Nơi đây trừ Hỉ Nhi, Thiện Nhi tuổi tác xấp xỉ Thi Yến Vi ra thì những người còn lại đều đã có tuổi. Mọi người cũng không thường xuyên chuyện trò với nhau, sau khi tất bật xong thì thường không còn hăng hái như những người trẻ tuổi mà chọn cách ra hậu viện nghỉ ngơi.
Lúc này bên trong thiện phòng chỉ còn mỗi ba người các nàng, cũng là thời điểm thích hợp nhất để nói chuyện phiếm.
Thiện Nhi năm nay hai mươi tuổi, lớn hơn Hỉ Nhi bốn tuổi, lại là người từ nhị môn được phái đến thiện phòng nên đương nhiên cũng nghe ngóng được nhiều điều hơn so với Hỉ Nhi.
Thoạt đầu ba người chỉ bàn tán chuyện về những người xung quanh nhưng dần dà, không hiểu sao chủ đề liền hướng về Tống Hành.
“Trước khi gia chủ cập quan từng định thân…” Thiện Nhi hạ giọng nói chưa hết câu thì đã bị Thi Yến Vi cắt ngang.
Không phải Thi Yến Vi không thích nghe bát quái nhưng chẳng hiểu sao nàng thực sự rất sợ Tống Hành, chuyện riêng tư về hắn cũng không đủ khơi lên nửa phần tò mò trong lòng nàng. Chưa kể cao môn đại hộ tôn ti nghiêm ngặt, khuôn phép lại nhiều, dám nghị luận chuyện tư mật chủ nhân chính là đã phạm vào tối kị.
“Thôi đừng nói, nghe sợ lắm. Có câu “tai vách mạch dừng”, mấy lời mạo phạm nếu lọt ra bên ngoài, cô còn muốn bộ da này nữa không?”
Thiện Nhi nghe xong, trái tim yếu ớt bị dọa cho nhảy dựng, định thần lại thì đã thấy lòng bàn tay rịn ra lớp mồ hôi mỏng, vội vàng che miệng, nghi thần nghi quỷ liếc nhìn về phía cửa sổ thì chợt thấy bóng người thon thả bước ngang qua, dọa cho nàng cả người hơi run, sau lưng ớn lạnh.
Thi Yến Vi thấy có người lại gần, bóng lưng kia nhìn rất có vài phần quen mắt liền nghiêng đầu làm một cái liếc mắt với Thiện Nhi, mày giãn sắc mặt hoà hoãn đứng dậy nghênh đón ở cửa. Người tới là Quy Vân của Thúy Trúc cư.
Quy Vân một bộ áo ngắn váy cạp cao màu xanh ngọc hoa văn hình tròn, kim châm trên tóc rực rỡ lấp lánh dưới ánh mặt trời, đong đưa theo cái uốn gối hành lễ của nàng, khiến nàng càng trở nên nổi bật chói lọi.
“Dương nương tử, gia chủ, Đại nương, Tam lang đều đang chờ ở viện Thái phu nhân dùng trà, mời cô sang đó một chuyến.”
Quy Vân nhắc tới nhiều người như vậy, Thi Yến Vi không khỏi nghi hoặc là ai lúc này lại đột nhiên cho mời nàng qua, lại không tiện hỏi nhiều nên đành phải gật đầu đáp ứng, dặn dò Thiện Nhi hai câu xong thì theo Quy Vân rời khỏi thiện phòng.
Hai người men theo lối nhỏ dẫn vào vườn, xuyên qua đường hoa rặng liễu một mạch đến Thúy Trúc cư.
Vừa vào phòng Thi Yến Vi đã nhìn thấy Tiết phu nhân đầu tiên, sau đó hạ người khoanh tay trước ngực thi lễ với Tống Hành và những người khác.
Trừ Tiết phu nhân và Tống Hành, Tống Thanh Âm và những người còn lại đều đứng dậy đáp lễ nàng.
Tống Thanh Âm dùng con mắt trong trẻo lướt từ trên xuống dưới đánh giá nàng một lượt, bất động thanh sắc quét mắt nhìn Tống Hành bên góc, tâm tình vốn kinh ngạc ban đầu nhất thời sáng tỏ thông suốt, giật mình ngộ ra hắn mời vị Dương nương tử này tới ắt hẳn là có dụng ý riêng.
