***
Gần tới kỳ thi cuối học kỳ, giáo viên Ngữ văn cho cả lớp xem một bộ phim phóng sự và đưa ra đề bài là viết bài cảm nhận về sinh mệnh.
Bộ phim kể về một người mắc bệnh ung thư. Lúc phát hiện căn bệnh, bệnh nhân còn rất trẻ, vẫn chưa tới ba mươi, vì tiền điều trị rất đắt, chồng bỏ đi cùng kẻ thứ ba, để lại đứa con mới lên bốn và bố mẹ già. Có thể nói cuộc sống của cô ấy đã tồi tệ càng tồi tệ hơn. Nhưng cô ấy vô cùng kiên cường và lạc quan, vừa tích cực điều trị vừa xin nghỉ việc và về quê mở một quán ăn nhỏ. Đoạn cuối của bộ phim, cô ấy đã chiến thắng bệnh tật, sự nghiệp phát triển vô cùng tốt, mở chuỗi cửa hàng ở tận sáu tỉnh thành. Trong làn hơi nghi ngút, cô ấy nhìn ống kính, nở nụ cười.
Thi Âm có ấn tượng rất sâu sắc với nụ cười đó, rất đẹp, rất rạng rỡ, không vương nỗi lo âu nào, giống như tất thảy trắc trở mà cuộc sống mang đến cho cô ấy chỉ là một cửa ải của trò chơi, chắc chắn cô ấy sẽ đi đến điểm đích.
Cô không tài nào hiểu nổi, tại sao thế giới này lại có người lạc quan nhường ấy chứ? Nếu là cô, vào giây phút biết mình bị ung thư, có lẽ sẽ nghĩ chắc chắn mình sẽ chết, vậy nên sẽ bán nhà bán cửa hàng, lấy tiền đi du lịch thế giới, tranh thủ thời gian để thực hiện ước mơ.
Điều trị rất đau đớn và vẫn có khả năng lớn là không sống nổi, tại sao phải giam cầm quãng đời còn lại trong bốn bức tường trắng ngập mùi thuốc sát trùng? Không thể hiểu nổi.
Nhưng cô giáo Ngữ văn nói thế giới có rất nhiều bệnh nhân ung thư lạc quan như cô ấy, chính bởi vì họ lạc quan nên mới có thể chiến thắng bệnh tật.
Về nhà, Thi Âm kể chuyện này cho mẹ nghe, cô hỏi bằng giọng điệu vô cùng khó hiểu, rằng tại sao trên đời này lại có nhiều người lạc quan đến thế?
Mẹ cô ngẩng đầu khỏi tập giáo án, cười:
“Không phải là chắc chắn mình sẽ không chết mà là nghĩ mình không thể chết. Con của cô ấy mới bốn tuổi, bố mẹ lại già yếu, nếu cô ấy ra đi, đứa con sẽ ra sao?
Âm Âm, trên đời này, kẻ kiên cường nhất là người làm mẹ, vì con cái, họ có thể chiến thắng tất thảy, thậm chí là sống trong đau đớn.”
Thi Âm nhìn ánh mắt vừa dịu dàng vừa buồn bã của mẹ, cô như hiểu được điều gì lại như không hiểu gì cả.
Từ nhỏ cô đã thông mình, có thể nhìn thấu nhiều việc. Có rất nhiều người dối trá, cười giả tạo, vờ như kiêu căng, cô chỉ cần nhìn một cái là có thể nhìn thấu. Trong cuộc đời mười mấy năm của cô, chỉ duy nhất hai người là dẫu đã nghiêm túc suy nghĩ và phân tích nhưng vẫn không tài nào hiểu nổi, một là Bùi Thời Khởi, một là mẹ. Cô không thể xác định mẹ có thật lòng yêu bố hay không, cũng không thể xác định mẹ có thực sự yêu thương cô hay không. Cô không hiểu mẹ.
Thi Âm mười bảy tuổi tựa như một con nai con dùng chiếc sừng non để đối kháng với thế giới nhưng lại nghĩ mình đã trưởng thành.
