– Tìm nhà ai?
Cha bước lên bờ, chắp tay nói:
– Ta tìm nhà Lý huynh, nhờ huynh chỉ đường.
– Nhà a Sao phải không? Đằng kia. A Sao ơi, có khách.
Vị bá bá này thật nhiệt tình, giọng vang vang cả làng đều nghe. Từ ngôi nhà nhỏ cuối làng, a Sao đi ra, lúc thấy mấy người nhà Mai hắn mới bước nhanh hơn đón. Cách đó mấy nhà, Trương bá ra sân thấy cha rất vui vẻ đi nhanh đến, chắp tay.
– Lê tứ đệ, không nghĩ là đệ đến. Đi, Lý đệ chắc vui lắm.
– Trương huynh vẫn khoẻ, đệ đến không báo trước mong huynh thứ lỗi.
– Không cần khách sáo, đệ đến lúc nào cũng hoan nghênh!
Vừa nói chuyện vừa đi, đến nhà Lý thúc đã chống nạng đi ra. Chào hỏi nhau rồi lần lượt vào nhà. Ngôi nhà ba gian rất đơn sơ, cột cây, mái lá. Để nhóm đàn ông vào nhà trước, nương hỏi a Sao:
– Ta xuống bếp phụ cháu nấu nước, đừng ngại.
– Dạ, cảm ơn thím.
Căn bếp càng sơ sài hơn, mấy cái nồi đất, chén úp lộn xộn trên giàn cây. Haiz, nhà không có đàn bà. A Sao ngượng ngùng nhìn nương và Cúc tỷ dọn dẹp, nhóm bếp. Bình ca, An ca mang theo gạo, nếp, khoai, đậu vào.
– Thím, không cần đâu. Nhà cháu có, ở trong này.
Hắn chỉ vào giàn cây gần vách buồng, trên kệ là mấy bao bố, gói lá, còn có mấy dây gai treo cá khô đủ loại lớn nhỏ, hình như có thịt rừng nữa.
– Không sao, cháu lên hỏi cha cháu xem chiều nay muốn ăn món gì? Xung quanh đây có rau rừng không? Dẫn a Vĩnh, a Mai đi hái sớm kẻo trời tối.
– Dạ.
Tiếng Lý thúc và Trương bá ở nhà trên bàn bạc:
– Nướng thịt cầy muối nhà ta đi, còn bình rượu nữa.
– Được, bắt hai con gà rừng nướng, khô cá lóc bông cho mấy cháu nhỏ.
– Được rồi, vậy đủ rồi.
Trương bá đứng dậy về nhà lấy rượu thịt, lúc quay lại có một vị bá mẫu và một bé gái theo sau.
– Ta và a Thảo đến phụ một tay. Thím cứ dặn.
– Tẩu nói vậy sao phải, tẩu quen việc ở đây. Ta làm theo là được.
A Sao dẫn mấy đứa ra vườn. Nói là vườn nhưng không trồng rau thẳng hàng lối như nhà Mai, mà bọn chúng mọc chen nhau. Mấy cây rau dền đỏ vươn cao hơn đầu người bị ngọn mồng tơi quấn xung quanh. Rau lang bò khắp nơi, còn có một đám rau dáng mọc dọc ven bờ gần tới nước. Con Mực chạy vòng quanh đánh hơi. Cả ngày nay ở trên ghe túng chân, nên lúc nãy lên bờ nó rất hưng phấn.
Ánh nắng bị rừng cây xung quanh che hết nên mặt trời vừa xuống thì trời tối rất nhanh. Đống lửa lớn được đốt lên cháy hừng hực. Trong sân có thêm thúc thúc của a Sao và Trương tam thúc.
Trương bá đi xuống bếp nói với Trương bá mẫu:
– Nàng ướp gia vị cho ngon, ta làm món gà nướng gia truyền đãi nhà Lê đệ.
– Được, chàng lo món cầy muối của chàng đi.
Lúc Trương bá đi lên sân trên, bá mẫu xì cười, nhìn nương thân thiết nói:
– Chàng cứ nhắc nhà thím hoài, nói không biết khi nào có dịp đến thăm thết đãi nhà thím mới hả lòng. Cả nhà ta ghi ơn nhà thím, không biết làm sao trả ơn này.
– Tẩu đừng nói vậy, Mấy nhà chúng ta thật lòng đối đãi là quý nhất rồi. Cái này cũng tính như chúng ta có duyên với nhau, phải không?
– Đúng, đúng, là chúng ta có duyên.
Nương bàn với bá mẫu nấu thêm nồi cháo đậu xanh. Mùa nóng ăn cháo đậu rất tốt, mấy đứa nhỏ không bị nổi mụt trăng trong miệng. Còn thêm nồi cơm nhỏ ăn với rau luộc, khô cá lóc bông. Nồi cơm là cho cha, ngày nào cha cũng ăn cơm buổi chiều tối mới ngủ yên. Nhớ lần trước cha đi làm heo Tết nhà Nguyễn bá, tối ăn tiệc đủ thứ, về nhà chỉ còn cơm, không có thức ăn mặn. Cha chỉ hái mấy trái ớt trong vườn rồi ăn hết chén cơm mới ngủ được.
