“Cứ vào đi”
Thư ký Anh Tuân khẽ đẩy cửa vào, biết là Bình An rất mệt, nhưng vì có việc cần, không phải anh ấy đang mong những tin tức này lắm sao, buổi chiều hôm đó anh ấy không giống như mọi ngày.
“Anh, đây là tài liệu anh cần tìm”
Bình An nhướng mày, khuôn mặt và đôi tay vẫn lười động đậy.
“Cậu để đấy đi”
Anh Tuân đặt khẽ chiếc phong bì lớn màu nâu xuống bàn như thể sợ làm kinh động đến tâm tình và sức khỏe của Bình An, rồi nhẹ nhàng lùi ra khỏi phòng làm việc, cũng khép cửa lại rất nhẹ nhàng.
Bình An bất động nhìn chiếc phong bì vài phút, rồi từ từ cầm lên mở ra.
Từng trang giấy như một bản sơ yếu lý lịch, còn nhiều hơn cả một bản sơ yếu lý lịch.
Tên:………………
Ngày sinh:………………………..
Lịch sử học vấn:………………….
Lịch sử làm việc:…………………….
Gia đình: ……………….
Sở thích:…………………………………..
Những gì Anh Tuân tìm hiểu không còn gì chi tiết hơn. Còn điều tra được cả việc cô ấy hay có thói quen gì, đi mua sắm ở đâu, hay mặc quần áo màu gì,… Thông tin Anh Tuân đưa cho anh kín năm mặt giấy, còn kèm theo một vài bức ảnh chụp. Chắc là ảnh lấy từ ảnh tập thể lúc học đại học, hay là ảnh chụp cùng những người trong cơ quan, có cả ảnh lấy từ facebook cá nhân của cô ấy. Cô ấy quả đã khác xưa nhiều lắm. Mái tóc ngang vai giờ đã dài đến eo, uốn lọn xoăn nhẹ nhàng. Những bộ đồng phục cứng nhắc đã thay vào đó là những chiếc đầm nữ tính. Đôi mắt ngây thơ trong trẻo có phần rụt rè khi xưa giờ là một đôi mắt đầy kiên nhẫn và cương quyết.
Bình An thở dài một tiếng, vì căn phòng quá tĩnh lặng nên tiếng thở dài khẽ thôi cũng có thể trở thành một âm thanh kinh động. Ngả người ra sau ghế, tay cầm chiếc phong bì không úp lên mặt, như muốn che dấu tâm tư, như muốn che dấu một đoạn hồi ức mà có lẽ chỉ mình anh nhớ.
Buổi sáng tháng ba ấy khi tiếng trống trường vừa điểm vội vã, Bình An cầm chiếc bánh mì còn ăn dở hấp tấp chạy vào lớp học. Đã đi học muộn năm ngày trên tuần rồi, thầy chủ nhiệm đe dọa nếu còn tiếp tục muộn nữa sẽ bị gọi phụ huynh. Ba tiếng “gọi phụ huynh” là ba tiếng chí mạng với Bình An, cậu có nghịch ngợm đến đâu cũng không muốn ông nội đã bảy mươi lên gặp nhà trường kiểm điểm vì thằng cháu không chịu tu dưỡng.
Đến lớp rồi cậu còn ngó nghiêng tìm thầy giáo rồi thở phào, hóa ra thầy vẫn chưa đến. Một lúc sau bóng thầy mới xuất hiện ở cửa lớp, mà không đi một mình, thầy còn đem theo một gương mặt mới toanh, một gương mặt nhàn nhạt lẫn trong mớ tóc ngang vai lòa xòa, trông cứ như cậu ta mới vừa chạy thục mạng từ đâu đến. Nét mặt dáng người ấy nhìn thoáng qua đã toát lên hai chữ đơn điệu.
“Chào các cậu, tớ tên Ngân Hà, mới chuyển từ trường Hải Lộc đến. Tớ rất mong được sự giúp đỡ của các cậu!”
