Hai người Bạc Quan Sơ và Yến Thật gặp nhau lần đầu tại Bệnh viện Nhân dân số 4, Bệnh viện Nhân dân số 4 là bệnh viện chuyên khoa tâm thần. Năm ấy Bạc Quan Sơ học năm 3 Đại học, cô suy xét nửa năm cuối cùng mới quyết định đi đến bệnh viện khám. Buổi chiều hôm đó, Bạc Quan Sơ vừa hay là người bệnh cuối cùng của Vương Liễm. Lúc bước vào, có một người đàn ông đang ngồi trước mặt anh ta.
Vương Liễm nói với người đàn ông: “Tôi vẫn nói câu cũ, cậu trẻ như thế nên tôi không khuyến nghị cậu dùng thuốc. Bệnh mất ngủ của cậu không gọi là nghiêm trọng, nếu mở đèn mà có thể ngủ, vậy cậu cứ mở đèn đi. Đừng lấy tiêu chuẩn của xã hội để trói buộc bản thân, chẳng ai quy định là đi ngủ phải tắt đèn. Nếu như cậu cứ khăng khăng với việc lúc ngủ phải tối hết, cậu nhiều tiền như thế, vậy tìm một người ngủ cùng đi.”
Câu cuối cùng ấy là Vương Liễm lấy tư cách bạn bè để nói với Yến Thật.
Bạc Quan Sơ nghe thấy cuộc đối thoại của bọn họ nên hơi ngượng ngùng, cô định đi ra ngoài. Nào ngờ Vương Liễm lại gọi cô đứng lại: “Số 46, Bạc Quan Sơ? Đến cô rồi.”
“Vậy anh ta…?”
Yến Thật đứng lên, mỉm cười nói: “Tôi khám xong rồi, đến lượt cô.”
Nghe thanh âm của người đàn ông, có lẽ anh ta lớn hơn cô vài tuổi.
Đây là lần đầu tiên học sinh Bạc Quan Sơ nhìn thấy một người đàn ông trẻ tuổi cười dịu dàng như vậy, dáng vẻ ấy giống gió xuân, nhưng lại càng hệt như ánh dương buổi sớm hơn.
*
Vương Liễm mỉm cười: “Cô có thể nói về tình trạng của mình trước không? Cuộc sống của cô xảy ra vấn đề gì?”
Bạc Quan Sơ bắt đầu nói từ ngày giỗ của mẹ Lương Viễn Triêu.
Ngày đó sau khi về nhà, Thư Tâm và Bạc Viễn cãi nhau rất to, mấy nhà hàng xóm cách vách còn nghe thấy. Chuyện Thư Tâm và Bạc Viễn đánh bạc thì hàng xóm đều biết cả, hai người cãi nhau đơn giản chỉ là một trong hai bên lại thua tiền.
Thời điểm Bạc Quan Sơ học mẫu giáo là khoảng thời gian mà hai người họ hay cãi nhau nhất, động tý là Thư Tâm lại đòi ly hôn với Bạc Viễn. Thư Tâm không nói suông, bà ta là người phụ nữ hung hãn, nói được làm được. Mỗi lần cãi nhau đến lúc đỉnh điểm nhất, Thư Tâm lập tức mở vali rồi bắt đầu thu dọn hành lý.
Số lần bọn họ cãi nhau cực nhiều, Bạc Quan Sơ chỉ nhớ rõ đúng một lần ấy, cụ thể là mấy tháng thì cô đã quên, nhưng đó là mùa Đông.
Lần đó Bạc Viễn làm nhà cái, ông ta thua rất nhiều tiền, Thư Tâm chửi Bạc Viễn sa sả trước mặt mọi người. Trời sinh Bạc Viễn đã coi trọng thể diện, hai người cãi nhau ầm ĩ, cuối cùng Thư Tâm đưa việc ly hôn ra để kết thúc.
