• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Đêm đó, giờ Tý vừa qua, bầu trời âm u bắt đầu đổ mưa tuyết, từng bông tuyết lớn bằng lông ngỗng dần rơi xuống, Tống Hành ngồi trong đình suốt nửa canh giờ, nhớ tới đợt tuyết đầu tiên ở Thái Nguyên lúc ở biệt viện hành sơn, hắn và nàng nhìn nhau qua mưa tuyết rồi vào nhà làm những chuyện thân mật, sau đó hắn ôm nàng vào phòng tắm rửa, nằm trên giường ôm nàng ngủ chung. 

Những chuyện ấy mới chỉ xảy ra mấy chục ngày trước, có lẽ ngay từ lúc ấy, nàng đã toan tính rời bỏ hắn.

Vậy mà hắn còn tự mình đa tình. Tống Hành nhìn thẳng phía trước, mỉm cười tự giễu, hai tay nắm chặt vải áo thành nắm đấm, mu bàn tay chằng chịt những gân xanh. 

Tống Hành ngồi một mình thêm một lúc, đứng dậy rời khỏi đình, mặc cơn gió lạnh thấu xương cùng những mảnh toái ngọc đang rơi lả tả, rảo bước chầm chậm về Thối Hàn cư. Hắn chẳng còn tâm tư đón năm mới như mọi năm, thất thần rửa mặt qua loa rồi nằm dưới lớp chăn lạnh ngắt.

Thời điểm ấy, Tiết phu nhân và những người khác đã vui đùa đến tận nửa đêm, mọi người bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, cuối cùng tản về viện riêng nghỉ ngơi.

Cùng lúc đó, ở thành Lạc Dương cách xa ngàn dặm, trận mưa tuyết mỏng cũng lặng lẽ rơi xuống. 

Sáng hôm sau, khi Thi Yến Vi thức dậy, mái hiên vốn đã tan tuyết nay lại phủ thêm lớp tuyết mới, tuyết rơi tựa như bông liễu, sương giá cũng giăng đầy những nhánh cây trồng nơi viện. 

Hai bà mụ mặc y phục mùa đông dày nặng đứng trên con đường được lát đá xanh, chậm rãi quét tuyết, không ngừng bàn luận về lễ trừ tà ở thành Lạc Dương năm nay. 

Thi Yến Vi đã rửa mặt xong, ngồi trước bàn trang điểm tự mình chải tóc, vừa mới cài xong trâm bạc để cố định búi tóc thì có tỳ nữ gọi nàng đến chính phòng, dùng bữa sáng cùng với gia chủ. Thi Yến Vi nghe xong gật đầu đồng ý, cài đóa đỗ quyên lụa màu đỏ thắm, đi theo tỳ nữ. 

Ở chính phòng, bà mụ mặc y phục tối màu đang bưng đồ ăn sáng lên. Lâm Vãn Sương dặn Lâm Doanh ăn mì trước, rồi quay sang nói với Thi Yến Vi: “Hôm nay là mồng một tháng giêng cũng là mồng một Tết, các phường trong thành đều sẽ tổ chức lễ trừ tà, Tam nương theo nhà ta ra ngoài, xem cảnh náo nhiệt nhé.”

Lễ trừ tà không chỉ xuất hiện ở Lạc Dương mà gần như khắp nơi dưới triều đại này đều có tập tục ấy, tuy nhiên tùy vào từng nơi thì thời gian, cách thức cũng như quy trình sẽ có chút khác biệt. 

Vì mồng một Tết năm ngoái, Thi Yến Vi vô tình bị nhiễm phong hàn, thân thể suy nhược nên Tiết phu nhân cũng không phái người đến mời nàng xuất phủ xem lễ trừ tà, thành thử nàng cũng chưa từng được tận mắt nhìn thấy, giờ nghe Lâm Vãn Sương gợi ý thì vui vẻ chấp thuận ngay. 

Ăn sáng xong, Lâm Vãn Sương súc miệng rửa tay, tự mình mặc thêm áo choàng cho Lâm Doanh, sau đó còn sai người mời Lâm Việt tới.

Đợi Lâm Việt tới, nàng cùng Thi Yến Vi mỗi người dắt một bên tay của Lâm Doanh ra đến cổng phủ. Lâm Việt lặng lẽ theo sau, tự giác lên xe, ngồi đằng sau các nàng.