Thím và hai đường đệ của a Sao đến lúc dọn bàn ăn. Thím có nước da ngăm đen, gương mặt hơi vuông có nhiều nếp nhăn ở trán và mắt, điển hình của người hay ‘nhăn mặt nhíu mày’. Thím ấy có vẻ ít cười ít nói, chỉ đơn giản một câu ‘Ta bận việc nhà’ để giải thích chuyện mình đến trễ.
Lúc hái rau xong a Sao chạy đi ra ven rừng ôm về nhánh lá tràm, hun khói đuổi muỗi. Mai chạy lại giúp hắn làm, cô đang lo tối nay ‘không yên’ với lũ muỗi đói.
– Từ đây đi ngã bảy phải ngủ lại một đêm ở Giồng Riềng hoặc Gò Quao. Mùa này Sông Lớn nước êm nhưng nhà đệ chưa đi lần nào, vẫn nên đi đường trong, xa hơn nhưng an toàn hơn.
– Đệ cũng tính vậy.
Trương bá rờ rờ hàm râu ngắn ở cằm, nói tiếp.
– Như vầy đi, nhà đệ ăn cơm trưa xong hẳn đi, ta và a Trám ngủ một đêm với đệ ở Giồng Riềng.
Ý Trương bá là sợ nhà Mai neo ghe ở chỗ lạ không an toàn. Cha Mai cũng hiểu ý, hơi ngập ngừng rồi đồng ý, chắp tay nói: – Đa tạ Trương huynh.
– Không cần, không cần. Ta nói ba nhà chúng ta đừng khách khí mà thành xa lạ.
– Phải,
– Phải,
Cha và Lý thúc gật đầu nói phải, lại tiếp tục mấy chuyện trên trời dưới đất. Thịt gà nướng thơm lừng, ăn rất ngon, vừa mềm vừa thơm, có vị quế và tiêu.
– Thịt gà ngon quá, đúng là gia truyền nhà Trương bá.
Nghe a Phúc khen ngon, Trương bá mẫu bật cười nói với lên bàn trên.
– Chàng kể món gà gia truyền cho a Phúc nghe đi, nó hỏi nè.
Mọi người cười làm nhà Mai ngạc nhiên, có ẩn tình gì đây. Trương bá e hèm một cái rồi kể. Mấy năm trước, hai huynh đệ vào rừng săn thú, mải theo con mồi bị lạc đường phải ngủ đêm trong rừng.
Sáng hôm sau phát hiện lương khô mang theo bị đàn khỉ tha đi gần hết, đành làm thịt con gà rừng săn được hôm qua đem nướng. Lúc đi ra vũng nước rửa thịt thì thấy xung quanh có mùi thơm, tìm một lát phát hiện mùi thơm từ vỏ cây gần đó, còn tìm được mấy chùm trái nhỏ nhỏ có vị cay nồng. Trương bá cắt nhuyễn vỏ cây, làm dập ít hạt cay trộn với muối rồi xát lên thịt gà. Lúc gà được nướng thì mùi thơm và vị làm người ta muốn chảy nước miếng, thịt ăn rất ngon còn ấm bụng, tinh thần thoải mái, hưng phấn.
Bá ấy mới lấy về nhà chỉ bá mẫu ướp vào thịt khi nướng, ai ăn cũng khen, mấy lúc trời mưa lạnh ăn vào rất ấm áp. Từ đó, mấy nhà trong làng Giá Khê Thượng đều hỏi cách làm.
– Đây là cách làm món ăn đặc biệt ở làng ta, đệ đi nơi khác không có đâu.
Cha Mai gật đầu nói phải, mọi người lại cười cái rần. Buổi tối trôi qua cũng nhanh, ba mẹ con Mai được ngủ trong buồng với a Phúc, mấy đứa con trai cùng a Sao ngủ ngoài ghe. Trương bá, Lý thúc và cha còn chưa nói chuyện xong nên cùng nằm ở ván gỗ nhà trước tâm sự đến khuya. Lạ chỗ nên Mai ngủ lơ mơ, Cúc tỷ cũng vậy, hai chị em xoay qua lại làm giường kêu cọt kẹt. Nương vươn tay vỗ vỗ hai đứa. Trằn trọc mãi cũng ngủ một lát.
Buổi sáng trong rừng xôn xao tiếng chim kêu, tiếng vượn hú, tiếng ong vo ve trên những ngọn cây. Dưới mặt nước là những lớp lá mục, lớp phù sa bồi tụ, qua nhiều năm tháng con rạch nhỏ bị lấp dần chỉ còn là những vũng lầy. Chiếc ghe khó khăn mới tiến dần vào trong.
