Mùa đông ở Hải Châu vừa khô vừa buốt. Sáng sớm, Thi Yến Vi rửa mặt, trước tiên nhóm một chậu than đỏ bên giường. Sau khi Dương Quân tỉnh giấc, nàng mang đến bộ y phục đã sưởi ấm, giúp bé mặc vào, rồi dạy bé tự mình mang giày.
Dương Quân còn nhỏ, việc mang giày tất vẫn chưa thạo. Bé ngồi ở mép giường, loay hoay thử một lúc, cất giọng ngọng nghịu hỏi: “A nương ơi, mùa đông ở Hải Châu có tuyết rơi không ạ?”
Thi Yến Vi lần đầu trải qua mùa đông tại Hải Châu. Khi còn ở hiện đại, thời thơ ấu nàng lớn lên tại vùng duyên hải phía nam, chưa từng được thấy cảnh tuyết rơi. Song, Hải Châu nằm gần phương Bắc, có lẽ sẽ có tuyết chăng?
Dù không chắc chắn, nàng không muốn để bé thất vọng, bèn mỉm cười đáp: “Đợi trời lạnh thêm chút nữa, có lẽ sẽ có tuyết rơi.”
Tiết trời khô lạnh dễ làm da nứt nẻ. Làn da của Dương Quân non nớt, càng không chịu nổi gió rét. Thi Yến Vi trông chừng bé rửa mặt, đánh răng xong xuôi, rồi lấy hộp cao dưỡng da, cẩn thận thoa lên tay và má bé.
Khi ấy, Lý Lệnh Nghi vừa làm xong công khóa. Nàng bước vào thì thấy Dương Quân đang lấy loại cao dưỡng da thơm lừng màu trắng trên mu bàn tay Thi Yến Vi xoa cho nàng ấy, vừa xoa vừa nhỏ nhẹ nói: “A nương cũng thoa vào đi.”
Lý Lệnh Nghi không quấy rầy hai mẹ con, chỉ lặng lẽ ngồi xuống bàn bên cạnh.
Thi Yến Vi quay lại nhìn, hỏi nàng đã ăn sáng chưa. Lý Lệnh Nghi đáp rằng nàng đã cùng Vọng Tình ăn mì rồi.
“Ta và Trân Trân còn chưa ăn. Ta định ra chợ dạo một vòng, Lệnh Nghi có muốn cùng đi không?”
Lý Lệnh Nghi nhàn rỗi không có việc gì làm, bèn gật đầu đồng ý.
Thi Yến Vi sửa soạn một chút, đội lên chiếc mũ có rèm che, nắm tay nhỏ của Dương Quân, cùng bước ra ngoài.
Gần căn nhà các nàng thuê có một khu chợ, không cần đi xe ngựa, chỉ cần đi bộ là tới.
Hải Châu là vùng ven biển, dân cư phần lớn sống bằng nghề đánh bắt cá. Trong thành, khắp nơi đều bày bán hải sản tươi ngon.
Đi ngang qua một quán nhỏ, mùi thơm từ nồi nước sôi nghi ngút khiến Dương Quân dừng chân, đôi mắt sáng lên, tay kéo nhẹ tay áo của Thi Yến Vi làm nũng: “A nương, Trân Trân muốn, muốn ăn món trắng trắng kia.”
Thi Yến Vi nhìn nam lang đang giã thịt cá chăm chỉ, rồi nhìn nữ lang đang dùng đũa gắp viên cá cho vào nồi. Nàng thầm nghĩ món cá viên này chắc hẳn ngon lành, lại nguyên chất tự nhiên. “Được, Trân Trân muốn ăn cá viên, a nương sẽ ăn với con.”
Sau đó nàng quay sang hỏi Lý Lệnh Nghi và Úc Kim có muốn ăn cùng không. Cả hai người đều lắc đầu bảo không đói. Vì vậy, nàng chỉ gọi hai bát mì cá viên.
Chủ quán mời các nàng ngồi xuống. Sợ Dương Quân bị lạnh, Thi Yến Vi bế bé ngồi lên đùi mình, hà hơi, thổi nhẹ vào đôi tay nhỏ để sưởi ấm.
Mì cá viên nhanh chóng được mang lên. Lý Lệnh Nghi bảo Thi Yến Vi đặt Dương Quân vào lòng nàng. Bé rất thân thiết với người dì này, liền ngoan ngoãn để nàng bế.