Ngã tư đường diễn ra lễ trừ tà giờ đã chật ních, tiếng người rộn ràng nhốn nháo, ngay đầu ngõ cũng chen chúc như nêm, vóc người Thi Yến Vi cũng được tính là cao so với các nữ lang, nhưng dù cố gắng nhón chân thì vẫn thấp hơn hẳn những lang quân đang đứng chắn trước mặt, nàng chỉ thấy được vài chiếc mặt nạ mặt xanh nanh vàng, thoạt nhìn hết sức dữ tợn. 

Bên tai truyền đến tiếng sáo nhịp nhàng cùng tiếng trống dồn dập, nghi thức trừ diễn ra quy củ trong tiếng hô hào cổ vũ của đám đông. 

Lâm Việt trời sinh cao gầy, đặt Lâm Doanh ngồi lên vai xem lễ trừ tà. Lâm Doanh bất ngờ thấy những người sắm vai ma quỷ, chẳng những không sợ mà còn hớn hở vỗ tay khen hay, khiến Lâm Vãn Sương cũng phải bật cười.

Sau lễ trừ tà, mọi người lại dạo quanh hội chùa, thưởng thức đủ loại đặc sản Lạc Dương ở những quán ăn nhỏ, thời gian trôi mau, thoáng đó mà đã sang buổi chiều. 

Lâm Vãn Sương chu đáo, dặn xa phu chở Thi Yến Vi về ngõ Điềm Thủy trước rồi mới trở lại Lâm phủ. 

Đến mồng ba Tết, tin tức về việc Thánh nhân thoái vị nhường ngôi cho Tuyên Võ tiết độ sứ Giang Tiều truyền đến Lạc Dương, dân chúng nghe tin ai nấy đều kinh ngạc, xôn xao bàn tán từ trong nhà ra đến đầu ngõ, nhưng chỉ vẻn vẹn mấy ngày sau, hết thảy đều trở lại bình thường, như thể việc đổi ngai chẳng có gì quan trọng, thậm chí còn không bằng chiến sự đang nổ ra ở châu quận gần đây.

Thi Yến Vi bàng quan với tình hình đang xảy ra bên người, mỗi ngày đều vùi mình ở nhà chép sách, mười ngày ngắn ngủi qua đi, không ngờ đã chép xong gần nửa.

Thời gian này, Lâm Vãn Sương bận rộn từ sáng đến tối với việc sắp xếp các cửa hàng bên ngoài phủ, quản lý hoạt động kinh doanh lẫn kiểm kê hàng hóa, nên chỉ để Lâm Việt dẫn Lâm Doanh qua ngõ Điềm Thủy thăm nàng hai lần.

Lâm Việt vẫn nhớ như in dáng vẻ Thi Yến Vi nhón chân xem lễ trừ tà vào hôm mồng một, biết nàng chưa thể thấy rõ chắc hẳn vẫn còn thấy hiếu kỳ, lần đầu tiên đến thăm đã mang theo tập tranh mỏng về lễ trừ tà để nàng xem.

Lần thứ hai lại mang theo những món đồ thú vị mua từ Tây Vực về. Vì sợ Thi Yến Vi không nhận nên nói rằng đó chỉ là những thứ bình thường, không đáng mấy đồng, phải thế thì Thi Yến Vi mới chịu nhận và còn hứa sẽ tặng hắn vài món khác để đáp lễ.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, chớp mắt đã lễ Thượng Nguyên (Rằm tháng Giêng), Lâm Vãn Sương tạm gác bộn bề công việc, cùng Lâm Doanh và Lâm Việt tới tìm Thi Yến Vi, rủ nàng lên phố dạo hội hoa đăng. 

Thi Yến Vi đã ở trong nhà suốt mười mấy ngày nay, sớm đã thấy chán, nghe vậy thì không có lý do gì để cự tuyệt. Nàng mặc một chiếc áo choàng từ kiểu dáng đến chất liệu đều rất bình thường, theo chân ra ngoài.

Trên đường đi, Lâm Việt tìm đề tài, kể về những câu chuyện dân gian mà hắn từng được nghe ở Tây Vực.

Xe ngựa dừng lại, cả nhóm hòa vào ngã tư đường náo nhiệt, lúc đi ngang qua một quán hoành thánh đắt khách, Thi Yến Vi dừng bước, mỉm cười ngỏ ý mời mọi người ăn hoành thánh.