Nói rồi cậu ta nhìn quanh, rồi tìm đúng đến bàn thứ ba phía bên trong gần cửa sổ ngồi xuống.
Thầy chủ nhiệm dặn dò lớp nhớ gần gũi bạn, giúp đỡ bạn hòa nhập rồi đi ra, trước khi đi còn không quên quét tầm mắt tìm cậu học trò chuyên trị đi học muộn. Bình An nhe răng cười, giơ cao tay ngạo nghễ như thể vừa mới lập được một chiến tích gì đó, phải rồi, là chiến tích một ngày duy nhât trong sáu ngày đến lớp đúng giờ. Thầy khẽ chau mày rồi đi ra.
“Này cậu!”
Ngân Hà vừa ngồi xuống chỗ, cất ba lô vào ngăn bàn thì có một tiếng gọi giật lại, giọng nói sống sượng chứa đến hơn một trăm phần trăm là khó chịu. Cô ngước lên khẽ chớp chớp mắt. Một khuôn mặt hiện ra nghênh ngang và bướng bỉnh, đôi mắt một mí sáng linh hoạt và một cái đầu húi cua lởm chởm.
“Tôi đề nghị cậu chuyển ra chỗ khác, cậu ngồi đây chắn tầm mắt tôi”
Ngân Hà ngơ ngác nhìn quanh. Chắn tầm mắt cậu ta ư? Chắn tầm mắt nhìn bảng? Không phải chứ, cậu ta đâu có ngồi thẳng sau lưng cô, mà giả có ngồi thẳng sau lưng, thì cậu ta cao thế kia làm sao có thể ai chắn nổi tầm mắt, cậu ta chắn tầm mắt người khác thì có. Hay chắn tầm nhìn một bạn gái mà cậu ta thích? Cũng không phải, chỗ cô ngồi đã là trong cùng rồi. Tất cả xung quanh bụm miệng cười. Rồi một lúc không dấu nổi đã ha ha thành tiếng.
“Cậu biết không, là chắn tầm mắt nhìn ra cửa sổ. Đại ca Bình An của chúng ta ngoài những lúc ngủ ra thì có sở thích ngồi trong lớp nhìn ra sân vận động đó.” Anh Đào vỗ vào vai cô.
“Vậy… vậy xin lỗi cậu. Tôi nên ngồi ở đâu bây giờ?”. Ngân Hà bối rối, không nghĩ lớp học mới còn có luật lệ này, luật lệ không được chắn tầm nhìn ra cửa sổ của một người có vai vế nào đó.
“Cậu cứ ngồi đó đi, lớp đã 44 bạn rồi, thêm cậu là 45, không có chỗ nào thừa để chuyển đi đâu. Hơn nữa, thầy chủ nhiệm đã phê bình cậu ấy nhiều lần về tật xấu đấy, cậu ngồi đây cũng là để cậu ấy bớt nhìn lung tung, tập trung vào học tập”. Lớp trưởng Quỳnh Nga đã đi lại phán xử.
“Cậu dám…”. Bình An trừng mắt nhìn Quỳnh Nga.
“Tôi dám đấy, cậu thử đuổi cậu ấy đi, tôi sẽ đi mách thầy cho coi”
Nói đến thầy giáo, biết sẽ không thay đổi được gì Bình An “Hứ” một tiếng rồi quay về chỗ ngồi.