Nàng mỉm cười bước tới nắm lấy bàn tay trắng nõn mềm mại như măng ngọc của Thi Yến Vi, khen ngợi: “Là Dương nương tử đó sao, quả nhiên hết sức xinh đẹp. Cô làm ta chợt nhớ đến câu này của Lý Bạch: Nhược phi quần ngọc sơn đầu kiến, hội hướng dao thai nguyệt hạ phùng.” [1]
[1][1] Hai câu trích trong bài: Thanh bình điệu kỳ 1 (Khúc hát thanh bình kỳ 1) của Lý Bạch.
Bản dịch của Ngô Tất Tố: Thoáng bóng mây hoa nhớ bóng hồng/ Gió xuân dìu dặt giọt sương trong.
Vừa nói vừa kéo Thi Yến Vi ngồi xuống chỗ bên cạnh, lại hỏi: “Không biết Dương nương tử tên là gì, có tiểu tự không?” [2]
[2][2] [Tiểu tự; 小字] tức là một dạng biểu tự, tên gọi khi còn trẻ hoặc không chính thức, khác với [Danh; 名] là tên chính thức, như Tào Tháo có tên chính là Tháo, mà tiểu tự là A Man. (Nguồn chú thích: Wikipedia)
Đây là lần đầu tiên Thi Yến Vi gặp được một người khéo léo thân thiện như vậy ở nơi này, nàng có chút luống cuống không biết phải làm thế nào liền lo lắng ngồi xuống, bình tĩnh đáp: “Gọi là hai chữ “Sở Âm”, cũng không có tiểu tự.”
“Là chữ “âm” nào cơ?”
Thi Yến Vi dừng lại, “Chính là chữ “âm” trong “âm luật”.”
Nụ cười trên mặt Tống Thanh Âm càng sâu, tỉ mỉ ngắm nhìn nàng, “Cả hai chúng ta đều có chữ “âm” trong tên, giờ gặp được nhau ở đây không phải là có duyên lắm sao? Nhờ cô thông minh tinh tế nên mới nghĩ ra cách dùng vụn trà đưa vào điểm tâm, thơm ngọt lại không ngán, khiến người ta chỉ muốn ăn mãi thôi.”
Thi Yến Vi không biết nên trả lời thế nào, chỉ mỉm cười gật đầu lịch sự.
Sơ Vũ bưng đến một chén trà đế cao, Thi Yến Vi nhận lấy nhỏ giọng cảm ơn, im lặng cúi đầu, từ từ uống trà trong chén.
Tiết phu nhân thấy nàng dè dặt, cực kỳ giống dáng vẻ lúc mới tới Tống phủ thì không giấu giếm thêm nữa, nói ngay vào chuyện chính: “Đại nương và Đoàn Nô đều thích món váng sữa hai lớp và bánh trà xanh củ từ nhân đậu đỏ cháu làm. Nếu không có gì bất tiện thì Dương nương tử có thể viết lại công thức, Để sau này rời đi đầu bếp ở phủ nhà nàng cũng có thể dựa vào đó mà làm theo được không?”
Thì ra là vì chuyện này, chẳng trách Tống Thanh Âm lại nói năng với nàng một cách thân thiện dễ gần như vậy.
“Cũng không có gì bất tiện, nếu đại nương thích thì để ta về ghi lại công thức mang tới.”
Tống Thanh Âm ghì tay nàng lại, không chịu để nàng rời đi, nở nụ cười nói: “Cô về làm gì, sao không viết luôn ở đây cho bớt việc? Thụy Thánh, lấy giấy và bút mực tới đây.”
Thụy Thánh đứng sau bình phong “dạ” một tiếng, tự mình đi lấy giấy mực, đợi mực được mài xong, Thi Yến Vi liền chấp bút viết xuống.
Thi Yến Vi mới tới chưa được nửa năm, nếu không phải lúc lên đại học từng chọn thư pháp làm môn tự chọn và luyện tập kiên trì trong một khoảng thời gian, chỉ dựa vào nửa năm ngắn ngủi này, chưa chắc nàng có thể viết xong được.
Bút pháp không lấy làm sắc sảo lướt qua giấy Tuyên Thành, thể chữ Nhan [3] được viết ra không được xem là đẹp, miễn cưỡng chấp nhận được.
[3][3] thể chữ Nhan (Nhan tự) là thể chữ của Nhan Châu Khanh thời Đường. Phong cách thư pháp “Nhan thể” là phong cách giáo khoa mà nhiều người theo học môn thư pháp ngày nay học hỏi.
