Thời trẻ, ba tôi là một công nhân trong xí nghiệp điện máy với mức lương chỉ vừa đủ ăn, đủ sống. Ngày đó, ông bà ngoại tôi có tích góp được chút tiền, xây một dãy nhà trọ lợp mái tôn cho người ở thuê. Bà ngoại tôi còn mở thêm quán ăn sáng đơn sơ ở ngay đầu hẻm bán phở và cháo. Những năm cuối thập niên tám mươi, khi chế độ bao cấp được xóa bỏ và Đất nước bắt đầu chuyển sang chế độ mới, cuộc sống và tình hình xã hội cũng từng bước mà phát triển. Ba tôi ở trọ trong dãy nhà của ngoại. Mẹ tôi thì ngày ngày vẫn phụ ngoại bán đồ ăn. Mẹ tôi đẹp lắm. Vẻ đẹp của tôi cũng là thừa hưởng một cách chưa đầy đủ của mẹ. Nét đẹp đơn thuần của người con gái nằm giữa hai thời kì thật sự vừa trong trẻo lại vừa ma mị. Mẹ tôi kể là ba theo đuổi mẹ trước, thường hay lấy cớ ra ăn sáng để bắt chuyện với mẹ tôi. Nhiều lần ba tôi hết tiền, còn ra ăn kí sổ để được nhìn mẹ tôi một cái. Ba tôi thì lại nói mẹ mới là người thương thầm ông. Mỗi lần ba tôi ăn phở, mẹ tôi lại dấm dúi cho thêm thịt, cho thêm bánh. Ngoại nhìn thấy chỉ tủm tỉm cười, vì cả ông bà ngoại cũng đều thương ba tôi lắm.
Mẹ tôi hơn ba hai tuổi. Vấn đề đó không quan trọng. Ba tôi vốn xuất thân nhà nông, là người từng trải và hiểu chuyện. Ba tôi khéo tay, nhiệt tình. Chuyện gì có thể là ông đều phụ giúp, làm hồ, sửa nhà, chặt củi. Ngoại tôi còn ưu ái tặng cho ba một vocher bao ăn sáng miễn phí nữa. Ba tôi ở trọ ba năm thì chiếm được hết cảm tình của mọi người. Có mấy cô cùng khu trọ thương thầm ba tôi nhưng ông không chịu. Ba chịu mẹ tôi thôi. Mẹ tôi cũng rung động. Hai người hạnh phúc mà tiến đến làm đám cưới.
Ngoại tôi có sáu người con. Mẹ tôi là con thứ sau bác trai cả. Ông bà ngoại khi xưa nghèo lắm. Chiến tranh liên miên đói khổ, lại thêm phần đông con nên ông bà không đủ sức mà lo cho tất cả. Ngoại trừ bác cả và cô út, những người còn lại đều phải bỏ dở dang việc học. Mẹ tôi học đến giữa những năm trung học, khi đã có đủ một vốn kiến thức nho nhỏ thì phải nhường lại đặc quyền đó cho những đứa em. Đó vừa là trách nhiệm của người chị lớn, vừa là trách nhiệm của một người con để về lao động phụ giúp ông bà ngoại. Giấc mơ của mẹ tôi dừng lại từ ngày đó. Giấc mơ lớn nhất cuộc đời mẹ đó là được đi học và trở thành một bác sĩ chữa bệnh cho mọi người.
Mẹ tôi là người phụ nữ nhìn xa trông rộng. Sau khi cùng ba về chung một nhà, chính mẹ là người động viên ba tôi đi học để kiếm cái bằng Trung cấp. Mẹ tôi nói được là làm được. Mẹ vừa làm, vừa gom góp tiền cho ba tôi. Ba tôi mất hai năm hơn để hoàn thành, khi đó, mẹ tôi đã chuẩn bị bước sang tuổi ba mươi.
Một cái độ tuổi không còn trẻ, nhất là đối với xã hội khi ấy. Tuy nhiên, ước mơ của mẹ tôi suốt những năm qua chưa từng vì thế mà tàn lụi. Vào khoảng thời gian mà mẹ quyết định theo đuổi ước mơ đời mình một lần nữa thì có một nguyên nhân khiến bà phải dừng lại. Đó là lúc mẹ tôi biết bà đã mang thai.
Tôi là đứa con gái duy nhất của hai người. Sự xuất hiện của tôi đã làm thay đổi quyết định của mẹ. Mẹ tôi không cần tiếp tục nữa. Bà dành hết niềm tin, hoài bão và lí tưởng sống của mình cho tôi. Những gì còn dang dở, tôi sẽ là người đứng lên thay bà mà hoàn thành nó.
Tôi sẽ là người vẽ tiếp nên những bước chân, hiện thực ước mơ mà mẹ tôi đã không thể thực hiện.