Hai con người tuổi Hổ tính tình nóng nảy ương ngạnh chẳng ai chịu thua ai, cuối cùng người bị thương lại là đứa nhỏ. Bạc Quan Sơ kéo góc áo Thư Tâm, xin bà ta đừng đi: “Mẹ, mẹ đừng đi có được không, về sau con nhất định sẽ nghe lời, con sẽ không đi chơi nữa, con sẽ chăm chỉ học hành.”
Thư Tâm đẩy cô ra. Khi ấy Bạc Quan Sơ vừa thấp vừa gầy, không chịu được lực đẩy mạnh của người lớn, cả lưng đập vào tường.
“Cút, tao không cần mày, mày đi tìm ba mày đó! Không phải mày thích ba hơn à? Tao đi rồi, ba con mày cùng vui chứ gì nữa!”
Người sinh ra cô, nuôi nấng cô lại bảo cô cút. Lúc ấy Bạc Quan Sơ không muốn chút, nhưng hiện tại cô lại muốn cút thật xa. Sau đó bà nội tới xin lỗi giúp ba cô, giọng điệu gần như cầu xin mới khuyên được Thư Tâm ở lại.
Từ sau chuyện đấy, mấy người đòi nợ liên tục tìm đến nhà. Bạc Quan Sơ trốn ở trong phòng nhìn những gương mặt xa lạ xuyên qua kẽ cửa sổ, lặng lẽ nghe cuộc nói chuyện của bọn họ.
“Bao giờ trả số tiền này? Tháng trước thì nói tháng này, tháng này đến thì lại kêu không có, bọn tao tha hết lần này đến lần khác rồi, có phải mày không định trả tiền đúng không?”
“Sao lại không trả được chứ, Bạc Viễn tôi cũng đâu phải thẳng đểu, chỉ là… gần đây tôi thật sự không có tiền. Đứa con gái kia của tôi muốn đi học thêm, haizz… tiền gì cũng có thể tiết kiệm được, nhưng mà tiền cho con cái đi học thì thật sự không thể tiết kiệm được, cậu nói có đúng hay không?”
“Vậy tao ra hạn cho mày thêm lần nữa, nhưng lần này mày phải cho tao một cái ngày cụ thể, rốt cuộc mày định trả khi nào?”
“Cuối tháng cuối tháng, cuối tháng chắc chắn trả.”
“Vậy cứ quyết là ngày 28.”
Ba cô làm chủ cai, tốt xấu gì cũng coi như ông chủ, phía dưới còn nuôi cả đám công nhân. Nhưng ngay cả tiền học thêm của cô mà cũng không trả nổi? Thật ra thực tế còn hơn thế nữa, chứ không phải mỗi tiền học thêm.
Kể từ khi lên lớp 1, Bạc Viễn không còn tặng Bạc Quan Sơ tiền lì xì năm mới nữa. Kể từ khi lên lớp 5, Bạc Quan Sơ ghét nhất là khai giảng, năm nào cũng thế, đến tận tối trước ngày khai giảng mà Bạc Viễn vẫn chưa đưa tiền cho cô. Giáo dục bắt buộc được miễn học phí, tiền phải đóng cũng chỉ là mấy trăm tệ tiền phụ chi mà thôi, nhưng Bạc Viễn cũng không nộp nổi.
Khi lên lớp 6, trường tổ chức đại hội thể dục thể thao và cô là vận động viên. Vì lúc khai mạc phải đi đội hình hình vuông, nên giáo viên bảo các vận động viên đi giày thể thao tới. Buổi sáng diễn ra đại hội thể dục thể thao, Bạc Quan Sơ được ba đưa tới trường, trên đường có đi ngang qua cửa hàng tạp hoá gần chợ, Bạc Viễn bảo cô vào mua giày. Đó là đôi giày thể thao màu đỏ đế cực mỏng.
30 tệ một đôi, song Bạc Viễn vẫn ghi nợ với chủ quán.
