Người học thức uyên thâm thường khiêm tốn,
chừng mực;
Suối nhỏ trong rừng sâu cứ róc rách đêm ngày,
Biển lớn trải muôn trùng vẫn hiền hòa bao thuở.”
(Cách ngôn Sakya)
Trong thời gian tu luyện ở núi Côn Luân, tôi đã kết thân với lão gấu xám kém tôi cả trăm tuổi. Linh khí của gấu xám không mấy dồi dào nên tu luyện đến chừng một trăm tuổi thì lão chẳng thể tiếp tục. Lão thành ra già nua, yếu ớt, mắt hoa, chân chậm, tai kém, những dấu hiệu đó cho thấy lão không sống được bao lâu nữa. Thế nhưng lão đã thọ thêm ngót nghét mười năm nhờ chăm chỉ lén theo bậc trí giả[1] của đất Wusi, đại sư Ban Trí Đạt, thuộc giáo phái Sakya, để nghe ngài biện kinh, giảng pháp, từ đó giác ngộ và tăng thêm tuổi thọ.
Trong năm năm cuối đời, không biết ma xui quỷ khiến thế nào mà lão gấu xám lại tình cờ lọt vào sơn động của tôi. Đuổi lão đi thì dễ thôi, nhưng tôi quyết định giữ lão ở lại. Lý do rất đơn giản: suốt một trăm năm ròng tôi không có ai để trò chuyện.
Lão gấu xám bị nặng tai nên tôi cứ phải ghé sát tai lão mà gào lên thì lão mới nghe thấu. Tuy giao tiếp khá vất vả nhưng chúng tôi đã sống rất vui vẻ. Lão kể với tôi rất nhiều câu chuyện về Ban Trí Đạt mà lão nghe được hoặc được tận mắt chứng kiến. Tôi có cảm giác lão sùng bái ngài Ban Trí Đạt hơn cả Phật Tổ.
Ba năm trước, ngài Ban Trí Đạt tổ chức một pháp hội rất lớn, lão gấu xám đã dẫn tôi đi nghe lén. Chẳng ngờ hôm đó, ngài Ban Trí Đạt không đăng đàn giảng pháp mà để một cậu bé chín tuổi lên thuyết giảng kinh Phật. Còn nhớ lúc đó, hàng nghìn nhà sư cùng đến nghe giảng pháp, khi nhìn thấy đứa trẻ vắt mũi chưa sạch ấy, họ chỉ trỏ bàn luận, vẻ khinh miệt phơi bày không giấu giếm. Nhưng cậu bé mới chín tuổi ấy đã bước lên pháp đài với vẻ đĩnh đạc, điềm tĩnh, pháp tướng trang nghiêm, cất giọng rành rọt, thuyết giảng cuốn Kỷ kim cương tục đệ nhị phẩm.
Cậu bé có giọng nói trong trẻo, thanh thoát ấy đã nêu ra nhiều dẫn chứng nhằm tăng thêm sức thuyết phục cho các luận điểm của mình. Những tăng nhân mới đầu tỏ ra xem thường thì giờ đây cũng đang lắng nghe mê mải, gật đầu lia lịa. Tôi cũng vậy, tôi vốn rất buồn vì không được nghe ngài Ban Trí Đạt thuyết pháp, nhưng sau đó, tôi nhận thấy mình đã “thu hoạch” được rất nhiều từ bài giảng của cậu ấy, và cũng giống những người khác, tôi thực sự thấy khâm phục cậu bé. Câu nói: “tuổi trẻ tài cao” hoàn toàn đúng với trường hợp của cậu bé này.
Lão gấu xám không nghe lọt câu nào, còn tôi, nhờ vào thính giác nhạy bén siêu phàm của loài hồ ly, dù đứng cách rất xa, tôi vẫn nghe rõ từng lời. Tôi vừa nghe vừa ghé sát tai, giảng lại một lượt cho lão gấu xám. Lão cho tôi hay, cậu bé này là cháu trai của ngài Ban Trí Đạt, chính là thần đồng Bát Tư Ba mà người đời xưng tụng là bậc “thánh giả”.