Cô muốn trưởng thành thật nhanh, thật nhanh, vì trưởng thành là có thể thoát khỏi ngôi nhà này, tự lực cánh sinh, sống cuộc đời vô tư vô lự. Nhưng cô chưa từng nghĩ vận mệnh lại dùng phương thức xé nát tim gan để làm cô nhanh chóng trưởng thành.
***
“Học kỳ này con tiếp tục thi được hạng ba của lớp, xếp hạng hai mươi bốn toàn khối.” Nữ sinh đưa bài thi cho mẹ xem, mỉm cười, “Tổ hợp Khoa học tự nhiên đạt 273 điểm, siêu giỏi mẹ ha?”
“Ừ, con tiến bộ rất lớn, nhưng nếu Ngữ văn đạt thêm mười điểm thì có khi tăng thêm mấy hạng rồi.”
“Con cũng nghĩ vậy, do môn Ngữ văn con toàn sai mấy câu cơ bản. Bùi Thời Khởi đã chỉ cho con một phương pháp là đọc hết quyển từ điển Tiếng Hán hiện đại, một ngày đọc mười trang, chép lại những từ không hiểu, sau đó sẽ tự khắc nhớ chúng.”
“Đó là vì người ta thông minh. Con đừng cái gì cũng bắt chước người khác, phải biết vận dụng linh hoạt, từ điển Tiếng Hán hiện đại dày cui, con đọc nổi không?”
“Nổi mà. Con thử rồi, một học kỳ là đọc được tương đối rồi. Mẹ chờ xem, có khi con thi tốt nghiệp đạt thủ khoa luôn ấy chứ.”
“Chưa nói đến thi tốt nghiệp, mẹ hỏi con cái này, con muốn nộp đơn xét tuyển vào trường đại học nào? Có đủ điều kiện không?”
“Mẹ, con không định nộp đơn xét tuyển trường nào cả.” Cô cụp mắt, “Con muốn xin xét tuyển vào trường đại học Q, nhưng con không có giải thưởng quốc gia nào, thành tích tổng kết năm lớp mười một cũng không đạt… Con muốn chờ thi tốt nghiệp trung học rồi tính tiếp.”
“Còn trại hè mà. Mẹ hỏi thầy Trương chủ nhiệm lớp con rồi, thành tích của con vẫn có khả năng cao đậu trại hè chiêu sinh đó.”
“Mấy trường tham gia trại hè không có ngành con thích.”
“Thi Âm…”
“Ôi mẹ à, mẹ yên tâm, con đã lên mười hai rồi, theo tốc độ tiến bộ từ năm ngoái, chắc chắn có thể thi đậu đại học Q.”
“Năm ngoái chứ có phải năm nay đâu, lỡ con không đậu thì sao? Mỗi năm chỉ có một cơ hội để thi tốt nghiệp trung học, lỡ con gặp sự cố đột xuất thì hối hận cũng không kịp!”
“Con biết mà mẹ, mẹ không cần lo cho con đâu.” Nữ sinh gấp lại chăn mền cho mẹ, giọng nói rất nhỏ nhẹ, “Sắp tới giờ nhiệt trị rồi, mẹ nghỉ ngơi lấy sức đi, con làm bài tập, nếu mẹ cần gì cứ gọi con nhé.”
“Haiz.” Mẹ Thi thở dài: “Con nhỏ này.”
Nữ sinh mỉm cười, ôm bài tập vẫy tay.
…
Hôm nay mới được nghỉ hè, bệnh viện càng đông hơn ngày thường, dưới sân rộn rã tiếng chơi đùa của lũ trẻ. Thi Âm đi đóng cửa sổ. Vì vừa mưa xong, trong không khí thoang thoảng mùi bùn đất và cây cỏ, rất trong lành, khiến người ta bừng bừng nhựa sống. Phòng bệnh này hơi khuất, không được nắng chiếu mạnh nên không cần mở điều hòa mà cũng rất mát, thậm chí ngồi lâu còn thấy hơi lạnh. Cô lẳng lặng ngắm gương mặt say ngủ điềm nhiên của mẹ, sau đó rón rén đi tới cái bàn nhỏ bên cạnh để làm bài tập.
