Trần Vãn có nét giống bà, cũng xinh đẹp, nhưng khí chất lại hoàn toàn khác biệt, ôn hòa và trầm lặng hơn.
Cậu bước đến giúp bà dập điếu thuốc, khẽ giọng: "Mẹ dọn ra ngoài được không? Nếu không muốn ở cùng con, con sẽ tìm cho mẹ một chỗ khác, có thể là căn hộ thông tầng hoặc biệt thự.""Chuyện bên phía ông ta... con sẽ nghĩ cách."
Đây không phải lần đầu tiên Trần Vãn đề nghị như vậy, nhưng Tống Thanh Diệu lại kích động, ánh mắt trách móc và khó hiểu: "Tại sao mẹ phải đi? Mẹ không đi đâu hết, chưa lấy lại được những thứ thuộc về chúng ta, mẹ thà chết ở đây!"
Trần Vãn im lặng một lúc, bình tĩnh nói: "Mẹ có chết, ông ta cũng sẽ không để lại gì cho mẹ đâu."
"Vậy thì chúng ta tự lấy," Tống Thanh Diệu nắm lấy tay cậu, "Bé con, mẹ chỉ có con thôi, con phải tranh giành vì mẹ chứ."
Trần Vãn mấp máy môi, nhìn người phụ nữ mãi chẳng chịu lớn trước mặt mình mà không nói gì.
Đây là nỗi uất ức mà Tống Thanh Diệu không thể nuốt trôi, người từng có thời huy hoàng như bà, thời kỳ đỉnh cao chính là những năm đầu năm 2000, danh tiếng lẫy lừng ở Hải Thị, rực rỡ và được săn đón.
Khi ấy, vẻ đẹp thịnh hành ở Hải Thị toàn là những mỹ nhân sắc sảo, nhưng Tống Thanh Diệu lại như một cánh sen giữa hồ phương nam, đàn ông trong giới danh lợi như bầy sói ngửi thấy mật ngọt, tranh nhau vây quanh.
Nhưng bà giống như một viên ngọc cài trên tay áo của họ, có thể trưng diện, nhưng không thể mang về bày trong phòng khách.
Có thể chạm vào, nhưng không thể tiếp nhận.
Họ theo đuổi bà, nhưng cũng khinh thường bà.
Và rồi, trò chơi "chuyền hoa" ấy dừng lại trong tay Trần Bỉnh Tín. Mỹ nhân dù có đẹp đến đâu, cuối cùng cũng hóa thành một trò cười.
Trần Vãn cũng là một trò cười không được công nhận. Sau ba lần xét nghiệm ADN, cậu mới được miễn cưỡng đưa từ căn chung cư cũ ở ngoại ô về lại nhà họ Trần giữa vô số lời đàm tiếu.
Cậu nhẫn nhịn ẩn mình, dốc lòng vun đắp, chỉ mong có ngày thoát khỏi nhà giam này, có thể quang minh chính đại chạm tay đến thế giới của người đó.
Tự do và yên tĩnh là điều xa xỉ. Từ nhỏ đến lớn, ngay cả trong giấc mơ cậu cũng khao khát có được nó.
Nhưng Tống Thanh Diệu lại muốn nhiều hơn, tiền bạc, danh vọng, địa vị và cả sự huy hoàng của những năm đầu 2000 mà bà từng có.
Trần Vãn biết mình không thể làm được, nhưng cậu cũng không thể nhẫn tâm buông bỏ bà để đổi lấy tự do cho riêng mình.
Mùa đông năm cậu mười một tuổi, khi cậu sốt cao đến mức mê man, suýt mất mạng trong bệnh viện tâm thần, chính Tống Thanh Diệu đã cầm kéo lao vào cứu cậu ra ngoài.
Bà có yêu cậu không?
Không quá nhiều, nhưng cũng có một chút. Dù ít, nhưng đó là tất cả tình yêu trên đời mà cậu có, cho nên nó vô cùng quý giá, cậu vẫn muốn trân trọng.
Sau một lúc lâu im lặng, Trần Vãn hỏi: "Mẹ muốn bao nhiêu tiền, con có thể kiếm."
Giọng Tống Thanh Diệu mềm mại nhưng đầy khinh miệt: "Con thì kiếm được bao nhiêu?" Bà bỗng nhiên thần bí ghé sát lại: "Bé con, gần đây Tạ Gia Kiên đang mời mẹ đi ăn."
Trần Vãn sững lại, thái dương giật giật, nghiêm nghị nói: "Mẹ không được đi!"
Tống Thanh Diệu có vẻ đắc ý như thể muốn chứng minh mình vẫn còn sức hấp dẫn.