Không lâu sau buổi pháp hội ấy, lão gấu xám qua đời, tôi tiếp tục cuộc sống cô độc. Tôi chôn lão cạnh sơn động, nơi mà trước đó tôi đã lần lượt an táng từng người thân của mình. Những lúc muốn trò chuyện, tôi lại ra đó, lẩm bẩm độc thoại một hồi. Tôi rất muốn được đến nghe giảng kinh một lần nữa, nhưng người ta bảo ngài Ban Trí Đạt đã dẫn Bát Tư Ba đi xa, không biết khi nào trở lại Sakya. Sau đó, tôi bị mắc bẫy của thợ săn. Không thể tin rằng tôi đã gặp lại cậu ấy ở đất Lương Châu xa xôi, cách Sakya cả ngàn dặm này.
Nhưng tôi chẳng còn nhớ rõ hình dáng của cậu bé ấy nữa. Ngày đó đi nghe giảng pháp, chúng tôi biết thân biết phận nên nào dám đến gần chỗ đông người. Đứng từ xa, tôi chỉ thấy bóng chiếc áo tăng ni màu đỏ sẫm thấp thoáng trên pháp đài. Các cậu bé thường lớn rất nhanh, chỉ ba năm thôi cũng có thể khiến dung mạo và hình dáng của họ thay đổi rất nhiều. Lấy ví dụ, giọng nói trong veo ngày ấy giờ đây đã chuyển sang giọng khàn khàn của giai đoạn vỡ tiếng, làm sao nhận ra nổi?
Không hiểu sao, khi biết cậu bé này chính là Bát Tư Ba năm xưa, tôi cảm thấy mừng vui khôn xiết. Tuy rằng cậu ấy không hề biết ba năm trước có một tiểu hồ ly từng đến nghe mình giảng pháp nhưng tôi thì khác, tôi có cảm giác thân thiết như người ta gặp lại người thân của mình nơi đất khách vậy. Trong tôi dấy lên một niềm tin gần như tuyệt đối rằng, Phật Tổ đoái thương, cho tôi gặp được bậc thánh giả Bát Tư Ba, tôi được cứu mạng rồi!
- Đó chỉ là những lời đồn thổi vu vơ, công tử chớ cho là thật, xin cứ gọi bần tăng là Lâu Cát.
Mặt đỏ như gấc chín, cậu ấy bối rối phủ nhận, nhưng còn chưa kịp nói đôi lời khách sáo thì Khởi Tất đã kéo cậu ấy vào phòng khách. Đoán định được tình thế, lão thợ săn vội vã xách chiếc lồng, lặng lẽ bám theo.
- Ồ, Lâu Cát ư? Cái tên này có nghĩa là gì? – Không kìm nổi sự tò mò, Khởi Tất vừa đi vừa hỏi.
- Thưa công tử, từ này có nghĩa là sinh vào năm Mùi. Bần tăng sinh năm Mùi nên người bác và người mẹ quá cố đều gọi bần tăng như vậy.
Khởi Tất trầm ngâm một lát rồi hỉ hả tán thưởng:
- Sinh năm Mùi, tức là năm nay thầy mới mười hai tuổi, quả là tuổi trẻ tài cao!
Vào đến phòng khách, Khởi Tất mời Bát Tư Ba ngồi xếp bằng trên thảm, sau đó khoát tay ra lệnh cho người hầu dâng trà:
- Sáu năm trước, cha ta từng cử bộ tướng tấn công Wusi. Nhưng ngay sau đó, ông nhận thấy sự cần thiết phải mời một vị cao tăng đại đức giữ vai trò là lãnh tụ tinh thần của cả vùng núi cao băng tuyết quanh năm ấy. Đại sư Ban Trí Đạt của giáo phái Sakya là người đức cao vọng trọng, danh tiếng của ngài lan khắp bốn phương. Cha ta đã đích thân viết thư mời ngài đến Lương Châu để bàn bạc về việc thu phục Wusi. Đại sư Ban Trí Đạt là hóa thân của Bồ Tát Văn Thù, không quản tuổi cao sức yếu, không nề hà đường xa vạn dặm, lặn lội từ Sakya, ròng rã suốt hai năm trời để đến Lương Châu. Hẳn là các vị đã phải vượt qua muôn vàn gian nan, khổ ải trong suốt chuyến đi này.