Dương Quân mới hơn hai tuổi, cầm đũa còn chưa vững, thấy bé xoay sở một hồi vẫn không gắp được viên cá, Lý Lệnh Nghi vừa thấy đáng yêu, vừa thấy đáng thương. Nàng dịu dàng hỏi: “Để a di đút cho Trân Trân ăn nhé?”
Thi Yến Vi nghe chữ “a di”, đột nhiên nhớ ra dì và cậu thuộc hai thế hệ khác nhau. Cậu nàng mới ba mươi lăm tuổi mà đã lên hàng ông cậu rồi.
“Được ạ.” Dương Quân nghiêm túc gật đầu, đưa đũa cho Lý Lệnh Nghi. Nàng mỉm cười nhận lấy, đút cho bé ăn vài sợi mì, rồi gắp thêm một miếng cá viên nhỏ.
Trong lúc đang đút ăn, họ bỗng thấy bên quầy xuất hiện hai mẹ con dáng người gầy gò. Quần áo của hai người cũ kỹ, mỏng manh, tóc búi đơn giản, cài bằng trâm gỗ và buộc bằng vải thô. Cô bé kia nhìn chỉ chừng năm sáu tuổi, âm thầm nuốt nước bọt khi nhìn vào những bát mì nóng hổi.
Người mẹ mang theo một giỏ tre cũ kỹ đựng rau tươi theo mùa, có vẻ định vào chợ bán.
Thi Yến Vi và Lý Lệnh Nghi nhìn thấy đôi mẹ con với dáng vẻ tiều tụy, sinh lòng cảm thương. Nàng trao đổi ánh mắt với Lý Lệnh Nghi, đứng dậy mời hai người vào, nói muốn mua ít rau củ của họ.
Trong lúc nói chuyện, Thi Yến Vi quay sang dặn chủ quán nấu thêm hai bát canh cá viên.
Cô bé núp sau lưng mẹ, rụt rè nhìn hai nữ lang trước mắt, chỉ thấy các nàng đẹp như tiên tử bước ra từ bức họa.
Người lớn tuổi hơn bế trong lòng một tiểu cô nương, khuôn mặt tròn xoe trắng hồng, mái tóc cài đầy hoa vải và dây lụa, cổ đeo khóa bạc, cổ tay lại có thêm vòng bạc kèm chuông nhỏ, tất cả đều lấp lánh rực rỡ.
Cô bé thầm nghĩ, hai người này hẳn đến từ gia đình phú quý hiển hách. Đúng lúc này, chủ quán bưng hai bát mì ra bàn.
Thi Yến Vi nhẹ giọng nói: “Thời tiết giá lạnh, không bằng ngồi xuống ăn bát mì nóng. Rau cải trắng và rau dền gai của hai người, ta sẽ mua hết.”
Vừa nói, nàng vừa lấy túi tiền từ tay Úc kim, rút ra hai lượng bạc đưa cho phụ nhân kia.
Phụ nhân nắm lấy bạc, chỉ thấy bàn tay nặng trĩu, tim đập thình thịch, vội vã lắc đầu từ chối: “Số rau này làm sao đáng giá đến vậy…”
Lời còn chưa dứt, Thi Yến Vi đã vỗ nhẹ lên mu bàn tay nàng, nhoẻn cười ý nhị: “Mấy loại rau này ta đều rất thích. Thân là nữ tử, sức khỏe không thể qua loa. Trời rét thế này, nương tử hãy cầm số bạc này đi mua vài món y phục ấm áp mà mặc.”
Phụ nhân nghe vậy, nước mắt rưng rưng cảm kích, toan quỳ xuống tạ ơn. Nhưng Thi Yến Vi liền xua tay cười nói: “Đây chỉ là tích đức hành thiện, nương tử không cần đa lễ. Hãy giữ số bạc này cẩn thận.”
Nói rồi, nàng tháo một đóa hoa lụa từ trên đầu Dương Quân, cài lên mái tóc tiểu cô nương đang đứng bên cạnh, nhẹ giọng hỏi cá viên có ngon không.
Đứa bé ngây thơ đưa tay chạm lên đóa hoa lụa, đôi mắt ánh lên niềm vui sướng, gật đầu thật mạnh rồi ngập ngừng khen Thi Yến Vi và Lý Lệnh Nghi giống tiên nữ trong tranh.
Thi Yến Vi không nhịn được cười, yêu thương xoa nhẹ đỉnh đầu cô bé. Nàng quay sang hỏi chủ quán cá viên có bán theo cân không.
Chủ quán nói rằng bán, Thi Yến Vi liền mua thêm hai cân, gói lại rồi tặng mẹ con họ, tất cả đều do nàng chi trả.