Bài đọc mẫu Ngữ văn là một tác phẩm vô cùng quen thuộc: “Đưa mắt nhìn theo” của Long Ứng Đài.
Áng văn này có lẽ vừa chân thực vừa tuyệt vời nên đã trở thành đề văn mẫu chuẩn mực.
“Tôi dần dần hiểu ra đã là quan hệ cha con, mẹ con thì có nghĩa là duyên phận của cha mẹ và con cái chính là đời này kiếp này cha mẹ đưa mắt nhìn theo bóng dáng của con cái càng lúc càng xa. Cha mẹ đứng ở một nơi trên con đường nhỏ, nhìn đứa con dần khuất sau khúc rẽ, bóng dáng của đứa con nói cho cha mẹ biết rằng: đừng nhìn theo nữa.”
Cô đang làm tới đề mười sáu: Qua toàn bộ tác phẩm và liên hệ với cuộc sống thực tế, nêu suy nghĩ của anh/chị về đoạn trích trên.
Đầu bút run rẩy, dừng ở không trung rất lâu, cuối cùng vẫn không thể hạ bút.
***
Trước kỳ thi cuối học kỳ hai năm lớp mười một một ngày, cô lại choàng tỉnh khỏi cơn ác mộng lúc nửa đêm, xuống giường để đi ra phòng khách rót nước. Nhưng khi vừa mở cửa phòng ngủ ra thì nhìn thấy phòng bếp sáng đèn, dượng Hà đang ngồi bên bàn ăn gọi điện thoại. Dượng nhíu chặt mày, gương mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi và lo âu, ánh mắt toàn một màu ủ dột, giọng nói đè nén:
“… Dạ, đang nằm viện, kết quả xét nghiệm là giai đoạn hai, vẫn còn hy vọng, bác sĩ bảo cần nằm viện để điều trị.
Chưa nói cho Thi Âm biết, con bé đang thi cuối kỳ, Tử Khanh sợ ảnh hưởng tới tâm trạng con bé nên chỉ nói cô ấy được cử đi đào tạo chuyên sâu.
Tử Khanh cũng không cho cháu nói với cô chú, nhưng sau khi suy nghĩ thì cháu thấy vẫn nên nói cho cô chú biết. Thời gian này làm phiền cô chú chăm sóc Thi Âm và Thi Ngạn.
… Haiz, dạ, dạ, cô chú yên tâm.”
…
Thi Âm đứng cửa phòng ngủ, tay cầm cái ly rỗng, tuy chỉ nghe loáng thoáng vài câu nhưng toàn thân lạnh buốt.
Giai đoạn hai. Nằm viện. Chưa nói cho Thi Âm biết.
Chỉ nhiêu đó thôi cũng đủ rõ ràng.
Dượng Hà cúp máy, vừa ngẩng đầu lên liền chạm vào đôi mắt sáng ngời của nữ sinh. Cô cầm chặt cái ly, giọng khàn khàn: “Là… mẹ ư?”
“…”
“Dượng nói cho cháu biết đi, là mẹ cháu ư?”
Dượng Hà im lặng chốc lát, dập tắt điếu thuốc lá: “Ừ.”
“Mẹ bị bệnh gì?”
Đôi mắt của cô bé rất sáng, sáng đến mức khiến người ta hoảng hốt, bướng bỉnh nhìn ông, đôi mắt ấy như một thanh đao sắc bén khiến người ta phải tránh né. “… Ung thư vú giai đoạn hai.”
Ung thu vú giai đoạn hai. Mẹ mình.
Không có tiếng thủy tinh vỡ vụn, cũng không có tiếng gào khóc xé nát tim gan và tiếng thét không tin. Thi Âm siết chặt cái ly trong tay, chỉ cảm thấy toàn bộ thế giới rơi vào sự tĩnh lặng chết chóc.
Theo truyền thuyết dân gian có một thứ gọi là Thiên Sát Cô Tinh. Người mang mệnh Thiên Sát Cô Tinh được định phải cô độc suốt đời, sẽ mang đến tai họa cho những người xung quanh, đến chết mới thôi.
Nhưng chuyện sinh ly tử biệt, cô đã trải qua nhiều rồi. Đã đủ lắm rồi.