Kho báu chẳng chật lúc nhiều vàng;
Người phàm ai than thừa hạnh phúc,
Học giả ai hiềm tri thức dày.”
(Cách ngôn Sakya)
Năm 1251, tức năm Hợi, Âm Thiết, theo lịch Tạng, tức niên hiệu Thuần Hựu thứ mười một nhà Nam Tống, tức niên hiệu Mông Kha Hãn thứ nhất, Mông Cổ.
Ban Trí Đạt bảy mươi tuổi, Bát Tư Ba mười bảy tuổi, Kháp Na mười ba tuổi.
Mùa đông, cây cỏ đìu hiu, hơi thở đóng băng, dãy Lục Bàn Sơn như mình rồng uốn lượn, giờ cũng hiền lành náu mình trong chiếc áo tuyết dày cộm, trắng muốt. Dưới chân núi lô nhô lán trại của người Mông Cổ, trong lán trại lớn nhất có rất nhiều người mặc áo giáp trụ. Ngồi ở vị trí cao nhất là một người đàn ông trung niên tráng kiện, gương mặt tròn vành vạnh tựa trăng rằm. Bên cạnh ông là một phụ nữ kiều diễm, đài các. Người đàn ông trung niên uy nghi, đạo mạo, giọng nói trầm hùng:
- Tufan có những vĩ nhân tiêu biểu nào?
Người ngồi ở vị trí gần nhất phía dưới là nhà sư trẻ tuổi mặc áo màu đỏ, dáng vẻ tự tin, cử chỉ khiêm nhường, nhã nhặn. Nhà sư khẽ cúi người khiêm cung, dõng dạc trả lời:
- Thưa Đại vương Hốt Tất Liệt, tổ tiên của người Tufan có ba vị pháp vương đều là hóa thân của các vị Bồ Tát: Pháp vương Songtsan Gampo là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát, Pháp vương Trisong Detsen là hóa thân của Văn Thù Bồ Tát, Pháp vương Tri Ralpacan là hóa thân của Kim Cương Thủ Bồ Tát.
Động tác, cử chỉ của nhà sư khiêm tốn mà không gò bó, lời nói đường hoàng, dõng dạc mà không kiêu căng, ngạo mạn, lưng vươn thẳng như ngọn thông, dáng người cao lớn. Giọng nói đã không còn dấu vết của tuổi dậy thì mà trầm ấm, êm mượt như nhung lụa, cứ thế tuôn chảy vào lòng người. Vầng trán nhẵn bóng ngày nào giờ đã lốm đốm mụn thanh xuân nhưng không hề làm mất đi vẻ tuấn tú, khôi ngô. Vẻ bẽn lẽn thuở thiếu thời đã biến mất nhờ sự dày công bồi dưỡng của người bác, thay vào đó là dáng vẻ tự tin, cởi mở, điềm tĩnh. Con người ấy có sức hút kỳ lạ đối với những người xung quanh.
Đôi đồng tử đen láy đảo quanh một lượt các vị khách có mặt, rồi mới tiếp tục cất giọng ngợi ca:
- Vị vua vĩ đại Songtsan Gampo là người đã góp ba công đức lớn lao đối với đất Tạng. Một là, hơn sáu trăm năm trước, ngài đã thống nhất toàn vùng Wusi. Hai là, ngài ra lệnh xây dựng hệ thống văn tự Tạng. Ba là, ngài đã cưới Công chúa Văn Thành của đất Hán và Công chúa Bhrikuti Devi của Nepal và ra sức phát triển đạo Phật… Cháu đời thứ năm của Vua Songtsan Gampo – Vua Trisong Detsen – là người đã mời vị cao tăng Thiên Trúc – đại sư Liên Hoa Sinh – tới Tufan truyền pháp và xây dựng ngôi đền đầu tiên ở Tufan – đền Samye. Vua Trisong Detsen đã lựa chọn bảy người trong số các con em quý tộc đến Samye để xuống tóc đi tu. Họ chính là những tu sĩ đầu tiên của Tufan, sử sách gọi họ là “bảy tu sĩ Samye”. Dòng họ Khon của bần tăng có địa vị đặc biệt cao quý vào thời kỳ vương triều Tufan. Cụ nội của bần tăng vốn là đại thần trong triều đình Songtsan Gampo, được Nhà vua rất mực nể trọng. Người con cả của cụ chính là một trong “bảy tu sĩ Samye” thời đó.
Tất cả những người có mặt trong lán trại khi ấy đều như bị mê hoặc bởi giọng nói trầm ấm, lay động, ai nấy đều chăm chú hướng mắt về phía thầy tu trẻ. Người phụ nữ xinh đẹp với đôi mắt như biết nói chốc chốc lại ghé tai Hốt Tất Liệt thì thầm nhỏ to.