Lâm Doanh ăn tối sớm, đúng lúc đang đói, không quan tâm đến phản ứng của mẹ và cậu, ngồi thẳng xuống băng ghế trước quán hoành thánh.

Thi Yến Vi bị hành động bất thình lình này của cô bé chọc cười thành tiếng, nhanh nhẹn gọi chủ quán nấu sáu bát hoành thánh, hai bát còn lại là của tỳ nữ Cẩm Lân và tiểu tư Thụy Nhi. 

Hai bát hoành thánh đầu tiên đặt lên bàn, Thi Yến Vi nhường Lâm Doanh và Lâm Vãn Sương ăn trước. Nàng vừa cầm thìa đưa cho Lâm Doanh thì đã nghe hai thư sinh mặc trường sam viên lĩnh đang ăn hoành thánh ở bàn bên cạnh rôm rả bàn luận về thời cuộc. 

“Hôm trước Thánh nhân nhường ngôi cho Ngụy vương, Ngụy vương còn chẳng kịp đón Tết, sáng sớm đã dẫn binh về Tuyên Võ, có khi nào là muốn định đô ở Biện Châu?”

Lang quân có vóc người mảnh khảnh hơn nghe vậy thì cau mày, ra vẻ cao thâm nói: “Theo mỗ thấy, Ngụy vương danh chính ngôn thuận được Thánh nhân nhường ngôi thì nên định đô Trường An mới phải.”

Hai người trò chuyện qua lại một lúc thì ở bàn liền kề, vị lang quân trung niên khoảng hơn bốn mươi tuổi đứng lên, lớn tiếng nói: “Hai vị hậu sinh chẳng lẽ đã quên, ở Hà Đông vẫn còn một vị Tống tiết sử luôn trung thành với Thánh nhân, chưa biết hắn có chịu thừa nhận chiếu thư này không?”

Hai vị thư sinh nghe xong đều rơi vào trầm tư, tựa hồ không còn lòng dạ nào ăn nốt món hoành thánh, cúi đầu nghiền ngẫm thế cục trước mắt. 

Khoảnh khắc nghe đến hai chữ “Hà Đông” cùng ba chữ “Tống tiết sử”, Thi Yến Vi gần như theo phản xạ có điều kiện, bả vai run rẩy, tim đập cũng nhanh hơn, ngay cả khi chủ quán mang hai bát hoành thánh còn lại đến, tay nàng vẫn đặt trên đầu gối, mãi không động đậy.

Lâm Vãn Sương nhạy bén nhận ra sự khác lạ của nàng, liền vỗ nhẹ vào mu bàn tay, quan tâm hỏi: “Tam nương, cô sao vậy?”

Thị Yến Vi cố gắng trấn tĩnh lại, miễn cưỡng cười gượng, lắc lắc đầu rồi điềm đạm nói: “Không có gì, chỉ là trong lòng cảm thán thế sự vô thường, Thánh nhân rõ ràng mới ở độ thiếu niên lang, tướng mạo tuấn tú.”

Trên phố không phải là không có lời đồn về tướng mạo của Thánh nhân, Lâm Vãn Sương cũng đã từng nghe qua, nhưng nhìn Tam nương bồn chồn không yên thì cũng nổi lên tò mò, mỉm cười trêu ghẹo nàng: “Tướng mạo tuấn tú? Trịnh Tam nương sống ở Trường An từ nhỏ, chẳng lẽ đã từng gặp Thánh nhân?”

Lúc ở cung Hoa Thanh và cung yến ở cung Đại Minh, nàng đứng cạnh Tống Hành nên đã từng nhìn thấy Thánh nhân thật.

Lời hỏi thăm ấy khiến Thị Yến Vi thiếu chút nữa đổ mồ hôi tay, lại sợ nàng ấy nhận ra điều gì nên vẫn làm như bình thường mà đáp: “Chưa từng gặp, vừa rồi ta chỉ buột miệng thôi.”

Lâm Vãn Sương thấy nàng đã lấy lại tinh thần, liền đẩy bát hoành thánh về phía nàng, dịu dàng nhắc nhở: “Hoành thánh phải ăn khi còn nóng mới ngon.”

Thi Yến Vi gật đầu, đáp lại một tiếng “Được”, rồi lơ đễnh dùng muôi gỗ múc từng miếng hoành thánh. 

