Minh Nguyệt Hân Nhi liếc xéo tôi hai cái, chép chép miệng bảo: "Thiếu phu nhân, cô đừng nói đến mấy chuyện đó nữa. Rốt cục trong lòng cô có tâm sự gì, chớ ngại nói ra cho em nghe một chút. Minh Nguyệt Hân Nhi em thông minh lanh lợi như vậy, nói không chừng có thể giúp cô thì sao?".
Tôi lắc lắc đầu. Minh Nguyệt Hân Nhi giậm chân bảo: "Thiếu phu nhân, nếu cô không nói thì tức là cô không coi em như người nhà. Xem như Minh Nguyệt Hân Nhi em nhìn nhầm cô rồi, hừ!".
Tôi vẫn không nói gì. Nhưng Minh Nguyệt Hân Nhi lại nhạy bén, con bé nói: "Thiếu phu nhân, chẳng lẽ cô không lo lắng vì không biết có nên nói cho Lão phu nhân chuyện mười hai vạn lượng bạc kia không à?". Tôi gật đầu.
Minh Nguyệt Hân Nhi nghĩ một lát, đoạn lên tiếng: "Thiếu phu nhân, em chỉ là một tiểu nha đầu, không thể quyết định việ gì giúp cô cả. Cô cân nhắc chuyện này, đương nhiên là vì phải suy nghĩ cho người trên kẻ dưới của Thẩm gia. Có điều, em kể cho cô một câu chuyện. Câu chuyện này em nghe người khác kể hồi còn bé thôi".
Tôi có chút tò mò nhìn Minh Nguyệt Hân Nhi. Minh Nguyệt Hân Nhi kể: "Nghe nói trước kia có một bé gái, cô bé lớn lên trong một gia đình hết sức nghèo khó. Lúc ăn Tết, hấy tỷ tỷ nhà người khác có áo mới, dây cột tóc mới, trong lòng cô bé hết sức khó chịu. Vì thế, cha của cô bé mới nói với cô bé rằng: "Con gái, chờ cha kiếm được tiền, cha cũng sẽ mua cho con". Cô bé biết cha mình chỉ nói vật mà thôi, chứ vốn cũng chẳng mua nổi, nên cô bé im lặng. Có một hôm, cô bé thừa dịp nhà vị tỷ tỷ không có ai, bèn chạy đến đó ăn trộm xiêm áo của tỷ tỷ ấy. Thiếu phu nhân, cô đoán xem sau đó thế nào?".
Tôi cười đáp: "Đương nhiên là cô bé đó sẽ mặc áo vào, khoe rằng bản thân mình cũng có đồ mới".
"Sai rồi!". Minh Nguyệt Hân Nhi ra sức lắc đầu: "Mới đầu em cũng nghĩ thế, nhưng người kể câu chuyện này nói cho em biết nào có phải như vậy. Cô bé kia trộm được xiêm áo, xé thành từng mảnh từng mảnh rách bươm, sau đó ném xuống cống ngầm. Cha cô bé thấy thế, trong bụng cảm thấy vô cụng xấu hổ vì không mua được cho con gái mình tấm áo, nên cũng không nói năng gì. Đợi đến khi cô bé này lớn lên, cô ta làm thiếu phu nhân của một gia đình giàu có. Cô ta sinh ra đã có sẵn mỹ mạo xinh xắn, trong lòng hết sức tự phụ. Có một lần, một công tử nhà phú hộ đưa theo vị hôn thê đến gia đình này chúc thọ người chủ. Vị công tử nhà phú hộ kia phong lưu phóng khoáng, phong thái nhẹ nhàng, nhưng nhan sắc vị hôn thê của chàng thì chỉ thường thường bậc trung. Song vị công tử ấy vẫn đối xử rất tốt với vị hôn thế của mình, mặc cho cô gái giờ đã làm vợ người kia bày ra tư thế dung nhan nào đi nữa, chàng vẫn không buồn liếc mắt một cái. Cô ta vì đố kỵ nên đã vạch ra một kế sách ác độc, hại chết vị hôn thê của chàng".
Minh Nguyệt Hân Nhi nói xong, nhìn tôi chăm chú không buồn chớp mắt.
Tôi cười nói: "Minh Nguyệt Hân Nhi, câu chuyện của em đúng là rất thú vị. Nhưng ta thật sự không hiểu, em muốn nói gì với ta?".
Minh Nguyệt Hân Nhi xem chừng muốn kêu ầm lên: "Thiếu phu nhân! Điều em muốn nói rất đơn giản, đó chính là nếu không trừng trị những tội ác nho nhỏ, như vậy thì người phạm sai lầm sẽ ngày càng táo tợn, làm ra càng nhiều chuyện sai lầm. Minh Nguyệt Hân Nhi em không hiểu đạo lý lớn lao, câu chuyện em kể cũng chẳng ra gì. Nhưng Thiếu phu nhân, chẳng lẽ cô không cảm nhận được điều gì trong này sao? Người con gái sau cùng giết người kia, lúc mới bắt đầu, trong lòng nghĩ rằng, miễn là ta không có được, thì người khác cũng đừng hòng có được, cho nên mới trộm quần áo của tỷ tỷ nọ rồi xé rách ném đi, để tỷ tỷ và cô ta không có y phục như nhau. Cũng bởi vì cha cô ta thấy cắn rứt trong lòng nên mới không mắng cô ta. Vì thế, đến khi lớn lên, bởi vì vị công tử kia không buồn liếc mắt đến cô ta, nhưng lại đối xử với vị hôn thê rất tốt, trong lòng cô ta lại nghĩ, nếu ta đã không có được, thì người khác cũng đừng mong có được, thế nên mới dùng cách ác độc để hại chết vị hôn thê của công tử đó. Thiếu phu nhân, cô ngẫm thử xem, nếu ngay lúc ban đầu cha cô ta dạy dỗ cô ta luôn, về sau này, cô ta sao có thể lâm vào bước đường như vậy? Đây gọi là cái gì tiểu cái gì đại ấy nhỉ".
