“Đa số du học sinh Anh chỉ thích đọc sách, không thích tham gia vào hoạt động chính trị, không giống du học sinh Pháp.” Anh ta nói, “Hầu hết học sinh sinh viên Pháp đều vừa học vừa làm. Đặc biệt là các du học sinh rời nước trước và sau phong trào Ngũ Tứ, sống ở một nước Pháp năng động tại lục địa châu Âu, bị cuốn vào những cuộc tranh luận đủ loại chủ nghĩa, gần như du học sinh Pháp nào cũng có phe phái chính trị riêng, hơn một nghìn sinh viên học tập tại Pháp, cơ hồ không có lấy một ‘dân đen’. Trong số đó có một nhóm các nhà văn có tư tưởng cấp tiến, chính là phe cánh tả hiện đang bị Bộ Tư lệnh An ninh Tùng Hộ truy nã. Trong hơn một nghìn người này, có hơn ba mươi người đã xuất hiện trên một con tàu sắp vào Biển Đông. Vậy anh Tạ có biết, trong đó có bao nhiêu là ‘sinh viên đỏ’ và bao nhiêu là tội phạm truy nã không? Nếu anh Tạ không hiểu được tình trạng hiện tại của Giang Tây, thì có thể loại suy từ vụ án của tô giới Anh Thiên Tân đã bắt được đảng bộ thành phố Thiên Tân của Quốc dân Đảng vào năm dân quốc thứ mười lăm.”
Tháng 11 ba năm trước, bất chấp sự phản đối của Chính phủ Quốc dân Quảng Châu, phía Anh ở tô giới Anh tại Thiên Tân đã dẫn độ mười lăm thành viên thuộc Quốc dân Đảng cho chính phủ Bắc Dương phe Phụng, dấy lên sự phẫn nộ ở miền Nam. Đến năm sau khi Bắc phạt thành công, đội tuyên truyền của trường chính trị quân sự trung ương đã bắt đầu tuyên truyền chống Anh tại vùng đất trống ở tô giới Anh và địa phận Trung Hoa trước hải quan quận Giang Hán, yêu cầu bãi bỏ những hiệp ước bất bình đẳng. Một ngày sau khi thu hồi tô giới Anh, công sứ Anh tại Trung Quốc đã ra lệnh cho rút nghĩa quân và đội thủy quân lục chiến, đến buổi chiều thì rút lui lính tuần tra. Vào ngày 5 tháng 1, hai trăm nghìn quần chúng thị uy đã bao vây các phòng tuần bộ, tất cả các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Anh đã ngừng hoạt động, toàn bộ kiều dân trong khu tô giới của Anh phải ngồi tàu chiến và tàu buôn rời khỏi Hán Khẩu. Đến ngày 19 tháng 2, công sứ Anh Quốc đã đại diện ký kết “Thỏa thuận thu hồi tô giới Anh tại Hán Khẩu”. Đến tháng 3, hội đồng khu tự quản của tô giới Anh ở Hải Khẩu đã giải thể.
Trước khi đi, anh ta còn nói: “Anh Tạ à, trăm năm qua, đại sứ quán Anh Quốc luôn là người vô cùng thông minh. Bọn họ toàn quyền giao cho anh công việc nhàn hạ này, chắc hẳn cũng cho anh lời khuyên tương ứng rồi đúng không?”
Lâm Tử Đồng nói không sai.
Dù là Hugh Hamilton Lindsay một trăm năm trước định vào Thượng Hải, hay George Balfour hơn tám mươi năm trước ra sức dẹp bỏ nghị luận của mọi người mà mua mảnh đất bùn kia, hay là Alcock sau sự kiện “Thanh Phổ” đã mở rộng diện tích tô giới từ 828 mẫu lên 2820 mẫu, rồi sau chiến tranh thành bùn* đã lấy được chủ quyền từ hải quan Thượng Hải… Sau một Tiểu Đao hội, một quân Thái Bình cùng với sự kiện Ngũ Tạp và 12 tháng 4, đất nước này đã trải qua thay đổi triều đại, quân phiệt hỗn chiến, ấy thế mà bọn họ vẫn có thể vững vàng đặt chân tại thành phố thông thương ở vùng Viễn Đông, thì dĩ nhiên người Anh phải thông minh rồi.
