Ngày lão gia ho ra máu, thân thể của ông ấy đã không ổn rồi.
Lúc sau, các đại phu vào trong phòng chẩn trị, ngoài phòng đã quỳ đầy một lớp người, tiếng khóc thương không ngừng vang lên.
Ta cũng có mặt ở đó, quỳ cùng một chỗ với A Tân.
Cho đến khi cửa phòng mở ra, Hàn Sơn Ngọc dáng vẻ tuấn tú, ánh mắt bình tĩnh nhìn thẳng về phía ta.
"A Bảo, con vào đây."
Ta không biết lúc sắp lâm chung, vì sao lão gia lại muốn gặp ta.
Trong phòng chỉ có ta và Hàn Sơn Ngọc.
Lão gia đưa tay về phía ta, ta quỳ gối tiến lên, dùng hai bàn tay nhỏ bé nắm chặt lấy bàn tay khô héo của ông ấy, hoảng sợ nói: "Ông ngoại..."
Lão gia lẩm bẩm trong miệng, ta nghe rất rõ ràng, ông ấy nói là: "Trẻ con có tội tình gì".
"Con à, ở lại Hàn gia, ở bên Hàn Sơn Ngọc, là con nợ Hàn gia, phải trả đấy..."
Lão gia nói xong những lời này, sức khỏe đã không chống đỡ nổi nữa, nhưng vẫn không muốn nhắm mắt, ánh mắt mơ hồ nhìn về phía Hàn Sơn Ngọc, mấp máy môi.
Hàn Sơn Ngọc yên lặng nhìn ông ấy, dường như biết ông ấy đang nghĩ gì, khẽ cười một tiếng: "Ông nội yên tâm, cháu còn sống, Hàn gia còn tồn tại, Cao Sơn đạo tuyệt đối không để bãi ngọc trai của triều đình được lập lại."
Dường như lão nhân gia nằm trên giường bệnh đã hài lòng, khóe mắt ông ấy có nước mắt chảy xuống, dùng hết hơi sức cuối cùng, lại run rẩy đưa tay về phía huynh ấy.
Hàn Sơn Ngọc sững sờ, huynh ấy nhíu mày tiến lên, cuối cùng nắm lấy tay ông.
"Con tha thứ cho người rồi, người cứ yên tâm mà đi."
Mùa đông rét mướt, Cao Sơn đạo đổ một trận tuyết.
Hàn Sơn Ngọc trở thành gia chủ mới của Hàn gia, người đời gọi là Hàn Sơn Quân.
Năm đó ta bảy tuổi, còn chưa biết sự ra đi của lão gia, đối với Hàn gia và Cao Sơn đạo có ý nghĩa gì, Hàn Sơn Ngọc phải đối mặt với tình thế phức tạp đến nhường nào.
Ta chỉ biết, huynh ấy mặc áo choàng lông cáo, đứng độc lập giữa trời tuyết mênh mông, cả người không nhiễm bụi trần.
Huynh ấy đứng trong sân, ánh mắt lạnh lùng mà kiên định, chưa từng sợ hãi.
Lúc đó ta nhìn huynh ấy thật lâu, đột nhiên muốn bung một chiếc ô, che cho huynh ấy khỏi bão tuyết đầy trời.
Nhưng ta quá nhỏ bé, cho dù có ô, cũng không che nổi đầu huynh ấy.
Vậy nên ta chỉ đứng đó nhìn tuyết rơi trên tóc huynh ấy, nhìn thiếu nữ bên cạnh huynh ấy cụp mi, lặng lẽ bung chiếc ô giấy dầu.
Đó là lần đầu tiên ta gặp Gia Nương.
Nàng là một cô gái câm, bằng tuổi Hàn Sơn Ngọc, là thị nữ thân cận của huynh ấy.
Vào ngày lão gia được hạ táng, lần đầu tiên ta gặp được Hàn Tranh - Hàn tứ gia, con nuôi của lão gia.
Ta vốn tưởng, tuổi tác hắn hẳn phải lớn lắm, không ngờ lại trẻ như vậy.
Lúc Hàn Tranh dẫn một đội nhân mã từ kinh thành trở về, quan tài của lão gia đã được khiêng ra khỏi cửa, đội ngũ đưa tang đang đi trên đường, bá tánh dọc đường quỳ lạy, khóc lóc thảm thiết.
Nam tử mặc áo giáp bạc, có đôi mắt sáng như sao, sống mũi cao thẳng.
Hắn xuống ngựa ngay giữa đường, cởi áo giáp, khoác áo tang, đối diện quan tài dập đầu lia lịa, khóc lóc thảm thiết: "Cha! Con đến muộn rồi!"
Tuyết rơi đầy trời, ta thấy Hàn Sơn Ngọc chắp tay thi lễ với hắn, nói một câu: "Tứ thúc nén bi thương."
Năm đó, lão gia qua đời.
Ta bị lãng quên ở Hàn gia, trở thành một đứa trẻ không ai quan tâm hỏi han.
Tông Chính đường nơi Hàn Sơn Ngọc ở, canh phòng nghiêm ngặt, lại cách Đào Lan quán rất xa, thân là gia chủ huynh ấy luôn luôn bận rộn, sớm đã quên ta rồi.
Hàn gia ở Cao Sơn đạo có mấy trăm bãi ngọc trai lớn nhỏ, họ không chỉ có đội ngũ mò ngọc trai của riêng mình mà còn quản lý tất cả làng chài và dân mò ngọc trai vùng biển Chu Nhai.
Vì vậy, sau khi Hàn Tranh đưa cống phẩm lên kinh thành, sau khi trở về lại vội vã rời khỏi phủ.
A Tân nói quy củ của Hàn phủ rất nghiêm khắc, bảo ta đừng rời khỏi Đào Lan quán.
Nàng là người ít nói, cũng biết ta buồn chán nên đã sai người dựng một cái xích đu trong sân cho ta.
Thế là lúc nàng bận rộn, ta liền một mình ngồi trên xích đu, đung đưa qua lại.
Sau khi hứng thú ban đầu qua đi, ta bắt đầu ngày ngày nằm dài trên bệ cửa sổ, nhìn hoa trong sân tàn rồi lại nở.
Một năm sau, ta cũng trở nên ít nói, không thích nói chuyện nữa.
Ta nhớ nhà, nhớ cha ta.
Đến giờ ông ấy vẫn chưa đến đón ta, ta mong chờ được gặp ông ấy, hỏi ông ấy có thể mang ta về biển Chu Nhai hay không.
Ta còn muốn hỏi ông ấy, rốt cục chúng ta nợ Hàn gia cái gì?
Ta nhớ chiếc thuyền rách nát ở nhà, nhớ gió biển Chu Nhai, nhớ người trong tộc ta, và biển cả mênh m.ô.n.g vô tận.
Lúc ta cùng cha ra khơi mò ngọc trai, thuyền nhấp nhô trên sóng, gió biển rít gào thổi tung tóc và y phục ta.
Chúng ta quần áo rách rưới, da dẻ đen nhẻm, cuộc sống vất vả, nhưng đứng trên thuyền vượt sóng gió lại tự do tự tại vô cùng.