Không tỏ ra phẫn uất khi có kẻ chê trách,
Kiên tâm vững chí theo đuổi học thuật,
Ấy mới là phong thái của bậc trí giả chân chính.”
(Cách ngôn Sakya)
- Tiểu Lam, từ lâu ta đã biết ngươi là một linh thú, biết nói tiếng người, có chút phép lực và ngươi đi theo hai anh em chúng để tu luyện phép thuật.
Tôi nghe mà tim đập chân run, hồn bay phách lạc, ước sao có thể phi thân thoát khỏi chốn này.
Trên giường bệnh, ngài Ban Trí Đạt gầy gò, ốm yếu tưởng chừng chỉ còn da bọc xương, trông ngài chẳng khác nào chiếc lá vàng khô héo, cơn gió nhẹ cũng có thể thổi bay. Khuôn mặt già nua nhăn nheo, chằng chịt những nếp nhăn sâu trũng và những đốm đồi mồi. Ngài đang gắng gượng giữ nhịp thở, chừng như muôn phần vất vả, chỉ có đôi mắt sáng lấp lánh trí tuệ là hiển hiện sức sống.
Có nằm mơ tôi cũng không tưởng tượng nổi, trước lúc lâm chung, ngài Ban Trí Đạt lại cho gọi tôi, còn yêu cầu gặp riêng. Khi Kháp Na nhẹ nhàng đặt tôi bên cạnh giường của đại sư rồi nhẹ nhàng bước ra ngoài, tim tôi đập thình thịch, lòng hoang mang vô hạn. Chẳng ngờ, tôi chưa kịp mở lời, ngài đã nhìn thấu tâm can tôi, thế nên tứ chi tôi mềm nhũn, tôi ấp úng, lập cập giải thích:
- Tôi… nhưng tôi… Thưa đại sư, tôi chưa bao giờ có ý định hãm hại họ…
Đôi mắt khép hờ của ngài bỗng mở to, ngài khẽ nghiêng người về phía tôi, ánh nhìn sắc lẹm:
- Nếu ngươi có ý định hãm hại chúng, lẽ nào ta lại để cho ngươi sống đến tận bây giờ?
Dường như câu nói ấy đã khiến ngài hao tổn rất nhiều sức lực, ngài mệt nhọc đổ người xuống chiếc gối, thở dốc, lúc sau mới nhắm mắt lại, lắc đầu:
- Ngươi đừng lo, ta không có ý trách mắng gì ngươi cả. Mấy năm qua, ta vẫn âm thầm quan sát và nhận thấy ngươi không có ý đồ gì xấu với Lâu Cát và Kháp Na. Ngược lại, ngươi đã giúp đỡ chúng rất nhiều.
Khối đá đè nặng trong lòng tôi nãy giờ đã nhẹ bớt chút đỉnh, tôi thầm thở phào, nhưng vẫn có cảm giác sống lưng lạnh toát.
Đại sư tiếp tục câu chuyện, nhưng ngài đã rất vất vả:
- Sau này ngươi không cần lén lút học cách tu tập nữa. Ngay bây giờ, ta sẽ truyền cho ngươi một bộ phép tu gồm những câu chú tinh diệu, thâm thúy nhất. Người thường học phép tu này chỉ có thể kéo dài tuổi thọ, nhưng loài yêu tinh tu luyện theo phép tu này có thể biến hóa vô cùng, chạy nhanh ngàn dặm.
Nỗi lo lắng trong tôi hoàn toàn tan biến, tôi vui mừng đến mức chỉ muốn nhảy cẫng lên. Tôi vội vàng tập trung tinh thần, chăm chú ngước nhìn đại sư, vẻ mặt khẩn cầu. Đại sư thở gấp một hồi mới lấy lại được hơi sức, ngài nói:
- Nhưng ta có một điều kiện.
Tôi cảm thấy có chút hụt hẫng. Kết giao với loài người nhiều năm, tôi hiểu rằng, không có thứ gì bỗng dưng từ trên trời rơi xuống cả.
Đại sư nhìn tôi bằng ánh mắt sắc nhọn và nghiêm khắc:
- Ngươi phải lập lời thề, sẽ đi theo hai anh em chúng, dốc sức bảo vệ chúng bằng mọi phép thuật mà ngươi có, cho đến khi chúng rời bỏ cõi đời này.
Tôi sững sờ, tôi nghĩ ngài sẽ buộc tôi phải tránh xa anh em họ, nào ngờ… Tôi gật đầu quả quyết, cắn rách ngón chân trước, để máu tươi nhỏ xuống lòng bàn tay đại sư, kết lại thành một vệt sẫm đỏ.