Từ hôm đấy, cứ mỗi lần ngủ nhiều quá đến không ngủ nổi nữa, nằm bò trên bàn chán nản nhìn ra cửa sổ lại thấy một mái tóc ngang vai màu hạt dẻ cặm cụi, lúc thì làm bài tập, lúc thì đọc sách, lúc ra chơi thì lặng lẽ gấp những con hạc giấy rồi cất vào một chiếc hộp nhỏ. Thật chán chết, đâu ra cái con người nhạt nhẽo thế kia? Cậu ta không biết cười, biết đùa à? Dần dần, Bình Anh nghĩ liệu có phải bạn ấy có tâm tư. Bạn ấy hiếm khi ra khỏi chỗ, rất ít nói chuyện, có cảm giác lúc nào cũng buồn. Rồi thời gian trôi qua, không biết từ bao giờ, cậu thay vì nhìn ra cửa sổ lại thành nhìn người con gái ngồi bên cửa sổ. Có những hôm bạn ấy nghỉ học, tự dưng cậu cảm thấy trống vắng, tự hỏi không biết bạn ấy có chuyện gì, có nghiêm trọng lắm không, ngày mai có đi học nổi không?
Một ngọn lửa cứ nhen nhóm dần, nhen nhóm dần rồi âm ỉ cháy trong lòng. Cậu cũng không rõ đó là gì, nhưng đã khiến cho một cậu nhóc vô tư trở nên nhạy cảm, thi thoảng thấy buồn vô cớ. Khi cậu đủ hiểu đó là gì thì nhận ra bạn ấy chưa bao giờ để mắt đến cậu. Có lúc cậu có giả vờ trêu đùa ai đó, ném tập vở lên chỗ bạn ấy rồi nghênh ngang yêu cầu nhặt hộ, bạn ấy vẫn ôn tồn nhặt vở, rồi còn vuốt cho phẳng phiu, rồi còn phủi bụi đưa cho cậu. Thậm chí có lần, cậu còn cố tình đá quả bóng da vào trúng mặt bạn ấy, rất đau, mừng thầm vì chắc mẩm bạn ấy sẽ tức giận, sẽ làm ầm lên mắng nhiếc cậu. Nhưng không, bạn ấy vẫn nhẹ nhàng, vẫn nhường nhịn, vẫn xin lỗi. Đúng là phát điên mà!
Lại có tiếng gõ cửa phá tan dòng suy tư. Anh Tuân vừa ra khỏi phòng chưa được mười lăm phút lại bước vào.
“Anh, em quên chưa báo anh. Mảnh đất bên Hải Giang người ta đã đồng ý bán, muốn sớm gặp anh để bàn bạc, anh xem có thể bố trí hôm nào để em hẹn gặp”
Bình An đặt tờ phong bì xuống bàn, mắt nhìn về phía Anh Tuân.
“Có thể hẹn tối nay”
Anh Tuân “Vâng” rồi lại lui ra.
Ngân Hà bắt đầu một ngày làm việc bận rộn. Dù gì cuối tuần đã nghỉ công việc chất đống lại nên hôm nay hẳn phải tăng ca. Cặm cụi sau chiếc máy tính đến không còn thời gian kiểm tra tin nhắn trên điện thoại, chỉ nghe tiếng chuông báo tinh tinh liên tục. “Dự báo xu thế chứng khoán Việt nam sáu tháng cuối năm”. “Chính phủ phê duyệt xây dựng khu kinh tế mới ở…”. Trên màn hình máy tính hiện ra tit những bài báo trọng điểm cần chuyển sang tiếng Anh và tiếng Pháp. Báo chí mang tính cập nhật, nên tốc độ làm việc cũng phải thật nhanh nếu không thì tin tức nóng hổi hôm nay chỉ cần đến ngày mai đã thành lỗi thời.