Thư Tâm không đi làm, gọi mỹ miều thì là nội trợ gia đình, nhưng trên thực tế lại chưa từng đi đón Bạc Quan Sơ dù chỉ là một ngày. Mùa Đông, ngay cả bữa sáng mà Thư Tâm cũng lười làm cho Bạc Quan Sơ, bà ta bảo cô tự mình đến mấy quán gần trường giải quyết. Tan học gặp mưa to, Bạc Quan Sơ dầm mưa ướt sũng về nhà. Về nhà rồi cô mới phát hiện, Thư Tâm vẫn đang thoải mái ngồi trên bàn bài, hệt như bản thân không hề có con gái.
Bạc Quan Sơ nói muốn học đàn dương cầm, Thư Tâm bảo nhà không thừa tiền. Bà ta thà ngày nào cũng đi mượn tiền bài bạc, cũng không muốn nỗ lực làm việc vì Bạc Quan Sơ.
Câu cửa miệng của ba mẹ thường là: tôi làm tất cả đều vì con cái. Nhưng vì sao ba mẹ cô lại không thế.
Tiền tiêu vặt hằng ngày của cô nhiều hơn các bạn học một chút, đây là sự bồi thường duy nhất của bọn họ. Bạc Quan Sơ không vui nổi, cô không muốn tiêu tiền mà hai người họ vay khắp bốn phương tám hướng nhưng hiện thực đã ép cô cúi đầu, cảm giác này cực kỳ tệ hại.
Cuộc sống dần trở nên lụn bại, sự oán hận từ từ lớn lên, những thứ mà Bạc Quan Sơ đè ép trong lòng cũng càng ngày càng nở to.
Cô từng thử nói chuyện với hai người họ, nói ba mẹ có thể đừng ra ngoài chơi bài chơi mạt chược nữa được không. Ngoài miệng hai người nói được, nhưng đâu vẫn đóng đấy, ngày nào cũng ngâm mình trong phòng chơi bài.
Bạc Quan Sơ ghét khai giảng, sợ năm mới. Cô tưởng rằng qua vài năm nữa Thư Tâm và Bạc Viễn sẽ tự biết quay đầu, tình hình sẽ chuyển biến tốt đẹp. Song kết quả lại chẳng phải thế.
Cô ngồi trong phòng yên lặng trầm ngâm một lát, sau đó cầm cốc ra phòng khách rót nước. Ra đến bên ngoài, Bạc Quan Sơ thấy Thư Tâm và Bạc Viễn đang ngồi đối diện, không khí cực kỳ nặng nề.
Cô tiếp tục đi qua hai người, tới phòng bếp cầm bình nước rót nước ấm, lúc đi ra, cô bị Bạc Viễn gọi lại: “Sắp thi rồi nhỉ.”
“Ngày 25 ạ.”
“Ừm, ôn tập cho tốt vào.”
“Vâng.”
Buổi tối, khi vừa mới nằm trong chăn ấm lên một tý, Thư Tâm lại bất ngờ vào phòng xem cô, đây phải gọi là lần đầu tiên được vậy.
Lúc ngủ Bạc Quan Sơ thích cuộn cả người vào trong chăn, nghe thấy thanh âm mở cửa, cô chui ra khỏi đống chăn.
“Đã ngủ chưa?” Thư Tâm hỏi.
“Chưa ạ.”
Thư Tâm ngồi xuống mép giường, kéo chăn lên cho cô, trong căn phòng ngủ cô quạnh vang lên tiếng thở dài: “Tiểu Sơ à, lần này nhà chúng ta xong rồi. Ba mẹ nợ rất nhiều tiền, có lẽ đời này cũng chẳng trả hết, hơn nữa còn liên luỵ đến con. Con nói xem, phải làm sao bây giờ. Mẹ thật sự không biết làm sao cả, tất cả là do ba mẹ…”
Bạc Quan Sơ nở nụ cười trong lòng.
