Doãn Yên đuối lý, mặt thoắt trắng thoắt xanh: “Hôm nay mọi người ở đây chờ tôi chứ gì, đúng không?”
Sở Vọng ăn hai múi quýt, gật đầu đáp: “Đúng thế đó.”
Doãn Yên đâu ngờ cô lại đáp sảng khoái vậy, thế là bật cười: “Mọi người nghe thấy rồi đấy. Hai kẻ này lúc nào cũng gây khó dễ với tôi, lén lút bàn bạc, tìm cách làm tôi mất mặt trước đám đông. Chỉ là tôi không ngờ, chính em gái tôi cũng liên thủ với người ngoài để đối phó tôi.”
Chỉ bằng hai ba câu, cô nàng đã đặt mình vào vị trí nạn nhân, tứ cố vô thân bị người ta bắt nạt.
Di Nhã *ồ* một tiếng: “Chúng ta có bắt nạt cậu ta à?”
Sở Vọng gật đầu: “Có đó.”
Chân Chân lườm cô: “Bắt nạt cái gì?”
Sở Vọng đã ăn quýt xong, phủi tay đứng dậy: “Em đã rất thành khẩn mời chị gái đến đây, chị ấy cũng từ chối thẳng rồi, đây là điều em đoán được. Đáng tiếc em không biết đã có chuyện gì xảy ra mà chị đột nhiên đến. Em tưởng chị không đến nên mới bỏ chị mà đi cùng các bạn, đấy là thứ nhất. chị nói xem có phải không chị hai?”
Doãn Yên không biết cô muốn giở trò gì, chỉ né tránh Sở Vọng đang thân mật hỏi mình, không trả lời.
Sở Vọng chắp tay sau lưng, cười hỏi: “Nhưng vừa rồi chị nói bọn em ‘bàn bạc với nhau, cùng liên thủ lại để chèn ép chị’, điều đó có nghĩa hôm nay chị ‘chắc chắn sẽ đến’. Có điều em muốn hỏi chị một câu, rốt cuộc là điều gì đã khiến chị ‘chắc chắn sẽ đến’ vậy?”
Doãn Yên nói: “Tự nhiên chị muốn đến thì đến thôi.”
Sở Vọng cười nói, “Trước đó chị nói không đến, nhưng thực chất lại đến, em coi như thật ra chị vẫn thích cậu Diệp vậy. Thế thì, hiện tại đã biết chị và cậu Diệp tình đầu ý hợp, vậy mà em lại dẫn theo rất nhiều đối thủ của chị đến làm phiền, đó là lỗi của em. Đây là thứ hai.”
“Chị… chị không thích anh ta!” Thấy hai mắt Diệp Văn Dữ sáng như đuốc nhìn mình, Doãn Yên thanh minh.
Sở Vọng thôi cười, “Nếu đã không thích, vậy bọn em sẽ bắt đầu từ đầu, nói từ Bùi Jenny đi. Bài thơ kia của chị, trước khi được đăng trên báo sinh viên đại học Hương Cảng, người từng đọc nó chỉ có chị và Bùi Jenny, ngoài ra còn có cậu Diệp nữa, đúng không?”
Doãn Yên không đáp, cô chỉ nhìn Diệp Văn Dữ. Diệp Văn Dữ sững sờ rồi gật đầu, “Đúng thế.”
“Em nhớ muốn đăng bài lên báo sinh viên thì chỉ có thể gửi bản thảo. Vậy thì ai gửi đây, Bùi Jenny gửi? Ký tên Lâm Doãn Yên?”
Tất cả mọi người cười rộ lên.
Sở Vọng quay sang hỏi Diệp Văn Dữ: “Anh gửi hộ chị em à?”
Diệp Văn Dữ ngơ ngác lắc đầu.
“Hiện tại, khoa Trung văn ở đại học Hương Cảng vẫn đang được chuẩn bị, Hương Cảng có rất nhiều tòa soạn báo giúp chị của em vang danh hơn, vì sao nhất thiết phải là báo sinh viên ở trường Hương Cảng?”
Di Nhã phì cười, nghiêng đầu nói: “Lâm nhị tiểu thư cũng đúng là khẩu thị tâm phi.”
Chân Chân cười lạnh: “Nói đi, nói ra tên của người cô thích đi, nói cho Diệp Văn Dữ nghe rõ, cũng để cô được toại nguyện, để hôm nay anh ấy hết hy vọng với cô.”
Lâm Doãn Yên cười: “Anh ta hết hy vọng rồi thì có thể chuyển sang thích cô ư?”
