Nơi quan trọng nhất tại Vương Đô có tên Vấn Thiên Liêu, được dùng để cúng bái Linh đài Thập nhị tiên, phụ trách bói thiên cơ và có mối quan hệ mật thiết với các tiên môn cường thịnh đương thời.
Trông coi Vấn Thiên Liêu là hai vị Tả Hữu đại liêu sứ, phụ thân của Vân Hãi là một trong hai vị đó.
Công việc này vừa oai phong vừa nguy hiểm, nó khiến người khác ngưỡng mộ và cũng làm bao người đố kỵ. Những lúc tốt đẹp thì huy hoàng bậc nhất, mà lúc tệ lậu lại tan cửa nát nhà.
Vân Hãi gặp Minh Vô lần đầu tại phủ dành cho khách bên trong Vấn Thiên Liêu.
Khi đó hắn vẫn còn nhỏ, lại được nuông chiều từ bé nên xem Vấn Thiên Liêu như căn phủ thứ hai của gia đình và vẫn thường đùa giỡn trong sân vườn bên ngoài hành lang khách phủ.
Hôm nọ, hắn đuổi theo một chú chồn thông và rẽ gấp qua khúc cua hành lang, suýt nữa đã đụng trúng một vị khách vãng lai.
Giữa lúc hớt hải, một cơn gió lộng lên từ hư không chắn ngang trước mắt, kế đó có bàn tay đỡ trán hắn đang chúc về phía trước.
Những người có trách nhiệm chăm sóc hắn hô to “Cẩn thận” rồi nháo nhào chạy đến. Họ bế vội hắn lên và lùi về sau mấy bước, tiếp đến cúi đầu với vị khách kia theo một tác phong vừa kiêng dè vừa kính sợ.
Chỉ mỗi Vân Hãi không biết sợ là gì, còn tò mò ngẩng đầu nhìn.
Hoa Tín hôm đấy khoác dáng vẻ người thường chốn nhân gian, không dắt theo huơu trắng như trong tranh và tay cũng không nâng đèn chiếu thế. Trang phục hắn chỉ thuần một màu trắng giản đơn, tóc buông dài vén lên ngẫu nhiên và được cắm xéo qua bởi một cây trâm gỗ chưa khắc hình.
Đây là phong cách thường gặp nhất của người đi đường trên phố xá Vương Đô, thế mà vẫn khiến người nhìn ngẩn ngơ.
Đến khi Vân Hãi hoàn hồn, Hoa Tín đã đi đến cuối ngã rẽ hành lang và bước chân vào khách đường, bóng bạch y lướt trên ngưỡng cửa cao cao, thoắt cái đã mất dạng.
Vân Hãi ngoái đầu, ngẩng mặt hỏi người chăm sóc mình, “Đó là ai thế?”
Họ chỉ ậm ừ nhè nhẹ rồi bế hắn rời khỏi khách đường, khi ra đến góc sân sau hành lang mới nhỏ giọng đáp, “Đó là tiên hữu của đại nhân.”
Thuở đó Vân Hãi còn hiểu chuyện còn chưa bao nhiêu, chứ nói chi đến các quy củ giữa tiên và phàm. Hắn chỉ ngây ngô nghĩ rằng: Thần thông quản đại được gọi là “tiên”, người có quan hệ thân thiết được gọi là “hữu”.
Thành thử, hắn đinh ninh vị “Tiên hữu” nọ chính là người thế đấy, để rồi sau mới ngỡ ra người nọ vài năm mới xuất hiện một lần.
***
Lần thứ hai Vân Hãi trông thấy Minh Vô Hoa Tín, đã sáu năm trôi qua.
Khi đó, Vương Đô chìm trong loạn lạc và chướng khí mịt mù, người phụ trách Vấn Thiên Liêu đã đổi từ lâu. Phụ thân hắn bị kẻ lập mưu hãm hại, hơn một nửa gia nhân trong phủ đều mất mạng, chẳng mấy chốc mà cả phủ đệ huy hoàng đã hoá tan tác.
Tuổi hắn vẫn còn nhỏ lắm song đã mang danh con trai tội nhân, dẫn đến hệ quả không được phép dùng tên họ gốc của mình nữa. Hắn đi theo một nhóm lưu dân di cư về nam, chật vật một đường đến được Ngư Dương.