Đảo mắt đã đến hai mươi tháng giêng, Ngụy vương Giang Tiều đã ngoài năm mươi tuổi đăng cơ xưng đế, lập nên Nam Ngụy, định đô ở Biện Châu.

Chỉ hai ba ngày sau, tin tức Giang Tiều đăng cơ đã truyền tới Thái Nguyên. 

Trình Diễm nhận được tin thì đến phủ yết kiến Tống Hành ngay trong đêm, thẳng thắn bày tỏ Hà Đông phải lấy chuyện ủng hộ triều đình làm cớ xuôi nam, đoạt lại nhị đô Trường An, Lạc Dương, sánh ngang hàng với Giang Tiều, mưu tính lâu dài. 

Trong lòng Tống Hành vốn đã có ý nam hạ, nghe lời khuyên của Trình Diễm, lập tức cùng hắn cưỡi ngựa đến quan thự, lại phái người đi mời ba vị tướng quân, triệu tập thêm phó sử, quan sát sử, phán quan, chưởng thư ký gấp rút đến bàn đại sự.

Mọi người thương nghị đến giữa đêm, cuối cùng nhất trí rằng trước mắt sẽ xuất binh từ Hà Trung, tiến về tây nam, chiếm lại Trường An, Đồng Quan, Hoa Châu do đội quân Giang Triều tạm quyền cai quản, đợi đánh hạ Trường An rồi hợp nhất với quân Hà Dương do Lưu Đồng sở lĩnh, cùng tiến về Lạc Dương.

Đêm đó, trăng sáng sao thưa, tiết xuân se lạnh.

Tống Hành mặc khôi giáp màu vàng óng, đứng ở sa trường điểm tám vạn quân mã, giờ Mão ngày kế tiếp, khi trời còn chưa sáng hẳn, hắn đã về tới Tống phủ từ biệt Tiết phu nhân cùng những người khác, sau đó cưỡi ngựa rời khỏi Thái Nguyên.

Đại quân một đường xuôi nam, thẳng tiến về Đồng Tân, chỉ trong vài ngày đã thuận lợi đánh hạ hai tòa thành, thừa thắng tiến về Hoa Châu.

Tướng lĩnh thủ thành Đồng Tân là họ hàng xa với Giang Tiều, võ công lợi hại nhưng đầu óc rỗng tuếch, được binh sĩ yểm hộ thoát khỏi thành, thấy quân Hà Đông hướng về Hoa Châu liền giơ roi giục ngựa, rong ruổi suốt đêm về Trường An, báo cho tướng quân thủ lĩnh. 

Tống Hành lệnh Vệ Tuân lĩnh một vạn binh đến Hoa Châu trước, trong đó năm ngàn binh được dùng để phục kích tuyến đường từ Hoa Châu đến Trường An, còn lại năm ngàn binh thì dựng trại ngoại thành, tạm thời án binh bất động.

Quách Đôn không biết quân Hà Đông cố tình thả hắn trốn thoát, hốt hoảng dẫn theo hơn mười kỵ binh tinh nhuệ tháo chạy đến chân thành Trường An, lớn tiếng gọi thành môn lang mở cổng.

Thành môn lang đã được đổi thành người của Tuyên Võ quân từ lâu, thấy người tới là thuộc hạ dưới trướng Ngụy vương, gấp gáp sai người lấy chìa khóa mở cổng.

Quách Đôn không kịp giải thích nhiều với thành môn lang, vội vã nói năm chữ “Quân Hà Đông sắp đến!”, không ngoảnh đầu lại mà giục ngựa phi nước đại lao thẳng vào thành. Hắn dừng trước quý phủ của Hoắc Hưng, viên tướng thủ thành Trường An, thuật lại toàn bộ việc Tống Hành lãnh binh đánh hạ Đồng Tân, mưu đồ Hoa Châu.

Về công, Hoa Châu chỉ cách Trường An hơn hai trăm bốn mươi dặm, nếu quân Hà Đông chiếm được Hoa Châu, Trường An tất sẽ lâm nguy. Về tư, tướng trấn giữ Hoa Châu, Thôi Quyết là con rể ông ta. 