Cả phòng nhìn nhau rồi đồng loạt nhìn về phía Ngân Hà đang chăm chú. Không thấy có phản ứng gì Mai Lan liền đứng dậy đi đến chỗ cô ngồi, đứng chắn trước mặt một lúc rồi gõ ba tiếng xuống bàn. Ngân Hà giật mình ngước lên thì thấy Mai Lan nháy mắt chỉ vào điện thoại đang đổ tin nhắn. Ngân Hà ngơ ngác, rồi chợt hiểu, gật gật đầu. “Alo, tối nay cả phòng thư ký tổng hợp liên hoan nhé, mừng hai bạn Nga và Minh sắp về chung một nhà”. “Thế là hội FA của phòng lại mất thêm hai người rồi, nên buồn hay vui đây?”. “Ôi, mất quan điểm quá, hai em nó về với nhau phải vui chứ, dù gì một lúc giải quyết liền cả 2 quả bom nổ chậm”. “Đùa chút thôi, cứ thoát FA là phải liên hoan rồi, mong chờ quá! Hai em đừng để ý lời chị nói lúc nãy nhé”. “Vậy tối nay tiệc ở Zaa restaurant, sau đó tăng hai ở cà phê Dạ Quán nhé, tôi lập bảng bình chọn, cả nhà cho ý kiến”. “Tối nay cho hai đứa em mời cả phòng nhé!”. “Ấy ấy, ai lại làm thế, hôm nay các anh chị mở tiệc cho hai em, đến hôm cưới để hai em tha hồ mời các anh chị, nhỉ”. Một biểu tượng cười rõ to cuối cùng. Ngân Hà cười rồi tick vào mục đồng ý xong lại cắm đầu với đống tài liệu trên máy tính.
Đã bảo phải tăng ca nhưng việc liên hoan mừng đồng nghiệp kết hôn không thể không tham gia, thế là đêm nay lại phải chong đèn thức để hoàn thành công việc. Dù sao cũng là việc thường xuyên Ngân Hà phải làm. Nếu không là việc cơ quan thì hàng ngày cô cũng ôm bao nhiêu tài liệu về dịch thuê. Làm tòa soạn báo nên cô cũng có chút quan hệ với một số nhà xuất bản. Đồng nghiệp thấy cô ôm đồm công việc cũng hay nói đùa hỏi cô vì sao phải làm vậy, không phải là con gái nên đầu tư ngoại hình, nhan sắc, kiếm một ông chồng giàu thì có phải nhàn nhã và hời hơn không. Những lúc như vậy Ngân Hà chỉ cười. Việc kiếm tiền đỡ đần mẹ chữa bệnh, rồi trả nốt tiền căn hộ mới cũng là việc cô nên làm, vì cô chính là đứa con duy nhất trong gia đình. Vả lại, ngoài công việc ra cô không biết bản thân còn có thể làm được gì, còn có hứng thú làm gì. À, hứng thú à? Cũng có chút hứng thú chơi đàn ghi ta. Nhưng lâu lắm rồi chưa động đến đàn, không biết các ngón tay khớp tay còn linh hoạt hay không.
Buổi chiều tan ca cả phòng cùng lên một chiếc taxi bảy chỗ kéo đến Zaa restaurant. Sau bữa tiệc lẩu linh đình lại đến Dạ Quán. Phòng thư ký tổng hợp tính cả sếp Duy Long là bảy người, nên họ đặt một chiếc bàn đôi rộng.
“Này, sau này hai đứa lấy nhau thì phòng ta được coi là nhà trai hay nhà gái? Rồi lúc cãi nhau biết bênh đứa nào?”
“Chia đôi, một nửa nhà trai một nửa nhà gái. Cãi nhau thì của bên nào bênh bên đấy”.
“Thế không được rồi, anh Toàn to lớn thế kia kiểu gì phe đằng trai cũng thắng”
“Đánh nhau thì phe đằng trai thắng, còn cãi nhau kiểu gì đằng gái lại chiếm ưu thế”
“Thế thì hay rồi, sau này có mâu thuẫn vừa đánh nhau vừa cãi nhau, thế là hai bên hòa”
Cả hội cười ha ha. Lâu lắm rồi không được xả stress.
