Tết Đoan Ngọ năm nay là ngày nắng đẹp. Sau khi dọn mâm cúng nương cũng bắt mấy đứa nhỏ ra ‘nháy mắt’ với ông mặt trời. Thất thúc, Vinh ca, Hân ca, a Bảo và ngũ cô đều về nhà nội từ chiều hôm trước. Xưởng nghỉ, quán đóng cửa nên chỉ còn tám người nhà ngồi ăn bánh trôi nước, nói chuyện linh tinh.
Sẵn dịp này, An ca nói chuyện ở quán như tính toán. Nương gật đầu đồng ý, còn nói sẽ theo qua nhà Lưu bá và dẫn hai đứa đi thăm Tiêu Ân thúc luôn. Mai thấy nương rất thích bé Anh nhà Tiêu Ân thúc. A, không phải nương muốn sanh thêm chứ!
Năm nay ngoài phần lễ cúng dường chùa và Đỗ lang y, nhà Mai có chuẩn bị thêm một phần cho sui gia. Cha nương nhờ nhắn tin La gia biết sẽ đến thăm. Nên Mùng bốn tháng năm cha nương đã đi thăm hỏi. Quà biếu là hai chục bánh ú, gói mức hạt sen lớn, mực khô – cá khô. Mức hạt sen này là do a Cúc làm.
Người trong làng đông đúc hơn, có nhiều nhà cũng bắt đầu đến hái ngó sen, đài sen. Mai tính xin cha nương cho mình trồng sen ở ao nước sau nhà. Ao sen rất có lợi, có hoa đẹp, củ sen, đài, lá rể đều dùng được. Cá tôm cũng thích sống trong ao sen, sinh vật phù du, thức ăn nhiều. Bây giờ trồng, hai ba năm sau là có để cả nhà dùng rồi.
Lúc xế trở về hai người đều vui vẻ khen Hùng huynh giỏi giang, lo liệu chu toàn, là người có trách nhiệm. Nhà Hùng huynh cũng có gửi quà biếu lại. Là hai con thỏ rừng, một rổ xoài chín và đặc biệt là hai gói nhỏ. Một là đầu rắn hổ đã nướng thành than giã nhỏ và mật gấu đã phơi khô.
Nọc rắn hổ rất độc nhưng dùng ít lại có công hiệu giảm đau tương tự như gây mê. Dân gian truyền nhau bài thuốc nướng than đầu rắn hổ, nghiền ra thành bột rồi đắp lên mấy cái răng sâu. Bảo đảm răng hết nhức đến cả chục năm sau luôn.
Nương cất gói nọc rắn, dặn Vĩnh ca:
– Hôm sau con mang gói mật gấu cho Đỗ lang y để ông dùng. Đây là thuốc quý, nhà mình cất riêng cũng không làm gì.
Hai ngày sau Tết Đoan Ngọ, Dương ông đi Lũng Kỳ theo lệnh quan trên. Trước đó Đỗ lang y nói với cha không cần lo lắng. Ông nghe lời đồn là có thay đổi quan gia trông coi vùng đất này. Là ai thì dân đen như họ cũng nộp thuế thôi; sẽ không có loạn lạc gì. Cha nghe xong cũng yên lòng.
Cũng trong ngày này, Tương huynh đi chành cùng nhà ngoại huynh ấy. Lần rồi thu được tiền lời do bán các giống cây làm huynh ấy rất mừng rỡ. Nhà ngoại huynh ấy muốn đi theo tìm mua giống cây mới nên đi chành sớm hơn mọi năm.
Sau ngày nghỉ, mọi người bắt đầu công việc vui vẻ hơn. Cách nhau vài ngày gặp lại có đủ chuyện để kể. Nương kéo tay ngũ cô hỏi chuyện nhà sui gia lục cô. Nhị bá thay mặt ông nội đến tặng lễ (do cha Tau Uon gần bằng tuổi nhị bá thôi, nên khi gặp ông nội nói chuyện hơi gượng ép). Nhà họ cũng trả lễ, lễ cũng trọng.
– Theo lễ nhà mình, mong là thật tâm coi trọng a Hạnh..
Nương nghe kể thở dài nói, đây là lo lắng nhất trong hôn sự của lục cô. Dù cùng sống trong vùng đất này nhưng mỗi gia đình Việt, Chân Lạp hay Tàu theo phong tục của mình. Khi kết sui gia chuyện này rất tế nhị, theo lễ bên nào? Nhà trai hay nhà gái? Chỉ có thể tùy cơ ứng biến.
Mai đang cùng lựa khoai lang giống, nói:
– Nương, khoai lang trồng mùa nắng ít sùng hơn mùa mưa năm rồi, chỉ là củ nhỏ hơn.
– Ừ, mưa nhiều quá khoai không ngọt, lại bị sâu ăn.
– Nương, hay mình đợi tháng chín hẳn trồng?
– Ý con là sao?
Mai nghĩ tháng chín trời còn mưa, nước ngọt rất thích hợp cho dây khoai phát triển; đợi đến tháng mười một trời bớt mưa lúc đó dây khoai có củ nhưng sẽ ít bị sâu ăn, làm củ khoai bị sùng.
Nghe Mai nói nương, ngũ cô và Cúc tỷ đều ừ, tính vậy rất tốt. Tháng mười một, mười hai nước còn đầy, muốn tưới nước cho dây khoai cũng không khó, hơi cực chút nhưng khoai sẽ có củ to, lại không bị sùng. Vậy để đất trống đến tháng chín cũng uổng.