Ngư Dương bấy giờ lo ngại hoạ loạn lan đến nên vội vã phong thành, lưu dân tiến thoái lưỡng nan rồi chỉ đành sống tạm bợ trong miếu hoang ngoài sơn dã.
Đợt rét đậm năm đó lạnh lẽo cùng cực, quá nửa số lưu dân chẳng chống cự qua nổi một tháng. Thế nên, trong căn miếu hoang chốn sơn dã kia chất ngập xác chết nằm thành tụm năm tụm ba, oán khí nặng nề, dẫn về không ít các loại tà ma âm sát.
Căng mình gắng sức hết mùa đông, đã chẳng còn bao người sống sót bên ngoài sơn dã.
Vân Hãi chính là một trong số người còn lại.
Ngày hôm đó, hắn cưỡm đoạt thức ăn từ tay một sinh vật tính âm đã tàn phế nửa thân, kéo lê một bên cẳng chân bị con vật tính âm đó đánh gãy, ôm lấy mắt trái bị cào rách của mình và trốn trong một hang núi.
Hắn cuộn người ở phía sau vách đá, chùi sạch máu me quanh mắt, nắm chặt miếng thịt không rõ ngọn nguồn trong tay rồi há miệng toan cắn. Bất chợt từ trong sơn cước rét lạnh, một ánh đèn rọi tỏ giữa màn đêm.
Vân Hãi đã tập thành thói quen, không cần biết đó là người phương nào vật nơi đâu đã nhanh chân nhổm dậy muốn bỏ trốn.
Nhưng ánh đèn kia đến quá nhanh.
Hắn còn chưa kịp chạy một bước thì người nâng đèn đã đứng trước mặt.
Vân Hãi còn nhớ rõ gương mặt ấy, tuy hắn chỉ gặp qua một lần, tuy hắn không nên ghi nhớ sâu đậm, thế mà hắn thật sự nhớ rõ. Dù đã cách sáu năm ròng nhưng chỉ thoáng nhìn đã nhận ra.
Người ấy không phải ai khác mà chính là vị khách vãng lai tại Vấn Thiêu Liêu năm nào, là vị tiên hữu của phụ thân.
Vân Hãi ngước mắt nhìn người nọ, động tác giống hệt khi còn bé thơ.
Chẳng qua khi xưa, hắn mở to đôi mắt tròn xoe đầy vẻ tò mò, còn giờ đây đã mù một mắt, mang theo nửa thân thể đầy máu và gương mặt chết lặng.
Hắn lếch cánh chân gãy, quỳ xuống ngồi phía sau tảng đá lạnh lẽo, giương mắt nhìn người mà mình từng kinh hồng một thoáng năm xưa và nghe đối phương mở miệng nói, “Ta được người gửi gắm đến đón con.”
Giọng nói ấy thật êm tai, xuyên qua sương mù đêm lạnh mà rơi xuống như cơn gió ấm nồng kề cận.
Phàm nhân quá đỗi lạ kỳ. Gia phủ tan thương không khóc, sống đời khất cái lưu dân không khóc, chịu đông rét chịu đói khát không khóc, gãy chân mù mắt cũng không khóc…
Thế mà nghe người nói câu “Ta đến đón con”, hai mắt đã đỏ bừng.
Vân Hãi siết chặt tảng thịt chết trong tay với gương mặt vô cảm và đôi mắt hoen đỏ nhìn Minh Vô Hoa Tín.
Khi thấy đối phương đưa tay về phía mình, hắn bất ngờ bùng nổ, nắm chặt lấy bàn tay từng đỡ trên trán mình mà há miệng cắn mạnh xuống.
Hắn cắn rất mãnh liệt, chỉ trong giây lát mà thoáng chừng ngửi được mùi máu trong miệng. Miệng nồng mùi máu, hắn phẫn nộ đay nghiến trong lòng: Không phải người là tiên hữu ư? Nếu đã là “hữu” thì khi cha ta bị mưu hại người đang ở đâu? Khi cha ta bỏ mạng người đang ở đâu? Khi tan cửa nát nhà thì người đang ở đâu?!
Là ai gửi gắm cho người, vì cớ gì giờ lại đến đón ta?!
Dù hắn chỉ uất hận trong lòng thôi nhưng đối phương dường như nghe được tất cả.
Sau một lúc lâu, chất giọng bùi tai kia vang trên đỉnh đầu hắn, “Linh đài có thiên quy, ta không thể nhúng tay vào sự vụ dưới nhân gian.”