(*Năm 1853 sau khi Thái Bình Thiên Quốc xây dựng kinh đôở Nam Kinh, Tiểu Đao Hội bị ảnh hưởng quân Thái Bình đã nổi dậy khởi nghĩa ở Hạ Môn vàThượng Hải. Dưới sự đàn áp của quân xâm lược Anh, Pháp và quân Thanh cuộc khởi nghĩa đã bị thất bại, cuộc chiến giữa quân khởi nghĩa và quân xâm lược đượcgọi là chiến tranh thành bùn.)
Cứ nhìn bản đồ thế giới là biết. Hơn một thế kỷ, người Anh đã phát huy sự thông minh đến nấc cao nhất.
Nếu không phải như thế thì Chu Nhĩ Tra cũng sẽ không nói với anh: “Công việc ở viện nghiên cứu là một công việc rảnh rỗi. Ngày trước như thế mà bây giờ cũng vậy.”
Nói là đề nghị, chẳng thà bảo đó là lời khuyên chân thành. Chân thành khuyên nhủ, chưa chắc ai cũng có thể làm tốt; sở dĩ giao công việc rảnh rỗi này cho anh chính là muốn nâng đỡ anh, nhận định anh chắc chắn có thể thông thạo xử lý quan hệ ba nước.
Hạm đội Nhật Bản được hải quân hoàng gia nuôi dưỡng. Bảy năm trước sau hiệp ước Hải quân Washington, tàu tuần dương hạng nhẹ của Nhật Bản dần dần trở nên “hậu sinh khả úy”, và cũng có vẻ vô cùng hưng thịnh. Nhưng ở trên Biển Đông, còn ai hiểu rõ hơn anh về khu vực thực dân Anh ở Đông Nam Á cùng với hải quân và lục quân hoàng gia đây?
Chuyến tàu trước đã bỏ lại tàu chiến của hai nước khác ở tít sau xa, để các nhà địa chất học cùng với người của Đảng Cộng sản Pháp tiến vào vùng nội địa Trung Quốc theo đường bộ một cách quỷ không biết thần không hay.
Mà lần này, quân hạm của hai nước kia đã đang trong tình trạng cảnh giác. Lần này muốn tiến vào biên giới Trung Quốc rất khó. Không phải là không có cách, nhưng anh vẫn cần cân nhắc tính toán.
Trên đại lục Trung Quốc hiện nay đã không phải là vương triều phong kiến Mãn Thanh, địa vị Anh Quốc cũng không so được với Nhật Bản. Nếu như vẫn nghênh ngang đưa con thuyền kia vào biên giới Trung Quốc, thật sự rất khó bảo toàn tô giới Anh ở Thượng Hải sẽ không dẫm vào vết xe đổ như ở Hán Khẩu, khiến Nhật, Mỹ và Pháp đứng đằng sau nhìn chằm chằm được ngư ông đắc lợi.
Nếu đến cuối thật sự có thể khiến Anh rút khỏi tô giới, xóa bỏ những hiệp ước Trung Anh bất bình đẳng, thì há chẳng phải là điều bọn chúng hy vọng ư?
Con thuyền thứ hai đã vào biển Đông và đang ở gần Penang. Dưới sự chỉ dẫn của đài thiên văn ở đỉnh Thái Bình, anh đã tìm thấy con thuyền du lịch xuất phát từ Marseille. Anh dẫn theo một hạm đội hải quân và phiên dịch viên lên thuyền để tiếp tế vật liệu, cũng trấn an tâm trạng của các nhà địa chất học ở trên thuyền.
Lúc sắp xuống thuyền, đột nhiên một chàng thanh niên cao ráo, mặt mày thanh tú xuất chúng đến gần, dùng tiếng Anh rất chính thống chào hỏi: “Anh Tạ, không biết anh còn nhớ tôi không?”
Anh có chứng chứng mù mặt đối với người da vàng. Sau một lúc lục tìm ký ức, anh trả lời bằng tiếng Anh: “Rất xin lỗi.”
Chàng trai nọ cũng không hề tức giận, còn mỉm cười nói: “Trên thuyền ở đảo xa, anh từng mượn bật lửa của tôi.” Vừa nói vừa lấy chiếc bật lửa máy vô cùng tinh xảo trong túi áo gi-lê ra, “Có lẽ anh đã quên rồi.”
Tuy anh khó nhớ mặt người, nhưng chiếc bật lửa này là thứ anh đã ao ước từ lâu, sao có thể quên được.