- Cháu trai của Vua Trisong Detsen – Vua Tri Ralpaca – là người rất sùng đạo Phật, ngài đề cao việc tu tâm dưỡng tính. Ngài đã kết tình hòa hảo với đế quốc Đại Đường ở Trung Nguyên, giao ước không bao giờ xâm phạm lẫn nhau. Bởi vì nhà Đường từng gả Công chúa Văn Thành và Công chúa Kim Thành cho Vua Tufan nên hai nước có mối giao tình đặc biệt. Và bởi vậy, tấm bia kỷ niệm ngày hai nước thiết lập quan hệ đồng minh thân thiết còn gọi là bia “Liên minh cậu cháu”, được đặt trước cổng đền Jokhang ở La-ta. – Bát Tư Ba say sưa thuyết giảng, đến nỗi cậu ấy dường như đang ở tư thế hơi đổ người về phía trước. – Bởi vậy, tuy vương triều Tufan sụp đổ nhưng công đức của ba vị vua là vô cùng to lớn. Họ được người đời sau tôn làm “Tam pháp vương”, tượng của họ được thờ cúng trong tất cả các ngôi đền ở Wusi.
Hốt Tất Liệt vỗ tay cười lớn, vẻ tự tin, cởi mở toát ra từ ngài rất đặc biệt. Ngài gật đầu với người phụ nữ xinh đẹp, sau đó đặt tay lên bàn, tấm tắc khen:
- Các vị tướng lĩnh, hãy xem, Bát Tư Ba mới mười bảy tuổi mà học rộng biết nhiều, tài hoa uyên bác như vậy đấy. Những kẻ làm võ tướng ít học các ngươi có thấy xấu hổ không hả?
Ai nấy vội vàng gật đầu thưa vâng, những tiếng tán thưởng râm ran khắp lều trại. Bát Tư Ba, mặt đỏ như gấc chín, cúi đầu, lí nhí cảm ơn.
Hốt Tất Liệt nhìn quanh khắp lượt, xúc động nói:
- Hẳn các vị đều biết, sau khi Quý Do Hãn qua đời, tháng Sáu vừa qua, anh trai Mông Kha của ta đã được chọn làm Khả hãn[1]. Đại hãn Mông Kha ủy thác cho ta thống lĩnh quân đội miền Nam Mông Cổ, đóng quân trên Lục Bàn Sơn này. Trước đó, ta nghe nói, trí giả Ban Trí Đạt của phái Sakya ở Tufan là người có trí tuệ phi thường, nay đang trú ở Lương Châu, nên đã cử sứ giả đi mời ngài. Chẳng ngờ, đại sư tuổi cao sức yếu, không thể đi xa, vì vậy Khởi Tất đã đưa cháu trai của ngài Ban Trí Đạt là Bát Tư Ba đến đây.
Hốt Tất Liệt đứng dậy, chầm chậm bước tới trước mặt Bát Tư Ba, ánh mắt ngưỡng mộ và thán phục không giấu giếm của ngài hướng về nhà sư trẻ:
- Lần đầu gặp Bát Tư Ba, ta đã rất tâm đắc. Vì vậy, ta phải “hối lộ” đứa cháu họ nhỏ mọn một trăm con tuấn mã, nó mới chịu để Bát Tư Ba ở lại. Hơn một tháng qua, mỗi khi nghe Bát Tư Ba giảng pháp, ta đều bội phần khâm phục. Bởi vậy hôm nay, ta mới cho vời các ngươi đến đây, để cùng lắng nghe những lời khuôn vàng thước ngọc của bậc thánh giả, mong sẽ giúp đầu óc u tối của các ngươi được mở mang đôi chút.
Đám tướng lĩnh lập tức phụ họa. Người phụ nữ xinh đẹp rúc rích cười, rồi nàng cất giọng nhỏ nhẹ, mềm mại như lụa:
- Vương gia, nghe nói Bát Tư Ba rất giỏi trong việc chủ trì nghi lễ quán đỉnh Hevajra[2]. Chi bằng, nhân dịp này, hãy mời ngài giảng giải cho chúng ta nghe về nghi lễ này, chúng ta phải chịu lễ ra sao, sẽ kết thành thí chủ và phúc điền[3] thế nào để mọi người được mở rộng tầm nhìn.
=== ====== ====== ====== ====== ====== =========
[1] Mông Kha được chọn làm Khả Hãn năm 1251.
[2] Hevajra là Phật giáo Kim Cương thừa. Quán đỉnh nghĩa là xối nước lên đầu, đây là một nghi thức quan trọng của dòng truyền thừa, thường diễn ra trong các buổi lễ tiếp nhận đệ tử hoặc lễ kế vị của các bậc cao tăng. (DG)
[3] Phúc điền là chữ dùng của đạo Phật. Giáo lý Phật giáo giảng rằng, phàm những người thờ Phật, kính tăng, hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương người khốn khổ đều được ban hưởng phúc đức, giống như người nông dân được thu hoạch hoa màu sau những tháng ngày trồng cấy vất vả. Bởi vậy, “phúc điền” là từ dùng để chỉ Phật, tăng, cha mẹ và những người khốn khổ trong xã hội.