Ba mẹ cô nhiều lần mắc sai lầm, cuối cùng đến khi không cứu vãn được tình hình thì lại tới hỏi một người chưa thành niên như cô rằng làm thế nào. Đây có lẽ là chuyện cười buồn cười nhất mà Bạc Quan Sơ nghe trong năm.
“Con buồn ngủ rồi.”
Cả đêm Bạc Quan Sơ không ngủ.
Nền xi măng gồ ghề trong phòng khách, bức tường trắng ngả vàng bẩn thỉu, mạng nhện ở góc tường, cửa sổ gỗ có chốt kiểu cũ, không có nhà vệ sinh, phòng bếp lộ thiên trong sân, phòng ngủ có trần bị dột, chiếc rèm cửa cũ kỹ không lớn hơn cửa sổ bao nhiêu, tủ quần áo mốc meo ẩm ướt, còn cả khoản nợ kếch xù khó trả… Bạc Quan Sơ từ từ “xé toạc bản thân” ra, nghèo khó, rẻ tiền, mới là con người thật của cô.
Ba mẹ cô không “tặng tiền” hay quà cáp cho Vương Nhân Thành để ông ta quan tâm săn sóc, cũng sẽ không hỏi người con gái duy nhất của mình muốn gì. Bạc Quan Sơ hâm mộ cả con ngõ, nhà nào cũng tiết kiệm tiền xây nhà mới, mà nhà cô lại vẫn luôn là căn tồn tàn nhất trong ngõ. Không ai biết trong lòng Bạc Quan Sơ tự ti đến nhường nào. Ba mẹ cô hệt như người dẫn chương trình trong tưởng tượng, họ tự cho rằng bản thân đã cho cô toàn bộ những gì tốt nhất, nhưng trên thực tế, ngay cả một căn nhà thực sự mà họ cũng chẳng cho được.
Bạc Viễn và Thư Tâm chủ trương độc lập, nên khi Bạc Quan Sơ mới 5 tuổi thì đã bị cho sang ngủ riêng. Ngày nào tối muộn họ cũng mới quay về, không ai để ý đến việc trong căn phòng 10m2 kia là một tâm hồn nhỏ bé yếu đuối.
Trước khi lên cấp ba, căn phòng đó chỉ có một chiếc giường, một tủ quần áo và một bàn trang điểm từ thời của hồi môn của Thư Tâm, ngoài ra không bày biện trang trí bất kỳ thứ gì khác. Không gian 10m2 có vẻ cực kỳ rộng lớn trống vắng.
Từ bé Bạc Quan Sơ đã mắc chứng ám ảnh cưỡng chế nghiêm trọng. Lúc ăn mì nhất định phải có rau kèm, nếu ăn hết rau trước, cô sẽ không ăn mì nữa. Khi ngủ, ba góc chăn còn lại phải để phẳng, nếu phát hiện có góc vểnh lên, dù là đêm khuya mấy giờ thì cô cũng sẽ mở đèn đi vuốt phẳng. Trước khi ngủ và sau khi thức giấc phải kéo ga trải giường không còn một nếp gấp nào. Bất kể là trong hay ngoài tầm mắt, chỉ cần là đồ vật có thể nghĩ đến, cô nhất định phải sắp xếp nó ngăn nắp chỉnh rề, kể cả túi ni-lông thì cô cũng phải xếp chồng từng cái như gấp quần áo. Một khi có chỗ bị lộn xộn, Bạc Quan Sơ sẽ cảm thấy khó chịu, cả người bực dọc.
Mỗi đêm sau khi tắt đèn, não cô lại hệt như cái bánh răng làm việc, nó không ngừng xoay vòng, liên tục nghĩ: “Khoá cửa kỹ rồi, người xấu sẽ không vào được. Tôi nhớ là đã khoá rồi mà, sai lại cứ cảm giác như chưa khoá nhỉ, rốt cuộc là khóa hay chưa? Thôi bỏ đi, để dậy xem.”… Thật ra đã khoá rồi, nhưng Bạc Quan Sơ lại mở cửa ra, sau đó khoá lại lần nữa.