Đó là cách mà loài thú chúng tôi lập lời thề. Loài thú không tùy tiện thề nguyền bởi vì chúng tôi không được phép bội ước, nếu không, sẽ bị trời trừng phạt. Tôi sống thọ hơn loài người rất nhiều, mấy mươi năm ngắn ngủi của đời người có là bao, dùng khoảng thời gian đó để đổi lấy những đạo pháp quý báu, mối giao dịch hời thế này, làm gì có con thú nào từ chối kia chứ! Nhưng lần đầu tiên trong đời lập lời thề, tôi không hề nghĩ tới những điều này, từ tận đáy lòng mình, tôi thật sự mong muốn được ở bên anh em họ.
Tôi quỳ xuống bên giường đại sư, từng câu từng chữ rành rọt cất lên:
- Thưa đại sư, Lam Kha Mai Đóa xin lập lời thề trước Phật Tổ, cả đời sẽ đi theo Lâu Cát và Kháp Na, dốc hết sức mình bảo vệ họ cho đến khi họ lìa xa cõi đời này.
Khi ấy tôi không hề biết rằng, lời thề đó đã theo tôi gần bốn mươi năm. Tôi đã nhìn thấu mọi diện mạo của đời sống con người, nếm trải đủ mùi vị của sự hợp tan, chứng kiến biết bao cuộc sinh ly tử biệt. Kể từ đó, cuộc đời dằng dặc của tôi đã có thêm những chương đoạn hấp dẫn nhất, tuyệt vời nhất, khó quên nhất.
Sau khi tôi lập lời thề, đại sư đổ người xuống chiếc gối dài, thở phào, chừng như thỏa nguyện, yên lòng.
Ngày trận tuyết lớn nhất mùa đông xuất hiện ở Lương Châu cũng là ngày đại sư Ban Trí Đạt trút hơi thở cuối cùng. Hôm đó, đại sư khoác lên mình chiếc áo cà sa rực rỡ, trang trọng, ngồi xếp bằng trên đài sen, sau lưng ngài là tượng Bồ Tát Văn Thù, vị Bồ Tát mà giáo phái Sakya sùng bái, toàn bộ tu sĩ trong đền Hoán Hóa và tín đồ quỳ gối trước ngài. Bát Tư Ba và Kháp Na đứng hai bên, đỡ lấy cơ thể chỉ còn lại chút sự sống yếu ớt của đại sư.
Khi ấy, đại sư Ban Trí Đạt chủ trì nghi lễ sau cùng, cũng là nghi lễ quan trọng nhất cuộc đời ngài: nghi lễ trao quyền lãnh đạo giáo phái.
Ngoài kia, nền trời ảm đạm, những bông tuyết trắng ào ạt tuôn rơi, lớp tuyết phủ trên mặt đất đã cao đến tận đầu gối. Ở đây, giữa đại điện, bầu không khí trầm buồn, yên ắng, chỉ có duy nhất tiếng củi cháy lép bép trên bếp than. Sau khi trao tù và[1] và y bát[2] cho Bát Tư Ba, đại sư Ban Trí Đạt yêu cầu các môn đồ và tín đồ làm lễ bái lạy vị pháp vương mới. Nghi lễ kết thúc, ánh mắt đại sư dồn về phía Bát Tư Ba:
- Lâu Cát, bây giờ con hãy quỳ xuống trước mặt ta, nhắc lại toàn bộ lời thề mà hôm qua con đã thề với ta trước sự chứng giám của Phật Tổ và các đệ tử, tín đồ phái Sakya có mặt ở đây.
Giọng đại sư tuy yếu ớt nhưng chứa đựng sự uy nghiêm không thể kháng cự. Bát Tư Ba quỳ xuống tấm thảm, thành khẩn vái lạy:
- Xin Phật Tổ chứng giám, xin bác làm chứng cho con: Lạc Truy Kiên Tán xin thề trọn đời náu thân nơi cửa Phật, phụng thờ Phật Tổ, vinh danh giáo phái Sakya, giáo hóa chúng sinh, bảo vệ và thống nhất đất Tạng.
Dưới ánh sáng lung linh của dãy đèn dài, gương mặt cương nghị của Bát Tư Ba toát lên khí khái kiên định, vững vàng, đó là thứ ánh sáng rực rỡ, huyền hoặc của sao Mai đang dần trỗi lên giữa nền trời nhung gấm.
=== ====== ====== ====== ====== ====== ====== ===
[1] Loại nhạc cụ được làm từ sừng trâu, sừng bò hoặc vỏ ốc, âm thanh phát ra từ loại nhạc cụ này vang rất xa. Tù và trong tiếng Phạn có tên gọi Dharma Sankha, là khí cụ thường được sử dụng trong các buổi lễ cúng bái của Phật giáo Tây Tạng. Trong các cuốn kinh văn, âm thanh trầm bổng, vang vọng của loại khí cụ này thường được ví với thanh âm kỳ diệu ngân vang khi Phật Tổ thuyết pháp. (DG)
[2] Chỉ áo cà sa và cái bát của người tu hành, đây là những vật dụng mà các các nhà sư truyền lại cho môn đồ sau khi viên tịch, việc truyền lại y bát cũng tượng trưng cho việc trao lại quyền năng cho người kế tục. (DG)