Cá viên đưa vào miệng, quả nhiên thơm ngon, vị tươi đậm đà. Thi Yến Vi nhân tiện mua thêm một ít, bảo chủ quán gói trong giấy vàng để đem về nhà.
Trên đường trở về, Úc Kim xách một giỏ nhỏ, bên trong chất đầy đồ ăn thức uống. Cả Lý Lệnh Nghi và Thi Yến Vi cũng không rảnh rỗi, thay phiên nhau xách đồ và bế Dương Quân.
Khi về đến nhà, cũng gần đến giờ Ngọ. Thi Yến Vi dặn Úc Kim ôm Dương Quân vào phòng sưởi ấm, còn nàng thì tự mình chuẩn bị bữa trưa.
Thẩm Kính đã sắp xếp bốn thị vệ võ công cao cường, đi theo bảo vệ các nàng. Hai người luôn theo sát Thi Yến Vi mỗi lần ra ngoài, còn hai người kia trông coi hậu viện, mọi việc được an bài chu đáo, không chút sơ suất.
Tại Biện Châu cách đó ngàn dặm, Giang Thịnh thấp thỏm không yên, nhiều ngày không chợp mắt.
Tống Hành ngự giá thân chinh, hội quân với Vệ Trạm tại Đường Châu, áp sát Trung Võ. Nếu chiếm được Hứa Châu, thì Tuyên Võ ắt sẽ gặp nguy.
Trình Cảnh thấy thế cuộc nguy cấp, bất chấp an nguy bản thân, quỳ ngoài điện cầu kiến Giang Thịnh.
Quân nước Triệu thế như chẻ tre. Đến lúc này, Giang Thịnh mới bình tĩnh lại đôi chút, không làm khó Trình Cảnh, mà ra lệnh mời ông tiến vào.
Vừa gặp Giang Thịnh, Trình Cảnh liền quỳ trên nền gạch lạnh băng, khẩn thiết thưa chuyện: “Lão thần khẩn cầu Thánh thượng triệu hồi Vũ An hầu trở lại Biện Châu. Hầu gia từng theo tiên đế chinh chiến khắp nơi, thắng nhiều hơn bại, là một tài năng hiếm có. Nếu ngài ấy thống lĩnh binh mã đến Trung Võ có lẽ sẽ xoay chuyển được cục diện nguy nan.”
Giang Thịnh từng cân nhắc việc triệu hồi Thẩm Kính An, nhưng hắn từng chèn ép y quá đà, sợ trong lòng y nảy sinh oán hận. Huống hồ, thân là quốc quân một nước, hắn cũng khó mà cúi mình, để hạ chỉ triệu người về nắm giữ ấn soái.
“Nếu Thánh thượng không chê, lão thần nguyện dùng chút hơi tàn, đích thân đến Giang Tây mời Võ An hầu hồi triều.”
Có người đã xây bậc thang cho hắn bước xuống, Giang Thịnh cũng không làm cao nữa, lập tức chuẩn lệnh. Nhưng xét đến tuổi tác và sức khỏe của Trình Cảnh, khó lòng chịu đựng được hành trình gấp gáp, hắn bèn hạ lệnh tám trăm dặm truyền chỉ khẩn cấp.
Thẩm Kính An tiếp chỉ hồi triều. Hôm y trở lại Biện Châu, Trình Cảnh đích thân đến cổng thành nghênh đón, còn Giang Thịnh tuy đến trễ, nhưng vẫn trả lại binh phù cho y.
Giang Thịnh không nói nhiều, chỉ bảo y hãy nghỉ ngơi trong phủ một hôm, hôm sau vào giờ Mão dẫn binh đến Trung Võ, chống lại đại quân Triệu quốc.
Mười ngày sau, chiến sự tại Hứa Châu trở nên căng thẳng. Thẩm Kính An dẫn quân đến cứu viện.
Đêm đông lạnh giá, Tống Hành khoác một chiếc áo choàng lông hạc, đứng lặng trước doanh trướng, chăm chú nhìn về phía thành Hứa Châu.
Thẩm Kính An đã đến, nếu có thể bắt sống y, liệu có tìm được tung tích Âm Nương?
Âm Nương là người từ bi lương thiện, như thần nữ mang trong mình lòng trắc ẩn với vạn vật. Nàng nhất định không đành lòng nhìn Thẩm Kính An chết trước mắt mình. Vì cứu tính mạng cữu phụ, nàng nhất định sẽ ở lại bên hắn.