“Hiện tại anh ấy thích cô, tôi coi như anh ấy không có mắt nhìn người. Sau này anh ấy thích ai cũng không liên quan gì đến tôi. Không thích tôi tức không có duyên phận với tôi,” Chân Chân cũng không thèm nhìn Diệp Văn Dữ, bình thản đáp, “Tôi thích ai dĩ nhiên tôi sẽ nói ra miệng, còn cô Lâm à, cô có nói ra được không? Thích là thích, không thích là không thích. Lâm nhị tiểu thư sao ứng xử không dứt khoát vậy?”
Di Nhã nghiêng đầu nhìn Diệp Văn Dữ, chỉ thấy anh ta ngẩn ngơ ngồi tại chỗ, ánh mắt bàng hoàng, không biết phải nói gì. Cô nổi nóng đi đến, vỗ vào đầu Diệp Văn Dữ, “Anh nói gì đi chứ.”
“À…. Anh…” Diệp Văn Dữ vội hoàn hồn, lấy lại bình tĩnh rồi nói, “Thôi, cô ấy đã không muốn nói thì không cần phải gây khó xử.”
Sở Vọng cũng nói: “Nếu không thích thì nên để người ta mất hy vọng sớm; nếu có hy vọng, em nghĩ anh ấy cũng sẽ đồng ý chờ chị, đợi chị xóa bỏ hôn ước rồi lại đến bên anh ấy.”
Lâm Doãn Yên lạnh lùng nhìn cô: “Chuyện này thì có liên quan gì tới em?”
Sở Vọng cười nói: “Đúng thế, chị thích ai hay không thích ai thì liên quan gì đến em? Chỉ có điều, dù làm một con chó thì cũng biết phải đại tiểu tiện ở địa bàn mình, nếu có con chó khác xâm phạm thì phải cắn nó. Huống hồ là người? Hôm nay em chỉ dọn dẹp địa bàn của mình thôi, cũng khuyên chị nên nhìn cho kỹ càng.”
Mặt Doãn Yên đỏ bừng: “Em… em nói ai là chó hả?” Sau đó lại giật mình, lúc Sở Vọng nói lời này cũng không bài trừ bản thân nó ra, thế là lại nhìn sang Chân Chân: “Các người nói xong chưa?”
Chân Chân nói: “Bọn tôi nói xong rồi, người chưa nói xong chỉ có mình cô thôi.”
“Tôi thì có gì muốn nói?”
Doãn Yên đẩy Chân Chân đi ra, Chân Chân cũng không ngăn cô nàng lại.
Mọi người im lặng, Di Nhã hỏi Diệp Văn Dữ: “Anh thích gì ở cô ấy?”
Diệp Văn Dữ suy nghĩ hồi lâu, sau đó cúi đầu cười, “Cô ấy… vẫn rất đặc biệt.”
Nhìn theo bóng lưng của Doãn Yên, Chân Chân cười khẩy: “Nếu hôm nay cô ta nói ra tên người mình thích ở trước mặt mọi người, thì tôi bội phục cô ta đấy, sẽ nhìn cô ta bằng con mắt khác.”
Di Nhã thở dài, đi đến hỏi Chân Chân: “Cậu thích gì ở anh ta vậy?”
Lúc này Diệp Văn Dữ mới quay sang nhìn Chân Chân, thấy tai cô đỏ bừng, nói, “Người đã đi rồi mà sao vẫn không đuổi theo, phong độ của anh đâu?”
Diệp Văn Dữ lắc đầu: “Đã bị mất sạch rồi, còn phong độ gì nữa? Không theo đuổi nữa.”
Di Nhã nheo mắt, vừa ngẩng đầu lên thì thấy có người đứng dưới mái hiên ở cửa nhà họ Từ. Trên người mặc áo khoác nâu đậm, phong lưu cao ráo. Cô nàng cười nói: “Nên học chú trẻ của anh đi.”
***
Cũng không biết Từ Thiếu Khiêm đã đến đây bao lâu, có lẽ nghe thấy đám trẻ cãi cọ, làm trưởng bối không tiện đến gần nên đứng ở xa chờ. Thấy anh ta giơ tấm hình trong tay, Sở Vọng bèn đứng dậy đi đến.
Tấm hình được đặt trong phong thư để tránh bị làm bẩn. Sở Vọng cung kính nhận lấy, cảm kích nói: “Cám ơn giáo sư Từ.”
Anh ta “ừ” một tiếng rồi cau mày thuyết giáo: “Phải chú ý coi trọng thứ của mình.”
Nghe thấy anh một lời hai nghĩa, Sở Vọng nhìn tấm hình trong tay, bật cười: “Giáo sư Từ, thầy nghe thấy hết hả?”*
(*Qin: Vì Sở Vọng đã là học trò của Từ Thiếu Khiêm nên bắt đầu từ đây, mình đổi cách xưng hô của Sở Vọng với anh.)
