Hiện giờ Lăng thị đã chết, bóng ma bao phủ trên đầu hoàng thất Tề thị trước đây cũng tiêu tán đi không ít. Tiếc rằng, hoàng thất vẫn phải trả một cái giá quá đắt, quá đau thương…
Vị đế vương anh minh nhất qua các triều đại của hoàng thất Tề thị tới nay…
Văn đế nhớ lại đánh giá của Lăng thị đối với Minh đế, thở dài buồn bã.
Lần này nếu không phải A Việt tới kịp lúc, e rằng Nguyên Trưng triều không thể dễ dàng thoát ra như vậy. Điều này khiến cho Văn đế vẫn luôn tin tưởng mình có thể thống trị tốt và phát triển tốt Nguyên Trưng triều, đã bị đả kích một chút. Tuy rằng đại đa số các đại thần đều có thể thông cảm vì Văn đế vừa mới đăng cơ, vẫn còn đang bị vây hãm trong thời kỳ chuyển giao quyền lực chưa ổn định, nhưng có Minh đế như châu ngọc phía trước, Văn đế luôn tự yêu cầu bản thân rất cao vẫn có chút không buông bỏ được.
Trần Kiêu là đích tử của Thừa tướng Trần Bái, là thư đồng kiêm hảo hữu của Văn đế khi còn là Hoàng tử cũng là tâm phúc phụ tá của Văn đế.
Sau khi nhận ra tâm tư của Văn đế, Trần Kiêu nói: “Vi thần cả gan, đối với cục diện hiện giờ, Hoàng thượng nên vui mừng trong lòng, chứ không phải buồn rầu hổ thẹn.”
Sắc mặt Văn đế hơi thay đổi, nhìn Trần Kiêu chằm chằm. Trần Kiêu luôn rất đúng mực, lúc này vừa như hảo hữu lại cũng có cách biệt quân thần.
Trong đôi mắt phượng của Văn đế là sự u ám không rõ.
Dù Văn đế có muốn thừa nhận hay không, cuộc nhiễu nhương do Tề Minh Uyên khởi xướng này, người thu được lợi ích sau cùng chính là Văn đế.
Đầu tiên là tiêu diệt được thế lực không hề an phận cũng luôn oán hận hoàng thất Tề thị nằm trong tay Lăng thị. Cái chết của Lăng thị cũng khiến cho Thành Sách quận vương phủ bị hủy bỏ. Bất luận là Hưng đế, Minh đế hay Văn đế, đều có sự cảnh giác ở những mức độ khác nhau đối với hậu duệ của đích tử của Cao đế – những người luôn luôn chiếm được ưu thế lớn hơn một chút về vấn đề danh phận. Nhưng vì để thể hiện lòng nhân đức của hoàng thất, chỉ cần Thành Sách quận vương phủ không làm ra chuyện nguy hại đến giang sơn xã tắc, bất cứ ai ngồi ở ngự tọa đều không thể động vào bọn họ. Cuộc nhiễu nhương lần này, là một lý do sẵn có, rốt cuộc cũng loại bỏ được mối họa của hoàng thất, không dẫn tới sự phản đối của bất kỳ bên nào.
Diên Thuận Quận Vương Tề Minh Uyên mất mạng, chỉ để lại một nữ nhi. Diên Ninh Quận Vương Tề Minh Dũng trước nay không đủ tố chất để tranh vị. Quảng Liệt Quận Vương Tề Minh Viêm đang ở Tịnh Châu xa xôi, cách xa trung tâm quyền lực. Tất cả các nhi tử của Minh đế, không còn một ai có thể chống lại Văn đế.
Dưỡng mẫu Trịnh Thái phi của Văn đế chỉ biết gây trở ngại chứ không giúp được gì, đã bị Trịnh Thái hoàng thái hậu đuổi đi, rất khó để được hồi cung, không bao giờ có thể làm mưa làm gió trong hậu cung nữa, càng không thể đối nghịch với Đằng Hoàng hậu rất được Văn đế sủng ái, khiến Văn đế khó xử.