Giọng nói ấy dịu dàng và ngọt ngào nhưng lại không vương xúc cảm sâu đậm — không có bi ai khi bằng hữu qua đời, không có áy náy bất lực khi khoanh tay đứng nhìn, thậm chí chẳng nghe được chút nào tiếc thương, tưởng chừng chỉ là một con người mang ý chí sắt đá.
Song mãi hồi lâu sâu, Vân Hãi mới nhận ra: Tiên nhân vốn thần thông quảng đại, sao có thể bị hắn cắn mạnh vào tay, và càng không thể bị hắn cắn đến chảy máu ồ ạt.
Người kia có thể ngăn cản nhưng đã không can ngăn, người kia đang cho hắn cơ hội cắn xé cho hả giận.
Nghĩ đến đây rồi, cuối cùng hắn cũng dần nhả miệng ra.
Hoa Tín không lau đi vết thương rách miệng và máu tươi trên da, mà chỉ cúi người kiểm tra con mắt bị thương và cẳng chân gãy của hắn rồi nói, “Đi thôi, ta dẫn con về trị thương.”
Vân Hãi né đầu mình khỏi tay người kia, khàn giọng cất lời, “Không đi được.”
Hoa Tín không mảy may để tâm đ ến lời chống cự của hắn, còn hơi ngạc nhiên hỏi, “Lưỡi vẫn còn à?”
Vân Hãi, “…”
“Ta còn tưởng không nói được nữa rồi.” Hoa Tín nói, đồng thời khẽ nhấc tay.
Một con hươu trắng phóng ra từ cánh rừng phía sau, Hoa Tín đặt Vân Hãi trên lưng hươu và dẫn hươu xuống chân núi.
Dường như sợ bị té ngã, Vân Hãi vừa ngồi lên lưng đã trơ người ra, chỉ có thể ngoan ngoãn dựa vào phía trước và nghe Hoa Tín hỏi, “Con bao lớn rồi?”
Vân Hãi thầm cười gằn: Đến cả những việc này còn không biết tí gì mà dám xưng là “Tiên hữu”.
Hoa Tín vẫn giữ vẻ bình tĩnh, “Thời gian trên Tiên Đô rất chậm rãi nên ta không nhớ những việc ấy đâu.”
Vân Hãi: “Mười một.”
Hoa Tín hỏi tiếp, “Thế tên thì sao?”
Vân Hãi lại cười gằn trong lòng cái nữa.
Hoa Tín nói, “Sau này con không cần tên tục ấy nữa, nếu lấy theo danh Vân thì cứ gọi con là… Vân Hãi đi.”
Vân Hãi: “…”
Đã lâu hắn không nhắc đến tên họ của mình nên cũng sắp quên mất thật rồi. Song, khi nghe Hoa Tín nói vậy vẫn khiến trong lòng trỗi lên đau khổ mà cơ thể chẳng cách nào nhúc nhích được, hắn bèn nhắm mắt lại.
Từ đó về sau, hắn tên là Vân Hãi.
***
Phàm nhân không thể lên toà tháp ba mươi ba tầng trên Thái Nhân tiên sơn nên tất nhiên không cách nào bước đến Tiên Đô.
Khi Hoa Tín nói “Dẫn con về trị thương” ý là sắp xếp cho hắn đến nhà họ Hoa.
Người ta gọi là “sắp xếp”, nhưng trong mắt Vân Hãi, đó chẳng qua là quẳng hắn vào nhà họ Hoa.
Nhà họ Hoa năm đó chưa đến Đào Hoa châu, đệ tử môn hạ chưa đông đúc như sau này nhưng cũng đã cực kỳ hưng thịnh.
Đa số đệ tử nhà họ Hoa nhập đạo bằng kiếm, chỉ có một số ít tu về y thuật. Song dù là tu theo đường nào đi nữa thì cũng có đầy công việc và bài vở hàng ngày.
Chỉ riêng mỗi Vân Hãi vừa không có kiếm riêng mà cũng không có phương thức luyện đan để thực tập nốt.
Sau khi dưỡng lành mắt và chân, hắn ta đã rảnh rỗi đến phát điên, ngày ngày chạy long nhong khắp các toà đường trong nhà họ Hoa. Hắn hỏi gia chủ nhà họ Hoa rồi hỏi sang các vị đường trưởng lão là mình nên luyện gì thì tốt? Hoặc hỏi chừng nào hắn mới có thể sở hữu thanh kiếm cho riêng mình?