“Đóng cửa sổ rồi, nhưng hình như chưa khóa thì phải. Không sao, cửa sổ là cửa phòng trộm mà, không khoá cũng chẳng sao. Không được, lỡ có chuyện gì thì sao, nên đi khoá lại.” … Thật ra cửa sổ cũng khoá rồi, nhưng Bạc Quan Sơ lại mở ra, sau đó khoá lại lần nữa.
“Lúc rửa tay không cẩn thận làm nước bắn lên cửa, phải đứng lên lau sạch. Ban nãy đóng tủ quần áo, cửa tủ kẹp gấu áo, cô lại đi chỉnh lại. Hôm nay mẹ nấu cơm chắc tắt bình ga rồi nhỉ, nếu mà không tắt để rỉ ra, cô một mình chết ở đây cũng chẳng ai biết, tốt hơn là đứng dậy kiểm tra đi.”
Dù mùa Hè có nóng đến mức đổ đầy mồ hôi thì Bạc Quan Sơ cũng chỉ mở quạt ở một mức nhất định, sau đó để nó ở cách xa đầu giường hai mét. Bởi vì cô sợ tối mình ngủ cựa quậy, vung tay bị cách quạt cắt đứt. Biết rõ là chuyện chắc chắn không thể có khả năng xảy ra, nhưng cô vẫn cực kỳ lo lắng, chuẩn bị chu đáo vẹn toàn.
Mỗi lần rửa bát, dù tráng bát hơn chục lần, nhưng Bạc Quan Sơ vẫn cảm thấy không sạch. Ngòi bút đã dùng hết, giấy nhắn truyền qua lại, thẻ treo trên quần áo, những thứ nhìn như đồ vô dụng song cô lại không vứt đi, giữ lại toàn bộ.
Những điều này Bạc Viễn và Thư Tâm đều không biết. Màn đêm Bạc Quan Sơ ghét đã đến, cảm giác cô độc lại quấn thân, những lo sợ bất an khiến chất lượng giấc ngủ của cô liên tục giảm xuống, bình thường toàn 1 2 giờ sáng mới có thể vào giấc. Đêm đến nằm mơ, chút động nhỏ thôi cũng sẽ làm cô thức giấc.
Có đôi khi Bạc Quan Sơ không tài nào ngủ được, trong đầu toàn là mấy thứ linh tinh lộn xộn. Khi áp lực sắp bóp nghẹt, Bạc Quan Sơ thử cầu cứu, cô mặc quần áo ngủ chạy đến trước bàn chơi bài của Bạc Viễn rồi khóc, nói không ngủ được.
Thế nhưng thứ nhận lại là cơn tức giận của Bạc Viễn: “Bé tí mà đã gây chuyện thế này? Con mới mấy tuổi mà bảo mất ngủ, mất ngủ cái đầu!”
Người đàn ông cười nói với bạn bài của mình: “Chắc chắn là nó sợ ngủ một mình.”
Nói xong, ông ta lại chuyển hướng sang cô, giọng điệu lập tức hung hãn: “Con mấy tuổi rồi, ngủ một mình mà còn sợ, nói ra bị người ta cười chết đấy.”
Khi ấy mẹ cô đang ngồi ở bàn bên cạnh chơi mạt chược, nghe thấy nhưng cũng chẳng thèm quan tâm.
Năm đó Bạc Quan Sơ 8 tuổi, người thân của cô chửi cô ngay trước mặt mọi người.
Bạc Quan Sơ nghĩ nếu có một ngày mình rơi xuống, vậy bọn họ chính là đôi tay đẩy cô xuống khỏi vách núi.
Trước khi lên cấp ba, Bạc Quan Sơ hệt như Lina Inverse, tính tình ngang ngược, nóng nảy hay cáu. Không ai dám chọc cô tức giận, cũng không ai dám tuỳ tiện tiếp cận cô.