Hắn muốn giam giữ Thẩm Kính An bên ngoài cung, chỉ cần Thẩm Kính An còn trong tay hắn một ngày, Âm Nương ắt sẽ ngoan ngoãn ở lại bên cạnh hắn, không dám nghĩ đến chuyện rời xa hắn nữa.
Ngày hôm sau, quân Triệu đến dưới thành khiêu chiến.
Thẩm Kính An bình chân như vại, suốt ba ngày liền đều không ra khỏi thành nghênh địch.
Quân Triệu định vây khốn quân Ngụy, nhưng cũng là giết địch một nghìn, tổn hại tám trăm. Gió đêm ngoài thành lạnh thấu xương, tất càng thêm khó nhịn.
Chờ đến khi quân Triệu vì lạnh mà sinh bệnh, sức chiến đấu ắt suy giảm.
Trình Diễm nhìn ra ý đồ của Thẩm Kính An, lòng dạ lo âu, vội tìm Tống Hành thương nghị.
Tống Hành nói: “Nhữ Châu cách Hứa Châu không quá trăm dặm, có thể vận than củi và chăn bông chống rét từ Nhữ Châu đến. Huống hồ, thủ thành Hứa Châu là Viên Chử và Thẩm Kính An xưa nay chẳng có giao tình sâu sắc, hai người đó chưa chắc đã đồng lòng. Sao không nghĩ cách kích động Viên Chử?”
Trình Diễm nghe xong, nhanh chóng điểm lại những chuyện liên quan đến Viên Chử, chậm rãi nói: “Viên Sở về già chỉ có một đứa con trai độc nhất, hiện tại đang làm quan tại huyện Mật, thuộc quản hạt Trịnh Châu. Nếu bắt được con trai ông ta, ắt sẽ ép được ông ta xuất thành nghênh chiến.”
Huyện Mật cách Hứa Châu chưa đầy hai trăm dặm, phi ngựa nhanh thì chỉ mất hai canh giờ.
Ánh mắt Tống Hành thoáng u ám, quyết định chỉ trong chớp mắt. Hắn khoác áo choàng, dẫn theo hai ngàn kỵ binh tinh nhuệ, men theo đường nhỏ, thẳng tiến đến huyện Mật ngay trong đêm.
Khi đến huyện Mật, đã qua giờ Tý. Trong thành, quân dân đều đã ngủ say. Tống Hành dẫn binh công thành, trời chưa sáng đã chiếm được huyện Mật. Hắn ra lệnh quân Triệu thu thập binh khí, chiến mã trong thành, sau đó đích thân bắt giữ Viên Dụ, con trai của Viên Chử.
Bình minh vừa lên, quân Triệu vẫn không đến khiêu chiến. Viên Chử không khỏi sinh nghi, đứng trên tường thành nhìn về phía quân doanh nước Triệu.
Đến trưa, bất chợt thấy một đội quân đông đảo từ rừng cây phi tới, khói bụi mịt mờ.
Tống Hành giao Viên Dụ cho tiền phong, đến dưới thành kêu gọi.
Viên Chử đứng trên cao, trông thấy rõ ràng kẻ bị trói chặt không ai khác ngoài con trai mình.
“Thằng nhãi Tống Hành kia, ngươi đừngkhinh người quá đáng!” Viên Chử thét lớn, không màng đến lời khuyên can của thuộc hạ, vội vã xuống thành, lên ngựa xuất thành nghênh chiến.
Trong doanh trướng, khi Thẩm Kính An nghe tin, lập tức ra ngoài, không nói lời nào đã tự mình đánh trống lệnh thu binh.
Con trai ở ngay trước mắt, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc, Viên Chử nào chịu nghe theo, chỉ dẫn theo thân tín liều chết xông pha.
Viên Chử không địch lại Vệ Trạm. Hai bên giao chiến không lâu, quân Viên Chử đã rơi vào thế yếu. Đội quân dưới tay Viên Chử không phải binh sĩ được Thẩm Kính An huấn luyện, thực lực kém xa quân Triệu. Chưa đầy hai khắc, thắng bại đã rõ.
Tống Hành dẫn binh truy kích, Viên Chử được thuộc hạ bảo vệ quay về thành. Trong khi đó, Thẩm Kính An chỉ huy vài trăm quân ngăn cản, Tống Hành một ngựa xông lên, nhắm thẳng vào Thẩm Kính An mà đến.
Trong lúc giao chiến, Thẩm Kính An nhận ra kiếm pháp của Tống Hành sắc bén nhưng không phải sát chiêu, rõ ràng không muốn lấy mạng y.