Quán cà phê rộng, có hai tầng, các bàn được bài trí riêng tư, cách nhau bằng những bức tường lửng được trang trí hoa tươi, những món đồ gỗ, đồ pha lê tinh tế. Phía trên giữa trung tâm của tầng một là một sân khấu nhỏ, để cho một vài khách hàng nếu có nhã hứng có thể lên hát hoặc chơi một vài nhạc cụ, có một chiếc đàn organ ở một góc, trên tường treo một chiếc ghi ta, một chiếc violon. Hôm nay đầu tuần, có chút vắng vẻ hơn những ngày cuối tuần, tầng hai số bàn đã được đặt một nửa, tầng một chỉ một vài bàn có khách. Nhóm Ngân Hà ngồi ngay tầng một gần sân khấu, cũng may, hôm nay tầng một vắng khách nên thỉnh thoảng họ có nói có cười hơi to một chút cũng không ảnh hưởng đến ai.
“Mảnh đất này thú thực tôi cũng không muốn bán, vì là quà của bố mẹ khi lấy vợ. Nhưng giờ con trai đi du học Mỹ, vợ lại sang đó công tác dài hạn, sau khi bàn bạc gia đình đã quyết định tìm cách sang đó định cư không có thời gian để mắt đến nên giờ muốn nhượng lại”.
Người đàn ông đã ngoài bốn mươi, trông thoạt nhìn đã toát lên vẻ trí thức. Bình An ngồi đối diện, điềm đạm cầm tách cà phê nhấp lên miệng.
“Tôi biết là anh có việc, cũng may là còn giữ liên lạc nên mới biết tin anh muốn bán”
“Tôi rất quý mảnh đất này, rất mừng khi thấy cậu cũng có lòng với nó, tôi không muốn bán cho bên đầu cơ bất động sản, tôi muốn người chủ mới có thể trân trọng nó như tôi đã từng trân trọng nó.”
Anh Tuân ngồi bên cạnh liền xen vào.
“Anh yên tâm, sếp của tôi mua mảnh đất này là có dự định riêng chứ không để đầu cơ”
Người đàn ông mỉm cười, xua tay.
“Tôi biết, tôi biết. Sếp của cậu tuổi trẻ tài cao, cũng đã đến tuổi lập gia đình, mảnh đất này rất phù hợp để dựng nhà. Các cụ ta đã nói, phải an cư rồi mới lạc nghiệp. Kiếm một người vợ đảm sẽ thêm động lực phát triển sự nghiệp rực rỡ.”
Câu nói này khiến Anh Tuân lúng túng, không ngờ anh ta hiểu sai ý cậu, đi theo Bình Anh bấy lâu nay chưa từng nghe anh nhắc tới chuyện muốn kết hôn hay ổn định cuộc sống. Cũng đã chứng kiến anh cùng với một vài phụ nữ, nhưng dường như anh ấy không muốn lâu dài với ai. Chỉ một lần duy nhất, là hôm đó, anh ấy dường như rất nhiều tâm tư khi nhìn thấy ảnh người ấy. Không biết câu nói vừa rồi của người kia có làm anh ấy phật lòng không.
“Thống nhất như vậy nhé, tuần sau hẹn anh đi ủy ban công chứng giấy tờ” Anh Tuân cầm giấy tờ trên bàn, cất vào chiếc cặp da.
“Nhất trí. Tôi giờ có chút công chuyện đi cùng vợ, hai cậu ngồi lại tôi đi trước. Hẹn tuần sau gặp ở ủy ban thành phố”
Hai người đàn ông đứng dậy bắt tay nhau. Có tiếng chuông điện thoại. Người đàn ông trung niên bắt máy, giọng nói có chút hối hả, là người vợ gọi điện giục giã chồng chuyện gì đó. Anh ta cười ra hiệu tạm biệt với Bình An và Anh Tuân rồi vội vã đi ra ngoài.
Ở cách đó một đoạn, cả phòng thư ký tổng hợp đang chuyện trò vui vẻ.