Sau này Bạc Quan Sơ quen Cố Miên, cho tới bây giờ cô cũng chưa gặp ai tốt như thế. Cô ấy hệt như tia sáng kéo Bạc Quan Sơ ra khỏi kẽ hở, chứng ám ảnh cưỡng chế của cô cũng bất giác cải thiện hơn rất nhiều.
Kỳ thi cuối kỳ lớp 11 kết thúc, cô định đi đến cửa phòng bảo vệ ngồi để chờ Lương Viễn Triêu.
“Bạc Quan Sơ!” Giọng này là của cô.
“Cô.”
Người phụ nữ ngồi trên xe điện, cầm cặp của cô rồi treo ở phía trước: “Thi xong rồi à?”
“Vâng.”
“Vậy lên xe đi, về nhà thôi.”
Hai người đi được nửa đường thì trời mưa, Bạc Phương đội mưa lái tiếp, lúc tóc hơi ẩm ẩm mới mặc áo mưa vào.
Bạc Quan Sơ khom lưng chui trong áo mưa, giọng nói rầu rĩ chuyền đến trước xe: “Ba cháu bảo cô đi đón ạ?”
“Tiểu Sơ, ba mẹ cháu đi rồi.”
Có khoảnh khắc, dường như cô không còn nghe thấy tiếng mưa rơi lộp bộp nữa. Bên cạnh có chiếc xe có rèm che lái nhanh qua khiến nước trong vũng nước bắn tung tóe lên một bên ống quần của Bạc Quan Sơ.
Cô hỏi: “Họ đi đâu vậy ạ?”
“Ngân Thành.”
Bạc Quan Sơ chỉ còn một ý nghĩ trong đầu, may quá, ngồi tàu hoả là đến được.
“Vì sao ba mẹ cháu đến Ngân Thành ạ?”
“Ba mẹ cháu nợ rất nhiều tiền, không có cách nào để trả nên đành trốn nợ.”
Ngày đó, chung quy cũng đến rồi.
*
Bạc Quan Sơ nói tiếp về chuyện của Vương Nhân Thành, đương nhiên cũng có cả Lương Viễn Triêu.
Vương Liễm nghe xong thì nhíu mày: “Đến giờ ba mẹ cô biết những chuyện liên quan đến giáo viên kia không?”
Bạc Quan Sơ lắc đầu: “Tôi từng ám chỉ, nhưng mẹ tôi vẫn cực kỳ tin vào việc giáo viên luôn là tấm gương sáng, bà ấy chưa bao giờ tin tôi nói. Sau này tôi cũng không muốn nói nữa.”
Vương Liễm Tiếp tục hỏi: “Từ khi nào thì cô nhận ra bản thân có vấn đề? Cấp ba?”
Bạc Quan Sơ tiếp tục lắc đầu: “Là gần đây. Thỉnh thoảng tôi sẽ chợt nhớ đến một vài chuyện khó chịu, sau đó tôi cưỡng ép bản thân rơi lệ, khóc xong tôi sẽ thấy rất thoải mái. Tiếng bạn cùng phòng ăn cơm hoặc là tiếng cười đứt quãng của người khác, những chuyện vặt vãnh bình thường như thế lại khiến tôi phát điên. Khi ở trong phòng tắm sấy tóc, tôi luôn cảm giác như có người cầm dao đứng ở cửa đợi để giết mình.”
Vương Liẽm vừa ghi chép vừa hỏi: “Khoảng thời gian trước chúng ta tạm gọi là cảnh ngộ thời niên thiếu, vậy cô cho rằng cảnh ngộ đó tạo ra bao nhiêu ảnh hưởng đối với cuộc sống hiện tại của cô? Dùng phần trăm để nói đi.”
Bạc Quan Sơ suy nghĩ chốc lát: “Tầm khoảng 40% đi. Hai năm nay tôi luôn nghĩ đến những chuyện hồi nhỏ, hơn nữa tôi còn rất kiên nhẫn kể với mẹ mình. Tôi muốn nói cho bà biết rằng, thật ra bà ấy không phải là một người mẹ tốt. Nhưng mẹ tôi luôn lấy lý do “con hư tại mẹ” để khăng khăng rằng bản thân không sai.”