Nghĩ đến chắc là do tìm không thấy Nhị nương, muốn bắt sống y, hòng ép y khai ra tung tích của nàng ấy.
Qua mười chiêu, Tống Hành phát giác Thẩm Kính An quả nhiên võ nghệ bất phàm, có thể giao thủ với hắn nhiều chiêu mà vẫn giữ được thế cân bằng, đây là lần đầu tiên hắn gặp đối thủ như vậy.
Nhưng nếu so về thể lực và sức lực, đối phương rõ ràng vẫn kém hơn.
Tống Hành tăng thêm lực đạo vào đường kiếm. Thẩm Kính An khó lòng chống đỡ, hai tay nắm chặt trường thương trong tay, liều mạng đỡ đòn. Tống Hành không có ý đoạt mạng, lập tức nương tay, chuyển mũi kiếm đâm xuống chân đối phương.
Thẩm Kính An vội vã xoay ngựa tránh né, nhưng Tống Hành không chịu bỏ qua, thúc quân Triệu quốc truy sát không ngừng.
Quân Nguỵ kịp thời đóng cổng thành, cắt đứt đường tiến của quân Triệu.
Viên Chử tuy may mắn giữ được mạng, nhưng lại trọng thương, còn Thẩm Kính An cũng bị một kiếm của Tống Hành đâm trúng.
Trong lòng y càng cảm thấy bất an, dù hận Tống Hành đã làm nhục Nhị nương, càng hận hắn đoạt đi sinh mạng của không biết bao nhiêu tướng sĩ Nguỵ quốc, nhưng không thể phủ nhận rằng Tống Hành chính là bá chủ không thể bỏ qua trong thời loạn thế này, là người có khả năng lớn nhất để thống nhất thiên hạ trong tương lai.
Nếu Nhị nương muốn thoát khỏi ma trảo của hắn, e chỉ còn cách rời khỏi nơi này, lánh nạn ở hải ngoại.
Trận chiến lần này, quân Nguỵ rõ ràng rơi vào thế hạ phong, sĩ khí không khỏi suy sụp.
Tống Hành thừa thắng xông lên, liên tục tấn công Hứa Châu trong nhiều ngày. Cuối cùng, đến ngày thứ mười, thành Hứa Châu bị phá.
Khi ấy, tướng thủ Trịnh Châu vì nghe tin huyện Mật bị quân Triệu công phá chỉ trong một đêm, đành phải tăng cường cảnh giác, đồng thời cấp báo đến Biện Châu.
Mấy ngày trước, Giang Thịnh vừa nhận được tin tức từ Trịnh Châu, nay lại nghe chiến báo Hứa Châu thất thủ, trong lòng nóng như lửa đốt. Để bảo toàn binh lực, hắn buộc phải ra lệnh tám trăm dặm hỏa tốc, yêu cầu Quách Trừng lập tức rút quân về Biện Châu.
Tin tức Hứa Châu thất thủ lan truyền khắp dân gian, cả thành Biện Châu chìm trong bàng hoàng.
Thẩm Kính An dẫn quân rút về Tuyên Võ, chờ quân của Quách Trừng đến Bạc Châu, hai bên hội quân rồi cùng nhau trở về Lạc Dương.
Thành Tuyên Võ được trấn giữ bởi những tướng sĩ từng theo Giang Tiều chinh chiến khi xưa, không dễ công phá như thành Trung Võ. Tống Hành bày kế, giả vờ công thành ở biên giới Tuyên Võ suốt mười mấy ngày, rồi đột nhiên chuyển hướng, toàn lực đánh vào Trịnh Châu ở tây bắc.
Tướng thủ Trịnh Châu tuy đã có chuẩn bị từ trước, nhưng vẫn bị đánh úp đến không kịp trở tay. Chưa đầy nửa tháng, tình hình Trịnh Châu đã vô cùng nguy cấp. Trịnh Châu cách Biện Châu hơn trăm dặm, nếu Trịnh Châu thất thủ, quân Triệu có thể thẳng tiến về Biện Châu.
Trên Minh Đường, bá quan văn võ tranh luận không ngớt về việc có nên từ bỏ Biện Châu để lui xuống phía nam hay không.
Thẩm Kính An cau mày, đề nghị: “Ti hạ cùng Quách Nguyên soái mỗi người đều nắm trong tay hàng vạn binh lực, Tuyên Võ lại có thêm năm vạn quân, chưa hẳn không giữ được Biện Châu. Nếu giờ Thánh thượng rời thành xuôi nam, chẳng phải là dâng nửa nước Nguỵ cho quân Triệu sao?”