“Ừ. Có điều cũng không bao nhiêu. Nghe được từ đoạn…” Từ Thiếu Khiêm ngẩng đầu nghĩ ngợi rồi cười nói, “Là chó thì cũng cần đánh dấu địa bàn?”
“… Ồ.”
Từ Thiếu Khiêm lại khích lệ: “Nói không sai, đúng là học trò của tôi.”
Sở Vọng nheo mắt cười nói: “Vâng.”
***
Trong số học trò của mình, chỉ có Sở Vọng là Từ Thiếu Khiêm rất ít quan tâm đến chuyện học hành. Cho dù mỗi tuần đều đến phố Hoa Viên bốn lần, thỉnh thoảng đến nhà mới chào chị Từ, thì số lần nhìn thấy Từ Thiếu Khiêm có thể đếm được trên đầu ngón tay, số câu từng nói cũng không vượt quá mười, đa số đều là – “Văn Quân nghịch ngợm à” hay là “hôm nay vợ tôi có hút thuốc không”, đại loại thế. Chỉ trước ngày thi mới gọi điện đến biệt thự nhà họ Kiều, nói với cô “phải đến đúng giờ, không được tới muộn” rồi vội vã cúp máy. Cho dù vậy, Sở Vọng vẫn hốt hoảng vì được quan tâm.
Mấy ngày sau ngày thi chính là ngày nghỉ lễ Giáng Sinh. Ông Tiết muốn đón Chân Chân về Thượng Hải chơi lễ và năm mới, nhưng bị Chân Chân lần đầu từ chối. Điều này khiến lúc gần đi, ông Tiết vô cùng đau buồn nói: “Con gái lớn rồi, không cần cha nữa.”
Chân Chân nhìn theo bóng lưng cha mà lè lưỡi, rồi quay sang khiển trách Sở Vọng, “Còn không phải do em à! Hại chị gánh tội danh bất hiếu.”
Hôm đó đánh tennis xong về nhà, Doãn Yên rúc vào lòng bác cả khóc đứt ruột đứt gan, tố cáo Chân Chân và Sở Vọng đã ức hiếp mình thế nào. Một lúc sau hai người về đến nhà, bà Kiều đang định trị hai đứa thì cả hai đã nhất trí đồng thanh: “Sao bọn cháu có thể ức hiếp chị hai?”
Không có nhân chứng cũng không có bằng chứng, bà Kiều không thể chỉ vì lời nói một phía của Doãn Yên mà trách phạt hai cô được. Huống hồ, từ sáng sớm ông Tiết đã gọi điện đến báo, nói mấy hôm nữa sẽ ghé nhà thăm.
Thế là sau khi thầm cân nhắc một phen, bà Kiều an ủi Doãn Yên vài câu rồi bỏ qua chuyện này.
Gần đây Lâm Du và Tư Ưng đã đi Nam Dương một chuyến, chắc phải ba tháng sau mới về, nên năm nay vẫn để Sở Vọng và Doãn Yên ở lại Hương Cảng. Sở Vọng biết Chân Chân không muốn về nhà ăn Tết vì sợ nếu mình đi, bà Kiều và Doãn Yên sẽ liên thủ giáng tội cô. Trong lòng cô rất cảm kích, đuổi theo Chân Chân ồn ào một hồi.
Trong ngày nghỉ, lớp Anh văn cũng được tạm nghỉ một thời gian. Năm nay có rất nhiều phu nhân nhà giàu rộ lên phong trào uốn xoăn tóc, trong ngày Đông thì trùm thêm mũ len lên tóc, để lộ gương mặt xinh xắn bé nhỏ, trông không đơn điệu tẻ nhạt, thế là cô cũng làm một chiếc mũ cho bà Kiều và chị Từ.
Văn Quân và Leon đã gần mười tuổi. Cô không biết con trai thời đại này thích gì, sau một hồi vắt óc động não, cô xin Từ Thiếu Khiêm ít dây đồng và sợi bông, sau đó ra cửa hàng Tây mua ít pin ắc quy hiệu Minh Châu Dạ* và giấy màu cứng, làm hai chiếc xe hơi bìa nhựa chạy bằng điện không được đẹp cho lắm.
(*Pin ắc quy. Ảnh.)
Mà một trong hai chiếc xe, trong lần đầu tiên chạy thử ở Du Ma Địa đã đụng vào ma nơ canh, “tan xương nát thịt”. Thân xe không còn, động cơ nhanh chóng lao ra đường cái, bị một chiếc xe đạp đi ngang qua nghiền mất.
Sở Vọng im lặng cất một chiếc xe đi, hôm sau đến cửa hàng mua hai cây bút máy hiệu Quốc Dân làm quà Tết cho Leon và Văn Quân.