“Vậy 60% còn lại, cô cảm thấy là nguyên nhân gì?”
“Mẹ tôi cảm thấy bà không sai.”
Vương Liễm lại hỏi: “Cô có người mà cô yêu nhất không?”
“Có, mẹ tôi.” Bạc Quan Sơ trả lời ngắn gọn.
“Bà ấy đối với cô như vậy, tại sao cô vẫn yêu bà ấy.”
Bạc Quan Sơ yên lặng rất lâu: “Tôi không biết.”
Dù cho bị tổn thương nhiều lần, nhưng cô vẫn có chờ mong.
Vương Liễm đưa cho cô một tờ giấy trắng: “Tôi muốn cô viết hai câu vào đây. Câu thứ nhất định nghĩa quan hệ giữa cô và ba mẹ cô, câu thứ hai là định nghĩa quan hệ giữa cô và các thành viên trong gia đình.”
Ngày đó ánh mặt trời rất đẹp, nó cho Bạc Quan Sơ đủ dũng khí để ngồi đối diện với bác sĩ. Cô viết rất nhanh, sau đó đưa cho Vương Liễm. Cả đời này Vương Liễm sẽ chẳng thể nào quên được câu mà cô gái viết trong đó.
[Tôi là một đứa nhỏ lớn lên trong mương nước hôi hám, vậy mà hai người họ lại cho rằng họ đã cho tôi một thiên đường.]
[Người nào cũng yếu đuối, nhưng bọn họ chỉ nghĩ đến bản thân, chưa bao giờ nghĩ đến tôi.]
“Ngoại trừ vấn để tinh thần ra, sinh lý có phản ứng khác thường nào không?”
“Một tháng trước, khi tôi đứng lên thì bỗng nhiên cảm thấy trước mắt tối sầm lại, nhưng không phải là tụt huyết áp bởi vì tôi cảm giác rất rõ rằng mình hơi run và co giật. Tôi không đứng được, mà mẹ tôi lại vẫn đứng ở bên cạnh cười như chẳng có gì.”
“Được.”
Cả quá trình mất ba tiếng, cuối cùng báo cáo cũng đến tay, kết quả là trầm cảm mức độ vừa kèn theo lo âu.
Bạc Quan Sơ cực kỳ bình tĩnh, cô hỏi Vương Liễm: “Bác sĩ Vương, xin hỏi tình huống của tôi điều trị thế nào ạ?”
Vương Liễm cười cười: “Từ lúc theo nghề đến nay, cô là người bệnh có năng lực tự chủ và điều chỉnh tốt nhất mà tôi từng gặp đấy. Tình huống của cô cần kết hợp điều trị tâm lý và điều trị bằng thuốc. Nhưng nếu bắt đầu từ ngọn nguồn, cô có thể không cần đến hai biện pháp này.”
Bạc Quan Sơ nói: “Tôi không định nói với bọn họ, hôm nay tôi đến chỉ là muốn xác định xem rốt cuộc tình huống của mình là gì thôi.”
Vương Liễm vô cùng kinh ngạc: “Cô không muốn điều trị?”
Thiếu nữ 20 tuổi cười giống như đóa hoa: “Chẳng phải tôi đã có vấn đề từ rất nhiều năm rồi à? Nhưng hiện tại vẫn tốt đấy. Bác sĩ Vương, cảm ơn anh. Tôi không đánh giá về trình độ y học của anh, nhưng anh là một người lắng nghe rất tốt.”
*
Bạc Quan Sơ không ngờ rằng, mùa Đông khi học nghiên cứu sinh năm nhất, bản thân sẽ gặp lại người đàn ông nở nụ cười dịu dàng kia; mà cô cũng càng không ngờ rằng, cuối cùng mình lại trở thành “người ngủ cùng” của anh ta.