“Hôm nay coi như tiệc chia tay thời độc thân của chúng em, chúng em rất mong nhận được một món quà gì đó của các anh chị”
“Quà thì để hôm này đến thăm nhà mới của hai em đi, chứ giờ làm sao chuẩn bị cho kịp được”
“Không không, ý em là quà tinh thần”
“Hay là anh Toàn đọc một bài thơ nhỉ?”
“Thôi cho tôi xin, thơ bác Toàn tôi nghe không thẩm thấu nổi”
“Nói gì chứ? Anh Toàn tự ái bây giờ”
“Anh Toàn của chúng ta không có từ tự ái trong từ điển nhé. À phải rồi, để Ngân Hà hát tặng hai em đi”
“Đúng đó đúng đó, Ngân Hà lên hát đi”
“Ôi thôi, chỗ đông người này đừng bắt em hát. Em không muốn làm người nổi tiếng đâu”. Ngân Hà xua tay rối rít.
“Chị Ngân Hà hát tặng chúng em đi, chúng em thật lòng mong mỏi đấy”
“Phải rồi, Ngân Hà lên đi, đệm đàn ghi ta nữa nhé. Right here waiting nhé”
Mai Lan ngồi cạnh đẩy Ngân Hà lên phía sân khấu. Ngân Hà cười gượng, ngập ngừng vài phút nhưng vẫn quyết định bước lên. Trước khi cầm chiếc đàn ghi ta đang treo ở đó xuống, cô còn đưa mắt nhìn quanh. Cũng may, quán hôm nay vắng khách. Mà mọi lần cô vào đây cùng bạn hay đồng nghiệp, vẫn có những khách hàng ngẫu hứng lên đàn và hát, những người xung quanh đều yên lặng thưởng thức như muốn tôn trọng sự riêng tư của người biểu diễn.
Ngân Hà ngồi lên một chiếc ghế đôn kê giữa sân khấu, hai chân vắt chéo, ôm chiếc ghi ta vào lòng. Phía dưới các đồng nghiệp giơ tay cổ vũ. Thực ra có một lần, vào tiệc sinh nhật của Mai Lan cô đã hát Right here waiting nên mọi người cứ nhớ, mọi người còn khen cô hát bài này rất có hồn.
Trong không khí có chút tĩnh lặng, tiếng đàn ghi ta ngân lên tí tách, tí tách, nhỏ rồi lớn dần, lớn dần. Đoạn nhạc dạo đầu chính là đoạn điệp khúc, vừa trầm vừa bổng như sóng đại dương. Ngân Hà còn nhớ có lần xem người ca sỹ đó vừa đàn vừa hát, hình ảnh anh ấy với mái tóc bồng bềnh và gương mặt buồn một cách cuốn hút cũng được ghép với hình ảnh đại dương sóng vỗ, chỉ khác là anh ấy đệm dương cầm.
Oceans apart, day after day
And I slowly go insane
I hear your voice on the line
But it doesn't stop the pain
(Chúng ta xa nhau, ngày qua ngày
Và anh dần phát điên lên
Anh nghe tiếng của em ở đầu dây bên kia
Nhưng điều đó chẳng thể ngăn được nỗi nhớ em)
Tiếng hát mộc mạc cất lên như một nét chấm phá trong tĩnh lặng. Tiếng đàn và tiếng hát như lôi kéo sự chú ý của cả căn phòng. Thoạt đầu Bình An không mấy quan tâm, vì vào quán cà phê nghe được một chút đàn rồi miễn cưỡng được thưởng thức một giọng hát nào đó không phải là chuyện lạ. Nhưng khi tiếng đàn cùng giai điệu quen thuộc cất lên, vừa êm ả du dương, vừa như dòng sông tĩnh lặng lại như đại dương ngàn trùng sóng vỗ, thì trái tim đã giường như bị hai bàn tay vô hình nào đó bóp chặt, vặn vẹo, vắt kiệt sức sống. Không lẽ nào? Bình An khẽ nhíu mày. Lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng anh nghe tiếng đàn ghi ta đệm giai điệu này đã là mười năm trước. Dù chỉ một lần nhưng giai điệu ấy đã khảm sâu trong mớ ký ức hỗn độn, là tia sáng cuối đường hầm, trong những lúc tăm tối nhất trái tim anh chỉ tìm về những âm thanh ấy, tiếng hát ấy, hình dáng ấy. Một thoáng ngạc nhiên lướt qua đôi mắt sâu thẳm như đại dương không thấy đáy, một chút chấn động được che dấu rất kỹ càng. Chầm chậm quay về phía tiếng đàn. Là cô ấy, thật sự là cô ấy, không ngờ có thể gặp cô ấy, thế giới thật diệu kỳ nhưng cũng thật nhỏ bé. Tiếng đàn vẫn vậy, giai điệu vẫn vậy, ở hai chiều không gian khác nhau, người trước mặt cũng không thật giống người ngày xưa, nhưng tâm trạng của người nghe vẫn thế.