Chu Bành vặn mày, nhìn hắn chằm chằm, nói: “Nếu Vũ An hầu thật sự có thể chống lại quân Triệu, thì đã không để Hứa Châu thất thủ, khiến quân Triệu liên tiếp công phá thành trì của Ngụy quốc. Nay quốc khố hao hụt, lại có nước Sở ở Lĩnh Nam dòm ngó, nếu không bảo toàn binh lực và tài lực rồi nam hạ, e rằng không chỉ nửa nước Ngụy, mà cả Ngụy quốc sẽ không còn.”
Hoài Nam hầu tiếp lời: “Trịnh Châu lâm nguy, nếu Thánh thượng còn do dự không quyết, đợi đến khi quân Triệu công đến Biện Châu, sự an nguy của Thánh thượng và tông thất Ngụy quốc, ai có thể đảm bảo?”
…
Trên triều, tiếng tranh cãi dần lắng xuống. Ngoại trừ một số võ tướng và các văn thần im lặng không tỏ thái độ, phần lớn quan viên ủng hộ từ bỏ Biện Châu, lui về phía nam.
Giang Thịnh day trán, đưa ra quyết định: Đêm nay sẽ rời Biện Châu.
Thẩm Kính An không đành lòng bỏ mặc Ngụy quốc và quốc quân, nhưng cũng không thể trơ mắt nhìn Nhị nương rơi vào tay Tống Hành hoặc Giang Thịnh. Ngay lập tức, y viết một phong thư, giao cho tâm phúc cưỡi hãn huyết bảo mã của y ngày đêm không nghỉ chạy tới Hải Châu.
Người ấy nhận lệnh, lên ngựa lao đi, hoàn toàn không hay biết hành tung của mình đã bị lộ.
Bảy ngày sau, ở Hải Châu.
Năm mới gần kề, ngày ngắn đêm dài. Trời vừa mờ sáng, Thi Yến Vi ra mái hiên thắp đèn lồng, bỗng nghe ngoài cửa có tiếng gõ dồn dập.
Dương Quân trèo lên ghế, ghé mắt qua ô cửa sổ nhìn ánh sáng từ chiếc đèn lồng, há miệng nhỏ giọng giục nàng mau vào nhà sưởi ấm, kẻo bên ngoài lạnh lắm.
Lý Lệnh Nghi lo bé té ngã, vội đặt cây phất trần trong tay xuống, bế bé xuống đất.
Ngoài cửa vang lên giọng nói trong trẻo của Thi Yến Vi: “Trân Trân ngoan nào, bên ngoài có người gõ cửa, a nương ra xem thử.”
Nói rồi, nàng bước xuống bậc đá, tiến về cổng lớn, cao giọng hỏi bên ngoài là ai.
Ngoài cửa không có ai hồi đáp. Nàng hơi nghi hoặc, lại hỏi một lần nữa nhưng vẫn không có tiếng trả lời.
Có lẽ người gõ cửa đã nhầm chỗ, nhận ra sai lầm mà rời đi. Nghĩ vậy, nàng không để tâm, quay người trở lại phòng.
Dương Quân vừa thấy nàng bước vào, chớp đôi mắt to tròn sáng rỡ, ngọt ngào hỏi: “A nương, ai gõ cửa vậy ạ?”
Thi Yến Vi bị vẻ đáng yêu nghiêm túc của bé làm rung động, mỉm cười đáp: “Không có ai cả, chắc là nhầm nhà rồi.”
“Làm sao có người lại không nhận ra nhà mình cơ chứ?” Dương Quân vẫn thắc mắc, dang đôi tay nhỏ xíu đòi nàng bế.
Lý Lệnh Nghi cười theo, bế Dương Quân đặt vào lòng Thi Yến Vi, giọng dịu dàng bảo: “Trân Trân chỉ cần thấy cô là dính chặt, đủ biết a nương như cô là người bé yêu quý nhất.”
Thi Yến Vi ôm Dương Quân, ngồi xuống ghế bành, lấy ra một con hổ vải cho bé chơi.
Dương Quân nhìn con hổ có vẻ hung dữ, liền nói: “A nương có biết làm thỏ nhỏ không? Trân Trân thích thỏ cơ.”
Con hổ vải ấy vốn là thứ nàng mua ở chợ với giá một quan bạc từ tay một bà lão, không phải do nàng tự may. Bị câu hỏi bất ngờ làm khó, hồi lâu nàng mới đáp là đợi qua Nguyên Nhật, thời tiết ấm lên, tay không bị cóng nữa, lúc đó a nương sẽ thử may sau.