Trần Vãn nhíu mày: "Mẹ đừng đi, ông ta có gia đình rồi, không thật lòng muốn theo đuổi mẹ đâu."
Thấy bà chẳng mấy bận tâm, cậu cố gắng khuyên nhủ: "Dạo này hội đồng quản trị của Vinh Tín đang thay đổi nhân sự, ông ta chẳng qua chỉ muốn moi thông tin từ mẹ và gia tăng cổ phần thôi."
Tạ Gia Kiên là một giám đốc trong Vinh Tín, mấy chục năm trước từng làm việc dưới trướng Trần Bỉnh Tín.
Tống Thanh Diệu từ trẻ đã đẹp, nhưng là kiểu đẹp ngốc nghếch, nếu không có trí tuệ tương xứng, nhan sắc có thể trở thành tai họa.
Bà hờn dỗi: "Chân thành hay không thì sao chứ, mẹ cũng đâu có thật lòng với ông ta."
"Mẹ chỉ đi ăn một bữa, xem thử ông ta có cách nào giúp con vào được Vinh Tín không thôi."
"Không cần," Trần Vãn kiên quyết, "Con không vào Vinh Tín, con có chuyện riêng phải làm."
Tống Thanh Diệu bắt đầu nổi giận: "Chuyện riêng cái gì? Cả ngày lông bông không lo chính sự, còn Liêu Chí Hòa mới đây đã tổ chức tiệc mừng thăng chức tổng giám đốc. Con tốt nghiệp đã mấy năm mà ngay cả cửa chi nhánh còn chưa bước vào! Mẹ lo lắng lắm, đến tối cũng ngủ không yên!"
Liêu Chí Hòa là cháu trai bên ngoại của bà hai Liêu Liễu. Trước đây, Vinh Tín hoàn toàn do Trần Bỉnh Tín nắm quyền, nhưng sau hai lần phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, quyền lực dần bị phân tán, chủ yếu rơi vào tay bà cả Tào Chi và bà ba Tùy Vũ.
Bà hai Liêu Liễu vì muốn chia phần đã ra sức nịnh bợ bà cả Tào Chi. Tất cả mấy bà vợ đều không ưa Tống Thanh Diệu vừa trẻ đẹp, lại có xuất thân không chính đáng nên liên thủ chèn ép bà.
Trong khi đám con cháu dòng chính và con cái của các tình nhân bên ngoài tranh đấu giành quyền trong Vinh Tín thì Trần Vãn luôn giữ mình ngoài cuộc.
Nhưng cậu không dám nói rõ tình hình cho Tống Thanh Diệu, vì sợ bà sẽ nhanh chóng đem hết tài sản đi nướng vào sòng bạc hoặc bàn cờ bạc.
Cậu giúp bà đóng nắp những chiếc hộp trang sức bị lật tung, dọn sạch tàn thuốc trong gạt tàn rồi mở cửa sổ cho thoáng khí.
"Mẹ không cần lo cho con, mẹ sống tốt là quan trọng nhất."
Bên ngoài có tiếng gõ cửa: "Bà Tư, ông chủ mời bà xuống dùng bữa tối."
Tống Thanh Diệu và Trần Vãn nhìn nhau, cả hai đều im lặng. Cậu trầm giọng đáp: "Tôi biết rồi."
Lúc họ xuống đến nơi, mọi người đã bắt đầu dùng khai vị.
Trần Vãn chọn chỗ ngồi ở vị trí không mấy nổi bật, nhìn thấy người hầu đưa món bánh canh lạnh và canh sen hầm vịt già lên bàn, lúc ấy cậu mới sực nhớ hôm nay là Tiết Trung Nguyên, hay còn gọi là Tết Quỷ.
Người dân Hải Thị rất thích hầm canh, đặc biệt là canh vịt, vì chữ "vịt" đồng âm với "đè" trong tiếng địa phương, mang ý nghĩa "Tết Quỷ đè quỷ".
Ở đây, người ta xem trọng ngày này hơn cả Tết Trung Thu.
Trong giới kinh doanh, ít nhiều ai cũng tin vào phong thủy.
Trên tường treo bài vị cúng thần Bát Diện và Thiên Hậu nương nương, hương khói không lúc nào ngớt. Những chiếc tủ gỗ liễu sậm màu, tấm thảm hoa văn dày nặng, những dây leo xanh bò đầy khung cửa sổ, tất cả khiến phòng ăn trở nên u ám, nặng nề, đến mức chẳng ai có cảm giác ngon miệng.
Mọi người ngồi quây thành một bàn tròn, giống như "Bữa tiệc cuối cùng" [1], một bức tranh u ám nặng nề. Cuối cơn bão, tia chớp xé ngang trời, soi rõ từng chi tiết biểu cảm trên gương mặt họ.