Về phần các đại thần trong triều, bọn họ chia thành ba phe khi đối mặt với sự uy hiếp của Tề Minh Uyên, người nào thật sự dù chết cũng vẫn trung thành tận tụy với Văn đế, người nào thấy gió quay thuyền, tham sống sợ chết, người nào vẫn tôn sùng Minh đế, còn đang ở trong trạng thái quan sát Văn đế, tất cả chỉ cần nhìn qua là hiểu. Văn đế nhìn kỹ trong mắt, nhớ rõ trong lòng. Sau này phải dùng người thế nào, hắn cũng đã biết rõ. Một cuộc nhiễu nhương, quả thật đã khiến hắn nhìn được rõ bộ mặt của từng người, sau này xử sự cũng dễ dàng hơn nhiều.
Mà việc khiến Văn đế không muốn thừa nhận nhất, chính là trong số những người tham dự mưu phản lần này, nghiêm trọng nhất chính là Nhữ Nam vương phủ, nghiêm trọng thứ nhì, chính là phủ An Quốc công. Nhữ Nam vương phủ bắt đầu tích lũy của cải từ thời lão Nhữ Nam Vương Tề Lương vẫn còn tại thế, vì có công lao lớn bối phận cao, hoàng thất vô cùng khoan dung với phủ này. Đích tử Tề Vanh của Nhữ Nam Vương Tề Triệt và An Quốc công Đằng Kỳ Sơn đều là tâm phúc do chính tay Minh đế bồi dưỡng. Người sau có thê tử là Phúc Khang Trưởng Công chúa Tề Mẫn, đại nhi tử là Hoàng hậu, có thể nói đã nắm trong tay quyền lực độc nhất vô nhị ở Kiến Khang. Mà Nhữ Nam vương phủ và phủ An Quốc công còn có quan hệ thông gia, Tề Vanh và Đằng Kỳ Sơn là biểu huynh đệ, quan hệ thân thiết. Xưa nay hai nhà luôn đồng thanh đồng khí.
Nếu chỉ suy xét trên góc độ chính trị, đế hoàng tại vị không nên để cho hai nhà có quan hệ tốt như vậy cùng nắm giữ quyền lực lớn như thế. Hơn nữa họ đắc thế vào lúc Minh đế còn tại vị. Dựa vào sự anh minh của Minh đế, không thể nào không nhìn ra điều này. Nhưng Minh đế lại cố tình dùng người như vậy.
Là người thừa kế, thấy Nhữ Nam vương phủ và phủ An Quốc công đều lớn mạnh, nếu họ không biết thức thời, Văn đế chỉ có thể nhẫn nại trong một lúc, chứ không thể nào nhẫn nại cả một đời.
Vậy mà hai nhà này, cũng là chỗ dựa vững chắc nhất cho Hoàng hậu Đằng Huy Nguyệt. Chỉ cần có động đậy một chút, Đằng Huy Nguyệt đều phải chịu ảnh hưởng. Văn đế tình sâu ý nặng với Đằng Huy Nguyệt, không cho phép bất cứ thứ gì làm cậu tổn thương, phương pháp xử lý rất có thể chỉ là kéo dài. Mà đối với các thần tử trung thành của Văn đế, nhất định sẽ không ngừng nhắc nhở hắn về những lợi hại trong chuyện này, cuối cùng lại khiến Văn đế rơi vào thế khó xử.
Không ngờ chỉ một cuộc nhiễu nhương, lại giải quyết được bao nhiêu buồn phiền cho Văn đế.
Nhữ Nam vương phủ và phủ An Quốc công đồng thời nảy sinh nội loạn đúng vào thời khắc quan trọng nhất, phạm phải tội quá lớn, trong đó Nhữ Nam vương phủ càng không thể tha thứ được.
Vì Đằng Hoàng hậu có công hộ vệ nên có thể đảm bảo an toàn cho phủ An Quốc công, trừng phạt Nhữ Nam vương phủ thật nặng, có thể nói là thuận lý thành chương. Kể từ đó, Nhữ Nam vương phủ bị nhổ cỏ tận gốc, không thể xoay chuyển, dù phủ An Quốc công được bảo vệ, nhưng cũng ảnh hưởng xấu đến thanh danh, không thể vinh quang như trước. Cho dù Văn đế có phái Quốc trượng Đằng Kỳ Sơn xuống dưới trướng của Đại Tướng quân An Dục, có ý thay thế An Đại Tướng quân, thật sự không khác gì ngoài giáng trong thăng, nhưng không nói đến việc này phải cần một thời gian dài, chỉ riêng chuyện phủ An Quốc công có một người mưu phản, hiện tại trong quân đội không thể hoàn toàn hướng về Đằng Kỳ Sơn.