Dương Quân liền đưa ngón út nhỏ nhắn, đòi cùng a nương ngoắc tay.
Đây là thói quen mà cữu ông của bé đã dạy.
Khi tin tức Thánh thượng mang theo hậu phi, tông thất và triều thần xuôi nam lánh nạn truyền đến Hải Châu, đã là ngày hai mươi tám tháng Chạp.
Trong thành Hải Châu, bá tánh vẫn chìm trong không khí náo nức đón ngày đầu năm mới, chỉ xem chuyện này như đề tài lúc trà dư tửu hậu.
Tựa hồ việc triều đại đổi thay, giang sơn đổi chủ chẳng liên quan gì đến họ. Chỉ cần chiến sự không lan đến Hải Châu thì không việc gì phải lo lắng.
Ngụy quốc bại trận, Thánh thượng xuôi nam lánh nạn. A cữu vẫn chưa gửi tin tức, không biết hiện giờ người có được bình an không?
Nàng có nên rời Hải Châu, lên thuyền theo thương đội ngoại quốc vượt biển không?
Lúc Thi Yến Vi đang hoang mang suy nghĩ, thì một thị vệ bỗng gõ cửa phòng nàng.
“Nương tử.” Thị vệ cung kính gọi một tiếng, đợi nghe thấy tiếng nàng đáp lời mới nói tiếp: “Tuy gia chủ không gửi thư đến, nhưng mỗ không dám quên lệnh của gia chủ. Nay Ngụy quốc thất bại, mỗ cùng đồng liêu sẽ hộ tống nương tử và nữ quan rời Hải Châu.”
Thi Yến Vi im lặng một lát, cuối cùng cắn răng gật đầu: “Được, ta sẽ thu dọn đồ đạc ngay trong đêm. Sáng mai, chúng ta sẽ đến bến cảng tìm thuyền vượt biển.”
Thị vệ đáp: “Mỗ đã rõ, nương tử cũng nên nghỉ ngơi sớm.”
Thi Yến Vi đứng đó, trong lòng nôn nao khó hiểu. Nàng lo lắng cho ngày mai, chẳng biết mọi việc có thể thuận lợi hay không. Không biết a cữu có bình an hay không, có cùng Thánh thượng xuôi nam lánh nạn hay không.
Nửa đêm ấy, Dương Quân dường như cảm nhận được sự bất thường của nàng, liền kéo tay áo nàng, dụi vào lòng, ngẩng đầu lên nhìn: “A nương, người không vui sao? Hôm nay Trân Trân… Trân Trân có phải không ngoan không?”
Thi Yến Vi cúi xuống bế cô bé, miễn cưỡng nở nụ cười, phủ nhận: “Không phải a nương không vui. Ngày mai a nương và a di sẽ dẫn Trân Trân đi thuyền lớn đến một nơi mà con chưa từng đến. Trên thuyền lớn có thể thấy biển xanh, hải âu trắng, có lẽ còn thấy cả cá heo nữa.”
Úc Kim cũng không hiểu “hải âu” hay “cá heo” mà nàng vừa nhắc tới là gì. Chỉ biết đôi khi Thi Yến Vi và công chúa Tuyên Thành sẽ thốt ra những lời mà nàng cùng Vọng Tình chẳng tài nào hiểu nổi.
Nghe vậy, Dương Quân tròn mắt, không giấu nổi vẻ tò mò: “Hải âu là gì vậy ạ?”
“Ừm, hải âu là một loài chim có bộ lông toàn màu trắng, thường bay lượn trên mặt biển.”
“Vậy còn cá heo? Cá heo là gì ạ?”
“Cá heo là loài cá có bụng trắng, thân xanh, trên lưng có một chiếc vây cong cong. Chúng thường nhảy lên khỏi mặt nước, trông rất linh hoạt.”
Nói đến đây, nàng chợt nhớ ra, chữ “động vật có vú” e rằng Dương Quân không hiểu, bèn đơn giản gọi đó là “cá”.
Đêm ấy, Dương Quân quấn lấy nàng, hỏi không ngừng về biển cả, cho đến khi cả hai đều thấm mệt mà thiếp đi.
Sáng hôm sau, xe ngựa đã chuẩn bị xong xuôi, thị vệ đến thỉnh các nàng lên đường.
Thi Yến Vi gật đầu đáp ứng, nắm tay nhỏ của Dương Quân bước ra cửa. Chưa kịp bước xuống bậc thềm, từ hậu viện vọng lại tiếng binh khí chạm nhau. Còn chưa hiểu sự tình, đã thấy một nhóm người quỳ rạp trước mặt mẹ con nàng.