[1] Một bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Leonardo Da Vinci, vẽ lại thời điểm cuối cùng Chúa Jesus ngồi ăn cùng các tông đồ của mình trước khi ngài bị chính quyền La Mã đến bắt và đóng đinh lên cây thập tự giá.
Ai nấy đều ôm toan tính riêng nhưng vẫn nói cười vui vẻ, những câu chuyện xoay quanh chính trị, kinh tế, cổ phiếu và đua ngựa của Hải Thị gần đây. Bề ngoài là tâng bốc nhau, nhưng thực chất là ngấm ngầm so đo, cạnh tranh.
Đám con cháu hầu như đều đi du học nước ngoài rồi quay về thẳng Vinh Tín làm việc. Năm đó, những lời mời làm việc mà Trần Vãn nhận được còn tốt hơn nhiều người, nhưng cậu không có cơ hội ra nước ngoài, chỉ có thể ở lại Hải Thị học Đại học Khoa học Công nghệ.
Sau này dù được giữ lại học thạc sĩ, cậu cũng không theo, vì cậu không có nhiều thời gian. Cậu cần thoát khỏi tháp ngà nhanh nhất có thể để bước vào giới danh lợi.
Trong khi đám con cháu thao thao bất tuyệt trước mặt Trần Bỉnh Tín về các dự án của Vinh Tín, ai nấy đều tỏ ra tài giỏi, các bà vợ hai vợ ba lấy làm vinh dự và kiêu hãnh thì chỉ riêng Tống Thanh Diệu là mặt mày khó chịu, bà xoay xoay chiếc vòng tay, lặng lẽ húp yến sào.
Trần Vãn điềm nhiên ăn đ ĩa salad trước mặt mình, không gợn sóng.
Cậu không có hứng thú với miếng bánh của nhà họ Trần, thậm chí còn e sợ bị nhuốm mùi.
Hiện tại, nền kinh tế trì trệ, quy hoạch đô thị của Hải Thị đang thu hẹp, chính sách phân lô đất không còn nới lỏng như trước. Thị trường bất động sản từng một thời bùng nổ giờ đang tiến đến thời điểm bão hòa. Vinh Tín từ trước đến nay vẫn dựa vào những ngành công nghiệp truyền thống để kiếm lời, mở rộng đất đai chẳng khác nào uống rượu độc giải khát. Họ duy trì mô hình quản lý gia tộc cũ kỹ, chưa từng nghĩ đến việc chuyển đổi cơ cấu ngành. Những dự án kia mà không chết yểu thì đúng là có thần thánh phù hộ.
Sau khi rời trường Đại học Khoa học Công nghệ, Trần Vãn đã nhắm vào ngành công nghệ năng lượng, một lĩnh vực khi đó vẫn còn rất ít người đặt chân vào.
Nền kinh tế biến đổi nhanh chóng, tương lai chắc chắn sẽ là cuộc chiến tài nguyên.
Thực tế chứng minh cậu đã đặt cược đúng.
Những du học sinh từng mang trong tay tấm bằng danh giá từ các trường đại học hàng đầu thế giới nay lần lượt bị các công ty tài chính và bất động sản sa thải. Trong khi đó, người chọn ở lại học trong nước như Trần Vãn đã thành lập Công nghệ Khoa Tưởng, một công ty công nghệ có giá trị thị trường không hề nhỏ.
Dù Khoa Tưởng chỉ là một ngôi miếu nhỏ, nhưng lợi nhuận lại rất cao. Trần Vãn là cổ đông ẩn danh ở đó, một đàn anh hùn vốn với cậu từng nói: "Cậu đúng là tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi, âm thầm kiếm bộn tiền."
Trần Vãn cười nhẹ: "Đưa tiền cho anh kiếm mà còn không tốt sao?"
Tiền không phải thứ quan trọng nhất, quan trọng hơn là cậu thực sự đã tạo ra một kẽ hở để có thể chạm vào thế giới của người đó.
Dù chỉ là một khe hở nhỏ, nhưng đó chính là chiếc thang mà cậu tự tay xây dựng, từng viên gạch, từng lớp vữa, bắt đầu từ con số không.
Trần Vãn cắm cúi uống canh, Tống Thanh Diệu không hài lòng khi thấy cậu thể hiện thái độ chẳng khác nào người vô hình, liền ra hiệu bằng ánh mắt, nhưng cậu vẫn tiếp tục cúi đầu ăn.
"..." Tống Thanh Diệu cảm thấy ngay cả yến sào cũng nghẹn lại trong cổ họng.