Bát Tư Ba nhấp một ngụm trà, khẽ thở dài, vẻ mặt đầy trăn trở, âu lo, không tương xứng với tuổi tác chút nào:
- Cảm tạ sự quan tâm của công tử, bần tăng thì không sao, chỉ tội cho cậu em trai Kháp Na Đa Cát của bần tăng, lúc rời khỏi Sakya nó mới có sáu tuổi. Suốt quãng đường đi, dù phải chịu bao nhọc nhằn nó cũng đã gắng gượng chịu đựng, không hề khóc lóc, than vãn khiến kẻ làm anh như bần tăng đây cũng lấy làm khâm phục. Bác của bần tăng khi ấy đã sáu mươi ba tuổi, tuổi cao sức yếu, trên đường đi thường hay hắt hơi, sổ mũi, mình mẩy
đau nhức…
Khởi Tất gật đầu cảm thông, cất lời động viên:
- Lát nữa ta sẽ cho thầy thuốc đến coi bệnh cho ngài. Các vị vừa đến thì cha ta cũng lên đường tham dự hội nghị Kurultai[2]. Trong thời gian lưu lại Lương Châu, nếu các vị cần gì, xin cứ nói với ta.
Bát Tư Ba lịch sự cảm ơn, mới mười hai tuổi nhưng phong thái đĩnh đạc, ứng xử nho nhã, biểu cảm chân thành của cậu ấy đã rất được lòng Khởi Tất. Cuộc chuyện trò ngày càng trở nên thân mật:
- Cũng mừng là ta đã nhận được thư của cha, báo rằng đại hội Kurultai đã kết thúc, người bác Quý Do của ta sẽ kế thừa ngôi vị Đại hãn của ông nội Oa Khoát Đài của ta[3] nên cha ta đã lên đường trở về Lương Châu. Chắc khoảng một tháng nữa, cha ta và đại sư Ban Trí Đạt có thể gặp nhau.
Khởi Tất nhấp một ngụm trà rồi nhón một viên kẹo sữa chua bỏ vào miệng.
- Các vị có thiếu thốn gì không? Hôm nay được gặp thầy ở đây, ta lấy làm vui mừng khôn xiết, ta nhất định phải tặng thầy món quà gì đó để tỏ lòng hiếu khách truyền thống của người Mông Cổ chúng ta.
Bát Tư Ba liếc nhìn lão thợ săn lúc này đang sợ hãi thu mình trong góc nhỏ. Tôi bám vào thanh sắt, lách chiếc mũi nhọn ra khỏi lồng, van lơn khẩn thiết.
Cậu ấy khẽ gật đầu với tôi, ánh mắt ấm áp mà tự tin, sau đó quay lại chắp tay cung kính thưa với Khởi Tất:
- Công tử có thể tặng bần tăng bất cứ thứ gì bần tăng muốn ư?
- Tất nhiên rồi, ha ha, chỉ cần có thể tìm được thứ đó, ta nhất định sẽ tặng cho thầy. – Khởi Tất hào phóng đập tay xuống chiếc bàn trà thấp. – Người anh em nói ta nghe, thầy muốn có thứ gì?
- Bần tăng muốn có tiểu hồ ly này. – Bát Tư Ba trỏ ngón tay về phía chiếc lồng giam cầm tôi, ánh mắt giàu lòng nhân từ ấy thanh tịnh như một đài hoa sen. Sau đó, cậu quay lại chăm chú quan sát biểu cảm của Khởi Tất. – Loài hồ ly mắt xanh, lông xanh vốn là kết tinh khí thiêng của cả trời và đất, được Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni giáo hóa. Nếu ai đó định sát hại nó, chắc chắn sẽ bị Phật Tổ giáng tội. Cúi xin công tử mở lòng từ bi mà tha cho nó, xem như tích chút công đức cho mình.
=== ====== ====
[1] Chỉ những người tài trí hơn người, kiến thức uyên bác, sâu rộng. (DG)
[2] Còn gọi là hội nghị Hốt Lý Đài hay Hốt Lý Lạc Đài, đại hội lựa chọn ra Đại hãn (vua) của quý tộc Mông Cổ. Ngôi vị Đại hãn của người Mông Cổ không phải “con nối nghiệp cha” theo truyền thống của người Hán, mà do các quý tộc bầu chọn.
[3] Sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, người con thứ ba của ông là Oa Khoát Đài đã được chọn làm Đại hãn. Oa Khoát Đài mất năm 1241. Quý Do là con trai cả của Oa Khoát Đài, ông được chọn làm Đại hãn năm 1246.