Tôi nói: "Tiểu ác bất trừng, đại ác bất giới".
Minh Nguyệt Hân Nhi giậm chân reo lên: "Đúng thế đấy. Thiếu phu nhân, trong lòng cô cũng rõ rồi đấy. Hiện giờ cô tựa như người cha trong câu chuyện đó, còn người tham ngân lượng thì giống như cô bé kia. Nếu hiện giờ cô phớt lờ đi, chờ tới lúc lỗi lầm nhỏ biến thành tội ác lơn, có muốn xen vào thì cũng đã muộn rồi".
Tôi thở dài, lời Minh Nguyệt Hân Nhi nói quả thật hết sức chí lý. Toàn bộ sự việc phát triển đến ngày hôm nay, đã không còn là chuyện nhỏ nữa. Nêu tôi vẫn vờ không thấy, không có phản ứng, thì không biết đám người Mai Nhiêu Phi còn dám làm ra những chuyện gì nữa. "Tiểu ác bất trừng, đại ác bất giới", nếu từ đầu Lão phu nhân hiểu được điều này, có lẽ Liễu Vũ Tương cũng sẽ không bị kẽ khác hãm hại, Lạc Lạc đương nhiên sẽ không nghĩ đến báo thù, cũng sẽ không vì thế mà hại chết Băng Nhi. Chuyện xấu luôn nối tiếp, nếu có thể sửa đổi tận gốc mới là tốt nhất.
Tôi nhìn Minh Nguyệt Hân Nhi chăm chú, nói rành rọt từng chữ: "Minh Nguyệt Hân Nhi, cám ơn em hôm nay đã cho ta nhiều ý kiến đến vậy, cuối cùng ta đã nghĩ ra phải làm thế nào rồi".
Minh Nguyệt Hân Nhi thẹn đỏ mặt, nói: "Thiếu phu nhân, cô nghĩ thông là được rồi. Em chỉ thông minh nhanh nhẹn một chút thôi, thật ra cũng có cho cô được ý kiến nào đâu".
Qua thêm một chốc nữa, vầng dương mới hú chậm rãi xuất hiện trong ánh ban mai. Cả đại viện Thẩm gia đều đắm mình trong ánh sáng mặt trời buổi sớm.
Tôi bảo Minh Nguyệt Hân Nhi đánh thức Bảo Bảo và Băng Ngưng, sau khi rửa mặt chải đầu thì theo tôi đến gặp Lão phu nhân.
Lúc đi vào chính đường vẫn còn khá sớm. Lão phu nhân đang ngồi đó ăn điểm tâm. Bệnh tình của bà đã khá lên nhiều, mỗi buổi sáng bà đều dậy sớm luyện tập Ngũ Cầm hí (1).
(1) Ngũ Cầm Hí là cách bắt chước động tác của năm loài thú là Hổ, Hươu, Gấu, Vượn, Chim do thầy thuốc Hoa Đà đợi Hậu Hán sáng chế để bảo vệ sức khỏe cùng trị bệnh hầu giúp con người sống được lâu. Tập bài tập này để mọi động tác đều phối hợp uyển chuyển giữa lục phủ, ngũ tạng với toàn thể cơ năng trong thân xác con người một cách thật nhịp nhàng, để khí huyết lưu thông nơi các đường kinh mạch được hiệu quả, nên có thể khỏi bệnh và sống lâu.
Lão phu nhân hỏi: "Dung Nhi, sao hôm nay con đến sớm thế? Đã ăn gì chưa?". Tôi lắc đầu thưa: "Vẫn chưa ăn ạ".
Lão phu nhân nói: "A Thanh, ngươi đi múc thêm ít cháo, tiện thể bưng mấy món thức ăn Giang Chiết người khác tặng ta đến cho Thiếu phu nhân và Băng Ngưng tiểu thư dùng". A Thanh đáp lời lui xuống.
Thấy chúng tôi, sắc mặt Cúc ma ma nhất thời xám ngắt. Bà ta nói: "Lão phu nhân, nô tỳ cũng đi giúp đỡ". Nói xong, liền muốn chuồn đi, chắc là đi báo tin cho đám Mai Nhiêu Phi.
Không đợi Lão phu nhân lên tiếng, tôi đã nói: "Cúc ma ma, chuyện hôm nay ta muốn bẩm báo với Lão phu nhân có liên quan đến bà rất nhiều, vẫn làm phiền bà chở ở đây chút đã".