– A Sao, bình thường ngươi đi vào đây bằng cách nào?
Chiếc ghe nhà a Sao đã bán để có tiền thang thuốc cho Lý thúc, Mưu sinh trong rừng ngập mặn này không có ghe xuồng thì làm sao? Dùng chiếc bè tạm ở con rạch kia sao.
A Sao giả như không nghe Mai hỏi, chỉ dùng cây gạt đi những dây leo giăng ngang giăng dọc để Bình ca chèo tiếp. Cây giá có thân thẳng, mọc san sát thành rừng. Đến điểm cụt của con rạch, mấy đứa theo chân a Sao đi vào khu đất cao có nhiều cây cổ thụ, thân lớn cỡ hai ba đứa trẻ ôm không hết. A Sao vừa đi vừa quan sát mấy tán cây.
– Nhìn kìa, tổ ong này ta để ý lâu rồi. Đợi nó lớn hơn sẽ mang về.
Len lỏi trong rừng, mấy đứa nhỏ lần đầu tiên được dẫn vào rừng rất ngạc nhiên và phấn khích. Theo chân a Sao thu hoạch được không ít, tổ trứng chim, trứng gà rừng, tổ ong mật, mấy loại rau rừng, trái cây nữa. Đang rướn người bẻ nhánh trái ô môi, bỗng độp, mấy trái bần ai chọi trúng vai.
Là đàn khỉ rừng, có ba con khỉ lớn nhỏ kêu chít chít trên cành cây bên kia.
– Không sao đâu, bọn chúng chỉ đùa giỡn thôi.
A Sao vội chạy qua, cành cây trong tay khua khua đuổi chúng đi.
– Trái này ăn được không tỷ?
A Phúc thấy tay Mai còn cầm nhánh trái ô môi nên hỏi, Mai nhìn a Sao như hỏi hắn (cô đương nhiên biết là ăn được).
– Ăn được, ngọt ngọt, nhưng mà ăn xong dính miệng đen thui.
Dù sao cũng ăn được, cứ hái về làm đồ ăn vặt cho vui miệng. Gom hái nhặt được một nửa ghe đủ thứ ‘lộc’ từ rừng mấy đứa mới hài lòng đi về. Lúc đi ra nước bắt đầu lớn, chỉ lờ mờ thấy được con rạch cũ, chốc lát nửa sẽ không nhìn ra, chỉ có thể phân biệt đường đi bằng những dấu vết dây leo bị bị kéo bỏ hoặc những nhánh cây gãy.
Khói bếp lượn lờ trên những mái nhà trong làng, người ở đây chỉ ăn ngày hai bữa nên bữa sáng trễ hơn so với nông dân làm ruộng. Trời khuya canh năm ở đây rất lạnh, sương sớm rất độc hại, nếu không phải bất đắc dĩ thì những người đi rừng không vào rừng quá sớm.
Mai nhìn ống quần bị rách do gai rừng, giờ Mai mới biết tại sao a Sao lấy dây gai buộc mấy nút ở đầu gối, ở vai áo. Giống như cái bếp lạnh tanh tối qua, ngày thường chắc hai cha con ăn đồ nướng trên đống lửa chứ ít khi nấu thức ăn hay nấu nước uống.
Đứa nhỏ không có mẹ như cỏ dại, cây hoang bên đường, dãi nắng dầm sương, một mình lớn lên.
– A Sao, con trèo hái mấy quài cao, chọn quài già, trái lớn.
– Dạ, cha.
Mai ôm rau vào bếp, kéo áo nương nói nhỏ mấy câu. Trong bếp ngoài Cúc tỷ còn có cô bé Thảo nhà Trương bá đang canh bếp. Nghe Trương bá mẫu nói a Thảo chỉ nhỏ hơn Mai mấy tháng, đã chín tuổi mà thấp hơn Mai nửa đầu, gầy nhom. Cô bé này trải qua tai nạn cá sấu lần trước chắc không khỏi chấn kinh, hơi nhút nhát.
Thấy nương và Cúc tỷ soạn kim chỉ vá quần áo cho a Sao, cô bé lại gần chăm chú nhìn. Mai hỏi bé:
– Muội biết may vá chưa?
– Chưa,
Cô bé lắc đầu không dám nhìn nữa, Mai cười nói:
– Để Cúc tỷ dạy muội.
Cô bé nhìn Cúc tỷ mong đợi, tỷ mỉm cười nói:
– Lại đây, để a Mai canh bếp cho.
Trương bá mẫu một mình lo cho a Thảo và hai đứa con trai nhỏ nên không có thời gian chỉ dẫn con gái lớn. Từ ngày gặp tai nạn cá sấu, bá mẫu cũng quan tâm nhà a Sao, nhưng lực bất tòng tâm, không lo đến những việc tỉ mẫn như người nhà được. Nếu a Thảo biết làm, để tâm giúp mấy việc trong nhà thì Lý thúc và a Sao cũng dễ dàng hơn.