Nhìn chăm chú một hồi, anh có cảm giác như thể vì đã ở trên thuyền quá lâu nên dạ dày chua chua, dùng tiếng Trung vạn năm không thể sửa được phát âm mà đáp: “Cậu có thể nói tiếng Trung với tôi.”
Chàng trai gật đầu rồi hỏi: “Xin hỏi anh có quen cô ba nhà họ Lâm không? Tôi thấy có vẻ anh quen biết cô của em ấy.”
Anh lời ít ý nhiều đáp: “Có biết.”
“Anh Tạ có tiện liên lạc với em ấy không?”
“Sao thế?”
“Mấy năm gần đây thông tin bị cản trở, suýt đã mất liên lạc với em ấy. Nếu anh có thể liên hệ được, thì ở chỗ tôi có vài bức thư rất quan trọng, không biết anh có thể gửi cho em ấy giúp tôi được không?”
Nhìn xấp thư kia, anh im lặng một lúc.
Anh trả lời rất ngắn gọn, đến câu cuối cùng thì dứt khoát im lặng. Chàng trai nọ còn tưởng anh khả năng nghe tiếng Trung của anh không tốt, bèn lặp lại một lần bằng tiếng Anh.
Trung úy hải quân hoàng gia đi theo giải vây hộ: “Nhận gửi giúp cũng được, đến bưu điện gửi thì gửi cho ai mà chẳng thành. Có điều cảnh sát quản rất chặt chuyện nhập cảnh, chứng tôi cũng sợ phiền phức. Mọi thư từ đều phải được mở ra kiểm tra một lượt. Cậu thấy có ổn không?”
Chàng trai cười đáp: “Không thành vấn đề.”
Cầm lấy xấp thư, anh áng chừng sức nặng, không nhẹ. Sau khi đưa thư cho trung úy hải quân hoàng gia, chàng trai đó lại hỏi: “Nếu có thể biết được em ấy đang ở đâu, thì sau khi nhập cảnh Trung Quốc, anh Tạ có thể dẫn tôi đi gặp em ấy được không?”
Trong tiếng Anh, “anh ấy” và “cô ấy” là hai từ đơn rất dễ phân biệt. Cậu ta vừa dứt câu hỏi bằng tiếng Anh, hải quân hoàng gia đi theo bật cười. Các sĩ quan trả lời còn trước cả anh: “Có thể nhập cảnh được hay không còn là vấn đề, vậy mà chưa gì đã nhớ người yêu rồi à?”
Cậu ta kiên trì vặn hỏi: “Có được không?”
Tạ Trạch Ích nhìn thẳng vào mắt chàng trai, cau mày im lặng một lúc, sau đó nói bằng tiếng Trung, “Tôi không dám hứa. Đợi tôi hỏi cô ba xem em ấy quyết định thế nào đã. Như vậy được không?”
***
Thời gian dừng chân ở Thượng Hải chỉ vỏn vẹn hai mươi tiếng đồng hồ. Tàu tuần dương vừa về đến Thượng Hải, Benjamin đã ra bến đón người. Nghe nói cô ở nhà, anh lập tức lái xe về đường Ferguson.
Về đến nhà là lúc mười giờ sáng ngày thứ Bảy, đúng lúc dì giúp việc người Quảng Đông đang nấu bữa trưa. Benjamin nói rõ tối thứ Sáu cô đã về, ấy vậy mà sủi cảo tôm, xá xíu và trà hoa lài dùng cho bữa sáng vẫn chưa hề động đến.
Anh nghĩ có lẽ cô rất mệt, thế là để cô ngủ thêm một lúc, chỉ dặn dì giúp việc cất bữa sáng đi. Lại dặn dò bà nán lại đây thêm lát nữa, nếu cô tỉnh lại thì hâm nóng đồ ăn cho cô, sau đó gọi điện thoại đến hội đồng khu tự quản báo cho anh biết.
Nửa đường ra cửa một chuyến, đến hơn tám giờ tối, dì giúp việc gọi điện đến hội đồng khu tự quản: “Cô ấy ngủ cả một ngày rồi, liệu có phải bị bệnh không?”
“Để tôi về nhà xem sao.”
Đẩy cửa vào nhà, đầy một bàn ăn tối vẫn còn nguyên vẹn, cơm canh cũng đã nguội.
Mở cửa tủ lạnh ra, bữa sáng lẫn bữa trưa vẫn còn nguyên, không hề có dấu hiệu động đến.