Hoắc Hưng tự biết quân tình nguy cấp, cộng thêm lo lắng cho con rể, nhất thời rối trí, bất chấp sự khuyên ngăn của thuộc hạ tâm phúc, khăng khăng lệnh cho Tuyên Uy tướng quân Vương Húc dẫn hai vạn binh lên đường cứu viện Hoa Châu.

Ngày hôm sau, viện quân do Hoắc Hưng phái từ Trường An đã đến biên giới Hoa Châu. Tướng chỉ huy là Vương Húc đứng trên gò núi, dõi mắt về thành Hoa Châu ở đằng xa thì không thấy chút dấu hiệu nào của cuộc giao chiến, trong lòng không khỏi nghi ngờ, liền lệnh tướng sĩ đề cao cảnh giác, lưu ý động tĩnh chung quanh.

Đi thêm nửa canh giờ thì xuống đến chân gò núi, tiến vào quan đạo nằm giữa rừng rậm.

Vương Húc nắm chặt dây cương, ghì ngựa thả chậm tốc độ tiến quân, thầm nghĩ: Nơi này địa thế dốc đứng, nếu có phục binh ẩn nấp tình thế sẽ vô cùng bất lợi, cần phải cẩn trọng làm đầu. 

Đang mải suy nghĩ thì bỗng nghe thấy hai bên quan đạo bắn ra hàng trăm mũi tên, đen kịt như bầy châu chấu lao thẳng vào ruộng lúa vàng rực, tiếng vun vút phát ra rợn người, không lâu sau đã có hàng chục binh sĩ ngã xuống.

Vương Húc thấy tình hình, lòng đầy kinh hãi, vì sợ dao động lòng quân nên vẫn không hề tỏ ra kích động, ngược lại chỉ hít một hơi thật sâu, định bụng hạ lệnh rút lui, nào ngờ quân Hà Đông cầm kiếm dồn toàn lực tấn công, hàng cung thủ và khiên chắn phía trước đồng loạt căng cung bắn tên rồi đột ngột rẽ ra, nhường đường cho đội quân phía sau liều mạng xông lên hàng loạt, quân Ngụy bị đánh tan tác, hoảng sợ bỏ chạy tứ tán như bầy chuột chạy ngang qua đường.

Chỉ trong chốc lát, sĩ khí quân Ngụy rơi thẳng xuống đáy, hàng ngàn binh sĩ kinh hoàng chạy về phía sau, nào ngờ lại gặp đội kỵ binh gồm hai nghìn người của quân Hà Đông, mỗi người lấy một chọi mười, vung đao chém ngã quân Ngụy dưới vó ngựa, tiếng hò hét rung trời, máu chảy thành sông.

Bên ngoài thành Trường An. 

Tống Hành bày trận dài hơn hai mươi dặm, tự mình dẫn binh công thành, nhưng tường thành kiên cố cao ngất, nhất thời khó có thể đánh hạ. Trình Diễm và Tống Hành cũng không vội, mỗi ngày chỉ công thành khoảng hai canh giờ là gióng trống thu binh, kế đó lại đào chiến hào, bề rộng áng chừng hai mét ngay trước quân doanh. 

Bên trong thành, dân chúng hiếu kỳ nghe tin quân Hà Đông công thành ba ngày liên tục nhưng đều bất thành, đã vậy còn tự mình đào chiến hào bên ngoài thành, xem ra là có ý giằng co lâu dài với quân Ngụy, đợi lương thảo trong thành Trường An cạn kiệt. Đám người cảm thấy thích thú, tụ tập thành nhóm kéo nhau lên thành lâu nhìn xuống, xem cảnh quân Hà Đông như những nông phu, hăng hái đào hào.

Mười ngày trôi qua, Vệ Tuân chiếm được Hoa Châu, hội quân cùng Tống Hành ở ngoại thành, treo đầu Thôi Quyết và Vương Húc trên đài cao trước hào thị chúng. Hoắc Hưng đứng trên thành thấy đầu con rể yêu quý bị Vệ Tuấn chặt xuống, lại nghe bá tính bình dân bàn luận ầm ĩ, phần lớn đều ca ngợi quân Hà Đông thì tức đến thở dốc, đỏ mắt xuống thành, ngay lập tức triệu hồi tướng sĩ lẫn văn thần trong thành, bàn bạc đối sách đẩy lui địch.