– Nương không nhớ Tương huynh nói đậu nành trồng hơn ba tháng là thu được mà, giờ mình trồng đậu nành hết. Tháng chín hái đậu xong trồng tiếp dây khoai.
– Được không? Trước giờ không thấy ai làm, trồng liên tục đất bị bạc màu.
– Dạ được. Nhà mình có phân bón mà. Lúc cha bón phân lúa để lại một ít. Với nữa cây đậu chết đi cũng bồi thêm cho đất rồi.
Mai không dám nói là thật ra trồng xen kẽ làm cho đất đặc biệt là các cây đậu sẽ làm đất cân bằng dưỡng chất hơn. Đây là kỹ thuật xen canh của thời hiện đại.
Nếu trồng được vậy là thu được hai lần đậu và khoai, lương thực trong nhà được nhiều hơn, vậy, vậy được sao? Lúc cha nghe được cũng hết hồn, như a Mai nói nhà mình không sợ đất cằn, có phân bón bồi dưỡng.
Thật ra số giống đậu nành không đủ trồng hết. Nên vụ này là trồng đậu xanh, đậu đen và đậu nành. Tháng chín sẽ trồng khoai lang, khoai mì và khoai mỡ.
Nghe cách này, nghĩ đến số lượng hoa màu thu được cả nhà vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ. Sao trước đây chưa nghĩ ra cách này chứ? Trước đây chỉ có ít loại giống, đất rộng mênh mông mỗi năm một vụ đã không đủ sức làm. Nhưng thay vì khẩn hoang đất mới vất vả, thu được ít hơn. Trồng trên đất ruộng lâu năm sẽ tốt hơn nhiều.
Mang theo tinh thần phấn chấn tin tưởng vào vụ mùa mới, lớn nhỏ trong nhà bắt đầu trồng đậu. Trồng đậu phải gieo từng hạt vào lổ nên cần hai người đi từng hàng. Hàng người lom khom trên ruộng đúng nghĩ câu nói ‘bán mặt cho đất bán lưng cho trời’. Những nhà khác cũng đang trồng khoai đậu, hoa màu.
Cha nói Nguyễn bá cũng đào ao rộng, mua vịt con nhà Mai về nuôi. Con heo nái đẻ được tám con hồi tháng giêng, bá ấy giữ lại ba con nuôi, lớn hơn heo nhà Mai nhiều. Ở làng Đông Hồ đã có nhiều nhà bắt đầu nuôi gà vịt, nhưng heo thì chỉ có nhà Nguyễn bá và Mai nuôi. Cái khó là nuôi heo nái và heo con; giống nhà Nguyễn bá nhờ người ta đưa heo nọc đến phải trả ba phần heo con đẻ ra.
Mai muốn để nái một con heo cò và con heo bông nhà mình, nên để ý nuôi ba con heo cẩn thận. Còn việc tìm heo nọc giống thì sẽ nhờ nhà Nguyễn bá giới thiệu. Nhà mình nuôi heo nọc luôn được không? Con heo cò còn lại là con đực, chắc không dễ đâu! Kêu a Vĩnh “nghiên cứu” thử? Trước khi làm lang y thì làm thú y cũng tốt mà, ha ha.
Giống như gà vịt, thấy nhà mình nuôi nhà khác sẽ nuôi. Cuộc sống mọi người đều khá giả hơn. Ai cũng có đời sống sung túc, dân phong sẽ được nâng cao mấy hồi.
Rất nhanh đến ngày rằm tháng năm, An ca và Mai đang đào mấy cây mai trắng, mai vàng từ chùa về trồng. Hai cây mai trắng trồng trước cổng, hai cây mai vàng một cây trồng trước hiên nhà, một cây trồng gần cửa tiệm. Tưởng tượng mấy năm sau hai cây mai vàng nở hoa rực rỡ trong ngày Tết mà trong lòng lâng lâng sung sướng. Cảm giác giống như quay lại hiện đại kéo gần khoảng cách ba trăm năm.
Trời chiều đang mưa, con vịt cồ đang lạch bạch theo sau con cá rô bự lóc từ đìa lên ruộng. Gai lưng cá rô rất cứng, cứ rẹt rẹt giương lên mỗi khi mỏ vịt rỉa nó. Mai không khỏi buồn cười nhìn chúng trước sau tiến về vũng nước trũng trên ruộng. Đợi đến khi gần đến vũng nước cô mới chạy đến bắt con cá rô bỏ vào đục. Bụng nó to vậy chắc là đầy trứng, làm món cá kho tộ chấm với mướp non hấp cơm rất ngon.
Dạo quanh bờ ruộng một vòng, đục đã gần đầy cá rô, vọp, ốc, thêm phần của a Phúc nữa là đủ đồ ăn cơm chiều nay rồi. Dầm mưa nãy giờ thấy hơi lạnh, Mai bắt tay làm loa kêu a Phúc cùng quay về. Trong tay a Phúc có hai con ếch bị trói bằng mấy cọng rơm, cái đục cũng gần đầy. Càng ngày nhóc càng giỏi, nông dân chính hiệu rồi.
– Tắm nhanh, để cảm lạnh.
Nương lấy đục rồi hối hai đứa đi tắm. Lúc tắm xong thì nghe sân trước lao xao có tiếng nói chuyện.
– Có ướt không? Thay quần áo đi.
Là dì dượng năm đến, hai người cũng bị ướt một chút, mép quần dính bùn đất từ bờ rạch vào nhà. “Phải tranh thủ lát đá lối đi trên sân mới được”, Mai tự nhủ.