếc nhìn nhau, Bàng Sảnh chưa kịp lên tiếng thì tiếng đổ vỡ thứ hai, thứ ba đã xuất hiện.
Tiếng choang choang không dứt bên tai, Bàng Sảnh đã sợ đến đờ ra, chỉ biết thẫn thờ nhìn Cố Minh Tịch. Bất ngờ, tiếng hét chói tai của Lý Hàm vang lên: “Cố Quốc Tường! Nếu như hôm nay anh dám bước ra khỏi cửa nhà này thì đừng bao giờ về nữa!”
Cố Quốc Tường không đáp lại nhưng hình như thấp thoáng có tiếng lôi lôi kéo kéo và tiếng mắng lộn xộn của Lý Hàm.
Sau đó cuối cùng Cố Quốc Tường cũng gào lên: “Em còn chưa chịu thôi đi hả?!”
“Huhu” Lý Hàm bật khóc đau đớn tâm can khiến trái tim Bàng Sảnh đập nhanh hơn rất nhiều. Cả cô lẫn Cố Minh Tịch đều đang ngồi thừ ra tại chỗ, rồi nghe thấy tiếng Lý Hàm vạch trần tội lỗi của Cố Quốc Tường.
Ngay khi chị nói ra câu thứ hai, Bàng Sảnh đã đứng dậy thật nhanh, cô đứng trước mặt Cố Minh Tịch, không mảy may do dự đưa tay bịt chặt hai tai cậu.
Cậu thiếu niên ngồi trước mặt cô với gương mặt tái nhợt, cả cơ thể căng lên hết cỡ rồi bắt đầu run dữ dội, ngay cả hai tay áo trống không kia cũng bắt đầu bay phấp phới một cách khó kiểm soát.
Bàng Sảnh dùng hết sức bịt chặt tai cậu, dù biết mình làm cậu đau nhưng cô mặc kệ, cô chỉ biết mình không muốn để cậu nghe thấy những lời nói của Lý Hàm, và cả tiếng Cố Quốc Tường trả lời vợ mà thôi.
Cố Minh Tịch cứ ngẩng lên nhìn cô mãi, trong đôi mắt trong trẻo kia là vẻ mơ hồ rất rõ. Bàng Sảnh dũng cảm cúi xuống mải miết nhìn cậu, thậm chí còn nhoẻn miệng cười với Cố Minh Tịch.
Trời lạnh căm căm, hai tai Cố Minh Tịch bị bịt chặt dưới đôi tay lạnh như đá của Bàng Sảnh, trong tai chỉ còn tiếng ong ong, cậu nghe được tiếng của mẹ, thỉnh thoảng xen lẫn tiếng của bố nhưng không rõ là họ nói gì.
Những lời nói ác độc gây tổn thương kia lọt vào tai Bàng Sảnh không sót một chữ, trong lòng cô sợ hãi vô cùng, cảm giác như đây là ngày tận thế. Thế nhưng với Cố Minh Tịch, cô vẫn giữ nguyên nụ cười.
Dần dần, dần dần, thế giới ngày càng yên ắng hơn, sắc mặt Cố Minh Tịch không còn đáng sợ như trước nữa, cơ thể cậu cũng dần bình tĩnh lại, cuối cùng, cậu thậm chí còn nhắm nghiền mắt.
Bàng Sảnh vẫn cứ mạnh tay che kín hai tai cậu mãi đến khi bên ngoài lặng phắc như tờ.