Có người nhắc đến Triệu Thanh Các, việc anh về nước là một sự kiện chấn động Hải Thị. Động tác cầm thìa của Trần Vãn thoáng chậm lại.
Cậu cả Trần Dụ, con trai của bà cả nói rằng dù là tiệc tiếp đón do nhà họ Triệu tổ chức hay những bữa tiệc do bạn bè, đối tác của Triệu Thanh Các đứng ra mời, Vinh Tín cũng chưa từng nhận được tấm thiệp mời nào. Hắn hỏi ý kiến Trần Bỉnh Tín xem có cần tìm cách nhờ người kết nối không.
Sắc mặt Trần Bỉnh Tín không mấy dễ coi. Ở Hải Thị, dù thế nào ông ta cũng là nhân vật có danh tiếng, tuổi tác lớn hơn Triệu Thanh Các vài giáp, nhưng cũng chẳng dám trách cứ gì, chỉ có thể trút giận lên con trai trưởng của mình: "Chuyện này còn cần ta dạy con sao?"
Trần Dụ vội vàng đáp "vâng", trong lòng thầm kêu oan. Triệu Thanh Các đâu phải người mà họ có thể tùy tiện qua lại?
Mười mấy bữa tiệc lớn nhỏ, nhưng số lần Triệu Thanh Các đích thân xuất hiện không đến một phần mười.
Trần Cẩm, con bà hai, người vốn giỏi đoán ý ông cụ nhất cười lạnh nói: "Thái tử gia đã làm ăn với đồng đô la mấy năm, e rằng giờ chẳng còn để mắt đến mảnh đất nhỏ bé này của Hải Thị nữa."
Nếu không thì đâu cần phô trương đến mức này.
Trần Bỉnh Tín làm bộ dùng gậy gõ xuống đất, cảnh cáo: "Nói nhăng cuội gì đó!"
Trần Cẩm cũng chẳng sợ, im lặng không nói nữa. Bà hai cười, ân cần múc thêm nửa bát canh cho con trai.
Em trai của bà hai - cũng chính là cậu ruột của Trần Cẩm - Liêu Toàn từ trước đến nay vẫn là người giỏi hòa giải nhất, liền cười nói: "Dù có giao thiệp với ai đi nữa, đến cuối cùng cũng phải lập gia đình và bám rễ ở Hải Thị thôi. Tôi nghe bên Minh Long có chút tin tức, e rằng không chỉ Vinh Tín nên biết nắm bắt cơ hội, mà các tiểu thư cũng nên để tâm một chút. Nếu may mắn trúng số thì đâu chỉ đơn giản là có cơ hội qua lại."
Sắc mặt Trần Bỉnh Tín giãn ra đôi chút, có lẽ ông ta nghĩ rằng nhà mình có nhiều con gái xinh đẹp như vậy, không thể nào chẳng có ai có cơ hội.
Cậu của bà cả không ưa cách nói bóng nói gió của Liêu Toàn, bèn chen vào: "Anh Liêu nói vậy có hơi sớm không? Trước mắt còn có nhà họ Từ nữa kìa."
Người ta đồn rằng cô Từ có hôn ước với Triệu Thanh Các.
Trần Bỉnh Tín không muốn nghe hai người họ đấu khẩu, nhưng cũng muốn giữ chút hy vọng cho bản thân, bèn nói với cậu của bà cả: "Hưng Dũng à, đàn ông thì làm gì có chuyện chỉ có một người phụ nữ."
Cả bàn chẳng ai cảm thấy câu nói này có gì không ổn.
Trần Vãn đặt thìa xuống, cán dài chạm vào bát sứ vang lên một tiếng "đinh", sau đó cậu cầm khăn ăn, từ tốn lau khóe môi.
Nửa bát canh vịt già vừa uống vào khiến dạ dày cậu dâng trào cảm giác khó chịu, dù đã uống liền mấy ngụm trà vẫn không khá hơn.
Nhưng cậu không thể rời bàn ăn, nếu không, những kẻ nhàm chán này sẽ lập tức chuyển hướng mũi nhọn về phía Tống Thanh Diệu.
Lấy Tống Thanh Diệu để kiểm soát Trần Vãn làm trò tiêu khiển là thú vui chung của cả căn nhà này.
Sau câu nói của Trần Bỉnh Tín, không phân biệt già trẻ, gái trai, ai nấy đều cảm thấy tràn đầy hy vọng, cả bàn tiệc lại một lần nữa rôm rả tiếng cười nói, vui vẻ ăn uống.
Lời tác giả:
Tống Thanh Diệu không phải người gốc Hải Thị, có lúc gọi Trần Vãn là "bé con", có khi lại gọi là "BB".