Tống Thanh Âm kinh ngạc, đây không phải kiểu “tiểu triện” mà nữ lang trâm hoa thường dùng. Nàng nhìn Tống Hành đang ngồi im lặng trên ghế bành, thấy hắn dường như không để ý lắm đến nét chữ có phần xiêu vẹo của Dương Sở Âm mà ngược lại, đáy mắt mơ hồ lộ ra ý mừng nhàn nhạt, trong lòng càng thêm thông suốt.
Đợi Thi Yến Vi viết xong công thức thì đã là hai khắc đồng hồ (khoảng 30 phút) sau, Tống Thanh Âm cười tủm tỉm nhận tờ công thức, miệng không ngừng nói lời cảm tạ.
“Không có gì, đại nương không cần cảm ơn mãi thế.” Thi Yến Vi vừa nói vừa rũ mắt, tay trái nhẹ nhàng xoa cổ tay phải đau nhức do phải cầm bút quá lâu.
Tiết phu nhân thấy vậy đang định sai người đi lấy tiền thưởng, lời còn chưa kịp nói ra đã nghe Tống Hành ngồi ngay ngắn trên ghế thái sư mở miệng, thản nhiên nói: “Dương nương tử đã tận tâm như thế, chẳng nhẽ chỉ cảm tạ suông. Thương Lục, đi khố phòng lấy tráp khảm trai chim loan ngậm quả mới nhập kho cuối năm ngoái tới đây.”
Thương Lục cung kính đáp, đứng đậy khỏi ghế lui về Thối Hàn Cư.
Thi Yến Vi còn chưa biết hắn muốn ban thưởng vật gì thì đã thấy Thương Lục chạy ra đến cửa, tạm thời nhịn xuống sự thắc mắc trong lòng.
Khỏi phải nói thì lúc này ai nấy trong phòng hoặc dùng điểm tâm trà nước, vui vẻ nói chuyện phiếm, hoặc pha trà đốt hương, chơi cờ song lục, hoặc cũng có thể là đang tìm cách giải cửu liên hoàn.
Khi Thương Lục tìm tráp khảm trai trong khố phòng mang đến nơi, ngoài cửa sổ ánh tà dương đã ngả dần về hướng tây, ánh lửa rực rỡ đổ xuống mặt đất như được dát lớp vàng mỏng, trông thật lóa mắt.
“Cái tráp gia chủ nhắc tới phải chăng là cái này ạ?”
Tống Hàn “ừ” khẽ, trầm giọng bảo nàng đặt vật đó lên bàn gỗ lim trước mặt Thi Yến Vi.
Thương Lục làm theo lời hắn rồi lui về chỗ cũ.
Thi Yến Vi nhìn chiếc tráp khảm trai được chế tác khá tinh xảo, thân hộp được làm từ gỗ tử đàn thượng phẩm mà thành, tim nàng đập thình thịch, uyển chuyển từ chối: “Vốn chỉ là chuyện tiện tay không lấy gì làm to tát, cũng không đáng để được gia chủ thưởng.”
Ánh mắt sâu thẳm của Tống Hành dừng trên mái tóc đen mượt của Thi Yến Vi, nàng tuy ăn mặc giản dị mộc mạc nhưng vẫn có vẻ đẹp tươi tắn hết sức tự nhiên.
Có điều nàng vẫn đang ở độ tuổi nữ lang, thường ngày vẫn nên ăn vận màu sắc hơn mới tốt.
Tống Hành bưng trà lên nhấp một ngụm làm dịu cảm giác khô rát trên người, trầm giọng nói tiếp: “Cũng chẳng phải vật hiếm lạ gì, Dương nương tử đừng khách khí, lát nữa hãy mang về đi.”
Khác với Tống phu nhân lần trước cũng từng tặng trang sức cho nàng, Tống Hành không để người ta mở tráp ngay tại chỗ, càng không để ý đến những lời từ chối của Thi Yến Vi, thần sắc thoạt nhìn tuy bình tĩnh nhưng quanh thân lại lộ ra khí thế nói một không hai, không ai được phép cự tuyệt.
Chẳng biết Thu Thiền đã mang Đạp Vân tới từ khi nào, Tống Thanh Hòa ôm nó vào ngực, cười nói: “Dương nương tử không cần phải khách khí với Nhị huynh, chuyện nhỏ nàng chẳng là gì với hắn, cô cứ yên tâm nhận đi.”
Gương mặt phúc hậu của Tiết phu nhân ngập tràn ý cười, phụ họa thêm: “Nhi nương nói đúng đó, nếu đã là tâm ý của Nhị lang thì Sở Âm cứ nhận lấy đi cháu, đừng ngại.”
Cả hai đều nói đến nước này khiến Thi Yến Vi dù muốn hay không cũng phải chừa cho họ mặt mũi, nàng đứng lên khỏi ghế, hạ thấp người cám ơn Tống Hành.
Tống Hành gật nhẹ đầu với Thi Yến Vi, nhìn sang Tống Thanh Hoà, đều giọng nói: “Ta ở Tấn Châu còn có hai kim quan loan phượng thụ hoa cổ, ngày mai ta sẽ sai người mang đến tặng muội và Đại nương.”
Mọi người đều nhìn tráp khảm trai, bên trong đoán chừng là một số đồ trang sức, chưa kể xưa nay Nhị Lang luôn ra tay hào phóng nên cũng không có gì hay ho để tò mò. Ngược lại kim quan loan phượng thụ hoa mà hắn vừa nhắc tới mới là thứ khiến mọi người ngứa ngáy, loại tán hoa được môn phiệt quý nữ Ngụy Tấn săn đón không biết rốt cuộc có hình hài nào đây?
Giờ Dậu nhị khắc, nhóm tỳ nữ xách hộp đồ ăn nối đuôi nhau vào, chia thức ăn trên bàn dài làm bằng gỗ lê. Chẳng cần nói gì thêm Tiết phu nhân giữ Thi Yến Vi ở Thúy Trúc cư cùng nhau dùng bữa tối.
Cơm nước xong xuôi, Thi Yến Vi hàn huyên hai câu với Tống Thanh Hòa rồi hành lễ cáo lui, mang theo cái tráp khảm trai đẹp đẽ kia ra cửa.
Tống Hành đứng dậy từ biệt Tiết phu nhân, vừa đi ra đã thấy bóng lưng thẳng tắp thon dài của Thi Yến Vi, cảnh đẹp ý vui khiến hắn đứng dưới mái hiên dõi mắt nhìn theo nàng, mãi đến khi bước chân uyển chuyển dịu dàng kia dần khuất trong tầm mắt mới chậm chạp thu hồi ánh mắt, chân dài thong thả hạ xuống thềm đá, rời khỏi Thúy Trúc cư.
Thi Yến Vi đi thẳng về đến tiểu viện, đặt tráp khám trai trên án kỷ mở ra xem, đập vào mắt là một trâm cài hình loan phượng ngậm châu, một đôi khuyên tai vàng móc treo hình lá, một cây lược bạc khảm xà cừ, hai trâm cài hình cánh sen và một chuỗi vòng ngọc thủy tinh hạt vàng.
Nhìn kỹ viên trâu ngậm trong miệng loan phượng tuy không to bằng hai viên Tống Hành tặng Tống Thanh Hòa trong bữa tiệc sinh thần nhưng vẫn cực kỳ hiếm thấy, quan lại gia đình bình thường khó mà sở hữu được.
Thời điểm này Tống Hành còn chưa nhất thống phương Bắc nhưng Tống phủ đã có cuộc sống xa hoa bậc này, nếu thực sự nhất thống phương Bắc, chẳng nhẽ định đứng ngang hàng với hoàng thất hay sao?
Thi Yến Vi không dám nghĩ thêm nữa, đóng nắp tráp khảm trai giấu kỹ ở một góc nằm sâu trong tủ, nàng đốt hương vải thiều thanh đạm trong lư đồng hoa sen, đến trước thư án luyện viết kiểu chữ Nhan Chân Khanh.
Hôm sau Thi Yến Vi dậy từ rất sớm, rửa mặt mặc quần áo chỉnh tề xong thì đi thiện phòng.
Lúc Thi Yến Vi cùng nhóm Lưu mụ vây quanh bàn dài bữa sáng một cách qua loa thì chợt nghe bên ngoài truyền đến tiếng bước chân nặng nề, một tiểu tư ôm nửa sọt anh đào đi về bên này.
Lưu mụ buông bát đũa xuống, đang định hỏi thì tiểu tư kia đi trước bà một bước, lên tiếng: “Gia chủ có lệnh, lấy một ít anh đào trong giỏ làm món anh đào tất la đưa đi các viện, phần còn lại thì thưởng cho mọi người.”