Thuật cân bằng được đế hoàng điều khiển, đã phát huy tới mức cực hạn.
Tuy rằng trong ngắn hạn quốc lực Nguyên Trưng bị tổn thất, nhưng đó chỉ là khó khăn tạm thời, còn nếu nói về dài hạn, bố trí như vậy là rất thỏa đáng, ý nghĩa sâu xa.
Mặc dù không có tâm tư đó, nhưng đó là quyền thuật đế vương rất quan trọng, chỉ là bao nhiêu tính toán đều sắp đặt vào những người chí thân của Đằng Huy Nguyệt, Văn đế vẫn cảm thấy hổ thẹn với Đằng Huy Nguyệt.
Từ lúc cuộc phản loạn kết thúc đến giờ, Văn đế vẫn luôn để bản thân ở trong trạng thái cực kỳ bận rộn, cố gắng tránh mặt Đằng Huy Nguyệt, dù cho nỗi nhớ nhung của Văn đế với Đằng Huy Nguyệt đã giống như cỏ dại lan tràn.
Hiện giờ bị mấy câu nói của Trần Kiêu phá bỏ, không hiểu sao, ngược lại Văn đế muốn thở phào một hơi.
Đang nghĩ ngợi, thái giám nội thị Đào Phúc đi vào bẩm báo: “Hoàng thượng, Hoàng hậu điện hạ cầu kiến.”
Trong đôi mắt phượng của Văn đế lộ ra sắc thái nhu hòa có thể thấy rõ.
Trần Kiêu thấy vậy, âm thầm thở dài trong lòng, cúi người nói: “Xin cho vi thần cáo lui trước.” Từ nhỏ đến lớn, Trần Kiêu đã không ít lần thấy Văn đế khi vẫn còn là Hoàng tử đã ân cần trước mặt Đằng Hoàng hậu như thế nào, cũng không ít lần trêu chọc Văn đế. Hiện giờ tất cả mọi người đều đã trưởng thành, còn có cách biệt quân thần, Trần Kiêu không tiện cũng không dám cười Văn đế, tuy rằng hắn rất tò mò liệu Văn đế có ôn nhu dịu dàng, hữu cầu tất ứng với Đằng Hoàng hậu như lúc nhỏ không, bất quá nhìn sắc mặt Văn đế, có lẽ, dù không giống hoàn toàn thì cũng không khác là bao.
Văn đế phất tay, cho phép, sau đó vứt Trần Kiêu sang một bên, hỏi Đào Phúc: “Sắc mặt Hoàng hậu thế nào?” Có tức giận không?
Đào Phúc nghiêm chỉnh đáp lại: “Trên mặt Hoàng hậu không có vẻ tức giận.”
Văn đế nói: “Mời Hoàng hậu vào.” Cái “tránh mặt” của Văn đế chỉ được thành lập dựa trên cơ sở Đằng Huy Nguyệt không chủ động đến tìm hắn. Nếu Đằng Huy Nguyệt đã đích thân đến, thật sự Văn đế rất khó nhẫn nhịn không gặp mặt.
Trần Kiêu thấy thế, trợn tròn mắt trong lòng, lắc đầu rời đi. Lúc ra ngoài thì gặp Đằng Huy Nguyệt, Trần Kiêu cung kính hành lễ, nghe thấy Đằng Hoàng hậu nhanh chóng nói “Đứng dậy đi”, đến lúc hắn bình thân, Đằng Hoàng hậu đã đi vào Ngự Thư Phòng.
Trần Kiêu nhớ đến Tiểu Ung chủ xinh đẹp hồi nhỏ thường xuyên cưỡi thú dữ, vung roi, thoải mái cười to, thần thái hào hứng, ánh mắt hơi ảm đạm.