Thế mà từ gia chủ cho đến trưởng lão đều ngợi khen tư chất hắn là dạng trăm năm hiếm thấy, có kỳ tài ngút trời, căn cốt tuyệt hảo, đồng thời thoái thác nói rằng hắn là đồ đệ do đích thân Tiên thủ Linh đài là Hoa Tín nhận về nên họ không thể thay thế Hoa Tín để dạy dỗ hắn, bởi làm thế là vượt quá giới hạn, và kết luận rằng hắn nên chờ vị tiên đến tự truyền dạy.
“Vậy người kia phải đến dạy con chứ!” Vân Hãi thốt.
Gia chủ và trưởng lão đều không thể trả lời mà chỉ đành cười trừ.
Sau năm lần bảy lượt như vậy, Vân Hãi đã chán ngán việc tự vấn bản thân và không thắc mắc gì vấn đề này nữa. Thỉnh thoảng thấy đệ tử khác luyện kiếm, hắn sẽ đứng nhìn một chút. Rồi khi đệ tử luyện đan hắn cũng xem qua vài lần.
Nhưng phần lớn thời gian, hắn lòng vòng trong Tàng Thư các.
Trong Tàng Thư các có lưu giữ tượng thần và tranh chân dung của Hoa Tín. Lâu lâu, hắn đọc một quyển sách nào đấy thấy được, bèn thẫn thờ trước bức ảnh ấy cả ngày, lòng mang một nửa ngẩn ngơ một nửa trách cứ.
Tuổi trẻ thiếu niên khí phách hào hùng, sao có thể chấp nhận bị bỏ rơi.
Chưa kể, hắn thật lòng rất muốn nhanh chóng học hỏi và gầy dựng tên tuổi…
Hắn cứ lẩn thẩn như thế hai năm mà không rõ nguyên cớ, ngẩn người đến vô cảm rồi mới gặp được Hoa Tín lần nữa.
Tưởng chừng Hoa Tín đã quên bẵng đi người đồ đệ duy nhất này, hôm đấy hắn đến nhà họ Hoa cũng không phải để tìm Vân Hãi. Song, Vân Hãi tuyệt nhiên không từ bỏ cơ hội và tìm cho bằng được Hoa Tín trước khi người kia đi mất.
Đầu tiên, Vân Hãi ngoan ngoãn gọi một tiếng “Thưa sư phụ” xong xuôi mới hỏi, “Tất cả đệ tử trong môn phái đều được tu luyện, chỉ mỗi mình ta ngoại lệ. Không biết có phải sư phụ đã hối hận vì đưa ta về đây không? Nếu thật là thế, mong sư phụ đừng ngại cho ta hay, để ta tự giác rời khỏi đây là được.”
Hắn đã được nuông chiều từ tấm bé, trên người luôn mang chút gì kiêu ngạo. Về sau lưu lạc đầu đường xó chợ làm ăn mày lưu dân đã bổ sung đôi phần nhạy cảm đầy sắc bén. Khi này tuổi hắn vẫn còn trẻ, cả hai nét kiêu ngạo và nhạy cảm đều hiện rõ trên mặt chẳng chút nào giấu giếm.
Hoa Tín vốn không tính trả lời, nhưng thấy vẻ mặt hắn như vậy hồi lâu thì vẫn đưa ra một lời giải thích, “Căn cốt của con quả thật tuyệt hảo, hiếm gặp trên thế gian. Nếu con thật lòng muốn nhập đạo, ắt nhiên dễ dàng phi thăng thành tiên hơn những người khác rồi. Như vậy không cần gấp gáp chi đâu một hai năm.”
Vân Hãi hỏi, “Không cần gấp gáp một hai năm tức là bao lâu nữa?”
Hoa Tín đáp, “Chờ đến lúc thích hợp để con cầm kiếm.”
Vân Hãi vẫn không từ bỏ, “Vậy tại sao hiện tại không thích hợp?”