Phó tướng Lưu Mậu đề nghị tử thủ cửa thành, lương thảo quân Hà Đông sắp sửa tiêu hao, đợi khi quân tâm rệu rã thì xuất thành nghênh địch, lúc đó nhất định sẽ đại bại Hà Đông Quân.

Hoắc Hưng mất thành, mất con rể, giờ sốt ruột muốn báo thù, nếu làm theo lời Lưu Mậu ở nguyên trong thành thì chỉ thấy uất nghẹn trong lòng, siết chặt nắm tay trầm ngâm không nói.

Thấy ông ta im lặng không lên tiếng nên ai nấy cũng không dám nhiều lời nữa, yên lặng đợi ông ta đề ra quyết định. 

Bầu không khí ngột ngạt bao phủ khắp gian phòng, im ắng đến mức có thể nghe lọt cả tiếng kim rơi. Bỗng có một viên văn thần mặt tròn bước ra khỏi hàng, thần sắc ung dung, chắp tay bẩm với Hoắc Hưng: “Tiết soái tung hoành sa trường gần ba mươi năm, còn Tống Hành kia chẳng qua chỉ là đứa nhóc miệng còn hôi sữa. Tiết soái ngại gì lấp phẳng hào rãnh, chủ động nghênh địch, tự mình dẫn quân xuất trận, khích lệ lòng quân, đánh đuổi quân Hà Đông chỉ trong một trận?”

Lời vừa dứt, sắc mặt của Hoắc Hưng có phần giãn ra, dường như có chút động lòng. Đám thuộc hạ quen thói nịnh hót ông ta thấy thế liền nói thủ thành là hành vi nhu nhược. Ngụy vương đã xưng đế ở Biện Châu, lập ra Nam Ngụy. Tống Hành tấn công Trường An là động thái làm phản, cần phải diệt trừ, lo gì quân Ngụy không có đủ sĩ khí.

Hoắc Hưng nghe xong, niềm tin tăng lên gấp bội, ngẫm nghĩ một lúc, hạ lệnh lấp phẳng hào rãnh ngay trong đêm, sáng mai xuất thành đánh với quân Hà Đông một trận.

Giờ Mẹo nhị khắc (5h30), chiến hào mà quân Hà Đông đã đào suốt bao ngày cơ hồ đã bị quân Ngụy lấp lại quá nửa.

Thủ hạ đến bẩm việc này, Tống Hành tự biết thời cơ chín muồi, hai ngày tới chính là thời điểm để hạ gục Trường An.

Hết giờ Mẹo, ánh mặt trời bên ngoài trướng chói chang, dân chúng đến thành lầu trông xuống càng lúc càng đông, đại để là đang thảo luận việc quân Hà Đông liên tiếp công phá Đồng Tân, Tề Châu, Đồng Châu.

Hoắc Hưng nhìn thấy chiến hào sắp được lấp phẳng, liền hạ lệnh mở cổng thành, thân lĩnh mấy ngàn tinh binh ra khỏi thành nghênh chiến, cao giọng hô to nhãi ranh Tống Hành chỉ là loại loạn thần tặc tử, ai lấy được thủ cấp hắn sẽ được thưởng trăm lượng hoàng kim. Nhất thời, sĩ khí quân Ngụy được đà tăng vọt. 

Tống Hành lưng đeo trường kiếm, xoay người ngồi lên chiến mã, tự mình lĩnh quân Hà Đông vượt qua chiến hào giao đấu chính diện, thế như chẻ tre, Quân Ngụy chống đỡ không nổi, rơi dần vào bại cục.

Vệ Tuân được vài chục tinh nhuệ che chở, tiến sâu đến dưới thành lầu quân địch, kéo căng trường cung bắn chính xác vào binh sĩ đang đứng trên thành lầu quan sát tình hình giao đấu. Mũi tên xé rách không trung, cắm thẳng vào lồng ngực binh sĩ kia, máu tươi lập tức bắn ra tung tóe. 

Dân chúng đứng xem thấy tên lính ôm ngực, ngã gục xuống đất, máu tuôn xối xả từ miệng vết thương thì mới nhận thức được tình thế đã trở nên bất lợi, trước chen sau lấn tranh nhau bỏ chạy, chỉ trong chốc lát cảnh tượng đã hỗn loạn vô cùng.