Đó là mục đích phấn đấu luôn luôn in sâu trong con người tôi từ khi tôi chỉ là một đứa trẻ.
Khác với đám bạn cùng trang lứa, mẹ là người định hình tôi từ sớm. Tôi không có nhiều đồ chơi mà tôi ao ước như bạn bè. Mẹ mua cho tôi những món đồ khám chữa bệnh, kim tiêm, máy đo, bình truyền thuốc. Bệnh nhân duy nhất của tôi là cô bé búp bê mà ba tôi tặng cho vào ngày tôi sinh nhật ba tuổi.
Mẹ hay kể những câu chuyện về chiến tranh khốc liệt cho tôi nghe. Mẹ tôi kể về những người lính bán máu xương để dành lại độc lập cho Đất nước, kể về những nữ chiến sĩ tiền phương không ngại nắng mưa, mở đường, phá núi. Mẹ kể về ông ngoại anh dũng trên chiến trường, bom dội đạn phá, trở về quê hương cùng đôi chân không còn lành lặn. Mẹ tôi nói, có một lực lượng hậu phương ở phía sau, họ là những người hùng thầm lặng, họ không ra trận, họ không đánh giặc, nhưng họ cứu sống và chữa lành những vết thương thể xác cho người chiến sĩ. Họ chính là những người bác sĩ quân nhân.
Mỗi lần nói về điều ấy, ánh mắt mẹ tôi như sáng rực lên. Trên đôi môi mẹ nở một nụ cười đầy thán phục.
Không có công chúa kiêu sa, không có những chàng hoàng tử cưỡi ngựa bạch mã. Chuyện cổ tích không đưa tôi vào giấc ngủ trẻ thơ, chính những người bác sĩ trong lời kể của mẹ mới làm điều đó.
Tôi lớn lên từng ngày trong một hình khuôn đã được định sẵn. Có lần tôi hỏi mẹ rằng, vậy bác sĩ có chữa bệnh cho những kẻ xấu không? Mẹ xoa đầu tôi trả lời, bất kể là ai, trách nhiệm của một người bác sĩ không cho phép bỏ rơi người nào. Người làm chuyện sai sẽ bị pháp luật trừng trị, còn trước đó, kẻ xấu vẫn là một bệnh nhân cần bác sĩ chăm sóc.
Tôi yêu mến và ngưỡng mộ những con người tận tâm, khoác trên mình chiếc áo blouse trắng. Chính nhờ mẹ mà tôi không hề sợ hãi trong những lần đi tiêm thuốc, không khóc toáng lên qua đôi mắt khi nhìn thấy những chiếc xi-lanh cắm vào bắp tay. Tôi được tôi luyện sự gan dạ và dũng cảm. Tuổi thơ tôi không mang màu hồng. Tuổi thơ của tôi là hai màu đỏ và trắng.
Đã từng có thời gian tôi bị mất niềm tin vào chính lí tưởng của mình. Tôi vẫn luôn cho rằng những người bác sĩ thật sự là thần là thánh. Tôi tin chắc như vậy, bởi tôi đã chứng kiến những cơn đau làm ông ngoại phải gồng mình chịu đựng. Sau đó, khi ông ngoại đi bệnh viện, được những bác sĩ cứu chữa, ông lại vui vẻ cười mà ôm lấy tôi. Tôi nghĩ là bác sĩ có phép thuật, có thể loại bỏ nỗi đau, có thể giúp ông tôi thoải mái được như thế. Cuối cùng, trong sự ngơ ngác của chính mình, tôi đã tận mắt chứng kiến mẹ tôi trút đi hơi thở.
Khoảnh khắc mà mẹ tôi run run nắm bàn tay tôi không chặt, đôi môi mấp máy không nói thành câu. Từ trong đôi mắt mẹ nhìn tôi, tôi cảm nhận được sự giày vò của căn bệnh bên trong cơ thể mẹ. Bác sĩ không cứu được mẹ, bác sĩ cũng không giúp mẹ tỉnh lại được, bác sĩ cũng không đưa mẹ trở về được bên tôi.
Mẹ lừa dối tôi. Bác sĩ không hoàn hảo như những gì mẹ luôn nói. Giây phút lâm chung, mẹ không đủ sức nói được gì, mẹ chỉ có thể rưng rưng nhìn tôi bằng ánh mắt và nụ cười. Ba tôi nói mẹ không đau đớn. Ba tôi nói mẹ đi tìm cho tôi một đôi cánh. Một ngày nào đó, mẹ tôi sẽ trở lại. Mẹ tôi không khóc, bà chỉ đang hạnh phúc. Nước mắt mang trong mình rất nhiều sắc thái khác nhau, nước mắt của mẹ tôi là nước mắt hi vọng.
Mẹ hi vọng tôi không lùi bước. Mẹ hi vọng tôi sẽ luôn giữ vững ước mơ của mình.