Từ Thiếu Khiêm vô tình thấy cô tặng bút máy cho Văn Quân.
“Chế tác xe hơi thất bại rồi à?” Anh thân thiết cười hỏi.
“Làm mất mặt thầy rồi.” Sở Vọng xấu hổ nói.
“Thế quà của thầy đâu?” Da mặt Từ Thiếu Khiêm dày thật.
“Trong kỳ thi sau lễ Tạ Ơn, em có điểm số cao nhất?” Sở Vọng cười nói, “Em tăng thể diện cho giáo sư Từ, không phải là món quà tốt nhất sao!”
“Chưa công bố điểm mà em biết rõ thế à.” Từ Thiếu Khiêm bật cười, nhưng cũng không phủ nhận thành tích của cô, “Sao lần này không tính trung bình trọng số 85 điểm nữa?”
“Vì trên địa bàn của thầy lại có người đánh phủ đầu em, nên đương nhiên cần phải ra oai một chút rồi.” Sở Vọng cười hì hì.
Còn chưa biết nên tặng quà gì cho Từ Thiếu Khiêm, thì cậu học trò Văn Quân của cô đã chuẩn bị cho cô một món quà – là văn phòng tứ bảo không quá quý trọng, nhưng rất tinh tế. Giấy bút được gắn tại một mặt trong hộp gỗ, còn mặt khác là bàn tính*.
(*Bàn tính. Ảnh.)
Đến thăm nhà họ Từ xong, lúc dì Văn tiễn cô về thì nói một câu rất kỳ lạ: “Cậu Văn Quân thích cô giáo lắm. Cả cậu chủ và cô chủ chăm sóc cậu ấy lâu như thế, mà còn chưa nhận được quà do cậu ấy tặng.”
Sở Vọng ngạc nhiên, nhưng cũng không nghĩ nhiều, “Do giáo sư Từ và cô Từ dặn em ấy làm tròn lễ tiết, là nhà ta dạy dỗ tốt.”
Dì Văn nhìn cô, nhưng ngoài mặt lại không nói rõ là có biểu cảm gì.
Dì Văn là người hầu hồi môn của chị Từ, vì có tuổi nên tính tình cũng khá lạ, bởi vậy cũng không nghĩ nhiều về chuyện này.
Một ngày nọ ở Du Ma Địa, buổi chiều ngài Saumur ra ngoài, bà Nguyễn thần bí nhích lại gần, hỏi Sở Vọng: “Ngài Luca đến Hương Cảng nhiều năm như thế mà chỉ có một mình. Cô đơn thật, không biết Tết năm nay có lại một mình nữa không?”
Sở Vọng nghĩ ngợi rồi đáp: “Có thể ngài Luca có người yêu ở Pháp, nên mới không qua lại với người khác.”
“Có người yêu ở nước ngoài thì cũng không đến mức kỳ quái như vậy, liên tiếp mấy ngày rất ít xã giao…” Bà Nguyễn nói rồi, cũng hiểu được đàm luận sau lưng ngài Saumur không hay lắm, thế là ngậm miệng. Một lúc sau, bà mới nói tiếp: “Cháu nói xem, dì mời ngài Luca đến nhà mình ăn bữa cơm lễ Phục Sinh thì thế nào?”
Sở Vọng vui vẻ: “Thế thì tốt quá, chỉ cần dì Nguyễn không sợ chồng mình để ý thôi.”
“Ông ấy dám à!” Bà Nguyễn hung dữ nói, “Dì sẽ phạt ông ấy quỳ trên hộp kim chỉ.”
Hai người nói cười một hồi, đúng lúc này ngài Saumur cầm theo một xấp thư từ trạm xe đi về. Ông hồ nghi hỏi: “Ai quỳ trên hộp kim chỉ thế?”
Sở Vọng và bà Nguyễn cười bò, không còn sức trả lời ông.
Ngài Saumur cho rằng hai người đang đùa mình, bèn giơ xấp thư trong tay lên: “Ngài Luca mà giận thì sẽ không đưa thư từ Anh Quốc cho Sở Vọng đâu.”
Sở Vọng phải năn nỉ ỉ ôi một hồi thì ngài Saumur mới hết giận, trả thư lại cho cô.
Cầm thư vào trong góc ngồi, nhân tiện tìm giấy bút, chuẩn bị như thường ngày, vừa đọc thư vừa chuẩn bị bản nháp hồi âm. Sau khi mở phong thư ra, bên trong chỉ có nửa tờ giấy mỏng tang nho nhỏ, bên trên viết một hàng chữ ngắn ngủi:
Ngày 13 tháng 5, bếnphà Trung tâm số5, tàu Litan.