Mãi lâu về sau, Vân Hãi hãy còn nhớ rõ ánh mắt Hoa Tín nhìn mình trong khoảnh khắc ấy, ánh mắt thật tĩnh lặng mà tựa như thấu tỏ hết thảy. Hoa Tín nói, “Vì hiện tại con vẫn luôn nghĩ đến việc giết sạch những người đã mưu hại phụ thân con, con muốn họ phải chịu đựng mọi điều tra tấn, muốn nợ máu phải trả bằng máu.”
Vân Hãi lặng thinh.
Một lúc sau, hắn mới nói, “Sư phụ thật anh minh thông tuệ, mắt người sáng tựa ánh đuốc. Ta xác thật có nghĩ như vậy. Thế nhưng chẳng lẽ ta không nên nghĩ vậy ư? Chẳng lẽ tu hành là phải không yêu không hận, không thù không oán, chẳng lẽ ta phải giống như ngài, có thể bình tĩnh nhìn những người kia sống lâu trăm tuổi ư?”
Hoa Tín không đáp lời.
Vân Hãi vẫn nhìn hắn đau đáu, nhìn đến mức đỏ bừng hai mắt, chẳng khác gì lúc xưa tay siết chặt tảng thịt chết kia mà lặng lẽ giãy giụa cầu được sống sót trong hang động.
Cuối cùng, Hoa Tín nói, “Không ai bắt con phải giống như ta cả. Thế nhưng con nên biết tu hành là một chặng đường dài, và con đường con hằng tìm kiếm quá ngắn ngủi.”
Vân Hãi, “Ngắn ở đâu?”
Hoa Tín, “Giết người chẳng qua chỉ là một nhát kiếm. Giết xong rồi sẽ thế nào? Lúc đó con chẳng còn điểm tựa nào nữa.”
Thì chờ đến lúc không còn điểm tựa lại nghĩ tiếp.
Vân Hãi tự nói với mình. Song bên ngoài hắn chỉ mấp máy môi, sau cùng thi lễ và buông mắt, nói, “Đệ tử minh bạch, ta… ta sẽ cố gắng.”
Trên một phương diện nào đó, hắn ta quả thực là một kỳ tài ngút trời. Hắn ngỏ lời sẽ cố gắng thì không còn thấy dáng vẻ lúc trước. Hắn không ngóng trông kiếm của mình và cũng không đến những chỗ luyện đan nữa. Suốt thời gian đó, hắn vẫn một mực dành thời gian ngâm mình trong Tàng Thư các hàng ngày.
Cứ thế thấm thoắt đã qua hai năm.
Trong quãng thời gian hai năm ấy, Hoa Tín đã ba lần đến nhà họ Hoa. Cả ba lần đó, Vân Hãi đều ở yên trong Tàng Thư các chứ không đuổi theo hỏi dò sư phụ nữa.
Lần kế tiếp Hoa Tín gặp hắn, chàng trai nọ trông khác hoàn toàn cậu thiếu niên siết chặt tảng thịt chết bên trong hang núi năm nào.
Mặc dù hắn chỉ vừa mười sáu.
Hoa Tín thấy vậy, thử thách lai rai hắn thêm một năm nữa.
Đến năm mười bảy tuổi, Vân Hãi có kiếm của riêng mình.
***
Thuở trước vào thời điểm còn chưa rơi vào quên lãng, người đời từng miêu tả Vân Hãi như sau:
Người này có kỳ tài ngút trời, trăm năm hiếm thấy, mười bảy tuổi đã sở hữu kiếm riêng, sau tám năm dùi mài tu hành, hắn được hưởng vô vàn cơ duyên mà nhiều người mong mỏi cả đời cũng chẳng thấy, cuối cùng một sớm phi thăng thành tiên. Hoa Tín và hắn có tình nghĩa thầy trò sâu đậm, sau này cùng đứng trên Tiên Đô. Đây có lẽ là câu chuyện đầu tiên về hắn được người đời ca tụng…
Vì người này tuổi trẻ tài cao, câu chuyện về ngày Vân Hãi thăng thiên lên Tiên Đô đã dệt nên một giai thoại thường xuất hiện trong lời kể chúng tiên. Thế nhưng đối với bản thân, điều Vân Hãi nhớ rõ nhất vào ngày hôm ấy không phải là việc hắn đã bước l3n đỉnh tháp Thái Nhân tiên sơn ra sao, bước vào Tiên Đô như thế nào…
Mà là việc hắn đã trông thấy hai người.
Lời tác giả:
Ôi… Cuối cùng cũng viết đến người nào đó trên Tiên Đô rồi…