“Anh, thật kỳ lạ, là chị ấy kìa”
“Anh, đúng là thật có duyên”
“Anh, chị ấy hát bài này hay quá”
Anh Tuân khuôn mặt không dấu nổi vẻ ngạc nhiên, mồm miệng không nhịn được thốt lên lên tục, đương nhiên người nào đó không nghe thấy những gì cậu ấy nói. Không thấy tiếng trả lời cậu liền quay sang, ánh mắt anh không rời sân khấu, khuôn mặt vẫn giữ trạng thái tĩnh lặng nhưng cậu biết anh đang che dấu, có phải anh ấy đang xúc động? Đúng là anh ấy đang xúc động! Có dấu đến đâu cậu vẫn nhận ra, dù gì bốn năm nay đã ở bên anh ấy, đã chăm sóc anh ấy từng bữa ăn giấc ngủ. Bất chợt nảy ra một ý, Anh Tuân ghé sát tai Bình An nói nhỏ, Bình An ngước lên nhìn cậu vài giây, rồi khẽ gật đầu.
Ở trong một căn phòng, đương nhiên là nhỏ hơn quán cà phê này rất nhiều, là phòng lớp học. Hôm ấy là ngày 19 tháng 11, trước ngày kỷ niệm Hiến chương nhà giáo một ngày, bọn con gái trang trí lớp học, mua quà mua hoa tặng bọn con trai. Bọn con gái đã tổ chức một chương trình rất hoành tráng, vì đây cũng là năm cuối cùng bọn chúng được học với nhau, hơn nữa trong năm hết 20 tháng 10 đến 8 tháng 3, có bao nhiêu ngày dành cho con gái lũ con trai đều chu đáo tổ chức, mà chẳng có ngày nào lũ con gái có thể trả lại tình cảm cho chúng nó. Rồi không biết ở đâu chúng tìm ra được sự thật rằng ở một số nơi người ta tổ chức một ngày gọi là ngày quốc tế đàn ông, thế là bọn con gái nhất trí gom góp tiền bạc tạo cho bọn con trai một điều bất ngờ. Hôm đấy đến tiết mục văn nghệ, lũ con gái thi nhau hết đồng ca bài Một con vịt đến Cháu lên ba chẳng có chút nghiêm túc nào, cũng phải thôi, vì bọn con gái trong lớp không có đứa nào hát ra hồn hết. Lũ con trai đầu tiên còn cười sằng sặc, sau đó ngán ngẩm lắc đầu. Bọn con gái bí quá không biết làm sao, trong lúc tất cả còn nhìn nhau thì Anh Đào đẩy Ngân Hà lên sân khấu, nói là Ngân Hà đã tập một bài hát có đệm đàn ghi ta để tặng bọn con trai. Cả lớp trố mắt ngạc nhiên, có khi có đứa còn đang thắc mắc Ngân Hà là con nhỏ nào. Sau một vài phút ngỡ ngàng bọn con gái cũng bắt nhịp rất nhanh, lập tức chạy sang lớp bên mượn cây đàn ghi ta của thầy giáo dạy nhạc đưa cho Ngân Hà.