“Ti hạ phụng mệnh Thánh thượng, đặc biệt đến bảo hộ Hoàng hậu điện hạ và công chúa được bình an.”
Hoàng hậu? Công chúa? Nàng đồng ý làm hoàng hậu của hắn khi nào chứ? Trân Trân lại càng không liên quan gì đến hắn!
Tên điên này! Vì sao đã gần bốn năm qua, hắn vẫn không chịu buông tha nàng?
Năm xưa hắn từng thề sẽ quên nàng. Nhưng nghĩ kỹ mà xem, có khi nào hắn chịu giữ lời với nàng đâu?
Lần này, nàng không nổi giận, cũng không run sợ như những lần trước. Chỉ còn lại cảm giác mỏi mệt và bất lực sâu sắc.
Đấu không lại, thoát không xong. Dù nàng có cố gắng thế nào, hắn vẫn như miếng cao dán dai dẳng, bám chặt lấy nàng, không cách nào gỡ ra được.
Nàng cố lấy lại bình tĩnh, hỏi: “Hắn đang ở đâu?”
“Duyện Châu. Chờ công phá được Thái Ninh, người sẽ tự mình đến gặp điện hạ cùng công chúa.”
Duyện Châu. Thi Yến Vi cẩn thận nhớ lại tấm bản đồ nàng đã xem không dưới ngàn lần, ước tính từ đây đến đó chừng năm trăm dặm.
Hải Châu là trấn quản hạt của Thái Ninh, binh lực chủ yếu tập trung ở Duyện Châu. Một khi hắn chiếm được Duyện Châu, toàn bộ Thái Ninh sẽ quy phục dưới chân Triệu quốc, trở thành quốc thổ của hắn.
Thi Yến Vi khẽ nhắm mắt, hạ giọng ra lệnh: “Bảo bọn họ dừng tay, không được làm hại bất kỳ ai bên cạnh ta.”
Người nọ cung kính ôm quyền nói: “Ti hạ tuân mệnh.”
Từ hôm ấy, phủ của Thi Yến Vi bị vây kín bởi binh sĩ Triệu quốc. Cả dịp Nguyên Nhật đến Thượng Nguyên cũng trôi qua trong cảnh tẻ nhạt vô vị.
Ngoài phòng tắm, phòng thay đồ và phòng ngủ, bọn họ kiên quyết không để nàng ra khỏi tầm mắt. Dù nàng muốn ra chợ cũng bị một đám thị vệ mặt mày nghiêm nghị theo sát, khiến người dân phải chủ động nhường đường. Điều này khiến nàng cảm thấy mình đang làm phiền đến người khác, nên chẳng mấy khi ra ngoài nữa. Mỗi ngày, nàng chỉ sai người mua đồ ít mang vào.
Qua Thượng Nguyên, tiết trời ấm dần, sắp đến ngày Hoa Triêu.
Một buổi chiều nắng đẹp, Tống Hành khoác chiến bào đến gặp nàng.
Khác với hai lần trước, nàng toàn bị áp giải để về diện kiến hắn.
Lần này, là hắn tìm đến nàng.
“Âm Nương.” Tống Hành không màng đến thị vệ và binh sĩ đứng xung quanh, sự vui sướng và kích động trong lòng không thể che giấu, cất tiếng gọi nàng.
Tiếng gọi ấy mang theo nỗi nhớ của hơn một ngàn ngày đêm, tình ý và yêu thương dành cho nàng đều hiện rõ trong ánh mắt, không chút che đậy.
Trình Diễm biết ý, liền dẫn mọi người lui ra xa.
Tống Hành đứng yên, lặng lẽ ngắm nữ lang đang lặng thinh trước mắt. Một lúc lâu sau, ánh mắt hắn mới chuyển sang bé gái chừng ba tuổi bên cạnh nàng.
Sợ cô bé thấy lạ mặt, hắn không dám tùy tiện đến gần, chỉ nghiêm cẩn đứng trước mặt hai mẹ con họ.
“Con bé tên Trân Trân, đúng không? Đây là con của trẫm và nàng.”
Giọng nói của Tống Hành nhẹ nhàng đến lạ, như một người cha đầy yêu thương, sợ rằng âm điệu hơi lớn sẽ khiến nàng hoặc cô bé giật mình.
Thi Yến Vi lãnh đạm liếc nhìn hắn, giọng nói hờ hững: “Trân Trân không phải là con của người.”