Tôi nhất định sẽ trở thành một bác sĩ. Tôi sẽ dùng hết sức mình, giúp cho những đứa trẻ được sống trong sự yêu thương của cả cha và mẹ.
Điều may mắn mà tôi đã không được có.
Ngày quan trọng nhất trong sự kiện cuộc đời mình, tôi bị ốm nhập viện. Tôi đã bỏ lỡ kì thi để vào được trường Đại học Y Hà Nội. Hai ngày sau, tôi thi nguyện vọng hai và đậu được vào trường Đại học X. Cũng sau sự cố đó, ba tôi bắt đầu nảy ra ý tưởng cho tôi được ra nước ngoài du học.
Tôi biết để chuẩn bị cho việc này, ba tôi đã tốn rất nhiều công sức. Ông không nghiêm khắc như mẹ tôi, trước giờ ba vẫn luôn để tôi được phép tự quyết định mọi chuyện. Bất kì quyết định nào của tôi thì ba cũng đều không phản đối. Nếu tôi nói tôi không muốn đi du học, tôi chắc rằng, ba tôi cũng sẽ không ép tôi.
Ông còn nặng lòng với mẹ lắm. Đã hơn mười năm kể từ ngày mẹ rời xa chúng tôi, ba vẫn luôn nhớ về mẹ như ngày ấy. Tuổi thơ tôi bắt gặp ông ấy lặng lẽ khóc biết bao nhiêu lần. Không dám khóc thành tiếng vì sợ tôi nghe được. Ông chỉ dám bưng chặt miệng, run rẩy ở góc phòng mỗi tối. Ông vùi đầu vào công việc cốt cũng để cho lòng bận rộn, lấy sự vất vả để mà nguôi ngoai. Bản thân ba cũng chưa từng quên ước nguyện của mẹ. Mẹ tôi không còn, ba tôi chính là người có trách nhiệm để tôi thực hiện điều đó.
Mái tóc ba tôi đã điểm bạc lốm đốm rồi. Lời nói dối của ông ấy đã trở thành một phần của con người tôi. Ba vẫn im lặng nhìn tôi. Ông ấy muốn được nghe từ tôi một câu trả lời. Bức hình mẹ tôi đang mỉm cười với tôi như vậy. Tôi rơi nước mắt. Tôi cười đáp lại ba tôi:
"Con sẽ đi du học."
Sân trường vắng lặng, trời đêm với một vài ánh sao yếu ớt. Gió lạnh hơn, không gian cũng tĩnh mịch hơn.
Năm cây xương rồng được xếp ngay ngắn đang tắm mình trong hơi sương đêm muộn.
Khung cửa sổ quen thuộc, căn phòng bé nhỏ quen thuộc, gốc cây trước kí túc quen thuộc..
Mưa không rơi sao? Lá bàng cũng không rụng nữa sao?
Chiếc ghế đá phía xa cô đơn in bóng đen trên nền gạch đã được làm mới.
Anh xuất hiện trên ban công, cặp mắt nhìn mông lung vào không gian đen thẫm.
Anh nhìn những chậu xương rồng, bàn tay vuốt ve những gai nhọn. Chiếc áo mỏng manh khẽ phập phồng trong làn gió thổi.
Rất lâu sau, anh khép cửa. Hình ảnh anh chìm khuất trong bóng tối.
Tôi cũng rời gốc cây to lớn, cứ vậy vô thức tìm kiếm một chút le lói khuôn mặt của anh.
Tôi nên làm gì đây? Nói với anh là tôi sẽ rời xa chốn này? Nói với anh là tôi sẽ bay sang Hàn Quốc? Anh có quan tâm không? Hiện thực lâu nay không phải đã quá rõ ràng rồi hay sao?
Đúng rồi Kẹo.. mày có là gì đâu mà khiến anh phải quan tâm cơ chứ? Sự xuất hiện của mày vẫn chỉ mang đến cho anh biết bao phiền phức và lắng lo. Mày còn nhớ không? Có rất nhiều lần mày hỏi anh. Đi với em anh có vui không? Anh im lặng. Có rất nhiều lần mày hỏi anh. Đi với em phiền lắm đúng không? Anh gật đầu.
Sự tồn tại của mày với anh vốn không quan trọng. Chi bằng giải thoát cho chính mình. Một giây gặp anh sẽ chỉ làm bản thân mày trở nên mềm yếu và nhu nhược. Hãy để anh thanh thản, hãy để mày có thể nhẹ nhàng mà ra đi..
Hãy để nửa năm qua phảng phất như một giấc mộng..
Mọi thứ đã ướt nhoè trong nước mắt..
Sắc thái của nó.. nước mắt của tôi nằm ở ý nghĩa nào?
Bóng đen nhẹ bước dưới tán cây xào xạc, xa ngày một xa..
Không thể cất lời..
Tạm biệt.. em phải đi đây!