Ngân Hà ngày ấy còn ngây thơ và rụt rè hơn giờ rất nhiều. Phần là vì cô chưa từng đứng biểu diễn trước đông người như thế, phần là vì cậu ấy đang ngồi dưới kia, lỡ hát không hay thì có phải mất mặt với cậu ấy không. Nhưng cũng không thể chối nổi bọn con gái. Đến cuối cùng, Ngân Hà vẫn quyết định cầm đàn đứng lên bục. Một đứa con gái đã nhanh nhảu mang một chiếc ghế đôn cuối lớp lên cho cô ngồi xuống. Ngân Hà, đằng nào mày vẫn phải hát, hãy nghĩ rằng đang hát hát cho cậu ấy nghe, hãy nghĩ rằng đây là dịp để mày tỏ lòng mình với cậu ấy. Cô thích người ca sỹ hát bài hát đó vì gương mặt anh cứ phảng phất một nỗi buồn, cô thích bài hát đó vì lời bài hát tha thiết và vô vọng cũng giống như tâm trạng cô. Sẽ không quên, sẽ luôn chờ đợi - đó có phải là những lời tận sâu trong tim cô vẫn muốn nói với cậu ấy?
*Wherever*you go
Whatever you do
I will be right here waiting for you
Whatever it takes
Or how my heart breaks
I will be right here waiting for you
(Dù em ở nơi đâu
Dù em làm điều gì
Anh sẽ vẫn mãi ở đây để chờ đợi em
Cho dù phải mất đi điều gì
Hay trái tim anh tan nát
Anh sẽ vẫn mãi ở đây để chờ đợi em)
Cả ngày hôm ấy, cả ngày hôm nay, cả mỗi lần cô cầm đàn ghi ta lên và cất tiếng hát thực chất chỉ dành tặng cho một người. Ngày ấy người ấy có thể nhìn thấy, nghe thấy. Hôm nay người ấy không có ở đây, nhưng vẫn luôn hiện hữu trong không khí, trong từng nhành lá, cành cây, trong từng hơi thở.
Bài hát thực ra là tiếng lòng của hai con người, một người trên sân khấu và một người dưới sân khấu. Chỉ có điều, một người thì hướng về một người, còn người kia thì đang hướng về một người khác. Cuộc đời này vốn éo le như vậy đấy. Nên thực ra, hạnh phúc nhất chính là gặp được người mình yêu và người đó cũng yêu mình.
Có tiếng vỗ tay dưới sân khấu. Không ồn ào náo nhiệt nhưng dường như ai cũng cảm nhận được sự rung động trong từng lời hát. Có một người nữ phục vụ ôm một bó hoa hồng lớn từ phía dưới sân khấu đi lên.
“Chị à, có một người nhờ em tặng bó hoa này cho chị”
Ngân Hà thoáng ngạc nhiên, lúng túng, tay chân thừa thãi không biết nên làm gì.
“Em nghĩ là anh ấy rất hâm mộ chị, chị cứ nhận lấy đi”
Ngân Hà nhìn quanh tìm fan hâm mộ bất đắc dĩ đó, không thấy ai có khả năng, chắc họ nghe xong cũng đã rời đi rồi. Ngân Hà nhìn xuống những đồng nghiệp cũng đang ngạc nhiên phía dưới, họ ra hiệu cho cô hãy nhận hoa. Người phục vụ chuyển bó hoa mà phải dùng hai tay mới ôm được sang tay Ngân Hà.
“Chị à, chị hát bài vừa rồi rất tuyệt, chắc hẳn chị phải thích người đó lắm”. Đôi mắt cô ấy hiện lên sự thán phục.
Ngân Hà ngây ngốc trong phút chốc, việc cô thích một ai đó không lẽ rõ ràng quá thế ư?