Cùng lúc đó, trong quân Hà Đông truyền tới tiếng hô lớn: “Ngụy quân thua chạy!”, Quân Ngụy nghe thấy, những kẻ tâm lý yếu đều dừng bước, hoảng hốt nhìn lại phía sau thì chẳng biết từ lúc nào trên thành đã loạn lạc thành đàn, quân Hà Đông dưới thành khí thế ngút trời, chém giết như ma, bất giác đều cảm thấy sợ hãi, không ngừng vứt bỏ giáp trụ tìm cách tẩu thoát. 

Tống Hành thấy chí khí quân Ngụy bị phá vỡ, lập tức xông thẳng về phía Hoắc Hưng, vung thanh trường kiếm huyền thiết trong tay đâm tới ngực ông ta.

Hoắc Hưng vội nắm trường thương bằng cả hai tay để cản đòn, nào ngờ Tống Hành chỉ bằng một tay đã đẩy lui lực đạo bằng cả hai tay của ông ta. Hoắc Hưng chỉ còn cách dồn sức lùi dần về đằng sau, thu hồi trường thương đâm ngược vào eo Tống Hành. 

Tống Hành siết chặt dây cương né sang trái, thừa dịp Hoắc Hưng điều chỉnh thế cầm thương, hắn vòng ra phía sau, chuẩn bị xuất kiếm thì bỗng lại có viên tướng khác lao tới, ngăn cản trường kiếm của Tống Hành. 

Tiểu tướng kia tuy là một trong những mãnh tướng dưới trướng Hoắc Hưng nhưng suy cho cùng vẫn không địch được một kẻ có đủ sức lực phi phàm lẫn võ nghệ trác tuyệt như Tống Hành, chỉ trong mười chiêu, thanh kiếm trong tay hắn đã bị Huyền Thiết kiếm trên tay Tống Hành chém gãy.

Hoắc Hưng thấu hiểu đạo lý “giữ lại núi xanh, sợ gì không có củi đốt”, thấy quân Ngụy từng bước thua trận, không còn cơ hội trở mình trước quân Hà Đông liền lệnh thân tín yểm hộ, bỏ thành chạy về Thương Châu.

Chỉ mất vỏn vẹn nửa ngày, Tống Hành lãnh binh vào thành, nghiêm lệnh không cho phép Hà Đông quân làm những việc đốt phá cướp bóc, chỉ đưa những tướng sĩ bị thương đến an trí tại cung Đại Minh, sau đó trấn an dân chúng trong thành cùng các cựu thần, mạnh mẽ lên án tặc tử Giang Tiều bức vua thoái vị, cướp đoạt ngai vàng, tạm thời lung lạc lòng dân, rồi để lại ba vạn quân Hà Đông trấn thủ thành Trường An. 

Đêm đó, Tống Hành vào phòng tắm rửa gội đầu xong, mặc một thân trung y màu bạch nguyệt, tùy tiện buộc sơ vạt áo. Vạt áo rộng rãi thoải mái dán vào lồng ngực, để lộ một phần cơ ngực cường tráng rắn chắc, từng giọt nước từ mái tóc nhỏ xuống, chảy dọc theo đường nét cơ thể, len lỏi vào phần bụng dưới bị che khuất, mang theo cảm giác lành lạnh.

Người hầu dâng cho Tống Hành một cái khăn sạch. Hắn nhận lấy, hiệu người lui ra ngoài rồi ngồi xuống sạp thấp, chậm rãi dùng khăn lau tóc ướt, trong đầu không kìm được lại nhớ đến cảnh tượng lúc lau tóc cho Thi Yến Vi. 

Tóc nàng vừa đen như mực lại mượt mà như lụa, nắm trong tay mềm mại dễ chịu, không như tóc hắn, vừa thô vừa cứng. 

Tay nàng trắng nõn tinh tế, hoàn toàn khác với tay hắn, to lớn thô ráp, lòng bàn tay còn có lớp chai mỏng, tựa hồ không cần dùng sức cũng dễ dàng để lại dấu đỏ trên cổ tay trắng ngần của nàng. 

Hắn không nên nhàn rỗi, thời điểm vô sự đều sẽ vô cớ nghĩ đến mái tóc nàng, mỗi tấc da thịt trên người nàng, ngay cả nước mắt nàng. 

Tống Hành hít một hơi thật sâu rồi chậm chậm thở ra, vẫn ngồi trên sạp, từ từ lau khô mái tóc đen ướt sũng. 