Chỉ vài tiếng nữa là anh sẽ rời khỏi Thượng Hải, Benjamin cũng đã lái xe đến hải quan lấy thư về. Nhìn cánh cửa cuối hành lang vẫn khép chặt, anh lấy làm ngạc nhiên: Sao cô có thể lấy ngày làm đơn vị ngủ được?
Dì giúp việc vẫn ở trong bếp, chỉ để đảm bảo cô sẽ có cơm canh nóng hổi khi thức dậy.
Đi tới cuối hành lang, anh gõ cửa, không có ai trả lời.
Khẽ đẩy cửa ra, anh thấp giọng gọi: “Cô ba?”
Trong căn phòng tối om truyền đến tiếng động mơ hồ, sau đó là âm thanh trở mình. Anh sửng sốt: thì ra là nằm mơ.
Ngay đến dì giúp việc cũng ngạc nhiên đến gần: “Có phải ngủ lâu quá rồi không.”
Ngày trước anh đã từng dặn cô lúc ở nhà một mình thì phải khóa hết cửa nẻo, và anh cũng chỉ giao chìa khóa cho một mình Benjamin, chỉ mỗi lần đón dì giúp việc đến thì mới được mở cửa. Với tình hình này, có lẽ cô đã nhốt mình trong căn phòng kín hơn một ngày, không bị bóng đè thì cũng bị ngộp cho xem. Nhân tiện cả anh và dì giúp việc vẫn đang ở đây, anh rón rén đẩy cửa đi vào, mở cửa sổ ra cho thoáng khí. Vậy mà gió vừa lùa vào thì cô đã tỉnh, ồm ồm hỏi: “Anh Tạ?”
Âm thanh nửa tỉnh nửa mê nghe sao còn êm ái hơn lúc cô tỉnh táo, một tiếng gọi ‘anh Tạ’ của cô làm anh có cảm giác có móng vuốt đang gãi nhẹ vào con tim.
Tầm mắt vẫn chưa làm quen được với bóng đêm nên anh không thấy rõ đường, nhưng nhờ ánh sáng mờ mờ từ đèn đường ngoài cửa sổ, anh trông thấy một đôi mắt ngơ ngác đang nhìn mình. Rõ ràng anh nên nhẹ tay nhẹ chân, không nên quấy rầy mộng đẹp của cô; ấy thế mà đồng thời lại muốn gọi cô tỉnh dậy, bảo cô lấp đầy bụng rồi hẵng ngủ tiếp. Trong lúc giật mình, trong phòng lại vang lên tiếng ngáy khe khẽ như một con thú nhỏ, khiến dì giúp việc ngoài cửa cũng bật cười.
“Xem ra cô bé thật sự rất mệt.”
Trong túi áo anh còn có một phong thư, anh vẫn còn vài lời muốn hỏi cô, nhưng không biết vì sao lại không muốn cô thức giấc. Khép cửa phòng lại, dặn dò dì giúp việc mấy câu rồi lại rảnh rỗi trò chuyện với dì một lúc. Đến khi không thể ở lại được nữa, anh quay vào khép cửa sổ thì cô lại tỉnh dậy.
Cảnh giác lúc ngủ như thế cũng tốt.
Đặt thư lên bàn cho cô, trước khi đi lại nói mấy câu với cô, cũng không biết tới lúc tỉnh dậy cô có còn nhớ không. Đến khi gần đi, anh bảo dì giúp việc trước mắt cứ tạm thời ở nhà nghỉ bên cạnh, thường xuyên ghé đến đây, đợi cô tỉnh lại thì cho cô ăn gì đó. Sau đó anh trả thêm tiền công cho bà, lúc bấy giờ mới vội vã xuống nhà rời đi.
Mấy chiếc xe của hạm đội và hải quan đã chờ sẵn ở bến tàu. Cảnh sát hải quan vừa thấy anh thì cười nói: “Tạ, nghe nói mấy bức thư kia là gửi cho cô gái cậu đang theo đuổi đúng không?”
“Thư sao rồi?”
Anh vừa dứt lời, mấy sĩ quan kiểm tra nội dung thư ở hải quan đồng loạt cười phá lên.
Người nọ còn nói: “Quả không hổ danh sinh viên Cambridge, nhà văn từng được đăng tải trên tạp chí Granta nổi tiếng, đúng là thư tình nồng nàn. Tạ à, cậu tiêu đời rồi.”