Chẳng bao lâu sau, một bóng người mặc áo đen đến dưới cửa sổ, Tống Hành cảm nhận được sự có mặt của hắn, chỉ hướng về phía cửa sổ trầm giọng nói một câu “Đi vào.”, lúc này bóng đen kia mới dám đẩy cửa sổ, bước vào trong. 

Hắn lại gần, quỳ gối chắp tay hành lễ, hạ giọng nói: “Hồi bẩm gia chủ, ti hạ đã đã tìm được tung tích Dương nương tử ở thành Lạc Dương. Nàng đang ở ngõ Điềm Thủy thuộc phường Tùng Thiện, vạn sự bình an.”

Vạn sự bình an. Tống Hành không ngừng nhẩm đi nhẩm lại bốn chữ ấy trong đầu, trái tim vốn yên bình lại một lần nữa nổi sóng, bàn tay đang lau tóc cũng khựng lại, từ từ buông xuống, để mặc mái tóc mới khô được một nửa rũ trên vai, thấm ướt vải áo. Chẳng hiểu vì lý do gì, lại vô cớ nhớ đến những lúc Thi Yến Vi bị hắn ôm vào lòng, từng giọt nước mắt nóng hổi ấm ướt y phục hắn. 

“Nàng làm thế nào để lên thuyền? Trên đường có gặp gỡ ai không?” Tống Hành trầm giọng hỏi.

Thuộc hạ vẫn luôn cúi thấp đầu, thành thật đáp: “Dương nương tử thông qua nha hành ở Trường An tìm được một thương đội xuất bến tới Đồng Tân, rồi lại ngồi thuyền đến Lạc Duơng. Lúc còn trên thuyền nàng làm quen với vị nữ thương họ Lâm, sau khi rời thuyền, nàng ở trọ tại một khách điếm thuộc phường Tùng Thiện, sau đó mới tìm thuê nhà. Khoảng thời gian này Dương nương tử vẫn luôn đội mũ sa che mặt, không hề để lộ dung mạo. Theo điều tra thì Dương nương tử hiện đang thuê một viện tử ở ngõ Điềm Thủy. Từ khi đến Lạc Dương, nàng duy trì mối quan hệ thân thiết với nữ thương họ Lâm, nhờ đó nên ti hạ mới có thể lần ra địa chỉ cụ thể của nàng.”

Lời vừa dứt, Tống Hành nheo cặp mắt phượng, trầm mặc một lúc thì khẽ mở môi mỏng, đầu ngón tay gõ nhẹ vào mặt bàn gỗ tử đàn, giọng nói trầm thấp: “Nhất định phải theo dõi chặt chẽ, không được để nàng phát hiện ra. Nếu có bất kỳ sơ suất nào, khiến nàng lại trốn thoát được, từ nay về sau các ngươi cũng không cần quay lại trước mặt ta phục mệnh.”

“Gia chủ an tâm, ti hạ quyết không nhục mệnh.” Thuộc hạ nói xong, tung người nhảy qua cửa sổ, chỉ một thoáng đã lặng lẽ ẩn mình vào bóng tối.

Trong phòng lại khôi phục sự yên tĩnh, Tống Hành lấy một chiếc khăn sạch khác đang treo trên giá, tiếp tục lau tóc.

Nàng đã được tìm thấy, ngay tại Lạc Dương, chỉ cách Trường An khoảng vài trăm dặm.

Đợi hắn chiếm được Lạc Dương, nàng sẽ trở lại bên hắn, chỉ thuộc về một mình hắn. Nàng bằng lòng cũng tốt, không bằng lòng cũng thế, dù sao đi nữa, hắn cũng có vô số thủ đoạn và biện pháp, chắc chắn sẽ khiến nàng ngoan ngoãn đi vào khuôn khổ.

Lòng hắn tràn đầy vui sướng, Tống Hành lau khô tóc xong, uống trọn một chén trà lạnh, khó khăn lắm mới kìm nén được niềm vui quá mức, không để cảm xúc bộc bạch ra.

Lâu rồi hắn chưa được ngủ ngon giấc, hiện giờ Trường An đã định, tung tích của nàng rõ ràng, Tống Hành không khỏi cảm thấy thư thái trong lòng, vừa ngả người chưa đầy một khắc đồng hồ đã ngủ thiếp đi.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK